Sẵn sàng cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022
Là một kỳ thi diễn ra hằng năm lớn nhất trong cả nước, Kỳ thi tốt nghiệp THPT có tầm quan trọng không chỉ đối với những thí sinh tham dự mà còn đối với toàn xã hội. Công tác chuẩn bị đã được thực hiện từ trước đó nhiều tháng và tính tới thời điểm hiện tại, mọi công tác chuẩn bị đã hoàn thành, sẵn sàng triển khai theo đúng kế hoạch của Kỳ thi. Tất cả để hướng tới một Kỳ thi an toàn, nghiêm túc, minh bạch, khách quan, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho thí sinh.
Để triển khai kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022, từ tháng 5, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022.
Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 được giữ ổn định về cơ cấu, chức năng, nhiệm vụ như năm 2021. Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ làm Trưởng ban; các Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo làm Phó Trưởng ban; đại diện lãnh đạo vụ, cục liên quan thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ làm ủy viên; Ủy viên thường trực là lãnh đạo Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Với quan điểm “không để bị động trong mọi tình huống”, Ban Chỉ đạo cấp quốc gia Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 là nơi lên phương án, kịch bản dự phòng trong mọi khâu tổ chức kỳ thi. Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ cho biết Ban Chỉ đạo thống nhất về nhận thức và quyết tâm cao là trong tổ chức Kỳ thi cố gắng không để bất kỳ sơ xuất nào xảy ra.
Đồng thời với đó là đẩy mạnh phân cấp, phân công nhằm tăng cường trách nhiệm của các địa phương với kỳ thi.
Một số vấn đề lưu ý trong công tác chuẩn bị cho Kỳ thi đặt ra: công tác kiểm tra trước và trong kỳ thi, công tác ra đề, in sao, bảo mật đề thi, công tác thanh tra, kiểm tra và bảo đảm an ninh, an toàn cho Kỳ thi ,…
Thứ trưởng Nguyễn Hữu Độ đề nghị Trưởng Ban chỉ đạo Kỳ thi ở các địa phương cần tập trung cho công tác chuẩn bị, bao gồm: chú trọng lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi; chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, phương án bố trí thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, chủ động phương án phòng chống mưa ngập trong những ngày thi; phương án hỗ trợ đến từng thí sinh khó khăn về phương tiện đi lại, điểu kiện kinh tế…
Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu các địa phương tăng cường nhận thức rõ về tầm quan trọng của kỳ thi, chuẩn bị kỹ lưỡng, không chủ quan theo phương châm: Nắm chắc quy chế và các hướng dẫn; chuẩn bị chu đáo các điều kiện; kiểm soát tốt tình hình; giải quyết hiệu quả các tình huống.
Ban Chỉ đạo kỳ thi lưu ý các địa phương cần chú trọng công tác lựa chọn nhân sự tham gia tổ chức kỳ thi. Ở những vị trí quan trọng, nếu thấy cần thiết, các địa phương có thể xin ý kiến của cơ quan công an để phối hợp tổ chức thực hiện; xây dựng phương án huy động đội ngũ cán bộ, giáo viên đủ tiêu chuẩn tham gia công tác coi thi, chấm thi, phúc khảo.
Tổng số thí sinh đăng ký dự thi: 1.002.432. Toàn quốc có 2.243 điểm thi với 42.293 phòng thi.
Ngoài ra, cần chú trọng nâng cao hiệu quả, chất lượng của các lớp tập huấn nghiệp vụ tổ chức thi, thanh tra, kiểm tra thi cho cán bộ, giáo viên; thiết lập đường dây nóng và phân công cán bộ nắm vững quy chế để hướng dẫn và giải đáp thắc mắc của thí sinh và người dân; báo cáo các tình huống phát sinh với Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để có phương án xử lý kịp thời, phù hợp.
Bên cạnh đó, các địa phương cần chuẩn bị tốt các điều kiện cơ sở vật chất, bố trí nguồn lực thực hiện các khâu của kỳ thi theo đúng quy chế; có phương án tổ chức thi cho các thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; thực hiện tốt việc in sao đề thi, coi thi, chấm thi, phúc khảo, công bố kết quả thi và lưu trữ hồ sơ thi; tổ chức xét công nhận tốt nghiệp trung học phổ thông cho thí sinh theo đúng quy chế và tiến độ.
