Cuba “cập nhật hóa mô hình kinh tế” như thế nào?

Từ năm 2009, Cuba bắt đầu áp dụng một số chính sách, mô hình kinh tế-xã hội mới, bước đầu phi tập trung hóa sản xuất nông nghiệp, cho phép tư nhân kinh doanh một số ngành dịch vụ và bán lẻ, giảm bao cấp đi đôi với cải thiện các cơ sở dịch vụ xã hội công, giảm biên chế…

Từ năm 2012, Cuba chính thức bắt đầu tiến trình cập nhật hóa mô hình kinh tế. Quốc hội Cuba đã ban hành hơn 40 văn bản pháp luật mới phù hợp với tiến trình “Cập nhật hóa mô hình kinh tế” như về thuế, đầu tư nước ngoài…

Để thu hút đầu tư nước ngoài, năm 2014, Cuba thông qua Luật Đầu tư nước ngoài mới, công bố khánh thành Đặc khu phát triển kinh tế Mariel là tổ hợp rộng 465km² gồm cảng biển nước sâu, kho ngoại quan, khu chế xuất, khu dịch vụ, với nhiều chính sách ưu đãi về đầu tư, thương mại, thuế, phí hải quan…

Giai đoạn 5 năm đầu thực hiện cập nhật hóa đem lại một số kết quả tích cực. Tăng trưởng giai đoạn 2011-2015 đạt trung bình 2,8%/năm. Tuy nhiên giai đoạn 2016-2020, tiến trình cập nhật hóa diễn ra thận trọng. Tăng trưởng chậm lại đáng kể do nhiều yếu tố. Kinh tế Cuba còn phụ thuộc nhiều vào các yếu tố bên ngoài, đặc biệt là chính sách của Mỹ đối với Cuba.

Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Cuba đã thông qua “Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội đến năm 2030” với các nội dung chỉ đạo theo hướng cởi mở hơn nhằm phát huy nội lực, kết hợp thu hút nguồn lực từ bên ngoài để phục hồi. Cuba đang tích cực xây dựng hành lang pháp lý mang tính lâu dài, ban hành một số văn bản với thành tố kinh tế thị trường như sắc lệnh về cầm cố và thế chấp, ủy thác bảo lãnh, hợp tác quốc tế.

Tài xế chờ du khách bên những chiếc xe đậm chất Cuba tại thủ đô La Habana, ngày 16/2/2022. (Ảnh: Reuters)

Tài xế chờ du khách bên những chiếc xe đậm chất Cuba tại thủ đô La Habana, ngày 16/2/2022. (Ảnh: Reuters)

Năm 2021, tăng trưởng kinh tế của Cuba đạt mức 2%, thấp hơn kế hoạch đề ra là 6% và mức tăng trưởng năm 2022 dự kiến sẽ quay trở lại mức ở giai đoạn trước đại dịch, khoảng 4%. Báo cáo trong kỳ họp của Quốc hội Khóa IX vào tháng 5/2022, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Kinh tế Alejandro Gil khẳng định Cuba đang trải qua giai đoạn phục hồi từng bước kể từ khi triển khai Kế hoạch Kinh tế năm 2022 được Quốc hội thông qua hồi tháng 12/2021.

Tính đến quý I/2022, xuất khẩu của Cuba đạt 590 triệu USD (tăng 162 triệu USD so với cùng kỳ năm 2021); nhập khẩu đạt 2,4 tỷ USD (vượt 138 triệu USD so với kế hoạch); tổng thu ngoại tệ đạt 493 triệu USD, tương đương so với quý I/2021, nhưng vẫn thấp hơn các năm trước dịch Covid-19; lạm phát tích lũy cả năm tính đến tháng 4/2022 là 6,57%; tính đến tháng 4/2022, du lịch đạt 450 nghìn khách, tăng 7 lần so với cùng kỳ năm 2021.

Gần đây, Cuba tiếp tục ban hành một số đạo luật về doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ, khuyến khích sản xuất nông nghiệp, liên doanh tư-công, cải cách thuế thu nhập, cho phép doanh nghiệp tham gia thị trường bán buôn, nới lỏng điều chỉnh tỷ giá… nhằm cải thiện tình hình kinh tế.