70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời sống dưới vỏ bọc một nhà giáo tên Trần Hữu Thỏa, vừa tuyên truyền, dạy chữ quốc ngữ, vừa làm báo… hoạt động bí mật trong vùng tạm chiếm ở thủ đô vẫn chưa hề phai mờ trong tâm trí của ông Nguyễn Tiến Hà (sinh năm 1928, Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân).

Chiến lũy Ô Cầu Dền trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp là điểm quyết chiến của quân dân Liên khu II, nằm trên chiến tuyến phòng ngự liên hoàn 3 cửa ô: Đống Mác-Cầu Dền-Đồng Lầm phía Đông Nam Hà Nội. Trong giai đoạn kháng chiến toàn quốc bùng nổ, chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Hà xung phong gia nhập Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia vào mặt trận quân sự Hà Nội (tiền thân của Quân khu thủ đô bây giờ), đã cùng đồng đội chiến đấu anh dũng 60 ngày đêm bảo vệ thủ đô ở mặt trận Ô Cầu Dền.

Sau 21 ngày đêm bị đánh phá ác liệt, toàn tuyến phòng ngự các cửa ô ta vẫn đứng vững. Ngày 15/1/1947, địch chấp nhận thất bại, phải chuyển hướng đánh, hòng tiếp tục thực hiện ý đồ mà bom đạn ác liệt đã không làm được trên các cửa ô. Lực lượng bộ đội được lệnh rút ra vùng tự do ở những vùng Quốc Oai, Sơn Tây, Chương Mỹ, Mỹ Đức… để bảo toàn lực lượng cho cuộc kháng chiến lâu dài.

Năm 1946-1949, ta chủ trương đưa lực lượng vào chiến đấu bí mật ở nội thành để xây dựng cơ sở. Cấp trên đưa ra tiêu chí lựa chọn cán bộ vào nội thành hoạt động phải là người Hà Nội, đã qua thử thách gian khổ bền vững, được tin tưởng. Chàng trai trẻ Nguyễn Tiến Hà được tin tưởng giao nhiệm vụ này, bí mật vào nội thành, phụ trách khu Trúc Bạch (quận Ba Đình bây giờ).

Ông thực hiện nhiệm vụ tuyên truyền chủ trương “trường kỳ kháng chiến, nhất định thắng lợi” để người dân giác ngộ đường lối kháng chiến. “Giai đoạn những năm 1950, chúng ta phải tập hợp được lực lượng yêu nước và chuẩn bị mọi thứ, để đến khi chúng ta phản công sẽ có một lực lượng hậu thuẫn ở bên trong, trong đánh ra, ngoài đánh vào”, ông Hà giơ hai tay đấm vào không khí, nhớ lại quyết tâm một thời sôi nổi của tuổi trẻ.  

Hoạt động trong lòng địch, ông và đồng đội đã làm được một số việc như phá bốt truyền tải điện (trạm biến thế) của Hà Nội làm cho mất điện khu vực Hà Nội; vận động nhân dân phá cổng chào đón Bảo Đại; tổ chức nhân dân ở các nhà máy bia, nhà máy nước, nhà máy điện để giữ gìn các cơ sở, đồng thời bảo vệ đường dây cán bộ của mình; vận động học sinh kháng chiến, vận động các nhà buôn bán ở chợ Đồng Xuân, Bắc Qua…

Bên cạnh đó, ông Hà còn tuyên truyền vận động các bác sĩ, y tá ở các bệnh viện để cung cấp cho lực lượng ta thuốc men đưa ra bên ngoài. Thông qua Nhà thương Đồn Thủy, lực lượng của ta cũng nắm được số quân của địch bị thương. Một nhiệm vụ quan trọng không kém là lực lượng bí mật này còn bán công phiếu kháng chiến để lấy tiền mua vũ khí, thuốc men gửi ra vùng tự do.

