Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong Chiến dịch Điện Biên Phủ ...

Giữa vùng sông nước rừng Sác hiểm trở, những người lính đặc công đã âm thầm lập nên kỳ tích. Với bản lĩnh phi thường, họ vượt qua làn đạn dày đặc của kẻ thù, đấu trí với quân địch, thậm chí vật lộn với cá sấu dữ để hoàn thành nhiệm vụ. Câu chuyện của người cựu đặc công Hoàng Dương Chương chính là minh chứng sống động nhất về tinh thần quả cảm, bất khuất của những chiến sĩ đặc biệt ấy.

Ông Hoàng Dương Chương sinh năm 1942 là người lính từng thuộc lực lượng đặc công rừng Sác vang danh một thời. Nhắc đến những ngày đầu, ông Chương khẽ cười, bảo rằng ngày ấy bộ đội đặc công chia thành 2 lực lượng: đặc công của Bộ Tổng Tư lệnh với Trung đoàn 5 và đặc công riêng của các sư đoàn, trung đoàn. Còn đơn vị của ông Chương... là đặc công hải quân rất riêng biệt.

Lính đặc công Hoàng Dương Chương nay đã 83 tuổi.

Lính đặc công Hoàng Dương Chương nay đã 83 tuổi.

Cuối năm 1963, Binh chủng Đặc công quyết định tuyển chọn thêm chiến sĩ từ lực lượng hải quân. Lúc ấy, chàng trai trẻ Hoàng Dương Chương là thuỷ thủ tàu tuần tiễu T122 khu tuần phòng I Hải quân Nhân dân Việt Nam, nhanh chóng “lọt vào mắt xanh” của cấp trên nhờ sức khỏe vượt trội và khả năng bơi lội đáng kinh ngạc.

Tiêu chuẩn tuyển chọn chỉ yêu cầu chiến sĩ bơi được nửa cây số, nhưng ông dễ dàng vượt xa yêu cầu đó, bơi hàng km là chuyện thường ngày. Sau một thời gian huấn luyện căng thẳng, ông có thể bơi hàng chục km trong bóng đêm dày đặc, trở thành một trong những người lính đặc công xuất sắc nhất.

Nhớ lại những ngày ở Trường sĩ quan Hải quân (huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh), ông kể với giọng đầy tự hào: "Chúng tôi được huấn luyện bài bản, am hiểu tất cả các loại vũ khí, đặc biệt là các loại thủy lôi với khả năng đánh chìm cả những con tàu trọng tải lên đến 10.000 tấn. Mỗi tàu lớn như vậy cần từ 1 đến 2 quả thủy lôi mới đủ sức nhấn chìm".

Lính đặc công thực hành tháo lắp thủy lôi vào năm 1968 (Ảnh: Tư liệu Quân chủng Hải quân)

Lính đặc công thực hành tháo lắp thủy lôi vào năm 1968 (Ảnh: Tư liệu Quân chủng Hải quân)

Trải qua quá trình huấn luyện nghiêm ngặt, đến tháng 12/1964, ông Chương cùng các đồng đội đã sẵn sàng vào chiến tuyến miền nam. Thế nhưng, các chỉ huy nhận thấy việc đưa lính đặc công vào miền nam bằng tàu không số ngụy trang là quá mạo hiểm, khi mà một số tàu không số đã bị phát hiện và tiêu diệt trước đó bởi địch.

“Kế hoạch đã thay đổi. Và rồi chúng tôi lên những chuyến xe chở hàng bịt kín, vượt qua hàng trăm cây số, núi rừng, sông suối để tiến vào miền nam một cách an toàn nhất", ông Chương nhớ lại.

Trong đội hình chiến đấu, ông thuộc đội 2 – đơn vị chuyên về các loại vũ khí. Đội 1 thì đảm nhận nhiệm vụ bí mật tiếp cận và gài mìn vào tàu địch, còn đội 3 sử dụng súng DK-75, bảo đảm khống chế hỏa lực từ xa. Mỗi đội đều có nhiệm vụ riêng nhưng phối hợp nhịp nhàng, tất cả cùng hướng về mục tiêu chung là làm suy yếu kẻ thù, bảo vệ đồng đội và nhân dân miền nam thân yêu.

Lực lượng Binh chủng Đặc công được biết đến là lực lượng đối mặt với vô số gian truân, vượt qua lửa đạn, những trận càn quét, rải thảm bom đạn ác liệt, sử dụng mưu trí để thực hiện những trận tập kích táo bạo vào kho bom, kho xăng, căn cứ quân sự và tàu chiến của địch. 

