KINH TẾ THỂ THAO
VÀ CƠ HỘI BỨT PHÁ


Trên hành trình phát triển, thể thao Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành tích quốc tế lịch sử. Những thành công đó không chỉ mang lại niềm tự hào mà còn mở ra cơ hội chuyển mình cho kinh tế thể thao. Với truyền thống yêu thể thao và năng động của người Việt, kinh tế thể thao đang được đánh giá là hướng đi đầy tiềm năng và nếu được khai thác hiệu quả, nguồn lực này không chỉ thúc đẩy nền thể thao phát triển mạnh mẽ, mà còn đóng góp quan trọng vào sự tăng trưởng của đất nước.
Giá trị của kinh tế thể thao

Thực tế cho thấy, các cường quốc thể thao đứng top đầu Olympic như Mỹ, Trung Quốc, Anh, Nhật Bản, Hàn Quốc, Pháp, Đức... đều sở hữu nền kinh tế hàng đầu thế giới và châu lục. Để giành huy chương Olympic hay vô địch giải quốc tế đòi hỏi phải đầu tư nguồn kinh phí khổng lồ. Từ đó, thế giới đã hình thành ngành công nghiệp thể thao. Kinh tế thể thao theo nghĩa rộng bao gồm mọi hoạt động kinh tế liên quan đến thể thao, từ tập luyện, thi đấu, tổ chức sự kiện... đến sản xuất trang thiết bị, truyền thông, marketing, chứng khoán thể thao... Còn theo nghĩa hẹp, thì tập trung vào các giải đấu, CLB, VĐV, cơ sở hạ tầng..., những yếu tố cốt lõi tạo nên hệ sinh thái thể thao chuyên nghiệp.
Viện trưởng Viện Khoa học thể thao Vũ Thái Hồng cho rằng, kinh tế thể thao đã trở thành ngành công nghiệp phát triển mạnh mẽ tại nhiều quốc gia trên thế giới. Không chỉ đơn thuần cung cấp hàng hóa và dịch vụ, ngành này còn tạo ra việc làm, nguồn thu nhập ổn định và đóng góp quan trọng vào GDP quốc gia.
Phong trào rèn luyện thể thao lan rộng, thu hút nhiều người tham gia.
Phong trào rèn luyện thể thao lan rộng, thu hút nhiều người tham gia.
Theo Số liệu từ statista.com, Mỹ có nguồn doanh thu thể thao lớn nhất thế giới, chiếm 3,2% GDP và đứng thứ 11/25 các ngành kinh doanh. Hệ thống các giải đấu danh tiếng như NFL (bóng bầu dục), NBA (bóng rổ), MLB (bóng chày) và MLS (bóng đá) đã tạo ra hàng tỷ USD mỗi năm. Còn tại Trung Quốc, doanh thu từ thể thao chiếm 2,3% GDP của cả nước. Olympic Bắc Kinh 2008 thu hút 6,5 triệu du khách, giúp doanh thu du lịch đạt 16,5 tỷ USD (tăng 16% so với 2007). Thế vận hội mùa Đông 2022 tiếp tục đóng góp hơn 4,5 tỷ USD vào nền kinh tế Trung Quốc.
Ngoài ra, nghiên cứu về kinh tế thể thao ở các nước phát triển cho thấy, ngành này mang lại bốn nhóm lợi ích cốt lõi: Giảm tổn thất kinh tế liên quan tới các vấn đề an sinh xã hội; Kéo dài tuổi thọ người dân bằng các yếu tố sức khỏe ảnh hưởng đến sự gia tăng khả năng lao động của con người; Giúp chuẩn bị nguồn lực lao động, bảo đảm cho sự tăng trưởng kinh tế; Bảo đảm công ăn việc làm và đóng góp vào ngân sách quốc gia.