Ngay trước những ngày diễn ra Kỳ thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thành lập 10 đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị Kỳ thi, đi kiểm tra một số tỉnh và chia ra theo các vùng: Vùng núi phía bắc, đồng bằng sông Hồng, duyên hải miền trung, miền nam và đồng bằng sông Cửu Long.
1. Công tác chuẩn bị thi: Giữ nguyên như năm 2021, năm 2022 thành lập 10 đoàn kiểm tra tại 20 Sở GDĐT (không trùng lặp với các đoàn của BCĐ thi cấp quốc gia). BCĐ cấp quốc gia đã có Quyết định số 1500/QĐ-BGDĐT ngày 8/6/2022, về việc thành lập 5 đoàn Kiểm tra của Ban Chỉ đạo, mỗi đoàn do 1 đồng chí Lãnh đạo Bộ làm trưởng đoàn và các thành viên BCĐ (Bộ Công an, Bộ Y tế, Thanh tra Chính phủ, Bộ GDĐT…) tổ chức kiểm tra tại các địa phương trong suốt quá trình chuẩn bị và tổ chức thi.
2. Công tác coi thi: Tổ chức với hình thức như năm 2021 (năm 2021 huy động gần 8.000 CB, GV). Năm 2022, Bộ thành lập 63 đoàn kiểm tra tại 63 Sở GDĐT, Trưởng đoàn và thành viên là lãnh đạo, CB, GV các cơ sở GDĐH; mỗi đoàn có ít nhất 2 cơ sở GDĐH tham gia, mỗi Điểm thi có 1 tổ kiểm tra, mỗi tổ từ 2 người trở lên tùy theo số phòng thi tại Điểm thi theo hướng dẫn. Điều động các cơ sở giáo dục đại học tham gia kiểm tra công tác coi thi, chấm thi: 148 cơ sở giáo dục đại học với tổng số 6.780 người.
3. Công tác chấm thi: Thành lập 63 Đoàn kiểm tra của Bộ GDĐT tại 63 Sở GDĐT; mỗi Đoàn từ 4 đến 5 người do Bộ GDĐT điều động từ các Sở GDĐT và các cơ sở GDĐH.
4. Công tác chấm phúc khảo: Giữ ổn định như năm 2021 là kiểm tra lưu động tại một số Sở GDĐT: Thành lập 5 Đoàn kiểm tra, kiểm tra từ 10 đến 15 sở GDĐT.
Qua các buổi kiểm tra công tác tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT ở một số địa phương, đoàn kiểm tra của Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa ra lưu ý về công tác phòng chống dịch bệnh. Hiện nay, mặc dù thí sinh và cán bộ làm thi đã được tiêm vaccine, nhưng còn tiềm ẩn nguy cơ dịch bệnh có diễn biến mới. Do đó, các Ban Chỉ đạo thi, các Hội đồng Thi không được lơ là trong giám sát dịch bệnh Covid-19; bảo đảm an toàn, vệ sinh thực phẩm trong những ngày diễn ra Kỳ thi và nắm bắt, rà soát hỗ trợ thí sinh khó khăn, không để bất kỳ thí sinh nào vì hoàn cảnh kinh tế khó khăn mà không thể dự thi…
Các đoàn kiểm tra cũng lưu ý về các điều kiệm bảo đảm về cơ sở vật chất như : phòng thi cho các trường hợp F0, trường hợp nghi nhiễm, hệ thống máy nổ, quạt trần, phòng chống cháy nổ, an toàn giao thông; phương án dự phòng trường hợp mất điện, thiên tai, mưa lũ; thận trọng với an toàn vệ sinh thực phẩm; kiểm soát chặt các thiết bị công nghệ.
Bên cạnh đó, rà soát các hoạt động cũng như trách nhiệm của tất cả nhân sự tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi như in sao đề thi, vận chuyển, bàn giao đề thi và bài thi, y tế, điện lực…
Trong những ngày diễn ra kỳ thi, từ 6 đến 8/7, lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ đi kiểm tra công tác coi thi Kỳ thi, dự kiến tại các địa phương: Bến Tre, Kiên Giang, Cần Thơ, Thừa Thiên Huế, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Hà Nội, Hải Dương, Quảng Nam, Tây Ninh, Bình Phước, Ninh Bình, Đà Nẵng, Bắc Ninh.
