Trung tướng Lê Trọng Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ binh đoàn Quyết Thắng nhân Kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập binh đoàn (1978).

Trung tướng Lê Trọng Tấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Tổng tham mưu trưởng đến thăm và nói chuyện thân mật với cán bộ, chiến sĩ binh đoàn Quyết Thắng nhân Kỷ niệm 5 năm Ngày thành lập binh đoàn (1978).

Câu chuyện với Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại bắt đầu từ những chuyến xe đi công tác của Đại tướng Lê Trọng Tấn, vị chỉ huy mà ông rất mực kính trọng, mến phục...

Đi nhờ xe tướng - kịp đón giao thừa

Chiều 30 Tết năm 1963 là một ngày mưa dầm, giá rét, gió mùa đông bắc thổi hun hút trên con đường từ Sơn Tây về Hà Nội. Một thượng úy trẻ đang gò mình trên chiếc xe đạp cho kịp về Hà Nội để bắt tàu xuôi Nam Định ăn Tết. Đó chính là Nguyễn Đồng Thoại, giáo viên Trường Sĩ quan Lục quân 1. Công việc huấn luyện ở nhà trường thời chiến rất bộn bề, chẳng mấy khi anh có dịp thăm nhà, nay vợ lại đang đi học Trường trung cấp Y Nam Định và mới sinh con thứ hai nên anh càng nóng lòng muốn về nhà sớm.

Vậy mà trời chẳng chiều lòng người, gió mùa đông bắc như những bàn tay vô hình cứ đẩy lùi ghi đông lại. Mới đạp xe tới phố Gạch (cách Sơn Tây 5km), anh đã phải dừng xe rồi ngồi bệt xuống vệ đường để... thở. Bụng bảo dạ: Không biết bao giờ mới về đến nhà đây? Đang ngồi thì anh Thoại giật mình khi thấy một chiếc GAS 69 đít vuông từ phía Sơn Tây về Hà Nội phóng đến. Theo phản xạ điều lệnh, Thoại giơ tay chào, vị chỉ huy ngồi trên xe cũng vẫy tay chào lại. Ồ! Ai trông quen quá? Nhìn kỹ thì ra là Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, nguyên Hiệu trường Trường Sĩ quan Lục quân 1 mới về đảm nhiệm chức Phó Tổng tham mưu trưởng. Nhưng chắc gì anh ấy biết mình là ai, xưa nay quân nhớ tướng là chính chứ mấy tướng nhớ hết quân của mình. Nhớ lại những ngày Tướng Lê Trọng Tấn còn là hiệu trưởng ở trường, anh Thoại chợt mỉm cười...

Hồi ấy, sau giờ nghỉ buổi chiều, anh em cán bộ, giáo viên, học viên thường đổ ra sân đá bóng. Cứ đủ người là chia thành hai đội chơi luôn, có khi cầu thủ chẳng biết rõ nhau ở phân đội nào. Hôm đó, anh Thoại đang đá hậu vệ thì gặp tiền đạo đối phương là một "ông già" gần 50 tuổi đi bóng lắt léo qua mặt rồi sút tung lưới. Thủ môn tức tối vì bàn thua bèn quát:

- Thằng Thoại "đầu to", có mỗi "ông già" gầy nhom mà không kèm được.

"Ông già" nghe thấy nhưng vẫn cười trong niềm vui chiến thắng.

Hôm sau, trường làm lễ chào cờ. Anh Thoại bàng hoàng nhận ra "ông già" hôm qua chính là đồng chí Thiếu tướng, Hiệu trưởng Lê Trọng Tấn...

Thôi lên đi mà về ăn Tết cho sớm. Xe bẩn thì rửa. Lính là phải "tráng", đừng ngại!

---
Đại tướng Lê Trọng Tấn

Mải suy nghĩ miên man, anh Thoại bỗng giật mình khi thấy chiếc GAS vòng lại rồi dừng sát chỗ mình. Chuyện gì đây? Thật bất ngờ, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn ngồi trong xe gọi:

- Cậu Thoại lục quân đó hả! Mưa gió thế này, lên xe mình cho đi nhờ...

Ôi quả là còn hơn cả "khát nước gặp mưa rào" khi giữa đường mưa gió lại được một ông tướng gọi cho đi nhờ xe - điều mà anh không bao giờ dám... mơ tới. Mừng. Ngạc nhiên nhưng lại "sợ"... Nhìn lại mình, chiếc xe đạp thồ cũ kỹ đầy bùn đất, hai bên lại là hai bao... cá muối tăng gia được mang về ăn Tết đang bốc mùi tanh nồng. Xe của phó Tổng tham mưu trưởng còn mới toanh, sạch bóng. Nghĩ đến đây, Thoại bối rối chối từ:

- Cảm ơn thủ trưởng, em đi xe đạp được rồi. Vả lại xe em... bẩn lắm!