Ngày 15/4/1966, xác định rõ vị trí chiến lược của Rừng Sác, Bộ Chỉ huy Miền quyết định thành lập Đặc khu quân sự Rừng Sác (mật danh T10, sau đổi tên là Đoàn 10 đặc công Rừng Sác) - đơn vị đặc công nước đầu tiên của quân đội ta - đơn vị mà ông Hoàng Dương Chương được tham gia.

Chiến đấu giữa vùng rừng ngập mặn Cần Giờ hiểm trở, nơi sông nước chằng chịt và thiên nhiên khắc nghiệt, lực lượng đặc công rừng Sác đã trở thành biểu tượng bất diệt của lòng quả cảm và trí tuệ Việt Nam trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.

Đặc công rừng Sác. (Ảnh tư liệu)

Đặc công rừng Sác. (Ảnh tư liệu)

Với chiến thuật “lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều”, những người đặc công rừng Sác như ông Chương đã góp phần làm tê liệt hậu cần quân sự Mỹ-ngụy, bảo vệ vững chắc cửa ngõ Đông Nam của Sài Gòn. Mỗi trận đánh của họ không chỉ là sự đọ sức về ý chí và chiến thuật, mà còn là những cuộc chiến sinh tử với thiên nhiên và quân thù.

Ngày nay, Chiến khu rừng Sác đã trở thành Di tích lịch sử cấp quốc gia, mãi nhắc nhớ về những người lính thép đã lấy máu, nước mắt và lòng trung kiên mà viết nên những trang sử oanh liệt giữa lòng sông nước phương Nam.

Lính đặc công rừng Sác - Hoàng Dương Chương.

Lính đặc công rừng Sác - Hoàng Dương Chương.

Ông Chương kể lại khoảnh khắc bị cá sấu rừng Sác tấn công.

Ông Chương kể lại khoảnh khắc bị cá sấu rừng Sác tấn công.

Mãi tự hào cuộc đời người lính đặc công.

Mãi tự hào cuộc đời người lính đặc công.

Ký ức về chiến khu rừng Sác (huyện Cần Giờ, TP Hồ Chí Minh) trong tâm trí ông Hoàng Dương Chương vẫn vẹn nguyên như thuở nào. Đặc biệt, ông vẫn nhớ như in lần đầu tiên chạm trán loài thú dữ nổi tiếng của vùng sông nước nơi đây – cá sấu.

Chuyện rằng, vào năm 1966, Phó Tổng tham mưu trưởng chiến dịch Hồ Chí Minh lúc ấy là đồng chí Lương Văn Nho, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 10 (Đặc công rừng Sác), giao nhiệm vụ đặc biệt: phải đưa hai quả thủy lôi từ phía tây sang phía đông sông Lòng Tàu. Lúc bấy giờ, ông Chương đang ở phía đông, được phân công sang phía tây để nhận thủy lôi mang về cất giấu. Nhiệm vụ quan trọng, nhưng đường thì vốn đã quen thuộc, chỉ cần người trinh sát đi trước dò đường là được.

Phút đối mặt sinh tử với cá sấu dữ của cựu đặc công rừng Sác. (Video: TRUNG HƯNG)

Phút đối mặt sinh tử với cá sấu dữ của cựu đặc công rừng Sác. (Video: TRUNG HƯNG)

Ông Chương cùng người đồng đội là Tư Sang được cử làm tiên phong. Trên đường đi, bỗng nhiên trong lòng ông Chương dấy lên một cảm giác bất an kỳ lạ. Ông khẽ bảo: “Anh Tư ơi, hình như có vấn đề!”. Hai người cẩn trọng cúi sát mặt nước nghe ngóng, tìm kiếm động tĩnh từ tàu địch, nhưng không thấy điều gì khác thường, bèn tiếp tục nhiệm vụ trinh sát.

Nhưng khi vừa qua khỏi một cồn đất, bất ngờ từ đâu, hàng loạt đạn từ phía địch bắn xối xả về phía họ. Theo phản xạ, ông Chương đưa khẩu súng bóp cò bắn trả, nhưng loạt đạn mạnh khiến ông ngã xuống dòng nước lạnh. Rơi xuống nước, ông lặn thật sâu để tránh sự truy đuổi của địch. Khẩu súng đành buông tay.

