Nền kinh tế Sri Lanka dựa chủ yếu vào ngành nào?

Từ khi giành độc lập đến năm 1976, Sri Lanka phát triển chậm do xây dựng nền kinh tế theo mô hình tập trung, thành phần kinh tế nhà nước kém hiệu quả, cộng thêm tình hình an ninh diễn biến xấu.

Từ năm 1977, Sri Lanka tiến hành cải cách kinh tế theo cơ chế thị trường, đẩy mạnh tư nhân hóa và mở cửa, chú trọng xuất khẩu. Quan hệ thương mại của Sri Lanka với các bạn hàng truyền thống như Ấn Độ, Mỹ, các nước phương Tây, Nhật Bản ngày càng phát triển. Thực hiện chính sách hướng Đông, Sri Lanka ngày càng chú trọng phát triển quan hệ hợp tác với Trung Quốc và các nước Đông Nam Á.

Sri Lanka về cơ bản vẫn là một nước nông nghiệp. Tuy nhiên, nông nghiệp chỉ chiếm vị trí quan trọng trong việc thu hút nguồn lao động quốc gia, còn xuất khẩu chủ yếu vẫn phụ thuộc vào các nghành công nghiệp sản xuất. Các sản phẩm truyền thống nổi tiếng và là mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Sri Lanka gồm trà, dừa và cao su, đóng góp hơn 60% nguồn thu từ xuất khẩu. Hiện Sri Lanka đứng đầu thế giới về sản xuất cao su bán thành phẩm và xuất khẩu trà đen, xơ dừa.

Trà là một trong những sản phẩm truyền thống nổi tiếng và mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Sri Lanka. (Ảnh: Reuters)

Trà là một trong những sản phẩm truyền thống nổi tiếng và mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Sri Lanka. (Ảnh: Reuters)

Trong những năm 90, kinh tế Sri Lanka phát triển khá với tốc độ tăng GDP bình quân 5,2%/năm. Năm 2001, do nạn đình công, thiếu hụt năng lượng, mất an ninh trong nước và khủng bố tại Mỹ (thị trường xuất khẩu chính của Sri Lanka), GDP của Sri Lanka giảm 1,4%.

Tuy nhiên, từ năm 2002, kinh tế Sri Lanka đã nhanh chóng hồi phục và phát triển, đạt tốc độ tăng GDP trung bình 6%/ năm. Chính phủ Sri Lanka chủ trương phát triển kinh tế-xã hội công bằng và hài hòa và tập trung xây dựng nền kinh tế Sri Lanka tự cường. Thời điểm này, Sri Lanka là một trong những nước có thu nhập bình quân đầu người cao nhất khu vực Nam Á.

Sau khi chấm dứt cuộc nội chiến kéo dài 30 năm vào 2009, kinh tế Sri Lanka tăng trưởng mạnh, ở mức trung bình 5,6%/năm nhờ các quyết sách táo bạo của lãnh đạo nhằm tái thiết và phát triển đất nước.

Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng này đã bị chậm lại còn 2,9% năm 2019 mà nguyên nhân chính là do tác động của cuộc tấn công khủng bố vào tháng 4/2019. Đại dịch Covid-19 đã tác động nghiêm trọng nền kinh tế Sri Lanka.

Tổng GDP (quy đổi ra USD): 84,5 tỷ USD (số liệu của WB năm 2021).

GDP bình quân/người: 3.814 USD (số liệu của WB năm 2021).

Tỷ lệ tăng trưởng GDP: 2,4% (số liệu của ADB năm 2022).

Nông nghiệp chiếm 6,9% GDP; công nghiệp 26,8%; dịch vụ 60%...

Lạm phát: 45,3% (Statistics.gov.lk, tháng 5/2022).