Bà Nguyễn Nga, kiến trúc sư Việt kiều Pháp, là một trong những người tâm huyết với việc bảo tồn cầu Long Biên - một trong những biểu tượng của thủ đô Hà Nội. Dù sang Pháp từ nhỏ nhưng bà Nga luôn giữ nhiều ký ức về Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung. Thời gian qua, bà đã tổ chức nhiều hoạt động văn hóa để giới thiệu Hà Nội, Việt Nam ra thế giới.

Sinh năm 1951, tại Hà Nội, trong một gia đình nghệ sĩ, có bố là kiến trúc sư yêu hội họa, âm nhạc và mẹ là thợ may khéo tay, Nguyễn Nga được thừa hưởng niềm đam mê nghệ thuật từ bố mẹ.

Nguyễn Nga tốt nghiệp Thạc sĩ chuyên ngành Kiến trúc Quy hoạch Đô thị tại Paris và Cử nhân về Quản trị Kinh doanh. Trở lại Việt Nam năm 1989, bà xây dựng “Ngôi nhà nghệ thuật” ở Hà Nội và thực hiện một số dự án văn hóa nghệ thuật như “Văn hoá Đạo Mẫu – Hầu Đồng”, “Hội họa trên cánh diều sáo Bắc Bộ”, triển lãm thư pháp “Vũ hội chữ”, và các Festival “Ký ức cầu Long Biên” (2009), “Cầu Rồng kể chuyện ngàn năm Thăng Long – Hà Nội” (2010).

Đặc biệt, bà đã dành gần 17 năm theo đuổi việc bảo tồn cầu Long Biên. Tất cả vì tình yêu văn hóa truyền thống Hà Nội, Việt Nam và hơn thế là tấm lòng của một người con xa xứ muốn góp sức cho quê hương.

Theo bà Nguyễn Nga, cầu Long Biên đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển đô thị Hà Nội. Cầu Long Biên không chỉ tạo điều kiện cho hệ thống đường bộ và đường sắt phát triển mà còn giúp hình thành các khu phố và thúc đẩy phát triển kinh tế của Hà Nội.

Bà Nguyễn Nga bên cầu Long Biên.

Bà Nguyễn Nga bên cầu Long Biên.

Hà Nội: Thành phố vẫn giữ những nét đẹp riêng và đặc biệt

Bà Nguyễn Nga chia sẻ: “Năm 1989, tôi trở lại Hà Nội sau 35 năm, khi đó Hà Nội hầu như chưa có thay đổi. Hà Nội thật thanh bình, với nhiều công trình kiến trúc Pháp đẹp, trong đó có cầu Long Biên”.

Từ năm 1989, bà Nga về Việt Nam khá thường xuyên, vì thế bà hiểu nhiều về những bước phát triển, đổi thay của thủ đô.

Theo bà Nga, Hà Nội là thành phố có nhiều dấu ấn của thành cổ Thăng Long, cùng với đó là những công trình kiến trúc cổ và kiến trúc Pháp. Trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, song Hà Nội vẫn giữ được nét đẹp riêng, rất đặc biệt.

Hà Nội đã trải qua nhiều thay đổi, và đến nay, đã có nhiều tòa nhà cao tầng và những khu phố hiện đại. Hà Nội đã và đang được mở rộng, khang trang hơn, trở thành đô thị lớn và hiện đại.

Tạo dựng cầu Long Biên thành Bảo tàng ký ức thế kỷ XX, tạo nên bản sắc đô thị đa dạng và phát triển du lịch

Trong tương lai, bà Nguyễn Nga có ý tưởng tôn tạo cầu Long Biên như một bảo tàng ký ức của thế kỷ XX, nơi giới thiệu những câu chuyện lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam và kết nối với thế giới. Cầu Long Biên sẽ trở thành một điểm du lịch đặc biệt, góp phần vào sự phát triển du lịch, văn hóa, kinh tế của Hà Nội, đồng thời góp phần nâng cao hình ảnh thủ đô Hà Nội - thành phố vì hòa bình và sáng tạo.

Cầu Long Biên là một trong những minh chứng lịch sử mang nhiều ý nghĩa, phản ánh một giai đoạn lịch sử của Hà Nội.

Theo bà Nguyễn Nga, cầu Long Biên có thể trở thành một bảo tàng ngoài trời dài 2km độc đáo, một bảo tàng sinh động nằm trên dòng sông Hồng và mang trên mình nhiều ý nghĩa lịch sử hào hùng của dân tộc Việt Nam. Thế giới sẽ biết đến Hà Nội, Việt Nam nhiều hơn. UNESCO đã tôn vinh Hà Nội là thành phố vì hòa bình, và bây giờ Hà Nội còn được công nhận là thành phố sáng tạo trong lĩnh vực thiết kế.

Bà Nguyễn Nga cùng những người bạn đạp xe trên cầu Long Biên.

Bà Nguyễn Nga cùng những người bạn đạp xe trên cầu Long Biên.

Bà Nguyễn Nga nhấn mạnh, cầu Long Biên không chỉ là một công trình biểu tượng của Hà Nội, mà còn là một tác phẩm kiến trúc nổi bật mang phong cách Pháp, phản ánh những giá trị văn hóa và lịch sử đặc sắc của thành phố. Theo các chuyên gia, việc bảo tồn cầu Long Biên và những công trình kiến trúc Pháp khác tại Hà Nội là rất quan trọng. Những công trình này không chỉ tạo nên bản sắc riêng biệt cho Hà Nội mà còn góp phần vào việc tạo nên một đô thị đa dạng của thành phố.

