Kinh tế tư nhân góp phần định hình tương lai đất nước


Trong hai thập niên gần đây, kinh tế tư nhân trỗi dậy mạnh mẽ, trở thành một trong những trụ cột quan trọng hàng đầu của nền kinh tế và ngày càng thể hiện là động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng của quốc gia. Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương trả lời phỏng vấn Báo Nhân Dân về những đòi hỏi trong phát triển thể chế giúp giải phóng sức mạnh và khả năng sáng tạo của kinh tế tư nhân.

Thưa đồng chí, mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm có nhấn mạnh yêu cầu, cần quán triệt lại nhận thức về vai trò của kinh tế tư nhân như là động lực tăng trưởng quan trọng hàng đầu của đất nước. Xin đồng chí chia sẻ về sự lớn mạnh của đội ngũ doanh nghiệp tư nhân sau gần 40 năm đất nước đổi mới? 

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Đồng chí Trần Lưu Quang, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Chính sách, chiến lược Trung ương.

Trong giai đoạn đầu đổi mới, thành phần kinh tế xã hội chủ nghĩa được xác định chủ yếu bao gồm khu vực quốc doanh và khu vực tập thể; kinh tế tư nhân chỉ được nhìn nhận là một phần trong các thành phần kinh tế khác. Nhưng đến đầu những năm 1990, kinh tế tư nhân bắt đầu được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển; và đặc biệt là từ Đại hội XI tới nay, khu vực kinh tế tư nhân được xác định là một động lực quan trọng của nền kinh tế.

Điều này đã khiến cho khu vực kinh tế tư nhân nước ta trong gần 40 năm qua không ngừng lớn mạnh và trưởng thành, tới nay đã trở thành khu vực đông đảo nhất, có đóng góp lớn nhất vào tăng trưởng kinh tế đất nước với hơn 900 nghìn doanh nghiệp, chiếm khoảng 98% tổng số doanh nghiệp cả nước; đóng góp khoảng 30% thu ngân sách, hơn 50% GDP, hơn 56% tổng vốn đầu tư toàn xã hội và tạo việc làm cho khoảng 85% lực lượng lao động; cùng với đó là lực lượng hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể trải rộng ở tất cả các địa bàn trong cả nước. Đây cũng có thể nói là khu vực năng động nhất, đổi mới sáng tạo nhất, chịu khó tìm tòi và luôn đi đầu ở các lĩnh vực mới mẻ, đòi hỏi đương đầu với thử thách nhất. Điển hình trong số đó có thể kể tới các doanh nghiệp như Vingroup, Masan, Sun Group, Vietjet, Thaco..., trong đó, một số doanh nghiệp đã vươn tầm khu vực và thế giới.

Đồng chí nhìn nhận thế nào về những rào cản đang khiến cho kinh tế tư nhân không thể bứt phá về quy mô và năng lực cạnh tranh? Và đâu là giải pháp vượt trội giúp khơi dậy sức mạnh của khu vực này, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 và năm 2045?

Nhìn nhận thực tế phát triển thời gian qua cho thấy vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế, rào cản kìm hãm sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân.

Điều này có nguyên nhân chủ yếu bởi thể chế, pháp luật còn nhiều bất cập, chồng chéo; môi trường đầu tư, kinh doanh chưa thật sự thuận lợi, thông thoáng, công bằng; thủ tục hành chính còn phức tạp, rườm rà, gây tốn kém chi phí, thời gian thực hiện... Nhưng mặt khác, cũng có nguyên nhân từ chính khu vực kinh tế tư nhân, bởi đại đa số là các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ; tiềm lực tài chính và trình độ quản trị còn hạn chế; nhiều doanh nghiệp tư nhân lớn xuất phát từ các lĩnh vực bất động sản và khai thác tài nguyên, ít có doanh nghiệp đi lên lớn mạnh từ các ngành sản xuất và khai thác từ công nghệ cao; tư duy kinh doanh theo kiểu ngắn hạn, làm theo thói quen, chọn lĩnh vực dễ, khâu đơn giản, tìm kiếm lợi nhuận trước mắt còn phổ biến; ý thức tìm hiểu, nắm bắt luật pháp, quy định, cam kết quốc tế nhìn chung còn nhiều hạn chế…

Ngày hội đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024

Ngày hội đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024

Để giải quyết được những vấn đề nêu trên, cần phải có các giải pháp vừa mang tính cấp bách trước mắt, vừa phải có các giải pháp mang tính chiến lược lâu dài. Trong đó, cần lưu ý tập trung vào một số nhóm giải pháp như sau:

Trước hết, cần phải xác định cải cách, hoàn thiện thể chế là yếu tố cốt lõi, đóng vai trò dẫn dắt xuyên suốt để tạo nên đột phá trong phát triển của khu vực kinh tế tư nhân thời gian tới cả trong trước mắt và lâu dài. Thực hiện “cuộc cách mạng” về minh bạch hóa, số hóa, thông minh hóa, tự động hóa các quy trình, thủ tục đối với doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng mạnh mẽ công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo và dữ liệu lớn; với nền tảng là sự hoàn thiện nhanh chóng hệ thống thể chế kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Xóa bỏ các rào cản gia nhập và rút khỏi thị trường; tạo điều kiện tiếp cận thuận lợi và bình đẳng của kinh tế tư nhân với các thành phần kinh tế khác về các nguồn lực, đặc biệt là vốn, tài nguyên và nguồn lực dữ liệu; bảo đảm quyền tài sản và quyền sở hữu trí tuệ của doanh nghiệp; chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu trong bộ máy hành chính... Cùng với đó là thường xuyên rà soát để phát hiện, loại bỏ các rào cản phát sinh, duy trì môi trường đầu tư, kinh doanh lành mạnh.