Khi ấy, ông Hà hoạt động dưới vỏ bọc là một giáo viên tên Trần Hữu Thỏa, dạy Toán Lý Hóa bằng tiếng Pháp, làm gia sư dạy học cho con cái của cơ sở kháng chiến. Dưới vỏ bọc này, một trong những nhiệm vụ dài hơi và thiết yếu mà ông Hà được giao là mở những lớp nhỏ chừng dưới 10 người để giải thích về công tác cách mạng.

Năm 1949, ông Nguyễn Tiến Hà là cán bộ đại đội của Thành đội Hà Nội, được giao nhiệm vụ tham gia chỉ huy giải cứu một phái viên công an của Hà Nội đang điều trị ở nhà thương Phủ Doãn (Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức bây giờ).

Sau thời gian trực tiếp điều tra nghiên cứu địa hình của cơ sở y tế, nghiên cứu giờ đổi ca, đổi gác của công an cảnh binh của địch, ông lên kế hoạch hành động. Kế hoạch được sắp sẵn đến từng chi tiết, với một nội gián phía trong là nhân viên y tế của ta cài cắm.

Kế hoạch hoàn hảo, đồng chí công an được cõng chạy ra phố Quán Sứ ra ngõ Hội Vũ giao cho công an của ta thì công việc hoàn thành. Sự việc này gây một chấn động lớn về việc Việt Minh cướp tù táo bạo giữa ban ngày.

Không may sau đó, một thành viên tham gia tổ cứu người lại kể chuyện cướp tù cho cảnh binh. Cả tổ cứu người bị lần bắt. Ông Thỏa (tức Hà) bị chúng giăng bẫy bắt ngay tại đoạn phố Hàng Nón, khi vừa nhận tài liệu từ ngoài vùng tự do gửi vào. Chúng đưa ông về Quận cảnh binh, liên tiếp ra đòn tra tấn, ép chàng trai trẻ 22 tuổi này khai ra tổ chức.

Thấy không khai thác được gì, chúng lại đưa ông về Sở Mật thám Hà Nội (trụ sở công an Hà Nội bây giờ). Các ngón đòn được liên tiếp dội lên người chiến sĩ trẻ, từ buộc chân treo lơ lửng trên xà nhà, dí điện vào người giật liên hồi, tới ngón đòn “đi tàu ngầm” (dúi đầu vào nước)… Đau đớn tê tại toàn thân, nhưng ông Hà quyết không khai. “Mình đã hứa trước Đảng, nhân dân, nếu khai ra thì nguy hiểm cho tổ chức, hại nhân dân”, ông Hà trầm ngâm nói.

Hai anh em ông Nguyễn Tiến Hà (tức Nguyễn Hữu Tự) và Tạ Quang Chiến (tức Nguyễn Hữu Văn).

Trước cửa khu di tích Nhà lao Hỏa Lò - 1994

Sau thời gian bị tra tấn dã man, sức khỏe sa sút, lính Pháp khiêng ông sang trạm y tế Hỏa Lò. Nhờ sự chăm sóc của nhân viên y tế và anh em, ông Hà dần hồi sức. Một lần nữa, ông Hà lại được đưa về Sở Mật thám để làm cung. Lúc này, chúng quay sang đòn tâm lý, dụ dỗ ông. “Chúng mang thuốc lá, sữa cho tôi, dụ dỗ tôi chỉ khai một cơ sở thôi để còn về với gia đình nhưng tôi kiên quyết không khai. Nếu khai ra cướp tù, tôi phải lĩnh án tử hình. Cuối cùng, chúng chỉ còn cách buộc tội tôi phá rối an ninh trật tự trong nội thành và đưa vào nhà tù Hỏa Lò, chờ ngày ra tòa”, ông Hà nói. Sau đó, ông bị kết án 18 tháng tù giam.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Võ Hồng Anh cùng các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (Ông Nguyễn Tiến Hà đeo kính, đứng giữa).

Đại tướng Võ Nguyên Giáp và con gái Võ Hồng Anh cùng các chiến sĩ cách mạng từng bị địch bắt giam tại Nhà tù Hỏa Lò (Ông Nguyễn Tiến Hà đeo kính, đứng giữa).

