Năm 2022, Việt Nam đã thực hiện thắng lợi, khá toàn diện mục tiêu, nhiệm vụ: Vừa tập trung phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh, vừa thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; trở thành điểm sáng "trong bức tranh xám màu" của kinh tế toàn cầu. Năm 2023 được dự báo sẽ khó khăn hơn khi kinh tế toàn cầu suy giảm.
Chuyên đề "Dự báo năm 2023" gồm chuỗi bài phỏng vấn lãnh đạo bộ, ngành, địa phương và chuyên gia các lĩnh vực, nhằm nhận diện thách thức, cơ hội, đồng thời gợi mở các giải pháp để Việt Nam tiếp tục vượt khó, bứt phá.
Khép lại năm 2022 với ngành Giáo dục dù còn bộn bề công việc cần phải tiếp tục triển khai trong những năm tới nhưng cũng để lại không ít dấu ấn tích cực. Nhân dịp đầu năm mới 2023, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn có những chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân chung quanh những khó khăn, thách thức ngành Giáo dục đã vượt qua trong năm 2022 và những định hướng, những công việc toàn ngành Giáo dục sẽ tập trung, nỗ lực triển khai trong năm mới 2023 này.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, năm 2022 với việc ủng hộ, chỉ đạo sát sao của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của các bộ ngành, cùng sự nỗ lực, cố gắng lớn, ngành Giáo dục đã hoàn thành được các nhiệm vụ đặt ra. Cũng giống như các ngành khác, năm 2022, ngành Giáo dục tham gia việc phòng chống dịch Covid-19, trong đó, quan trọng và nhiều thử thách là việc mở cửa trường học trở lại sau một thời gian dài ảnh hưởng của dịch Covid-19, học sinh phải ngừng đến trường. Trong khi phải thực hiện rất nhiều việc trong trạng thái phòng, chống dịch nhưng ngành Giáo dục vẫn thực hiện hiệu quả nhiều nhiệm vụ lớn đó là: Chuẩn bị xây dựng chương trình giáo dục mầm non mới với các công việc chuyên môn, các điều tra khảo sát, đánh giá xây dựng một cách ráo riết, khoa học, thực tế, thận trọng. Bởi trong toàn bộ hệ thống giáo dục thì giáo dục mầm non tạo nền tảng ban đầu trong sự hình thành nhân cách con người cả về thể chất, tinh thần và định hướng. Ngành Giáo dục cũng tiếp tục thực hiện kế hoạch đổi mới giáo dục phổ thông; tăng cường hoạt động tự chủ đại học. Chương trình giáo dục mầm non, chương trình giáo dục phổ thông và những đổi mới ở đại học sẽ cùng tạo thành sự đổi mới mang tính hệ thống trong thời gian sắp tới. Vì vậy, năm 2023 toàn ngành sẽ tiếp tục khắc phục những tác động của đại dịch, đổi mới căn bản, toàn diện, kiên trì mục tiêu chất lượng.
Phóng viên: Năm 2022 vừa khép lại, theo Bộ trưởng đâu là thách thức lớn nhất mà ngành Giáo dục gặp phải trong năm qua?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Nhìn lại năm 2022, có thể thấy đây là năm ngành Giáo dục triển khai nhiều việc quan trọng, cũng là năm đặt ra nhiều thách thức, khó khăn cần vượt qua. Cũng giống như tất cả các bộ, ngành khác, ngành Giáo dục tham gia việc phòng chống dịch Covid-19. Trong đó, việc quan trọng, nhiều thử thách đó là mở cửa trường học trở lại sau một thời gian dài bị ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến học sinh phải ngừng đến trường.
Khoảng tháng 4/2022 việc mở cửa trường học đã xong, học sinh ở 63 tỉnh, thành phố đã đến trường học tập một cách bình thường. Đây là công việc đặt ra rất nhiều thử thách với ngành Giáo dục chúng tôi, bởi vì thời điểm đó vaccine cho trẻ em hầu như chưa có; ảnh hưởng của dịch trên diện rộng còn nhiều cho nên phụ huynh, học sinh rất lo lắng. Tuy nhiên, được sự chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, sự phối hợp của Bộ y tế và quyết tâm rất cao, chúng tôi đã thực hiện mở cửa trường học đưa hoạt động dạy và học trong toàn bộ hệ thống trở lại bình thường.
