Campuchia đã đạt được những thành tựu nổi bật nào trong phát triển kinh tế?

Khi Vương quốc Campuchia được thành lập và tình hình chính trị dần đi vào ổn định, Campuchia chuyển sang nền kinh tế thị trường từ năm 1993. Với sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế và đầu tư nước ngoài, nền kinh tế Campuchia từng bước phát triển.

Gần 30 năm qua, từ một quốc gia có thu nhập thấp, Campuchia trở thành quốc gia có thu nhập trung bình thấp.

Campuchia đang tích cực triển khai Chiến lược Tứ giác giai đoạn 4, tập trung cải cách toàn diện kinh tế-xã hội, tăng cường hội nhập, hướng tới mục tiêu trở thành quốc gia có thu nhập trung bình cao vào năm 2030 và thu nhập cao vào năm 2050.

Quần thể di tích cố đô Angkor thu hút du khách tới tham quan. (Ảnh: Trường Sơn)

Quần thể di tích cố đô Angkor thu hút du khách tới tham quan. (Ảnh: Trường Sơn)

Ngân hàng Thế giới (WB) và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) nhận định: Campuchia là một trong số các quốc gia có mức tăng trưởng kinh tế ổn định, với tốc độ tăng trưởng bền vững 7%/năm trong hai thập niên qua. Trong 5 năm qua, kinh tế Campuchia có tỷ lệ lạm phát ở mức thấp và được kiểm soát, tỷ giá hối đoái ổn định.

Bên cạnh đó, cơ sở cho sự phát triển ngày càng được mở rộng, giúp quy mô kinh tế Campuchia ngày càng tăng. Cụ thể, từ năm 2014 đến năm 2019, GDP của Campuchia tăng từ 15,237 tỷ USD lên 24,605 tỷ USD.

Vốn đầu tư được cấp phép trong giai đoạn 2013-2017 đạt 23,3 tỷ USD, riêng năm 2018 đạt hơn 6,751 tỷ USD. Năm 2019, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt hơn 35 tỷ USD; sản lượng gạo xuất khẩu đạt hơn 620 nghìn tấn và Campuchia đón trên 6,6 triệu lượt khách du lịch quốc tế.

Năm 2021, Campuchia đẩy mạnh các biện pháp vừa chống dịch Covid-19 vừa phát triển kinh tế-xã hội.

Campuchia tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Campuchia tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân. (Ảnh: Nguyễn Hiệp)

Thu nhập bình quân đầu người của Campuchia từ 200 USD năm 2000 tăng lên 1.042 USD năm 2013 và 1.679 USD năm 2019. Tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, từ 53,5% năm 2004 xuống mức dưới 10% trong năm 2019.

Việc quản lý tài chính công cũng đạt được kết quả tốt được phản ánh qua tăng trưởng bền vững, nguồn thu ngân sách và hiệu quả trong việc quản lý chi ngân sách.

Cơ cấu kinh tế của Campuchia tiếp tục dịch chuyển từ việc chủ yếu dựa vào lĩnh vực nông nghiệp chuyển sang dựa vào lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ công. Nông nghiệp, dệt may, du lịch và xây dựng là những lĩnh vực trụ cột của nền kinh tế Campuchia, chiếm khoảng 80% tổng giá trị xuất khẩu.

Các thị trường xuất khẩu chính của Campuchia là Mỹ, Liên minh châu Âu (EU), Trung Quốc, Thái Lan và Việt Nam.