
Chiến thắng lững lẫy Buôn Ma Thuột và Chiến dịch Tây nguyên đã tạo thế và thời để Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền nam trong năm 1975 thay vì 2 năm như trước đây; trong đó xác định phương hướng tiến công chiến lược chủ yếu là Sài Gòn.
Với riêng Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng, Nguyên Tư lệnh trưởng Binh chủng Tăng – Thiết giáp, trận đánh 50 năm về trước còn là biểu hiện đỉnh cao của nghệ thuật nghi binh và hiệp đồng giữa các quân, binh chủng của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên phải) trò chuyện cùng nhà báo Trần Mai Hưởng tại Báo Nhân Dân.
Từ Dũng sĩ diệt Mỹ tuổi 18...

Như đã hẹn trước, một chiều giữa những ngày tháng 4 lịch sử, Trung tướng, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đoàn Sinh Hưởng có mặt tại trụ sở Báo Nhân Dân để thực hiện cuộc tọa đàm đặc biệt nhân dịp kỷ niệm 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước. Mặc trên mình bộ quân phục đã theo mình hàng chục năm, vị tướng quân bắt đầu kể về cuộc đời binh nghiệp lừng lẫy một thời của mình theo cách rất bình dị.
Sinh ra trong một gia đình thuần nông ở thị xã Móng Cái, Quảng Ninh, ngay từ khi còn nhỏ, ông đã khát khao được đứng trong quân ngũ.
“17 tuổi, chưa đủ tuổi tòng quân, tôi đã tới buổi xét tuyển nhập ngũ ở xã Bình Ngọc với quyết tâm ‘phải đi bộ đội cho bằng được’. Năm ấy, tôi nặng khoảng 40kg, người thấp bé và đen nhẻm”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nhớ lại.
Do khi đó, xã Bình Ngọc khuyết 1 chỉ tiêu do điều kiện khách quan, chàng thanh niên 17 tuổi được “đặc cách” để lên đường. Ông vẫn nhớ, đúng ngày 28/9/1966, ông tạm biệt gia đình, quê hương để vào chiến trường khốc liệt, trở thành chiến sĩ của Sư đoàn 308.
Chiến dịch đầu tiên ông được tham gia là chiến dịch Đường 9 – Khe Sanh. Vào thời điểm này, Khe Sanh có vị trí chiến lược vô cùng quan trọng. Đây là khu vực phía tây phòng tuyến MacNamara mà địch phòng thủ rất mạnh nhằm ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn miền bắc cho tiền tuyến lớn miền nam; đồng thời là bình phong chắn giữ khu vực đông Đường 9, bảo vệ vùng đồng bằng ven biển Quảng Trị.
Nhớ lại khoảng thời gian ấy, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng thành thật: Đó cũng là lần đầu tiên ông cũng như Sư đoàn 308 trực tiếp chiến đấu với quân chủ lực tinh nhuệ của Mỹ. Nhưng tất cả đều xác định tinh thần và quyết tâm rất cao.
Xe tăng tiến công đánh chiếm ngã 6 Buôn Ma Thuột vào ngày 10/3/1975 (Ảnh tư liệu: Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk).
Ông kể: Trận đầu giáp mặt quân thù, ông đang là Tiểu đội trưởng Đại đội súng cối 82 ly, thuộc Trung đoàn 88. Khi còn cách địch chừng 50m, người chiến sĩ trẻ măng đã ném lựu đạn vào đội hình địch. Thế nhưng, không có tiếng nổ nào vang lên. Hóa ra, do… quá hồi hộp nên ông… quên rút chốt. Ngay sau đó, khi đã bình tĩnh hơn, ông tiếp tục hành động. Lần này, trái lựu đạn nổ và diệt luôn mấy tên. Những trận tiếp theo, Đoàn Sinh Hưởng liên tiếp lập thêm nhiều chiến công.
Tổng cộng đợt này, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đã trực tiếp chiến đấu 14 trận, đánh sập 5 lô cốt, phá hủy 1 đại liên, tiêu diệt 15 lính Mỹ. Với thành tích xuất sắc ấy, ngay khi 18 tuổi, ông đã được tặng danh hiệu Dũng sĩ diệt Mỹ, Dũng sĩ diệt xe cơ giới và được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng ngay tại trận địa khi tuổi chưa tới đôi mươi.
Sau chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh, ông cùng đồng đội tham gia nhiều trận đánh và nhiều chiến dịch lớn khác trước khi được cử đi học Trường Sĩ quan lục quân 1 rồi được điều về làm Đại đội trưởng xe tăng thuộc Binh chủng Tăng – Thiết giáp. Cũng chính giai đoạn này, ông và các đồng đội vào chiến trường Tây Nguyên, sẵn sàng cho trận đánh then chốt trên khu vực mà địch đặt tên là Cao nguyên Trung phần…

... Đến trận đánh then chốt mở đường giải phóng Tây Nguyên

Nhắc tới chiến dịch Tây Nguyên, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng đặc biệt tâm đắc với nghệ thuật nghi binh, cũng như cách tận dụng lực lượng tăng thiết giáp trong trận tấn công và giải phóng thị xã Buôn Ma Thuột.