Trong thời gian ở nhà tù Hỏa Lò, khi sức khỏe dần hồi phục, ý chí đấu tranh với kẻ thù càng khiến ông lại hoạt động mạnh mẽ hơn trước. Sự kiên cường và bản lĩnh của ông làm anh em trong nhà tù nể phục, bầu làm Bí thư Chi bộ nhà tù Hỏa Lò.

“Chỉ thị của thành ủy Hà Nội là phải biến nhà tù thành trường học cách mạng, để đối kháng với địch, là một mặt trận mới. Muốn giải phóng dân tộc, muốn làm cách mạng, trước tiên, anh em phải có kiến thức, có học hành”, ông Hà kể, rồi miên man nói về thời gian tổ chức lớp học trong tù.

Chỉ thị của thành ủy Hà Nội là phải biến nhà tù thành trường học cách mạng, để đối kháng với địch, là một mặt trận mới. Muốn giải phóng dân tộc, muốn làm cách mạng, trước tiên, anh em phải có kiến thức, có học hành
Anh hùng Lực lượng vũ trang Nhân dân Nguyễn Tiến Hà

Dù bị quản thúc chặt chẽ, nhưng trong Hỏa Lò, ông cùng một số anh em cũng đã tranh thủ từng giây, từng phút dạy chữ viết, dạy cho anh em phép tính cộng trừ nhân chia; giảng dạy sơ qua về lịch sử. Ai có năng lực tới đâu, dạy tới đó. Ông Hà dạy cả chữ quốc ngữ, tiếng Anh, tiếng Pháp. Các đồng chí khác dạy về lý luận, làm cho những người không biết chữ nâng cao trình độ lên để sau ra tù tiếp tục làm công tác phục vụ cho chính quyền, nhân dân.

“Việc dạy học này cũng giúp anh em được phấn khởi, mở mang trí tuệ, tri thức cho anh em, duy trì tinh thần chiến đấu trong tù, không sinh tiêu cực”, ông Hà nói.

Ông Nguyễn Tiến Hà (ngoài cùng bên phải) trong một buổi giao lưu với thế hệ trẻ Thủ đô.

Ông Nguyễn Tiến Hà (ngoài cùng bên phải) trong một buổi giao lưu với thế hệ trẻ Thủ đô.

Tranh thủ thời gian, ông cũng cùng một số đồng chí viết bản tin nội bộ và bản tin từ ngoài gửi vào, tóm tắt thông tin cho các trại biết để các trại đưa tin về nội bộ trại mình.  

“Để viết bản tin khó lắm, phải có tiếp tế từ ngoài vào như giấy pơ-luya mỏng, có giấy than carbon, bút. Những vật dụng này được lén lút gửi vào thông qua những chiến sĩ được cài cắm làm tổ chức ở văn phòng nhà tù, giấu trong các thùng cơm và phải giao đích danh”, ông Hà kể.

Về nguồn tin, ban đầu, tin tức được truyền vào qua những tờ giấy gói xôi, gói bánh. Nhưng sau 3 tháng, địch phát hiện, nguồn tin lại được thu nhỏ lại nhét vào trong chai thuốc, tuồn vào nhà tù.  

Thời gian sản xuất báo trong tù cũng nhiều ký ức khó quên. Dưới ánh đèn dầu lờ mờ, ông Hà và các bạn tù bò ra viết báo bằng bút chì trên các mảnh giấy pơ-luya mỏng tang, sau đó tiến hành “photocopy” bằng giấy than. Vừa viết, vừa phải cảnh giới nên mỗi đêm, các ông chỉ sản xuất được được chừng chục tờ báo. Vào thời gian sinh hoạt chung ở bể tắm, những tờ báo chỉ to bằng hai ngón tay được lén lút trao nhau vội vã.

Trong nhà tù Hỏa Lò, ông Hà cùng đồng đội đã tiếp nối mạch ngầm nguồn thông tin của cuộc kháng chiến, để các chiến sĩ trong nhà tù không bị đứt đoạn thông tin về cuộc cách mạng của dân tộc.