Kỳ thi năm nay được tổ chức trong điều kiện dịch bệnh vẫn còn diễn biến khó lường. Trong khâu tổ chức phải tính đến các thí sinh là đối tượng đang bị F0 hoặc ca nghi nhiễm. Các em một là được đặc cách theo quy định, hai vẫn muốn dự thi. Việc xác nhận các em thí sinh F0 bị nhiễm phải đúng người, đúng bệnh. Bên cạnh đó, tại mỗi điểm thi, trường thi sẽ có thêm 2 phòng dành cho học sinh F0 và học sinh nghi nhiễm. Việc để các thí sinh F0 và nghi nhiễm tham dự kỳ thi là rất nhân văn, bảo đảm quyền lợi dự thi của thí sinh, nhưng đồng thời cũng đặt ra bài toán trong công tác chuẩn bị. Cơ sở vật chất phải được chuẩn bị kỹ lưỡng và công tác y tế tại các địa phương phải vào cuộc.
Bố trí phòng thi đối với thí sinh bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19
a. Đối với thí sinh thuộc diện F0, có giấy xác nhận do cơ quan có thẩm quyền cấp sẽ được xét đặc cách tốt nghiệp THPT. Thí sinh thuộc diện F0 nếu có nguyện vọng tham dự Kỳ thi phải nộp đơn xin dự thi, cam kết tuân thủ các quy định phòng chống, dịch Covid-19, được cha, mẹ hoặc người giám hộ ký xác nhận đồng ý. Các thí sinh này được Hội đồng thi bố trí dự thi tại các phòng thi riêng đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19.
b. Đối với thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ:
Hội đồng thi bố trí cho các thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ dự thi tại phòng thi riêng, đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19. Trong trường hợp việc bố trí phòng thi riêng cho các thí sinh này gặp khó khăn, vướng mắc, Hội đồng thi tổ chức xét nghiệm kháng nguyên (test nhanh) cho thí sinh vào ngày 6/7/2022 để làm căn cứ bố trí phòng thi, như sau:
- Thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh âm tính được dự thi cùng với các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19;
- Thí sinh thuộc diện ca bệnh nghi ngờ có kết quả test nhanh dương tính được Hội đồng thi bố trí thi cùng với thí sinh thuộc diện F0 tại phòng thi riêng.
c. Thí sinh thuộc diện F1 được tham dự Kỳ thi cùng với các thí sinh không bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Triển khai các giải pháp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tổ chức thi:
a. Đối với Hội đồng thi:
- Tạo điều kiện để người tham gia công tác tổ chức thi thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ cá nhân, phòng, chống dịch theo hướng dẫn của Bộ Y tế trong suốt quá trình làm nhiệm vụ và theo dõi sức khỏe sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
- Bố trí tại mỗi Điểm thi phòng thi riêng dành cho các đối tượng thí sinh thuộc diện F0 và ca bệnh nghi ngờ bảo đảm cách biệt với các phòng thi khác của Điểm thi và đáp ứng yêu cầu về phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế. Thí sinh dự thi tại phòng thi riêng được đánh số thứ tự mới; theo đó, vị trí của thí sinh được sắp xếp phù hợp với quy định đánh số báo danh của Điểm thi. Hướng dẫn thí sinh tại các phòng thi riêng ghi đúng thông tin cá nhân trên Giấy báo dự thi vào giấy thi/Phiếu trả lời trắc nghiệm.
- Bố trí đủ số lượng cán bộ coi thi và cán bộ giám sát cho các phòng thi riêng tại các Điểm thi. Chuẩn bị đầy đủ các điều kiện cần thiết bảo đảm cho cán bộ coi thi, cán bộ giám sát các phòng thi riêng thực hiện nghiêm túc việc thực hiện phòng, chống dịch Covid-19 (như sử dụng quần áo bảo hộ, thực hiện các biện pháp phòng hộ cá nhân trong suốt quá trình làm nhiệm vụ, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh).