“Công tác chuẩn bị hết sức công phu, về cả kỹ thuật và chiến thuật, đặc biệt là cách đánh nghi binh”, Trung tướng Hưởng giải thích.
Cụ thể, ngay từ đầu ta đã nghi binh khi đổ quân xuống Gia Nghĩa (Đắk Nông), đồng thời đánh giương đông kích tây vào các địa điểm khác, tiếp nữa là cắt đường 19, với sự phối hợp từ các đơn vị lực lượng vũ trang Tây Nguyên, Sư đoàn 320…, còn lực lượng xe tăng chạy đi chạy lại từ bắc Kon Tum lên xã Dương Bình rồi ngược lại, khiến địch nghĩ ta đánh vào hướng Kon Tum-Gia Lai.
Cũng chính lúc này, Trung đoàn Tăng thiết giáp 273, Quân đoàn 3 nhận được lệnh hành quân di chuyển đội hình xuống phía nam Tây Nguyên. Đại đội 9 do ông chỉ huy bao gồm các xe tăng được ngụy trang kín, không động tĩnh, âm thầm vượt hơn 300km đường rừng đến tập kết ở Buôn Gia Vầm, cách thị xã Buôn Ma Thuột 40km để sẵn sàng tiến công giải phóng mục tiêu then chốt.
“Để bảo đảm bí mật, hằng ngày tôi và các đồng chí chỉ huy phải đi bộ mấy kilomet tới vị trí ém xe để kiểm tra trực tiếp chứ không mở máy bộ đàm, tránh địch phát hiện”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tiếp tục kể.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (bên phải) chia sẻ lại kỷ niệm ngày giải phóng Buôn Ma Thuột.
Ngoài ra, công tác chuẩn bị cũng được tiến hành hết sức công phu. Đại đội 9 được trang bị toàn bộ xe tăng T-54B thế hệ mới, được luyện tập kỹ, bảo đảm tác chiến nhanh, chính xác. Đặc biệt, trong quá trình chuẩn bị chiến đấu, Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng đã có sáng kiến: Mỗi xe tăng đeo cố định thêm 10 viên đạn pháo (8 viên buộc phía trên, vòng quanh phía trong tháp pháo, 1 viên đạn xuyên cố định dưới sàn và trong nòng pháo sẵn sàng 1 viên). Trong khi đó, mỗi xe thiết giáp K-63 cũng được “trang bị” thêm 10 viên.
“Chúng tôi dùng dây rừng để cố định đạn, đồng thời bảo đảm người bên trong vẫn có thể tác chiến bình thường. Sáng kiến này đã nâng cơ số đạn chiến đấu của xe tăng từ 34 viên lên tới 44 viên, bảo đảm chiến đấu được trong khoảng thời gian dài và bắn không hạn chế. Ngoài ra, cũng trong trận đánh này, tôi cũng đề nghị tăng cường cho mỗi xe tăng 1 thùng 20 quả lựu đạn. Sáng kiến gia cố thêm đạn này về sau cũng được toàn Trung đoàn 273 áp dụng trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử”, Nguyên Tư lệnh Binh chủng Tăng – Thiết giáp giải thích.
Một vấn đề khác cần phải “giải” là liên lạc thế nào khi chiến dịch bắt đầu. Thực tế, vào mùa mưa Tây Nguyên, các máy bộ đàm của Liên Xô trang bị cho xe tăng thiết giáp thường hay bị ẩm, ảnh hưởng tới việc truyền tin. Cái khó ló cái khôn, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng nghĩ ra cách bảo anh em lấy cây gỗ đốt lửa rồi gác bộ đàm lên để… sấy khô.
“Chính vì thế nên khi vào trận, 15 chiếc xe tăng của đại đội đều luôn nhận được điện từ sở chỉ huy rất thông suốt”, ông kể thêm.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng chia sẻ về những ngày chiến đấu khốc liệt trong chiến dịch Tây Nguyên. (Video: Hồng Quân)
Rồi thời khắc cuộc tiến công vào Buôn Ma Thuột cũng chính thức bắt đầu khi pháo binh và đặc công nổ súng đánh sân bay và các tổng kho trong thị xã. Đại đội 9 do ông chỉ huy ngay lập tức triển khai đội hình thành 4 thê đội, mỗi thê đội chở 20 cán bộ, chiến sĩ bộ binh.
“5 giờ 30 phút sáng 10/3, xe tăng và cơ giới ta mở hết tốc lực, rùng rùng từ trong rừng tiến thẳng vào thị xã theo đường trinh sát đã đánh dấu”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng bồi hồi.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng (ở giữa) trao đổi cùng nhà báo Trần Mai Hưởng, nguyên Tổng Giám đốc TTXVN về vai trò của lực lượng Tăng, thiết giáp trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Theo kế hoạch chiến đấu, thê đội 1 dẫn đầu đột phá vào cửa mở, để thê đội 2 do ông trực tiếp chỉ huy thọc sâu vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy. Bị dồn vào chân tường, địch chống cự hết sức quyết liệt. Chính chiếc xe tăng mang số hiệu 980 do ông chỉ huy cũng trúng đạn.