Tháng 12/1952, ông Hà được thả. Ông tiếp tục nằm vùng, hoạt động bán công khai ở Hà Nội cho đến khi Hiệp định Geneva được ký kết, ông nhận nhiệm vụ về tiếp quản thủ đô. Vì biết tiếng Pháp, ông được giao nhiệm vụ phụ trách Trại hàng binh Âu Phi, giải thích cho hàng binh Âu Phi biết chính sách nhân đạo của chính phủ ta.

Từ 8 giờ sáng, những chiến sĩ bộ binh của Trung đoàn Thủ Đô, dẫn đầu là Trung đoàn trưởng - Anh hùng Quân đội Nguyễn Quốc Trị, xuất phát từ khu Quần Ngựa (nay là Cung thi đấu thể thao Quần Ngựa) đi qua các đường Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Cửa Nam, Hàng Bông, Hàng Đào, Hàng Ngang… tiến vào đóng trong Thành cổ từ Cửa Đông.

Hai trung đoàn 88 và 36 xuất phát từ khu Việt Nam học xá (khu vực Đại học Bách khoa ngày nay), tiến qua phố Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài, vòng quanh hồ Hoàn Kiếm, rồi theo hai hướng của phố Trần Hưng Đạo vào đóng quân ở các khu vực Đồn Thủy (Bệnh viện 108, Bệnh viện Hữu Nghị) và Đấu Xảo (Cung văn hóa Hữu Nghị).

Đoàn cơ giới và pháo binh do Chủ tịch Ủy ban Quân chính Vương Thừa Vũ, và Phó chủ tịch Trần Duy Hưng dẫn đầu, từ sân bay Bạch Mai, đi đến ngã tư Vọng, sang ngã tư Trung Hiền, theo đường Bạch Mai, phố Huế, Hàng Bài, đi đường Hàng Đào, Hàng Ngang, qua chợ Đồng Xuân, lên Hàng Giấy, vườn hoa Hàng Đậu… vào “Thành cổ Hà Nội” bằng Cửa Bắc.

“Là người hoạt động tại chỗ nên tôi có những cảm xúc sâu nặng khác nhau. Tôi đã thấm thía sống chết tù đày nên thấy thấy Hà Nội bao nhiêu năm mới lại tự do, thấy giải phóng rất sung sướng. Bấy giờ, tôi vừa vui vừa buồn. Vui vì giải phóng thủ đô, vui vì ngày hội của Hà Nội nhưng buồn vì nhớ các đồng chí, đồng đội đã hy sinh không được dự buổi hội tiếp quản ngày hôm nay”, ông Hà xúc động nói.

Ký ức của 70 năm trước khiến ông Hà thi thoảng run bờ vai, lấy khăn chấm nước mắt. Sau giải phóng, ông về công tác trong ngành giáo dục và là một chuyên viên cao cấp. Ông được Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú. Hiện nay, ông là Trưởng Ban Liên lạc chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày tại Nhà tù Hỏa Lò.

Những ngày tháng 10 lịch sử, nhiều thế hệ trẻ đến xin gặp ông để được nghe ông. Dù đôi chân đã yếu, mắt đã mờ, nhưng ông vẫn luôn sẵn lòng chào đón các thế hệ trẻ và miên man kể về một thời lịch sử hào hùng của dân tộc, về những chiến sĩ cách mạng kiên trung, gan lì trước sự tra tấn của kẻ địch. Trong suốt cuộc trò chuyện, ông không tự nhận mình là nhà báo, viết báo, mà chỉ là một người thầy rất giản dị, đã đóng góp một phần sức nhỏ bé cho cuộc cách mạng trường kỳ kháng chiến của dân tộc. 

Tổ chức sản xuất: Nam Đông - Hữu Việt
Nội dung: Thảo Lê - Thiên Lam
Trình bày: Hạnh Vũ
Ảnh: TTXVN, Di tích Nhà tù Hỏa Lò