Không thể nổi lên lấy hơi vì địch sẽ dễ dàng phát hiện, ông quyết định lặn thật xa rồi mới từ từ ngoi lên. Ánh trăng mập mờ dẫn đường ông trôi theo dòng nước, mãi đến khi lên được bờ Cồn Bà, ông mới phát hiện tay mình đã bị thương, một viên đạn sượt qua bàn tay để lại vết thương đang rỉ máu.

Khoảng 2 giờ sáng, ông tiếp tục bơi để tìm đường trở về đơn vị. Nhưng bất ngờ, trong làn nước tối, một vật thể to lớn lao tới tấn công. Hai cánh tay ông lọt thỏm vào hàm của nó. Bằng phản xạ của lính đặc công được rèn luyện kỹ càng, ông nhanh chóng co chân lại và đạp mạnh khiến con vật tưởng mất mồi, nới lỏng hàm ra một chút.

Nhân cơ hội hiếm hoi đó, ông rút được một tay ra. Đưa tay sờ lên thân hình nó, chạm vào lớp da sần sùi, cảm nhận đôi mắt lồi đặc trưng, ông lập tức hiểu: “Đó chính là cá sấu, loài thú dữ nổi danh khắp vùng rừng Sác này”. Bình tĩnh nhưng quyết liệt, ông dồn hết sức bình sinh đánh mạnh vào mắt cá sấu. Khi nó đau đớn há miệng ra lần nữa để táp lại, ông liền giật nốt cánh tay còn lại, nhanh tay rút con dao găm giấu sau lưng, đâm thật mạnh vào mũi con vật, ngoáy thật sâu. Con quái thú đau đớn nhưng chưa chịu bỏ cuộc.

Trong cuốn nhật ký của ông Hoàng Dương Chương là kỷ vật kháng chiến được Đại sứ quán Mỹ bàn giao lại, có in hình bức tượng lính đặc công - ông Chương diệt cá sấu.

Trong cuốn nhật ký của ông Hoàng Dương Chương là kỷ vật kháng chiến được Đại sứ quán Mỹ bàn giao lại, có in hình bức tượng lính đặc công - ông Chương diệt cá sấu.

Khi ấy, người lính đặc công luôn mang theo bên mình một quả lựu đạn Mỹ nhỏ gọn với đặc tính thao tác nhanh, chính xác. Trong phút giây sinh tử, ông rút lựu đạn ném thẳng vào miệng cá sấu rồi thoát ra xa. Không rõ con vật hung dữ ấy sống chết thế nào, ông chỉ biết bản thân đã dạt vào bờ, kiệt sức nhưng may mắn được hai đồng đội trinh sát khác kịp thời phát hiện và giải cứu.

Ông trầm ngâm nhớ lại: "Không phải ai cũng may mắn như tôi. Đã có đồng đội khác bị cá sấu cắn chết, họ không bao giờ còn cơ hội kể lại những câu chuyện như thế nữa".

Đến nay, những vết sẹo do đạn bắn, cá sấu cắn trên cơ thể ông đã mờ dần theo năm tháng. Nhưng câu chuyện đánh nhau sinh tử với cá sấu giữa rừng Sác mênh mông sóng nước thì vẫn còn đó, sống động như vừa mới hôm qua.

Ông Chương bảo, tinh thần lính đặc công là vậy đấy. Ai cũng nung nấu quyết tâm ra trận, lập công. Họ luôn sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, với bản lĩnh thép và lòng dũng cảm phi thường. Người chỉ huy đặc công cần hiểu rõ từng người lính dưới trướng mình, bởi mỗi người trong số họ đều là một chiến binh tài ba, dù có thể chẳng ai trong họ được đào tạo bài bản từ các trường đại học quân sự.

Ông Chương mỉm cười nói như một lời đúc kết đời lính: "Đặc công là thế, dùng ít nhưng đánh nhiều, khiến kẻ địch không kịp hiểu chuyện gì xảy ra thì trận đánh đã kết thúc rồi!".

Một năm sau lần thoát hiểm trong rừng Sác, người lính đặc công được điều động về địa bàn Thủ Đức. Trong một trận đánh ác liệt tại đây, ông Chương tiếp tục bị thương nặng, buộc phải ra miền bắc điều trị. Các bác sĩ đã cảnh báo rằng, nếu phẫu thuật, khả năng phải cắt bỏ chân là rất cao.