Ngành Giáo dục đã lên kế hoạch để vừa bảo đảm an toàn phòng chống dịch đồng thời củng cố các kiến thức kỹ năng cho người học, bù đắp kiến thức, khắc phục những lỗ hổng, những thiệt thòi của học sinh trong thời gian rất dài học trực tuyến; thực hiện tiếp những phần việc mà trong thời gian dịch bệnh phải gác lại như: Thực tập, thực tế, thực hành, thực địa, các hoạt động tiếp xúc đông người.
Có thể nói, mở cửa trường học trở lại là việc rất lớn của toàn ngành. Trước đó, ngành Giáo dục chuyển trạng thái từ bình thường sang ứng phó dịch bệnh, dạy học trực tuyến kết hợp. Đến thời điểm đầu năm 2022, lại một lần nữa chúng tôi chuyển trạng thái bình thường mới và vẫn có thách thức đặt ra. Bởi vì, đây là trạng thái quay trở lại bình thường nhưng trạng thái bình thường sau dịch, những nguy cơ dịch bệnh vẫn còn đó. Học sinh quay trở lại trường nhưng không thể giống như trước đây bởi những yêu cầu an toàn trường học phải được đặt ra để thực hiện; có những học sinh như học sinh lớp 1 chưa từng được đến trường học trực tiếp bao giờ; các hoạt động chuẩn bị cho học sinh thi cuối cấp; thi tốt nghiệp THPT cũng đặt ra nhiều vấn đề phải giải quyết...
Phóng viên: Thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông đang diễn ra thì giáo dục phải chuyển đổi các trạng thái khác nhau do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Vậy năm 2022, ngành Giáo dục đã triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ra sao?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Tôi cũng muốn nhấn mạnh ở điểm này. Trong khi các trạng thái của ngành cần phải phòng chống dịch với rất nhiều việc phải làm nhưng bên cạnh đó thì chúng tôi vẫn phải triển khai công việc tiếp tục kế hoạch đổi mới, thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới (2018). Trong đó, năm 2022 là năm tập trung công việc rất nhiều cho đổi mới. Ngành Giáo dục phải triển khai trong thực tế việc dạy theo chương trình, sách giáo khoa mới cho học sinh lớp 2, lớp 6 và đến tháng 9 tập trung triển khai cho học sinh lớp 3, lớp 7 và lớp 10. Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng phải tiến hành các công việc thẩm định sách giáo khoa lớp 4, lớp 8 và lớp 11. Như vậy là một khối lượng công việc rất lớn.
Trong hoàn cảnh bình thường thì đổi mới, thay đổi chương trình, tập huấn giáo viên, lựa chọn sách giáo khoa, chuẩn bị các điều kiện dạy và học là những việc khó. Trong khi những công việc khó, khối lượng nhiều đó lại được triển khai trong hoàn cảnh ứng phó với dịch bệnh cho nên càng đặt ra nhiều thách thức hơn nữa. Trong điều kiện đó, chúng tôi đã cố gắng động viên toàn bộ đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý và phối kết hợp với các địa phương, trao đổi thường xuyên nên ngành Giáo dục đã triển khai hiệu quả, bảo đảm tốt các yêu cầu công việc đổi mới đặt ra. Việc thẩm định sách giáo khoa các khối lớp đều đã bảo đảm được những nội dung rất quan trọng.
Cũng trong hoàn cảnh vừa trở lại bình thuờng mới như vậy, chúng tôi đã tổ chức và được dư luận xã hội, các nhà quản lý, học sinh, phụ huynh đánh giá tốt kỳ thi tốt nghiệp THPT. Và một số điểm nhấn có tính chất nổi bật, dễ đàng nhận thấy: Đây là một năm công tác đào tạo, bồi dưỡng học sinh giỏi quốc tế đạt được nhiều kết quả đáng khích lệ.
Năm 2022 - một năm với những kết quả đào tạo bồi dưỡng, học sinh giỏi quốc tế đáng khích lệ.
