NHỮNG NGÀY KHÔNG THỂ QUÊN
Cách đây 25 năm, Hà Nội được trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Cách đây 25 năm, ngày 16/7/1999, Hà Nội là Thủ đô duy nhất trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) trao tặng danh hiệu “Thành phố vì hòa bình”.
Một phần tư thế kỷ đã trôi qua, nhưng những cảm xúc về hành trình đưa Hà Nội đến với giải thưởng cao quý này vẫn vẹn nguyên trong tâm trí những người trong cuộc.
Giai đoạn chuẩn bị đầy thách thức
Là một người gắn bó với công tác đối ngoại của Thủ đô và trải qua những ngày đầu khi Hà Nội chuẩn bị đến lúc vỡ òa khi nhận được danh hiệu này, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội Trần Nghĩa Hòa chia sẻ, đó vẫn là một “kỷ niệm khó quên”.
Ông Hòa cho biết: Vào cuối những năm 90 của thế kỷ trước, tình hình thế giới có nhiều biến động, xung đột vũ trang diễn ra gay gắt tại nhiều nơi trên thế giới nên Liên hợp quốc muốn thúc đẩy những giá trị hòa bình và nhấn mạnh, hòa bình đạt được không phải bằng súng đạn, mà bằng văn hóa. Từ đó, UNESCO có sáng kiến trao giải “Thành phố Vì hòa bình”.
Cuối năm 1998, khi nhận được thông báo của UNESCO, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam đã kiến nghị với thành phố Hà Nội tham gia ứng cử. Đáng chú ý, vào giai đoạn đó, Hà Nội vừa chủ trì và đóng góp lớn vào thành công của Hội nghị cấp cao các nước có sử dụng tiếng Pháp lần thứ 7 (tháng 11/1997), Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 6 (tháng 12/1998) và đang trên chặng đường hướng tới kỷ niệm 990 năm và 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội.
Mặc dù xét thấy tiêu chí của giải thưởng rất cao, nhưng Hà Nội khi ấy vẫn đặt quyết tâm, tích cực phối hợp chặt chẽ với Ủy ban quốc gia UNESCO xây dựng đề án, kế hoạch tham gia ứng cử, trình Chính Phủ phê duyệt. Sở Ngoại vụ được giao nhiệm vụ làm cơ quan đầu mối, chủ trì phối hợp với các đơn vị liên quan lên kế hoạch thực hiện đề án tham mưu cho thành phố.
Vào thời điểm đó, Trần Nghĩa Hòa mới là chàng sinh viên “chân ướt, chân ráo” về công tác tại Sở Ngoại vụ. Anh được giao nhiệm vụ cùng tập thể cán bộ chuẩn bị hồ sơ chi tiết; đồng thời tham gia vào các phái đoàn công tác nhằm tranh thủ sự ủng hộ của bạn bè quốc tế.
Theo Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội: Giai đoạn này, vị thế của Việt Nam đang lên cao. Công cuộc đổi mới của đất nước bước đầu thu được những thành tựu quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Việt Nam cũng đã bình thường hóa quan hệ với Mỹ, ký Hiệp định hợp tác với Liên minh châu Âu cũng như gia nhập ngôi nhà chung ASEAN.
“Đây là một lợi thế rất lớn cho Hà Nội nói riêng và Việt Nam nói chung khi tham gia Đề cử. Tuy nhiên, hành trình tới được với giải thưởng cũng gặp không ít khó khăn khi bạn bè quốc tế vốn biết đến Việt Nam như tên của một cuộc chiến chứ chưa biết tới một đất nước khát khao hòa bình”, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ nhớ lại.
Hòa bình đạt được không phải bằng súng đạn, mà bằng văn hóa.
Với lịch sử và những thành tựu cụ thể, Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện để đăng ký “Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình UNESCO
Ngoài ra, bên cạnh những thành tựu nhất định trong xây dựng kiến thiết Thủ đô, Hà Nội cũng phải đối mặt với nhiều vấn đề cần tập trung giải quyết như đẩy nhanh tốc độ phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa-giáo dục, xây dựng hệ thống hạ tầng cơ sở, đường giao thông, thực hiện đô thị hóa và giải quyết các vấn đề nhà ở, môi trường, tệ nạn xã hội, bảo đảm an sinh xã hội.