Bản sắc của Hà Nội được hình thành qua nhiều giai đoạn lịch sử, và hiện tại là thời kỳ hội nhập quốc tế. Đặc biệt, những công trình kiến trúc Pháp có nhiều ý nghĩa trong việc tạo nên diện mạo độc đáo cho Hà Nội, giúp thành phố nổi bật giữa các đô thị khác ở châu Á.

Theo bà Nga, việc cải tạo cầu Long Biên có thể bao gồm cả các khu vực xung quanh, như: phố nghề, công viên ven sông, cùng với các hoạt động văn hóa đa dạng. Việc phát triển này không chỉ dừng lại ở việc cải tạo cầu mà còn mở rộng ra toàn bộ khu vực xung quanh, tạo ra một môi trường sống sinh động, văn minh và hiện đại cho người dân và du khách.

Theo đó, khu vực quanh cầu có thể được quy hoạch thành các không gian mở, nơi tổ chức các sự kiện văn hóa, triển lãm nghệ thuật, các buổi biểu diễn âm nhạc ngoài trời,… nhằm thu hút sự tham gia của cộng đồng và khách du lịch. Các hoạt động này không chỉ làm phong phú thêm trải nghiệm của người dân và du khách mà còn góp phần nâng cao nhận thức về giá trị lịch sử, văn hóa của cầu Long Biên và Hà Nội.

 Cùng với đó, các cửa hàng, quán cà phê, nhà hàng ven sông sẽ tạo ra những điểm dừng chân lý tưởng cho du khách thập phương. Tại đây, những sản phẩm thủ công mỹ nghệ, ẩm thực đặc trưng của Hà Nội sẽ được trưng bày, giới thiệu, mang đến cho du khách cơ hội trải nghiệm văn hóa địa phương một cách sâu sắc hơn.

 Việc kết hợp giữa cải tạo và phát triển khu vực xung quanh cầu Long Biên còn giúp xây dựng một cộng đồng bền vững, nơi người dân có thể gắn bó với di sản văn hóa, lịch sử của thủ đô. Bằng cách tạo ra các không gian sinh hoạt chung, người dân sẽ có cơ hội giao lưu, trao đổi ý tưởng và kết nối với nhau, từ đó góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế địa phương.

 Hơn nữa, sự tham gia của các nhà đầu tư và các tổ chức quốc tế trong dự án này sẽ không chỉ mang lại nguồn tài chính cần thiết mà còn tạo cơ hội cho việc chuyển giao công nghệ và kiến thức trong lĩnh vực bảo tồn và phát triển đô thị. Điều này sẽ giúp Hà Nội ngày càng thu hút du lịch quốc tế và xây dựng hình ảnh một thành phố năng động, sáng tạo, thân thiện với môi trường.

 Việc cải tạo cầu Long Biên không chỉ mang ý nghĩa về mặt kiến trúc mà còn là một chiến lược phát triển bền vững cho Hà Nội, góp phần gìn giữ, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, lịch sử của thành phố trong mắt bạn bè quốc tế.

Cầu Long Biên, nếu được cải tạo hợp lý, sẽ không chỉ là một cây cầu nối liền hai bờ sông Hồng mà còn là điểm thu hút du khách, góp phần vào việc phát triển kinh tế, du lịch cho cả thành phố.

Đặc biệt, cầu Long Biên có thể trở thành một "sợi chỉ đỏ" kết nối các điểm tham quan, giúp du khách muốn ở lại lâu hơn và khám phá những giá trị văn hóa, lịch sử của Hà Nội.
Bà Nguyễn Nga phân tích

Nhìn lại quá trình phát triển của Thủ đô Hà Nội, có thể thấy trong suốt lịch sử, Hà Nội đã chứng kiến sự giao thoa của nhiều nền văn hóa và kiến trúc, từ các di sản lịch sử như Hoàng Thành Thăng Long đến các kiến trúc khu phố cổ với nét đặc trưng riêng biệt. Sự phát triển này tạo ra một cấu trúc đô thị đa tầng, nơi mỗi lớp kiến trúc đều mang dấu ấn của thời gian và các thế hệ người dân Hà Nội.

Với người Hà Nội, câu đồng dao “Hà Nội có cầu Long Biên, vừa dài vừa rộng bắc ngang Sông Hồng…” không chỉ mãi mãi trong ký ức mà sẽ trường tồn với Thủ đô.

 Cầu Long Biên tiếp tục là một trong những biểu tượng của sự bền vững và bản sắc văn hóa, góp phần gìn giữ và phát huy giá trị lịch sử của Thủ đô trong bối cảnh đô thị hóa. Những nỗ lực bảo tồn và phát triển bền vững không chỉ giúp cầu Long Biên tỏa sáng mà còn chứng minh tình yêu và lòng tự hào của người Hà Nội đối với di sản văn hóa của thành phố.

Ngày xuất bản: 31/10/2024
Tổ chức thực hiện: VĂN ANH - TRƯỜNG SƠN
Nội dung: MINH HẠNH
Trình bày: PHAN THẠCH
Ảnh: THĂNG LONG, Nhân vật cung cấp, Trung tâm Lưu trữ Quốc gia I

E-MAGAZINE
nhandan.vn