Tiềm năng của Việt Nam

Các giải thể thao dành cho lứa trẻ ngày càng đa dạng. Ảnh: SVF
Các giải thể thao dành cho lứa trẻ ngày càng đa dạng. Ảnh: SVF
Tại Việt Nam, khi các giải bóng đá, bóng rổ, golf... chuyên nghiệp ra đời, nhiều người nhận ra rằng, nếu được đầu tư và phát triển đúng tiềm năng, kinh tế thể thao không chỉ giúp tự chủ tài chính không phụ thuộc vào “bầu sữa” ngân sách, mà còn tạo ra nguồn lợi nhuận khổng lồ. Thể thao chuyên nghiệp phát triển dựa trên nền tảng vững chắc từ chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa và đặc biệt là sự ủng hộ của người hâm mộ. Trong hệ thống giải đấu chuyên nghiệp, các CLB tạo doanh thu từ chất lượng trận đấu, sản phẩm và dịch vụ dành cho khán giả. Để tồn tại và phát triển bền vững, các CLB phải tham gia vào hệ thống thi đấu chuyên nghiệp, nơi để tối ưu hóa lợi nhuận và nâng cao giá trị thương hiệu.
Và thành công của các môn thể thao sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tích cực đến cộng đồng và “hâm nóng” tình yêu thể thao của người dân. Bên cạnh đó, xu hướng chăm sóc sức khỏe đang bùng nổ trong xã hội hiện đại góp phần thúc đẩy thể thao phong trào phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam. Ngày càng có nhiều người ở mọi lứa tuổi tham gia các hoạt động như chạy bộ, yoga, cầu lông, bóng bàn, đạp xe, roller, pickleball... trên khắp các tỉnh thành.
Theo báo cáo tại Hội nghị tổng kết 2024 và triển khai nhiệm vụ trọng tâm ngành văn hóa, thể thao và du lịch năm 2025 vào cuối năm ngoái, số người tham gia tập luyện thể dục, thể thao (TDTT) thường xuyên trên toàn quốc ước đạt 37,5%, tăng 0,8% so với năm 2023. Số gia đình tập luyện thường xuyên đạt 28,3% tổng số hộ, tăng 0,7% so với năm trước.
Sự phát triển của thể thao đã tạo ra thị trường đầy tiềm năng, mở ra nhiều cơ hội cho doanh nghiệp. Từ tổ chức giải phong trào (bóng đá, marathon, roller, xe đạp...) đến kinh doanh thiết bị tập luyện, phụ kiện, thực phẩm bổ sung, sách thể thao... Tất cả đều trở thành “miếng bánh béo bở” cho các nhà đầu tư. Thống kê tại Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam 2024, ước tính thị trường kinh tế thể thao Việt Nam có giá trị không dưới 300 triệu USD. Đáng chú ý, pickleball là môn phát triển mạnh nhất trong quý III/2024, với 150.000 sản phẩm giao dịch trên 5 sàn thương mại điện tử, tổng giá trị hơn 22,7 tỷ đồng - một con số kỷ lục cho thấy tiềm năng kinh tế lớn của thể thao.
“Sự quan tâm ngày càng lớn đến thể thao kéo theo nhu cầu chăm sóc sức khỏe tăng mạnh, mở ra cơ hội cho các doanh nghiệp. Theo đó, thị trường sản phẩm và dịch vụ thể thao cũng phát triển nhanh chóng, đa dạng và nhiều cạnh tranh, từ sách về cầu thủ, chiến thuật, dinh dưỡng, tập luyện đến trang phục, sân bãi... Đồng thời, nhiều cơ hội việc làm mới xuất hiện trong các lĩnh vực như giảng dạy, huấn luyện, quản lý, sales...”, Giám đốc Nhà sách THBooks Trần Thanh Quyết cho biết.
Bên cạnh đó, thời đại 4.0 và công nghệ số đã mở ra cơ hội kinh doanh mới cho thể thao, với sự phát triển mạnh mẽ của thi đấu trực tuyến, livestream, thực tế ảo và mô phỏng. Đặc biệt, thể thao điện tử (eSports) đang bùng nổ, trở thành một lĩnh vực giải trí hấp dẫn, tạo nên mảng doanh thu mới cho ngành thể thao Việt Nam. Chưa kể, Việt Nam sở hữu vị trí địa lý thuận lợi, bờ biển dài, cảnh quan đa dạng, khí hậu phong phú là điều kiện lý tưởng để phát triển du lịch thể thao.