Bên cạnh đó, giai đoạn 1998-1999 có rất đông quốc gia tham gia tranh cư giải thưởng với 70 hồ sơ. Riêng khu vực châu Á–Thái Bình Dương cũng có đến 10 đại điện. Do đó, trách nhiệm và thách thức cho “tổ hồ sơ” nói riêng, đoàn công tác của Việt Nam nói chung rất nặng nề.
Trách nhiệm và thách thức cho “tổ hồ sơ” nói riêng, đoàn công tác của Việt Nam nói chung rất nặng nề.
“Được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của Bộ Ngoại giao, trực tiếp là Vụ Văn hóa đối ngoại UNESCO, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam, tập thể lãnh đạo và cán bộ Sở Ngoại vụ đã dốc sức triển khai nhiệm vụ được phân công. Cũng phải mất hơn một năm, hồ sơ mới hoàn thành và gửi đi trong sự hồi hộp, thêm chút lo lắng”, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội nhớ lại.
Trong hồ sơ ứng cử, phần giới thiệu sơ lược về Thủ đô Hà Nội có đoạn: “Trải qua những thăng trầm của lịch sử Việt Nam, Hà Nội đã nhiều lần bị ảnh hưởng nặng nề của những cuộc chiến tranh xâm lược kéo dài. Vì vậy, Hà Nội là Thủ đô của một trong những nước nghèo đói và lạc hậu nhất trên thế giới vào năm 1975. Mặc dù vậy, từ năm 1986, khi Chính phủ Việt Nam bắt đầu áp dụng chính sách đổi mới, xúc tiến thương mại và mở cửa để hội nhập với thế giới, người Hà Nội, với sự nỗ lực và năng động của mình, đã đem đến sự đổi thay vượt bậc cho thành phố thân yêu.
Hà Nội đã chủ trì và đóng góp lớn vào thành công của Hội nghị các nước nói tiếng Pháp vào tháng 11/1997 và Hội nghị cấp cao ASEAN vào tháng 12/1998. Nhân dịp này, các lãnh đạo cấp cao và bạn bè quốc tế từ nhiều nước đã có cơ hội được tận mắt chứng kiến một Hà Nội xanh, sạch, đẹp và yên bình, đặc biệt sự thân thiện, nồng ấm và nhiệt thành của người dân Hà Nội. Với lịch sử và những thành tựu cụ thể, Hà Nội chứng nhận đủ điều kiện để đăng ký “Giải thưởng Thành phố Vì hòa bình UNESCO”.
Chủ trương tranh cử linh hoạt, khéo léo
Việc tranh cử cần phải được tiến hành một cách bài bản, khoa học nhưng vẫn bảo đảm tính linh hoạt, khéo léo.
Trong quá trình tham gia, các nước đều tham gia rất tích cực vận động sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế. Vì vậy, đoàn Việt Nam xác định, việc tranh cử tiếp theo cần phải được tiến hành một cách bài bản, khoa học nhưng vẫn bảo đảm tính linh hoạt, khéo léo.
Ở trong nước, Bộ Ngoại giao và thành phố Hà Nội tiến hành gặp gỡ, vận động các nước thông qua các đại sứ quán. Hà Nội cũng tích cực hưởng hứng hoạt động Năm văn hóa hòa bình UNESCO; chủ động đứng ra phát động Năm quốc tế văn hóa hòa bình và Thập kỷ quốc tế về văn hóa hòa bình phi bạo lực và vì trẻ em trên thế giới.
Ở nước ngoài, phái đoàn đại diện thường trực bên cạnh UNESCO lúc đó đã tập trung vận động các cơ quan, tổ chức trong UNESCO và bạn bè quốc tế để tranh thủ sự ủng hộ của họ dành cho Việt Nam, thông qua việc trình bày về bản chất và truyền thống yêu chuộng hòa bình của dân tộc ta cũng như truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội; những cố gắng to lớn của Hà Nội trong xây dựng, phát triển Thủ đô mọi mặt.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ cho biết, nhiều chuyến công tác của lãnh đạo thành phố tới Paris, Moskva… cũng được lồng ghép nội dung vận động để tranh thủ sự ủng hộ của nước bạn cho giải thưởng này.
