Mặc dù thị trường nội địa có sự bứt phá mạnh mẽ nhưng nếu không tăng trưởng khách quốc tế, ngành hàng không, du lịch Việt Nam không thể phục hồi và phát triển toàn diện. Bên cạnh sự nỗ lực vượt bậc của doanh nghiệp, cần có sự chung tay của các bộ, ngành liên quan và hành động kịp thời của Chính phủ mới có thể đưa hai ngành kinh tế quan trọng này thoát ra khỏi khó khăn, trở lại vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế.
KHÔNG ĐẠT MỤC TIÊU THU HÚT KHÁCH QUỐC TẾ
Ngành dịch vụ du lịch, hàng không có vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế.
Số liệu của Tổng cục Du lịch cho thấy trước đại dịch Covid-19, doanh thu ngành du lịch đạt 32,8 tỷ USD vào năm 2019, đóng góp hơn 10% GDP, giải quyết công ăn việc làm cho khoảng 1,3 triệu lao động, chiếm 2,5% tổng số lao động trong cả nước.
Vai trò động lực cho tăng trưởng của ngành hàng không cũng được khẳng định với mức đóng góp hơn 20.000 tỷ đồng tiền thuế, phí mỗi năm, tương đương mức đóng góp vào ngân sách của một địa phương trong tốp 10 về nộp ngân sách lớn nhất.
Tuy nhiên, đại dịch Covid-19 đã lấy đi nhiều thành quả tăng trưởng của dịch vụ hàng không, du lịch. Mức đóng góp của ngành du lịch vào tăng trưởng GDP năm 2021 chỉ còn khoảng 2,1%.
Từ ngày 15/3/2022, Việt Nam mở cửa lại hoạt động du lịch trong điều kiện bình thường mới theo đúng tinh thần chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về "thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”.
Với lợi thế mở cửa sớm hơn so nhiều nước trong khu vực, các doanh nghiệp hàng không, du lịch kỳ vọng quyết định này có thể là cú huých để nhanh chóng phục hồi, trở lại quỹ đạo tăng trưởng cao. Nhưng cơ hội đã vượt khỏi tầm tay.
Thị trường du lịch nội địa:
Thị trường du lịch quốc tế:
Nỗi lo không hoàn thành kế hoạch đón 5 triệu lượt khách du lịch đã trở thành hiện thực khi năm 2022 đang dần khép lại với con số thống kê khách quốc tế đến Việt Nam chỉ đạt khoảng 3,5 triệu lượt người.
Thị trường quốc tế không phục hồi như kỳ vọng cũng có nghĩa các doanh nghiệp du lịch, lữ hành, các hãng hàng không phải tiếp tục chật vật xoay xở để tồn tại, hàng trăm nghìn người lao động không có đủ thu nhập trang trải nhu cầu tối thiểu cho cuộc sống hoặc thậm chí là không giữ được việc làm.
Tiếc nuối là ở chỗ, chúng ta đã có tầm nhìn, có định hướng đúng nhưng lại không có những hành động cụ thể và không đủ quyết tâm để theo đuổi mục tiêu.
Vì sao ngành du lịch cần thị trường khách quốc tế?
Trong khi đó, các nước láng giềng như: Thái Lan, Singapore, Indonesia đều vượt mục tiêu thu hút khách quốc tế.
LỰC CẢN TỪ CHÍNH SÁCH VISA
Câu hỏi lớn đặt ra là: Vì sao Việt Nam chưa đạt mục tiêu đón 5 triệu khách quốc tế trong khi nhiều nước láng giềng là đối thủ cạnh tranh trực tiếp đều vượt mục tiêu về sản lượng khách và gia tăng công suất và giá phòng?
Vì sao Việt Nam xếp cuối bảng chỉ số Phục hồi du lịch châu Á hậu Covid-19? Đáp án chung cho cả hai vấn đề chủ yếu nằm ở điểm nghẽn thị thực nhập cảnh.
Chính sách thị thực chưa thật sự thuận lợi cho khách quốc tế vào Việt Nam:
Hiện nay, Việt Nam chỉ miễn thị thực 15 ngày cho các thị trường xa, gồm công dân các nước: Anh, Pháp, Đức, Italia, Tây Ban Nha, Nga, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đan Mạch, Thụy Điển, Na Uy, Phần Lan và Belarus khi nhập cảnh Việt Nam với thời hạn tạm trú 15 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Tuy nhiên, sau đại dịch Covid-19, nhu cầu đi du lịch đường dài của khách du lịch châu Âu như: Anh, Pháp, Đức… thường kéo dài hơn 15 ngày tại một quốc gia điểm đến. Vì vậy, việc miễn thị thực 15 ngày cho khách thị trường xa như châu Âu không thật sự khuyến khích khách chọn Việt Nam.
Trường hợp khách đã đến Việt Nam theo dạng miễn thị thực 15 ngày và có nhu cầu gia hạn thị thực thì phải nộp đủ hồ sơ cho cơ quan quản lý xuất nhập cảnh xem xét gia hạn tạm trú trong thời hạn 5 ngày làm việc. Trong thực tế, việc chờ đợi như vậy ảnh hưởng tới hành trình du lịch nên khách sẽ e ngại và không muốn lưu trú lâu hơn.