- Tổ chức phương án giao nhận đề thi và thu bài thi của các phòng thi riêng tại mỗi Điểm thi bảo đảm yêu cầu phòng, chống dịch Covid-19.
b. Khi hết giờ làm bài:
Cán bộ coi thi tại phòng thi riêng thu bài thi, sắp xếp, kiểm đếm bài thi của thí sinh; sau đó, cùng cán bộ giám sát niêm phong túi đựng bài thi của phòng thi và khử khuẩn để bàn giao nguyên túi đựng bài thi đã niêm phong cho Trưởng Điểm thi ngay khi kết thúc mỗi buổi thi. Trưởng Điểm thi bàn giao riêng các túi bài thi này cho Chủ tịch Hội đồng thi cùng với việc bàn giao bài thi của Điểm thi.
c. Việc chấm thi bài thi của thí sinh tại các phòng thi riêng:
- Đối với bài thi tự luận: Tại khu vực làm phách, Chủ tịch Hội đồng thi yêu cầu Trưởng Ban Làm phách bài thi tự luận, dưới sự giám sát trực tiếp của thanh tra, thực hiện đưa bài thi của thí sinh tại các phòng thi riêng về đúng túi bài thi của phòng thi theo số báo danh của thí sinh tại Điểm thi ngay trước khi thực hiện việc dồn túi trong quy trình làm phách bài thi tự luận.
- Đối với bài thi trắc nghiệm: Chủ tịch Hội đồng thi yêu cầu Trưởng Ban Chấm thi trắc nghiệm, dưới sự giám sát trực tiếp của thanh tra, thực hiện đưa bài thi của thí sinh tại các phòng thi riêng về đúng túi bài thi của phòng thi theo số báo danh của thí sinh tại Điểm thi ngay trước khi thực hiện việc quét Phiếu trả lời trắc nghiệm trong quy trình xử lý bài thi trắc nghiệm.
d) Quán triệt thí sinh thuộc diện F1, ca bệnh nghi ngờ và thuộc diện F0:
Thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian diễn ra các buổi thi, trong quá trình di chuyển từ nơi ở đến nơi dự thi và ngược lại (đeo khẩu trang, thường xuyên rửa tay với xà phòng và nước sạch hoặc dung dịch sát khuẩn tay nhanh, hạn chế tiếp xúc gần với người khác...). Bảo đảm đầy đủ các điều kiện cần thiết và giám sát thí sinh thực hiện các quy định này tại Điểm thi.
đ. Bố trí kíp trực y tế tại các Điểm thi:
Bố trí kíp trực y tế tại các Điểm thi để hỗ trợ phòng, chống dịch Covid-19, kịp thời sơ cấp cứu và xử lý các tình huống phát sinh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
e. Tăng cường bảo đảm vệ sinh môi trường tại các Điểm thi:
- Triển khai vệ sinh khu vực thi và phòng thi trước và ngay sau khi kết thúc công tác coi thi của Kỳ thi. Đặc biệt lưu ý: Các phòng thi riêng phải được vệ sinh khử khuẩn ngay sau khi kết thúc mỗi buổi thi.
- Bố trí dung dịch sát khuẩn tay tại vị trí thuận tiện cho người sử dụng; có đủ nước sạch và xà phòng tại khu vực vệ sinh; bố trí thùng đựng rác có nắp đậy để thu gom, xử lý rác bảo đảm vệ sinh.
Phòng chống gian lận thiết bị công nghệ cao là một trong những nhiệm vụ đặt lên hàng đầu trong để bảo đảm tính nghiêm túc trong Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm.
Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thủy, Phó cục trưởng Kỹ thuật nghiệp vụ (A06)-Bộ Công An cho biết: Qua kiểm tra công tác chuẩn bị kỳ thi tốt nghiệp THPT ở nhiều địa phương, có hai điểm cần phải đặc biện lưu ý đó là bảo vệ, giữ gìn bí mật nhà nước đối với đề thi và bảo đảm an toàn, an ninh tại các điểm thi. Trong đó, phải lưu ý phòng, chống và cấm sử dụng các thiết bị công nghệ cao để gian lận thi cử”.
Theo Thiếu tướng, lực lượng công an phải có trách nhiệm cùng với ngành giáo dục và chính quyền địa phương tuyên truyền, nhắc nhở, giám sát, tuần tra, kiểm soát từ trước, trong và sau kỳ thi.
Đối với giám thị, phải nhắc nhở và thường xuyên giám sát thí sinh trong các buổi thi.
Đối với thí sinh, phải nhận thức được việc làm lộ đề thi trong thời gian làm bài cũng như việc sử dụng thiết bị công nghệ cao gian lận là hành vi vi phạm pháp luật.