Không chấp nhận viễn cảnh tàn phế, ông quyết tâm tự phục hồi. Mỗi sáng, ông dùng dây dù buộc vào cổ chân, vắt qua song cửa, nhờ người nhà kéo căng để nắn lại xương. Sau gần nửa năm kiên trì luyện tập trong đau đớn, ông có thể tập tễnh bước đi với đôi nạng gỗ.

Khi thấy con trai có thể đi lại, cha ông đã cố gắng xin việc cho con tại nhiều nơi. Tuy nhiên, những nơi ông đến đều lắc đầu từ chối, lo ngại với tình trạng của người thương binh. Những lần bị từ chối liên tiếp ấy đã giáng một đòn mạnh vào tinh thần của chàng trai trẻ, khiến ông chìm trong khủng hoảng.

Nhưng rồi, ông Chương nhận ra rằng chỉ có học hành mới có thể thay đổi số phận. “Tôi tự mình mượn sách, ôn luyện lại kiến thức phổ thông bị gián đoạn, cố gắng học tập để lấy lại những năm tháng đã mất”, ông nói.

Đến năm 1970, ông thi đỗ vào Đại học Bách khoa Hà Nội và sau đó được cử đi đào tạo tại Liên Xô. Thế nhưng, mùa đông lạnh giá ở Leningrad khiến những vết thương chiến tranh tái phát dữ dội, buộc ông phải chuyển về Đại học Tổng hợp Kharkov, nơi có khí hậu ôn hòa hơn.

Những vết thương do chiến tranh để lại mãi còn đó.

Những vết thương do chiến tranh để lại mãi còn đó.

Thế nhưng không chỉ vậy. Suốt năm đầu tiên, ngôn ngữ xa lạ như một bức tường ngăn cách ông với kiến thức. “Thế rồi, trong một kỳ nghỉ hè, một giáo sư người Nga thấy được sự cố gắng của tôi và mời về ở cùng để kèm cặp thêm. Kể từ đó, tôi thức trắng đêm để học, từng bước vượt qua rào cản ngôn ngữ”, ông chia sẻ.

Chàng thanh niên dần tự tin hơn để tiếp cận tri thức và trở thành học viên xuất sắc. Thậm chí vào năm ba đại học, ông trở thành sinh viên nước ngoài duy nhất tại Đại học Kharkov đạt giải Nhì nghiên cứu khoa học cấp thành phố, với đề tài "Văn hóa và tôn giáo trong chiến tranh Việt Nam". 

Tốt nghiệp năm 1977, ông trở về nước, công tác tại Thư viện tỉnh Hà Nam Ninh, rồi sau đó đảm nhiệm cương vị Giám đốc Thư viện tỉnh Nam Định. Người cựu chiến binh năm xưa đã bước sang hành trình mới, tiếp tục phụng sự đất nước bằng trí tuệ và trái tim son sắt.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chiến sĩ đặc công Hoàng Dương Chương đã lập nhiều chiến công xuất sắc, vinh dự được trao tặng danh hiệu “Dũng sĩ diệt cá sấu”, “Dũng sĩ diệt Mỹ, đánh tàu chiến”, cùng nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng Hai, hạng Ba; Huân chương Chiến công Giải phóng hạng Ba; Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba và Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Ba.

Không chỉ lập chiến công trên chiến trường, ông Hoàng Dương Chương còn có nhiều đóng góp trên mặt trận văn hóa. Ông được Nhà nước và các tổ chức trao tặng nhiều huy chương ghi nhận cho sự nghiệp phát triển văn hóa, thông tin, công đoàn, khoa học và công nghệ.

Nay dù đã 83 tuổi, người chiến sĩ đặc công năm xưa vẫn không ngừng say mê hoạt động nghiên cứu, tích cực đóng góp cho công cuộc bảo tồn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa dân tộc. Hiện, ông đã xuất bản nhiều cuốn sách, mà ông tâm đắc nhất là cuốn Địa danh Nam Định, và đang hoàn thành những công trình nghiên cứu về con người, sự kiện tại Nam Định để lưu giữ giá trị lịch sử của mảnh đất quê hương.

Ngày xuất bản: 29/4/2025
Tổ chức sản xuất: BÙI NAM ĐÔNG
Nội dung: PHAN THẠCH - SƠN BÁCH
Trình bày: PHAN THẠCH
Ảnh - VIDEO: TRUNG HƯNG