- Thôi lên đi mà về ăn Tết cho sớm. Xe bẩn thì rửa. Lính là phải "tráng", đừng ngại!

Nói rồi ông xuống xe châm lửa hút thuốc, bảo lái xe xuống giúp anh Thoại buộc xe đạp lên sau ô-tô...

Chẳng mấy chốc, xe về đến Hà Nội, anh Thoại vội vã cảm ơn Thiếu tướng Lê Trọng Tấn, gỡ xe để kịp ra ga về Nam Định. Tàu Tết của những năm 60 thì phải luôn chen lấn như nêm cối nên anh chủ động về nhanh. Vừa gỡ xe xuống khỏi ô-tô để lên đường thì Thiếu  tướng Lê Trọng Tấn đã tới bên anh Thoại và người lái xe; chỉ thị rất ngắn:

- Thôi Tết nhất đến nơi rồi, cho cậu lái xe về Thái Bình ăn Tết 3 ngày, tiện thể đưa luôn anh Thoại về Nam Định.

- Dạ! Như thế sao được, ngày Tết anh còn phải đi thăm hỏi, chúc Tết nhiều nơi... - người lái xe nói.

- Cứ yên tâm, mình sẽ mượn xe khác...

Nếu không đi nhờ xe tướng, tôi đi tàu cũng phải qua giao thừa mới về tới Nam Định.

---
Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại

"Lúc đó còn trẻ, tôi cứ nghĩ rằng anh sẽ làm như vậy - Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại bâng khuâng kể tiếp. Chúng tôi về Nam Định, Thái Bình, lòng vui phơi phới. Tôi được hưởng trọn cái Tết với vợ con, nhất là bên cạnh thằng con trai thứ hai mới đầy tháng. Hôm ấy, nếu không đi nhờ xe tướng, tôi đi tàu cũng phải qua giao thừa mới về tới Nam Định. Sau này, tôi mới biết, suốt cái Tết Nhâm Dần ấy, anh Tấn chẳng mượn xe công đi thăm bạn bè, họ hàng mà toàn đi bằng... xe đạp".

Đồng chí Lê Trọng Tấn (ngoài cùng bên trái) tại Sở Chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972. 

Đồng chí Lê Trọng Tấn (ngoài cùng bên trái) tại Sở Chỉ huy chiến dịch Quảng Trị năm 1972. 

Tướng Lê Trọng Tấn nghiên cứu tình hình chiến trường miền nam (năm 1965).

Tướng Lê Trọng Tấn nghiên cứu tình hình chiến trường miền nam (năm 1965).

Nhờ xe tướng - cấp cứu được vợ

Chẳng phải riêng tôi được đi nhờ xe mà có lẽ anh Lê Trọng Tấn luôn sẵn sàng giúp bất kỳ ai có việc cần. Thêm một chuyện cảm động, một chuyến xe "đặc biệt" mà sau này tôi được chứng kiến - ông Nguyễn Đồng Thoại kể tiếp...

Khi ấy là mùa hè 1980, anh Thoại đã chuyển về Bộ Tổng tham mưu công tác được 5 năm. Lúc đó, anh được giao xuống Đồ Sơn, soạn thảo một văn bản tổng kết chiến tranh dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Tổng tham mưu trưởng - Đại tướng Lê Trọng Tấn. Phụ trách công việc phục vụ là một thượng úy trẻ. Một buổi chiều, khi Đại tướng đang nằm đọc báo trên chiếc võng Trường Sơn mắc ngoài vườn thì anh ta dẫn một trung úy tới, rụt rè xin gặp. Đại tướng tìm ghế mời ngồi, nhưng họ vẫn đứng ngập ngừng. Biết có chuyện, ông bảo:

- Có việc gì hai cậu cứ báo cáo thật đi mình sẵn sàng giúp.

Anh thượng úy nói vợ quê ở Thái Bình đang bệnh nặng phải đi cấp cứu, hai con ở nhà còn nhỏ... Anh xin được về phép giúp vợ và giới thiệu đồng chí trung úy thay mình...

Đại tướng đồng ý ngay và ân cần hỏi thăm tình hình bệnh tật của vợ anh. Anh thượng úy mừng rỡ vội đi thì ông bỗng gọi lại:

- Cậu về nhà bằng cách nào?

Anh báo cáo có mượn được chiếc xe đạp công, nếu đi suốt đêm sẽ về tới nhà. Đại tướng nhíu mày suy nghĩ. Rồi ông gọi người lái xe:

- Cậu Thành! Lấy xe đưa anh này về Thái Bình; nếu nguy cấp thì ngay trong đêm đưa cô ấy lên Viện 108 cấp cứu.