Bộ Công an đã sử dụng nhiều biện pháp, từ nhiều tháng trước, cùng với các đơn vị tiến hành kiểm tra, giám sát, rà soát, phát hiện những vụ việc mua bán, trao đổi thiết bị nhằm mục đích gian lận trong thi cử. Cơ quan chức năng đã có cảnh báo và tuyên truyền về những thiết bị này tới các điểm thi, thí sinh. Bộ Công an cũng sử dụng một số biện pháp để kiểm tra, giám sát từ để bảo đảm nhanh chóng phát hiện sớm được những hành vi vi phạm (nếu có) tại các buổi thi.
Đối với những khu vực điểm thi sát nhà dân, công an phường, công an khu vực phải tuần tra kiểm soát và đến từng nhà dân để yêu cầu, đề nghị và ký cam kết. Trong suốt thời gian diễn ra kỳ thi, các lực lượng này tuần tra, kiểm soát liên tục, gặp trường hợp nghi ngờ tiến hành xử lý ngay.
Để không xảy ra sự cố "lọt", lộ đề thi, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Cục Kỹ thuật nghiệp vụ (A06), Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (A05) của Bộ Công an để có biện pháp ngăn chặn, kiểm soát các mạng, thiết bị công nghệ cao, đồng thời, bố trí thiết bị, vật dụng của học sinh cách điểm thi 25m. Ngành giáo dục cũng yêu cầu giám thị tăng cường trách nhiệm trong quá trình coi thi, nếu thấy thí sinh có biểu hiện bất thường thì phối hợp cùng Công an để có biện pháp phát hiện ra các thiết bị công nghệ cao.
Phó Cục trưởng phụ trách Cục Quản lý chất lượng, Bộ Giáo dục và Đào tạo Lê Mỹ Phong cho biết, các điểm thi cần lưu ý quán triệt tới thí sinh nội dung quan trọng là đề thi thuộc danh mục bí mật nhà nước độ “tối mật”. Năm nay, quy định về thời gian bảo mật của đề thi cũng có sự thay đổi, là 2/3 thời gian làm bài đối với môn thi tự luận và toàn bộ thời gian làm bài với môn thi theo hình thức trắc nghiệm. Nếu cá nhân, tổ chức vi phạm, làm lộ lọt đề thi sẽ bị xử lý hình sự.
Công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi, chuẩn bị ra đề thi:
- Kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi thi (NHCHT) (Quyết định số 469/QĐ-BGDĐT ngày 11/02/2022): thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý NHCHT: biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi.
- Thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay. Đề thi tham khảo đã được công bố vào 31/3/2022 giúp các nhà trường, giáo viên, học sinh có định hướng phù hợp trong dạy, học, ôn tập để chuẩn bị tham gia Kỳ thi năm 2022.
- Rà soát, hoàn thiện NHCHT, lựa chọn câu hỏi đã có trong NHCHT thi theo ma trận đề thi tốt nghiệp THPT năm 2022 và viết bổ sung câu hỏi mới; đến tháng 6/2022 cơ bản bảo đảm cả về số lượng, chất lượng để phục vụ công tác đề thi; thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an ninh, an toàn, bảo mật ở tất cả các khâu, nhất là khâu lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi vào NHCHT.
Công tác ra đề thi
Hoàn thiện hướng dẫn quy trình ra đề thi bảo đảm khách quan, bảo mật để thực hiện các khâu soạn thảo, thẩm định, tinh chỉnh đề thi, đáp án; trong đó phân định rõ trách nhiệm của các cá nhân tham gia Hội đồng ra đề thi.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, học sinh phải học trực tuyến kéo dài, trước đó Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những văn bản hướng dẫn tinh giản chương trình để phù hợp với tình hình học tập của các em học sinh. Thực hiện rà soát ma trận đề thi của tất cả 15 môn thi, bảo đảm nội dung đề thi nằm trong chương trình THPT, chủ yếu lớp 12. Các nội dung kiến thức được tinh giản do tác động của dịch Covid-19 các năm học 2019-2020, 2020-2021 và 2021-2022 sẽ không đưa vào đề thi năm nay.
Từ bài học về những bất cập xảy ra với đề thi tốt nghiệp THPT năm 2021, Cục Quản lý chất lượng đã tham mưu xây dựng kế hoạch xây dựng ngân hàng câu hỏi thi. Theo đó, thực hiện nguyên tắc độc lập và phân định rõ trách nhiệm giữa các khâu trong xây dựng, quản lý ngân hàng câu hỏi thi, biên soạn, biên tập, thẩm định, định cỡ, lựa chọn và nhập dữ liệu câu hỏi. Trong đó ở các khâu lựa chọn, nhập liệu câu hỏi vào ngân hàng câu hỏi thi được tăng cường biện pháp bảo mật...