Đặc biệt, phải kể đến đoàn công tác trực tiếp đi vận động có sự tham gia của đồng chí Nguyễn Dy Niên, khi đó là Thứ trưởng Ngoại giao, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, Đại sứ Nguyễn Thị Hồi, Vụ trưởng Vụ Văn hóa, Đối ngoại UNESCO, các cán bộ của Vụ Văn hóa, Đối ngoại UNESCO và Sở Ngoại vụ Hà Nội.
Bản thân ông Hòa khi đó cũng từng có 90 ngày được “biệt phái” tới Pháp để làm nhiệm vụ. “Trong 3 tháng, tôi là một thành viên trong phái đoàn tham dự các kỳ họp tại Paris. Kết thúc giờ làm, tôi được bố trí ở trong gian bếp dưới tầng hầm của nhà Đại sứ Trịnh Đức Dụ - Trưởng phái đoàn Việt Nam tại UNESCO nhiệm kỳ 1996-1999”.
Qua tiếp xúc, tôi được biết ông Makoto có mẹ là người Việt Nam. Ông ấy yêu Việt Nam một cách tự nhiên từ tận đáy lòng.
Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Trần Nghĩa Hòa
Thời gian này, ông Hòa được tiếp xúc và nhận được sự tham vấn của rất nhiều nhà khoa học, trí thức, nhà ngoại giao lớn. Đặc biệt, chàng thanh niên trẻ đã gặp gỡ và làm quen với ông Firmin Edouard Makoto, khi ấy là chuyên viên của UNESCO tại Pháp.
“Qua tiếp xúc, tôi được biết ông Makoto có mẹ là người Việt Nam. Ông ấy yêu Việt Nam một cách tự nhiên từ tận đáy lòng”, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ kể.
Tự bản thân dân tộc Việt Nam, với truyền thống hòa hiếu đã ẩn chứa trong mình yếu tố HÒA BÌNH.
Trong lần Firmin Edouard Makoto tới Hà Nội tiếp theo, ông Hòa đã chủ động đưa người bạn mới – cũng là chuyên viên của UNESCO đi tham quan hồ Tây bằng… xe máy. Họ đã trò chuyện với nhau rất nhiều, về Hà Nội, về người mẹ Việt Nam của Makoto và những “nỗi niềm đau đáu” anh dành cho quê ngoại. Makoto cũng ngỏ ý muốn tìm gặp những người họ hàng xa đang cư trú tại thành phố nhỏ gần 1.000 năm tuổi.
“Chỉ hơn 1 ngày sau, nhờ các đầu mối hỗ trợ, tôi đã đưa Makoto tới gặp người thân trong một căn nhà nhỏ, có phần chật chội trên phố Thụy Khuê. Một chiếc chiếu đơn sơ được trải ra, họ ngồi quây quần bên nhau, cùng cảm nhận tình cảm thân thích ngày Makoto trở về nguồn cội”, ông Hòa xúc động nhớ lại.
Ông bảo với chúng tôi, có lẽ đó là một “cơ duyên” diệu kỳ để Việt Nam nói chung, Hà Nội nói riêng chứng minh được “tấm lòng rộng mở, cách sống lấy chữ Tình làm trọng” và khát vọng hòa hợp vĩnh cửu của mình.
25 năm sau nhìn lại, ông Hòa nhận định: Đối diện với những khó khăn khách quan, nhưng những cán bộ ngoại vụ tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng hồ sơ và vận động luôn giữ vững niềm tin và tự hào bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu rõ nhất những giá trị nội tại của Hà Nội.
“Không phải chiến tranh, bom đạn mà tình cảm con người, dựa tên cơ sở tôn trọng sự khác biệt có lẽ mới là mấu chốt của hòa bình. Theo tôi, tự bản thân dân tộc Việt Nam, với truyền thống hòa hiếu đã ẩn chứa trong mình yếu tố HÒA BÌNH rồi”, Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ Hà Nội đúc kết.
Thành phố
vì hòa bình
Ngày xuất bản: 10/2024
Tổ chức thực hiện: Trường Sơn
Nội dung: Sơn Bách, Minh Khôi
Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Thành Đạt,
Trang Hanoi Creative city, Báo HàNộimới