“Đồng chí Vĩnh, lái xe bị gãy tay nên tôi cho xe lùi lại, đưa đồng chí ra tuyến sau cấp cứu; đồng thời, điều đồng chí Hồng từ xe 703 lên thay rồi tiếp tục hướng về phía trước. Lúc này, để yểm trợ và bảo vệ đội hình tiến công của bộ binh và tăng thiết giáp, các trung đoàn pháo phòng không 232, 234 luôn túc trực, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”.
Đến tối cùng ngày, Đại đội 9 phối hợp với bộ binh đã áp sát Sư đoàn 23 ngụy. Theo lệnh, tất cả dừng lại củng cố lực lượng, bổ sung đạn được.
“Đúng 6 giờ sáng ngày 11/3, khi đơn vị sẵn sàng xuất kích thì tôi phát hiện xe địch từ rẫy cà-phê tiến ra nên ngay lập ra lệnh nổ súng. Các xe M-113, M-41 của địch bốc cháy. Lợi dụng địch hoảng loạn, tôi tiếp tục chỉ huy truy đuổi và bắt sống được tên Đại tá Nguyễn Trọng Luật - Tỉnh trưởng, kiêm Tiểu khu trưởng tỉnh Đắk Lắk”, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng tiếp lời.
Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng kể lại cảnh tăng thiết giáp ta tấn công địch trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Video: Hồng Quân)
Sau đó, xe tăng Đại đội 9 tiếp tục lao lên đánh chiếm Sở chỉ huy Sư đoàn 23 - sào huyệt cuối cùng của địch ở Buôn Ma Thuột. 10 giờ ngày 11/3, các hướng, mũi đồng loạt tiến công vào Sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy.
Đến 11 giờ 30 phút ngày 11/3/1975, quân ta cắm lá cờ chiến thắng lên nóc Sư đoàn bộ 23 ngụy. Trải qua thời khắc sinh tử, hầu hết xe tăng của Đại đội 9 đều có người bị thương, ngay cả chiếc xe tăng 980 do đích thân Đại đội trưởng Đoàn Sinh Hưởng chỉ huy cũng bị trúng đạn nhưng toàn đại đội đã dũng cảm, sáng tạo để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Đầu tháng 3 năm nay, Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng lại quay lại Tây Nguyên, vừa để thăm chiến trường xưa, cũng là để gửi gắm nhớ thương về những người đồng đội cũ. Ông bảo, dù chiến tranh đã lùi rất xa, nhưng trên chính mảnh đất cao nguyên này, nhiều bạn bè, đồng đội của ông đã nằm lại. Xương máu các anh đã hóa thành một phần hình hài Tổ quốc hôm nay.
Cũng trong chuyến đi này, vị tướng quân già đã trao tặng nhiều kỷ vật quý giá cho bảo tàng Đắk Lắk, trong đó phải kể đến bốn chiếc mũ thiết kế đặc biệt trang bị cho bộ đội xe tăng của ông và đồng đội sử dụng khi chỉ huy xe tăng số hiệu 980 trong trận đánh Buôn Ma Thuột.
Những kỷ vật thiêng liêng do Trung tướng Đoàn Sinh Hưởng trao tặng góp phần bổ sung và làm phong phú thêm nguồn tư liệu, hiện vật về Chiến thắng Buôn Ma Thuột, giúp công chúng cảm nhận sâu sắc hơn công lao to lớn của những thế hệ cha anh đi trước, những chiến sĩ cách mạng đã hy sinh trong công cuộc kháng chiến chống giặc ngoại xâm, để chúng ta có được cuộc sống trong hòa bình, ấm no, hạnh phúc như ngày hôm nay.
Trung tướng, tiến sĩ, Anh hùng lực lượng vũ trang Đoàn Sinh Hưởng trao các hiện vật quý giá về Chiến thắng Buôn Ma Thuột cho Bảo tàng Đắk Lắk.
Chiến thắng Buôn Ma Thuột ngày 10/3/1975 đã đi vào lịch sử, là một trong những chiến thắng tiêu biểu, đột phá giải phóng Tây Nguyên, mở màn cho cuộc Tổng tấn công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975, kết thúc bằng chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, Giải phóng hoàn toàn miền nam 30/4/1975, thống nhất đất nước.
Ngày xuất bản: 4/2025
Tổ chức thực hiện: HỮU VIỆT - TRƯỜNG SƠN - HỒNG VÂN
Nội dung và trình bày: SƠN BÁCH - TRỌNG TRUNG
Ảnh-Video: THÀNH ĐẠT, HỒNG QUÂN, TTXVN, BẢO TÀNG TỈNH ĐẮK LẮK, BẢO TÀNG CHIẾN THẮNG TÂY NGUYÊN