Khơi thông dòng chảy

Kinh tế thể thao vẫn là khái niệm mới mẻ tại Việt Nam, khi chỉ có 5 trường đại học mở ngành đào tạo. Dù thể thao Việt Nam đã gặt hái nhiều thành tích quốc tế, góp phần quảng bá hình ảnh đất nước, nhưng vẫn bị coi là “ngành tiêu tiền”, trong khi những lợi ích kinh tế to lớn chưa được đánh giá khai thác đúng mức. Để khơi thông dòng chảy cho kinh tế thể thao Việt Nam chuyển mình trong giai đoạn mới là điều không dễ dàng, cần phải vượt qua nhiều rào cản và thách thức. Từ việc thiếu hụt nhân lực chuyên môn đến nhiều cơ sở hạ tầng lạc hậu. Mặt khác, hệ thống pháp luật và chính sách liên quan đến kinh tế thể thao chưa đồng bộ và hiệu quả. Tình trạng vi phạm bản quyền thể thao còn phổ biến, gây thiệt hại cho các nhà đầu tư và nhà sản xuất. Môi trường đầu tư vào thể thao còn nhiều rủi ro và thiếu minh bạch. Quản lý và tổ chức thể thao còn thiếu chuyên nghiệp...
Trước thực tế này, trong nội dung Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 1189/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2024, kinh tế thể thao lần đầu được đề cập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chính thức công nhận và thúc đẩy lĩnh vực này tại Việt Nam. Theo TS Nguyễn Mạnh Hùng, Phó Vụ trưởng Vụ Xã hội (Ban Chính sách, Chiến lược Trung ương), Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cùng với Kết luận số 70-KL/ TW về phát triển TDTT trong giai đoạn mới là chủ trương rất quan trọng và kịp thời đối với sự phát triển của ngành kinh tế đầy tiềm năng - thể thao đã được coi là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, chứ không chỉ đơn thuần là lĩnh vực giải trí. Khi đó nhận thức của toàn xã hội sẽ thay đổi và chúng ta sẽ có những điều chỉnh về chính sách cho doanh nghiệp, người dân về thể thao.
Hai năm liên tiếp 2023 và 2024, Diễn đàn kinh tế thể thao Việt Nam đã được tổ chức quy tụ chuyên gia, nhà quản lý và doanh nghiệp trong, ngoài nước nhằm tìm giải pháp phát triển nền kinh tế thể thao chuyên nghiệp, hiện đại, bền vững. Để đánh thức tiềm năng, cần sự chung tay của cả hệ thống chính trị, doanh nghiệp và xã hội. Một chiến lược phát triển bài bản, đồng bộ, dài hạn là yếu tố then chốt, dựa trên chính sách, đầu tư, nhân lực, công nghệ và quản trị.
Kinh tế thể thao Việt Nam đang đứng trước những cơ hội bứt phá dựa trên tiềm năng nội tại và xu hướng phát triển của thế giới. Và rõ ràng, thể thao không chỉ là đam mê hay giải trí, mà còn là đòn bẩy kinh tế đầy tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.
Trong nội dung Chiến lược phát triển TDTT Việt Nam được phê duyệt theo Quyết định số 1189/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 15/10/2024, kinh tế thể thao lần đầu được đề cập, đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong việc chính thức công nhận và thúc đẩy lĩnh vực này tại Việt Nam.
Thể thao đã được coi là một ngành kinh tế dịch vụ tổng hợp, có tính liên ngành, chứ không chỉ đơn thuần là lĩnh vực giải trí.
Thể thao không chỉ là đam mê hay giải trí, mà còn là đòn bẩy kinh tế đầy tiềm năng, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển bền vững.