Năm 2022 - một năm với những kết quả đào tạo bồi dưỡng, học sinh giỏi quốc tế đáng khích lệ.
Phóng viên: Đổi mới giáo dục là cả một quá trình xuyên suốt, tuy nhiên, giáo dục đại học khi đổi mới, triển khai tự chủ cũng chịu nhiều tác động, trong đó có tác động của dịch bệnh. Bộ Giáo dục đã xử lý, tháo gỡ những khó khăn ra sao để các trường thực hiện tự chủ hiệu quả?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Từ năm 2019 sau khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học chính thức có hiệu lực, các trường đại học triển khai mạnh mẽ tự chủ, đạt được những kết quả đáng khích lệ, đem lại sức sáng tạo, sức sống, tốc độ phát triển rất lớn.
Những kết quả của các trường đại học thể hiện sự chủ động trong tổ chức nghiên cứu khoa học; mở ngành nghề đào tạo; gia tăng chỉ số xếp hạng. Qua kiểm định cho thấy những chỉ số bảo đảm chất lượng của các trường có chuyển biến tích cực. Tự chủ cũng giúp các trường chủ động trong sử dụng nguồn kinh phí tài chính; ưu tiên phát triển đội ngũ các nhà khoa học. Nhìn tổng thể có thể thấy từ khi Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Giáo dục Đại học có hiệu lực đem lại cho các trường rất nhiều các yếu tố để có thể phát triển nhanh và mạnh hơn.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai tực chủ, chúng tôi thấy cần có một số điều chỉnh, đặc biệt là phương diện về thể chế, văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến cơ chế tự chủ. Một số vấn đề liên quan quản trị bên trọng của các cơ sở đại học; đổi mới quản lý Nhà nước đối với các trường của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như các bộ chủ quản cũng cần được điều chỉnh. Vì vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang rà soát, điều chỉnh Nghị định 99 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật giáo dục Đại học.
Như vậy, năm 2022 được coi như là một năm có những đánh giá, chuẩn bị nắm bắt, khảo sát để có thể có đề xuất một số điều chỉnh cơ chế tự chủ, tạo điều kiện cho các trường đại học tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn; tự chủ có thể đi vào chiều sâu chất lượng.
Phóng viên: Như chia sẻ của Bộ trưởng, năm 2022 dù đứng trước nhiều khó khăn, thách thức nhưng ngành Giáo dục đạt được khá nhiều thành tựu. Để phát huy được những kết quả đó, năm mới 2023 này, ngành Giáo dục xác định tập trung vào điểm nhấn nào để tiếp tục phát huy những dấu ấn đã đạt được trong năm qua?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Như từ đầu tôi có nhắc đến, năm 2022 đã mở cửa trường học, trở lại trạng thái bình thường mới. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả nặng nề của đại dịch đối với giáo dục không phải chỉ trong một năm là xong. Vì vậy, năm 2023 và trong những năm tới chúng tôi tiếp tục chỉ đạo khắc phục những ảnh hưởng của dịch bệnh đến giáo dục nhằm kiên trì mục tiêu chất lượng.
Bên cạnh đó năm 2023 cũng là năm triển khai thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới với rất nhiều việc phải làm. Trong đó, chúng tôi vừa tập trung đánh giá việc thực hiện đối với lớp 3, 7 và lớp 10 trong năm vừa qua; đồng thời triển khai mới đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; chỉ đạo biên soạn, thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa cho các khối lớp còn lại… Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ tổ chức đánh giá giữa kỳ quá trình triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, từ 2019-2025 xem kết quả đạt được đến đâu để có những điều chỉnh phù hợp, kịp thời.
Phóng viên: Để triển khai đổi mới hiệu quả, đội ngũ giáo viên có vai trò quan trọng. Tuy nhiên, những năm qua việc không tuyển hoặc tuyển không đủ chỉ tiêu, tác động của dịch bệnh Covid-19 hay việc triển khai một số môn học mới gây nên tình trạng thiếu giáo viên. Theo Bộ trưởng, năm 2023 này, Ngành Giáo dục sẽ tập trung vào giải pháp nào để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Việc thiếu giáo viên đã phát sinh từ nhiều năm trước, nhất là trong năm 2022 vừa qua, sau dịch bệnh, rất nhiều cơ sở giáo dục mầm non phải đóng cửa, nhiều cơ sở giáo dục gặp khó khăn. Đến hết năm 2022 số lượng giáo viên nghỉ việc, chuyển việc cũng đã tương đối bình ổn trở lại nhưng việc bù đắp số nghỉ, chuyển trước đó vẫn đang là một câu chuyện đặt ra cho ngành nhiều thử thách.