Thứ hai, cần có chiến lược rõ ràng để từ đó có cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp cho phát triển kinh tế tư nhân, trong đó: Hình thành và phát triển các doanh nghiệp tư nhân lớn, đóng vai trò dẫn dắt, đi đầu trong các lĩnh vực trọng yếu, có năng lực cạnh tranh toàn cầu, tham gia giải các bài toán lớn của quốc gia; thúc đẩy phát triển các doanh nghiệp tư nhân quy mô vừa và nhỏ phát triển gắn liền với việc hình thành các chuỗi sản xuất theo chuyên đề (cluster) ở các vùng và các địa phương, từng bước vươn lên trở thành doanh nghiệp lớn; khuyến khích, hỗ trợ các hộ kinh doanh cá thể chuyển đổi mạnh mẽ sang hoạt động theo mô hình doanh nghiệp. Tạo không khí khởi nghiệp và tinh thần toàn dân tham gia lao động tạo ra của cải vật chất, đóng góp vào tăng trưởng và phát triển của nền kinh tế.

Thứ ba, có biện pháp hữu hiệu để tăng cường sự kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân với nhau, giữa các doanh nghiệp tư nhân với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI. Trong đó, tập trung vào một số giải pháp căn bản như sau: Phát triển nền tảng số của Việt Nam để thúc đẩy kết nối doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp chia sẻ thông tin, tìm kiếm đối tác và tận dụng nguồn lực chung; hình thành các cụm liên kết ngành giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp FDI theo chuỗi giá trị giúp nâng cao năng lực cạnh tranh; mở rộng mô hình hợp tác công - tư, nhất là trong các lĩnh vực chiến lược như hạ tầng, công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp tư nhân tham gia vào các dự án quốc gia và kết nối với doanh nghiệp nhà nước thông qua các chính sách ưu đãi​.

Thứ tư, thúc đẩy khởi nghiệp, nhất là khởi nghiệp sáng tạo trong khu vực kinh tế tư nhân. Phấn đấu thực hiện mục tiêu đến năm 2030, đưa Việt Nam vào tốp 30 quốc gia có hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo tốt nhất thế giới (hiện chúng ta đang đứng thứ 56/119 quốc gia); rà soát, củng cố hoạt động của các quỹ đầu tư, vườn ươm, trung tâm khởi nghiệp sáng tạo trong cả nước; phát huy vai trò của Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) để kết nối Chính phủ, doanh nghiệp, trường đại học và nhà đầu tư; hỗ trợ nghiên cứu, phát triển khởi nghiệp và tạo ra hệ sinh thái đổi mới sáng tạo quốc gia; hỗ trợ và khuyến khích các doanh nghiệp khởi nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư từ các quỹ đầu tư toàn cầu; thu hút dòng vốn đầu tư mạo hiểm vào Việt Nam; nghiên cứu các “gói tín dụng” ưu đãi cho doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Thứ năm, các hiệp hội, tổ chức đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam cần phát huy hơn nữa vai trò đại diện cho tiếng nói và trí tuệ của doanh nghiệp, doanh nhân Việt Nam, chủ động, tích cực tham gia vào quá trình xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách, pháp luật của Nhà nước để cùng đóng góp với Đảng, Nhà nước xây dựng một môi trường đầu tư, kinh doanh hiện đại, lành mạnh, giúp cho cả nước và giúp cho doanh nghiệp, doanh nhân tư nhân nước ta vươn lên phát triển.

Thưa đồng chí, để tạo dựng được đội ngũ doanh nghiệp đầu đàn, có sức dẫn dắt trong các lĩnh vực quan trọng, chúng ta cần có những cơ chế, chính sách mang tính vượt trội như thế nào? 

Để xây dựng các chính sách vượt trội, có thể xem xét thực hiện một số cơ chế, chính sách cụ thể như: Xây dựng cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế nhập khẩu nguyên vật liệu đầu vào, thuế giá trị gia tăng cho doanh nghiệp trong ngành công nghiệp chiến lược (như chíp bán dẫn, trí tuệ nhân tạo, năng lượng tái tạo); có cơ chế hỗ trợ tài chính và tín dụng đặc biệt cho các tập đoàn kinh tế có tầm ảnh hưởng; thành lập quỹ đầu tư quốc gia để hỗ trợ doanh nghiệp dân tộc quy mô lớn có tiềm năng trong các ngành chiến lược, tương tự như các quỹ phát triển doanh nghiệp ở một số quốc gia đã vượt qua bẫy thu nhập trung bình từng thực hiện thành công như Nhật Bản, Hàn Quốc...; hỗ trợ đổi mới công nghệ thông qua miễn, giảm thuế nhập khẩu thiết bị công nghệ cao và hỗ trợ chi phí nghiên cứu và phát triển cho các doanh nghiệp quy mô lớn; tạo cơ chế khuyến khích hình thành và phát triển các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn thông qua sáp nhập và mua lại (M&A), mở rộng quy mô bằng cách liên kết chuỗi doanh nghiệp trong nước.