Tại Vĩnh Phúc, nơi in sao đề thi cho các điểm thi trong toàn tỉnh là khu vực được lựa chọn bảo đảm các yếu tố an toàn, kín đáo, biệt lập và được bảo vệ nghiêm ngặt trong suốt quá trình hoạt động. Đây cũng là nơi có đầy đủ phương tiện bảo mật, phòng cháy, chữa cháy. Ngày 24/6, Bộ Công an và Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã kiểm tra và dán tem niêm phong các thiết bị máy móc phục vụ in sao đề thi. Ngày 25/6, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc lắp đặt 2 bộ thiết bị phá sóng thông tin di động và wifi tại khu vực in sao và 1 thiết bị ghi âm cuộc gọi phục vụ công tác bảo mật.
Sở đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng phương án bảo đảm an ninh, an toàn của Ban in sao đề thi; cho dán kín (có niêm phong) các cửa sổ, cửa chính … và thực hiện nghiêm túc yêu cầu cách ly 3 vòng độc lập tại khu vực in sao đề thi. Tại vòng 2 đặt một điện thoại cố định có chức năng ghi âm và có loa ngoài được công an kiểm soát liên tục 24 giờ/ngày.
Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc đã phối hợp với Công an tỉnh Vĩnh Phúc xây dựng phương án vận chuyển đề thi đển các Điểm thi theo Quy chế thi và hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Ban Vận chuyển và bàn giao đề thi chia thành 2 tuyến, mỗi tuyến có 1 cán bộ là công chức đang làm việc tại cơ quan Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, 11 cán bộ phòng An ninh chính trị nội bộ công an tỉnh Vĩnh Phúc bảo vệ, 1 lái xe (loại xe 16 chỗ ngồi). Dự kiến giao đề về các Điểm thi bắt đầu từ 6 giờ ngày 6/7 (giao đề 1 lần cho tất cả các Điểm thi). Việc vận chuyển đề thi và bài thi đảm bảo đúng theo quy định tại Quy chế thi và hướng dẫn tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022.
Con người là yếu tốt quyết định, do đó Sở đặc biệt coi trọng yếu tố này. Những người làm nhiệm vụ tại kỳ thi phải thực sự trách nhiệm và có kinh nghiệm.
Một vài hình ảnh về công tác chuẩn bị cho Kỳ thi
Số phòng thi, danh sách thí sinh và quy định dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 được dán ngay bên ngoài phòng thi.
Số phòng thi, danh sách thí sinh và quy định dành cho thí sinh thi tốt nghiệp THPT 2022 được dán ngay bên ngoài phòng thi.
Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quận Ba Đình, Hà Nội kiểm tra công tác điện lưới để phục vụ điểm thi.
Đoàn kiểm tra của Ban chỉ đạo thi tốt nghiệp THPT quận Ba Đình, Hà Nội kiểm tra công tác điện lưới để phục vụ điểm thi.
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ kiểm tra hệ thống camera tại điểm thi Trường Trường THPT Trần Phú (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Thứ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Hữu Độ kiểm tra hệ thống camera tại điểm thi Trường Trường THPT Trần Phú (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Phòng bảo quản đề thi, bài thi được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối, có camera an ninh giám sát, bao quát được toàn bộ các vật dụng chứa đề thi, bài thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Phòng bảo quản đề thi, bài thi được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối, có camera an ninh giám sát, bao quát được toàn bộ các vật dụng chứa đề thi, bài thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Phòng bảo quản đề thi, bài thi được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối, có camera an ninh giám sát, bao quát được toàn bộ các vật dụng chứa đề thi, bài thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Phòng bảo quản đề thi, bài thi được bảo vệ nghiêm ngặt, an toàn tuyệt đối, có camera an ninh giám sát, bao quát được toàn bộ các vật dụng chứa đề thi, bài thi tại điểm thi Trường THPT chuyên Vĩnh Phúc (thành phố Vĩnh Yên, Vĩnh Phúc).
Nội dung: Xuân Kỳ, Lê Hà, Thuý Quỳnh
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Quỳnh Nguyễn, Thủy Nguyên