Để giải quyết việc thiếu giáo viên, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Tổ chức Trung ương, Chính phủ và các ngành cũng đã rất quan tâm trong việc duyệt cho ngành Giáo dục số lượng biên chế lớn, đến năm 2026 tuyển hơn 65 nghìn chỉ tiêu. Nhiệm vụ năm 2023 sẽ rà soát để tuyển giáo viên một phần bù đắp số lượng nghỉ việc, một phần đáp ứng các yêu cầu của việc dạy học trong điều kiện số lượng học sinh tăng lên, chuẩn lớp học cũng đặt ra những đòi hỏi tốt hơn; những môn học mới trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Việc bảo đảm tuyển đủ số lượng, chất lượng, nguồn tuyển, điều phối giữa các khu vực, vùng miền đều đặt ra những công việc chúng tôi phải xử lý trong năm 2023.
Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ phối hợp Bộ Nội vụ để việc phân bổ chỉ tiêu và hướng dẫn, đôn đốc các tỉnh, thành phố tuyển dụng giáo viên. Trong đó, tỉnh, thành phố nào tổ chức tuyển dụng kịp thời, hiệu quả trong năm 2022 sẽ được ưu tiên trong năm 2023; đồng thời lưu ý, nhắc nhở những tỉnh, thành phố làm chậm, chưa tốt. Hiện nay, tinh thần chung là 63 tỉnh, thành phố đang vào cuộc rốt ráo trong việc này. Bởi đây là dịp góp phần giải quyết việc thiếu giáo viên cho nên các tỉnh rất phấn khởi.
Bên cạnh đó, để bảo đảm nguồn tuyển, chúng tôi đang xem xét đề xuất điều chỉnh Nghị định 116 liên quan việc đặt hàng đào tạo giáo viên; đề xuất và bắt tay vào xây dựng Luật Nhà giáo trình Chính phủ, trình Quốc hội khi được ban hành sẽ là căn cứ pháp lý rất là quan trọng để phát triển đội ngũ các nhà giáo một cách bền vững, lâu dài, bài bản.
Phóng viên: Việc thực hiện đổi mới giáo dục được triển khai từ nhiều năm trước. Theo Bộ trưởng, năm 2023, ngành Giáo dục có cần đánh giá, nhìn nhận lại một cách tổng thể để có thể có những điều chỉnh đổi mới cho phù hợp hơn hay không?
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Năm 2023, tròn mười năm thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 của Hội nghị Trung ương 8, khóa XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Tôi cho rằng Trung ương, Ban Tuyên giáo Trung ương… sẽ có những chỉ đạo tổng kết, đánh giá thực hiện nghị quyết. Tuy nhiên, với trách nhiệm là một ngành trực tiếp thực hiện chủ trương rất lớn của Đảng, năm 2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng sẽ chủ động việc triển khai đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Bên cạnh đó, ngành Giáo dục thực hiện trách nhiệm giải trình của mình trong việc thực hiện báo cáo giám sát đối với thực hiện Nghị quyết 88 và Nghị quyết 51 của Quốc hội. Trong đó, có việc thực hiện biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Đó là việc lớn thuộc trách nhiệm giải trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện trong năm 2023.
Năm 2023 này cũng là dịp ngành Giáo dục nhìn lại việc đã làm; những việc cần tiếp tục kiến nghị với Trung ương Đảng, Chính phủ, Quốc hội để có thể đẩy mạnh đổi mới trong thời gian sắp tới.
Phóng viên: Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!
Ngày xuất bản: 03/01/2023
Thực hiện: Xuân Kỳ
Ảnh: Duy Linh, Thúy Quỳnh, Quốc Toản, Trung tâm truyền thông giáo dục
Trình bày: Diệu Thu