- Nhưng ngày mai thủ trưởng còn sang họp ở Hải Phòng - lái xe lo lắng hỏi.

- Tôi sẽ mượn xe Quân khu 3 - ông trả lời dứt khoát.

Anh thượng úy mắt đỏ hoe: "Dạ, em không dám, em chỉ xin nghỉ là được rồi ạ".

- Thôi về mà lo cho cô ấy đi! Thế nhé - Đại tướng động viên.

 Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc.

 Đồng chí Lê Trọng Tấn (thứ hai, từ trái sang) và Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng một số cán bộ trao đổi công việc.

Đợi hai người đi rồi, Đại tướng bảo: Để cậu ấy đi xe đạp  suốt đêm mới về tới nhà thì còn gì gọi là "về cấp cứu vợ". Là người từng qua nhiều lần đường 10 của những năm 80, anh Thoại thêm một lần cảm phục sự quan tâm của Đại tướng. Anh biết, đường 10 là con đường làm từ thời Pháp từng bị xẻ nát để "tiêu thổ kháng chiến", sau lại bị bom Mỹ cày phá nên hòa bình rồi mà vẫn nhiều "ổ trâu", "ổ voi", lại qua nhiều phà. Nếu anh thượng úy đạp xe về trong đêm, không khéo ngã lại phải cấp cứu cả chồng lẫn vợ...

Sáng hôm sau, anh Thoại được tháp tùng Đại tướng sang Hải Phòng họp. Thật bất ngờ, ông không mượn xe Quân khu 3 vì sợ phiền phức mà xin đi nhờ chiếc Jeep "cóc gặm" của Trung đoàn Bảo vệ Đồ Sơn. Đêm trước, Đại tướng cho gọi người lái xe lại, hỏi thăm tình hình chiếc xe. Anh này thật thà kể:

- Xe của em "sơn thì tróc, nóc lại thủng", chỉ được cái nổ giòn và lái xe là dân Trường Sơn chính hiệu.

Thế là Đại tướng yên tâm dặn đồng chí lái xe ngày mai đưa ông đi.

Sáng hôm sau, chiếc Jeep lên đường. Nó phải chở tới 8 người, trong khi chỗ ngồi chỉ có 4. Anh Thoại và bảo vệ phải ngồi ké lên chắn bùn của xe, thò chân ra ngoài nom như làm xiếc. Xe chạy từ Đồ Sơn về Hải Phòng, dân bên đường ai cũng nhìn theo tò mò. Khi dừng trước trụ sở Thành ủy, hai đồng chí cảnh sát chạy tới xua tay:

- Các ông ơi, đánh xe đi cho chúng tôi nhờ, đang chuẩn bị đón khách quý.

- Chắc đón Tổng tham mưu trưởng chứ gì? - Anh Thoại cười vui hỏi lại.

- Sao ông biết? Đồng chí cảnh sát trố mắt nhìn anh dò hỏi.

- Tổng tham mưu trưởng đây! - Anh Thoại cười chỉ vào Đại tướng đang cúi xuống phủi bụi quần áo. Anh cảnh sát kêu "ối" rồi vội chạy vào báo cáo lãnh đạo thành phố ra đón.

Mấy ngày sau, lãnh đạo Hải Phòng chu đáo cho tới 6 chiếc xe con tới đón Đại tướng và đoàn công tác về Đồ Sơn. Nhưng ông chỉ nhận hai chiếc vừa đủ chở người về. Đến Đồ Sơn cũng vừa lúc anh lái xe về báo cáo: tới Thái Bình, vợ anh thượng úy đang đau dữ nên anh đưa ngay lên Viện 108 rồi sang Bạch Mai điều trị kịp thời.

Đúng lúc đoàn công tác sắp rời Đồ Sơn thì anh thượng úy trả phép. Anh rất vui báo tin vợ đã khỏe, rồi lên cảm ơn Đại tướng. Một lúc sau, anh xuống, vẻ bần thần: Em muốn nói lời cảm tạ thủ trưởng mà chẳng nói được gì... Anh Thoại an ủi anh thượng úy: Với mọi người, anh Tấn đều tận tình như vậy...

Đại tướng Lê Trọng Tấn, vị tướng xông pha chiến trận và yêu thương binh sĩ hết mực đã đi xa gần 10 năm. Nhưng chuyện về hai chuyến xe cảm động vẫn sống mãi trong lòng Thiếu tướng Nguyễn Đồng Thoại và gợi cho chúng ta biết bao điều về tình đồng đội của những người "lính Cụ Hồ".

Bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 15/12/2004
Trình bày: NGỌC BÍCH
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN

Đại tướng Lê Trọng Tấn thăm mặt trận trong Chiến tranh Biên giới phía bắc.

Đại tướng Lê Trọng Tấn thăm mặt trận trong Chiến tranh Biên giới phía bắc.