Việt Nam có hơn 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, nhưng nhiều hộ vẫn e ngại mở rộng quy mô do lo ngại các quy định và thủ tục. Theo đồng chí, cần làm gì để khuyến khích khu vực này phát triển, qua đó bổ sung lực lượng cho kinh tế tư nhân ?

Đây là lực lượng đông đảo và quan trọng cần được nâng đỡ, hỗ trợ phát triển. Trong đó, cần tập trung xử lý một cách thực chất và hữu hiệu những vấn đề đang là trở ngại khiến cho khu vực này thời gian qua chưa thật sự vươn lên phát triển, thậm chí là “không muốn lớn”, “không chịu lớn”.

Các giải pháp cụ thể có thể cần được tính đến là: Xem xét, xóa bỏ hình thức thuế khoán hộ, đi kèm với chính sách miễn thuế thu nhập doanh nghiệp trong một số năm đầu; rà soát, hạ chuẩn kế toán; thực hiện số hóa và đơn giản, đồng bộ hóa mọi quy trình, thủ tục hành chính đối với nhóm này; Nhà nước cung cấp dịch vụ tư vấn miễn phí về quản lý doanh nghiệp, kế toán, thuế và pháp luật cho các hộ kinh doanh. Đồng thời, tổ chức các khóa đào tạo nhằm nâng cao năng lực quản lý và kỹ năng kinh doanh, giúp họ tự tin hơn trong việc chuyển đổi và vận hành doanh nghiệp.

Xin đồng chí có thể chia sẻ về những nội dung lớn mà Ban Chính sách, chiến lược Trung ương cho rằng cần phải được thể hiện trong Nghị quyết về kinh tế tư nhân?

Ban Chính sách, chiến lược Trung ương đang phối hợp chặt chẽ với Đảng ủy Chính phủ, là cơ quan được giao đầu mối xây dựng Đề án về phát triển khu vực kinh tế tư nhân, để khẩn trương hoàn thành và trình Bộ Chính trị xem xét, ban hành một nghị quyết mới nhằm tạo đột phá phát triển của khu vực này trong thời gian tới. Các định hướng, mục tiêu và nhiệm vụ, giải pháp lớn được đề xuất trong nghị quyết lần này sẽ được nghiên cứu kỹ lưỡng để thể hiện và cụ thể hóa được tư tưởng chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư Tô Lâm về vấn đề này trong các cuộc làm việc, bài viết, phát biểu gần đây, đặc biệt là bài viết về “Phát triển kinh tế tư nhân - đòn bẩy cho một Việt Nam thịnh vượng”.

Đổi mới sáng tạo chính là động lực để cách mạng hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Đổi mới sáng tạo chính là động lực để cách mạng hóa mô hình tăng trưởng kinh tế của Việt Nam.

Nghị quyết về kinh tế tư nhân được trông đợi sẽ tạo ra động lực đột phá, mở ra kỷ nguyên vươn mình của doanh nghiệp tư nhân Việt Nam. Đồng chí có thể nhắn nhủ điều gì với các doanh nghiệp trong thời điểm quan trọng này?

Bộ KHCN đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2025.

Bộ KHCN đưa ra 7 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu nhằm góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước 2025.

Đất nước ta đang đứng trước vận hội mới và yêu cầu phát triển mới có tính lịch sử, đòi hỏi mọi doanh nghiệp, người dân phải cùng chung sức, đồng lòng, nỗ lực đổi mới, vượt qua chính mình để hoàn thành cho được mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030 là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân cần phải là lực lượng chủ lực trong sản xuất, kinh doanh; tiên phong, đi đầu trong nghiên cứu phát triển và ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số; thúc đẩy nâng cao năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh và đóng vai trò là động lực hàng đầu cho tăng trưởng của nền kinh tế.

Đây là sứ mạng, là trọng trách và cũng là niềm vinh dự, tự hào của khu vực kinh tế tư nhân trong kỷ nguyên phát triển vươn mình của đất nước ta. Tôi tin tưởng và trông đợi, khi Đảng và Nhà nước xác định rõ vai trò của kinh tế tư nhân, từ đó đưa ra cơ chế phù hợp, chính sách đúng đắn, kinh tế tư nhân sẽ được ươm dưỡng để bứt phá mạnh mẽ. Đó là yếu tố quan trọng đưa Việt Nam vươn lên thành nền kinh tế thu nhập cao trong hai thập niên tới.

Trân trọng cảm ơn đồng chí!

Nội dung: Lưu Hương - Văn Toán
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Phi Nguyên