Thị thực điện tử còn chưa dễ dàng: Tên miền trang thị thực điện tử https://evisa.xuatnhapcanh.gov.vn được xem là khó khăn cho khách nước ngoài vì cụm từ “xuất nhập cảnh” thể hiện bằng tiếng Việt, không thuận lợi cho tìm kiếm trực tuyến. Các quốc gia khác xây dựng tên miền hoàn toàn bằng tiếng Anh.
Khách quốc tế cũng phản ánh không dễ tìm kiếm thông tin rõ ràng để lựa chọn các loại thị thực phù hợp với cá nhân và những yêu cầu cần thiết đối với các loại thị thực khác nhau; hệ thống thường báo lỗi khi xử lý các giao dịch thanh toán bằng thẻ tín dụng.
Theo Luật Nhập cảnh, visa cho khách du lịch có thể có thời hạn từ 30 ngày đến tối đa 90 ngày. Bên cạnh đó, Luật còn cho phép việc cấp visa điện tử được áp dụng cho tất cả các quốc gia đủ điều kiện quy định. Nhưng hiện nay chúng ta mới chỉ thực hiện cấp visa điện tử cho công dân của 80 nước và vùng lãnh thổ, còn nhiều nước là thị trường cung cấp khách du lịch đến Việt Nam vẫn chưa có trong danh sách được cấp visa điện tử.
Bên cạnh đó còn nhiều nguyên nhân chủ quan khác khiến Việt Nam giảm sức hấp dẫn với du khách quốc tế:
- Vẫn còn rào cản kỹ thuật vì quy định khách phải mua bảo hiểm du lịch có nội dung chi trả điều trị Covid-19 tối thiểu 10.000 USD;
- Tiếp thị du lịch còn mờ nhạt và chưa hiệu quả;
- Đối thoại công-tư và hợp tác công-tư chưa có nhiều tiến triển.
KHẨN CẤP GỠ ĐIỂM NGHẼN VISA, HỖ TRỢ DOANH NGHIỆP PHỤC HỒI
Theo thông lệ, vào tháng 10, khách quốc tế sẽ bắt đầu đăng ký cho các chuyến du lịch cuối năm và đầu năm mới, kéo dài đến cuối tháng 3, đầu tháng 4 năm kế tiếp nhưng thông lệ này đã không diễn ra, đồng nghĩa với việc ngành hàng không, du lịch có thể tiếp tục thêm một năm “mất mùa”. Tình thế đòi hỏi phải có sự chung tay của các bộ, ngành liên quan và hành động kịp thời của Chính phủ mới có thể đưa hai ngành kinh tế quan trọng này thoát ra khỏi khó khăn chưa từng có trong lịch sử, trở lại vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế.
Theo các chuyên gia kinh tế, những thách thức của ngành dịch vụ hàng không, du lịch không phải vấn đề mới nhưng đang trở nên cấp bách. Vì nhiều quốc gia đã phục hồi khá tốt, dần trở lại đà tăng trưởng để lấy lại những gì đã mất trong hai năm dịch Covid-19, cơ hội sẽ không còn nhiều cho người đi sau.
Hơn thế nữa, triển vọng kinh tế năm 2023 dự báo sẽ có nhiều khó khăn hơn thuận lợi, động lực tăng trưởng chính của nền kinh tế là xuất khẩu sẽ chịu ảnh hưởng từ sự suy giảm của các đối tác lớn, giải ngân đầu tư công chưa thể đạt như kỳ vọng vì còn vướng nhiều quy định chồng chéo của pháp luật. Trong bối cảnh đó cần khơi thông động lực tăng trưởng từ những lĩnh vực còn nhiều dư địa như dịch vụ, tiêu dùng, bao gồm: ngành hàng không, du lịch để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đất nước.
Du khách lặn biển ngắm san hô.
Du khách lặn biển ngắm san hô.
Nhóm nghiên cứu của TAB tin tưởng, du lịch sẽ là giải pháp cho Việt Nam trong năm 2023 để mang lại tăng trưởng, ngoại tệ, việc làm, thương mại và các khoản đầu tư. Con đường phục hồi hoàn toàn của ngành để trở lại đóng góp hơn 10% vào GDP đã rõ nhưng sẽ là quá trình không dễ dàng và Chính phủ cần có những hành động nhanh chóng, khẩn cấp để thúc đẩy.
Những khuyến nghị chính của doanh nghiệp hàng không, du lịch cho chặng đường phục hồi và phát triển trước mắt đặt trọng tâm vào các nhóm giải pháp lớn liên quan đến tháo gỡ điểm nghẽn visa, cải thiện công tác tiếp thị, xúc tiến du lịch và các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Vietravel, các doanh nghiệp là tế bào cấu thành của nền kinh tế, vì vậy không thể có thể có một nền kinh tế khỏe mạnh nếu các tế bào của nền kinh tế đó ốm yếu. Hơn bao giờ hết, các bộ ngành, Chính phủ cần đồng hành cùng doanh nghiệp, kiến tạo chính sách để khơi thông thị trường. Một khi hoạt động dịch vụ chưa quay lại được thì nền kinh tế khó lấy lại đà tăng trưởng bền vững, hàng không, du lịch chưa phục hồi thì chưa kéo được khách sạn, nhà hàng quay trở lại và thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động thương mại, đầu tư.
Chỉ đạo thực hiện: Thu Hà
Nội dung: Tô Hà - Việt Hải
Trình bày: Phùng Trang
Ngày xuất bản: 16/12/2022