Mở đầu "hành trình vạn dặm" đến nước Pháp

Đồng chí Nguyễn Kiến Phước, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Phụ trách Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhà báo Đặng Dũng, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Paris, tham dự Hội báo Đảng bạn.

Đồng chí Nguyễn Kiến Phước, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Phụ trách Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Thành phố Hồ Chí Minh, cùng nhà báo Đặng Dũng, phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Paris, tham dự Hội báo Đảng bạn.

Tôi còn nhớ như in cái ngày 15/4/1998 ấy, chúng tôi đặt chân xuống sân bay Charles De Gaulle Paris, mở đầu cho "cuộc hành trình dài vạn dặm" sau này của các phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp và Tây Âu.

Ra đón chúng tôi tại nhà ga sân bay có ông Tung, Chánh Văn phòng Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp và người lái xe. Trong đám đông hành khách trên sân bay buổi sáng, chúng tôi mang hành lý len lỏi theo chân cán bộ Đại sứ quán về nơi ở - Cơ quan Thương mại Việt Nam tại Pháp.

Bầu trời Paris lúc ấy trong sáng, nắng vàng, báo hiệu tương lai tốt đẹp. Tuy nhiên, tôi biết rằng “chuyến đi mở đầu nào ở nơi xa đất nước mình” cũng hàm chứa khó khăn, bỡ ngỡ và gian khổ!

Những ngày đầu “4 không” và “4 có”

Thời điểm đầu năm 1998, “4 không” ở Pháp đối với chúng tôi là:

-           Không có trụ sở, phòng làm việc và nơi ở chính thức.

-           Không có phương tiện làm việc, đi lại tối thiểu, nghĩa là tới Paris với hai bàn tay trắng, trừ chiếc máy ghi âm “cục gạch” cũ tôi đã dùng để hoạt động báo chí.

-           Không sẵn tiền mặt, không dồi dào về tài chính để sinh hoạt và mua thiết bị ban đầu. Tất cả chờ mấy ngày sau làm thủ tục lĩnh qua ngân hàng Bộ Tài chính chuyển sang. Các hoạt động chi tiêu phải dựa trên nguyên tắc lập dự trù có kế hoạch, báo cáo về Cơ quan và Bộ Tài chính , phải căn cơ hết sức, chi tiêu dè sẻn, từng khoản, chi gì cũng phải có chứng từ...

-           Không có nhiều thời gian nghiên cứu trước về Pháp chuẩn bị kỹ cho một chuyến đi công tác nhiều năm. Thời gian mấy tháng cơ quan cho chuẩn bị chỉ vỏn vẹn đủ cho một chương trình học lái xe nhanh, thi lấy bằng và làm một số thủ tục ngoại giao.

Tuy nhiên, bên cạnh đó, hai chúng tôi – Xuân Hiệu (Trưởng cơ quan đại diện) và Đặng Dũng lại mang theo mình “4 có” quý báu, đó là:

-           quyết tâm lớn thực hiện Chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng và của Ban Biên tập, lập Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp và Tây Âu. Hai chúng tôi cũng có sự sẵn sàng quyết tâm ra đi hoàn thành nhiệm vụ được giao.

-           một hậu phương vững chắc đứng sau nhóm phóng viên là toàn thể Ban Biên tập Báo Nhân Dân, là Bộ Tài chính, nơi cấp phát tài chính cho nhóm phóng viên trụ vững trong những ngày tháng đầu khó khăn, sau này mua nhà, ô tô và các phương tiện làm việc khác nhằm lập Trụ sở Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp.

-           được sự ủng hộ và giúp đỡ hết lòng của Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao, cụ thể là Đại sứ quán nước ta tại Pháp, là Đại sứ, Tham tán đến các đồng chí Tùy viên và anh em cán bộ Sứ quán.

-           thêm một sức mạnh nữa để hai phóng viên Báo Nhân Dân  tin tưởng sang công tác báo chí trên đất Pháp, đó là mối quan hệ hữu nghị tốt đẹp giữa hai chính phủ Việt Nam và Pháp trải dài nhiều thập kỷ. Cuộc tiếp kiến giữa hai nhà báo Xuân Hiệu và Đặng Dũng với ngài đại sứ Pháp tại Hà Nội đã để lại những ấn tượng hữu nghị tốt đẹp.

Phóng viên Đặng Dũng thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp hoạt động trên các phố ở Paris.

Phóng viên Đặng Dũng thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp hoạt động trên các phố ở Paris.

Từ những ngày đầu “không có”

Đúng là ngay từ những ngày đầu hai phóng viên Báo Nhân Dân phải đi những bước chân vững chắc! Phải đi bộ rất nhiều trên đất Paris hoa lệ! Trong khi chờ đợi một quá trình tự đi tìm mua nhà, Đại sứ quán ta xếp chúng tôi ở tạm trong ngôi nhà của Cơ quan Thương mại Việt Nam tại Pháp (Thương vụ).

Đó là một biệt thự xây đã lâu ở vùng 92, “Khu nhà giàu” ở phía Tây Paris. Ngôi nhà này, hồi năm 1968, bà Nguyễn Thị Bình, Bộ trưởng Ngoại giao trong Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền nam Việt Nam và phái đoàn đã ở trong thời gian Hội nghị 4 bên. 

Ngôi nhà thì đẹp, nhưng các phòng khi ấy đã kín chỗ. Nơi dành cho hai chúng tôi là căn phòng hầm dưới mặt đất. Trong điều kiện không có nơi ở ban đầu, được một chỗ kê hai chiếc giường cá nhân và một bàn làm việc thế là tốt rồi.

Thương vụ có một khu bếp nấu ăn của các gia đình. Dũng- Hiệu nấu ăn sau để khỏi ảnh hưởng tới các gia đình của Thương vụ.

Việc đi chợ thì dễ giải quyết! Hai ngày đầu là bánh mì và sữa, hoặc với pate hộp, hoặc là mì gói mang theo từ nhà. Những ngày sau mua rau thịt gửi tạm tủ lạnh của bếp chung.

Trong thế giới sôi động đầy tin tức, tình trạng không có tivi xem hàng ngày khiến chúng tôi rất sốt ruột. Cơ quan chủ trương chỉ mua sắm các thiết bị sau khi đã mua được nhà lập trụ sở. Vậy nên, “trong cái khó ló cái linh hoạt”!

Chỉ vài hôm sau khi tới, theo chỉ dẫn của người ở đây trước, chúng tôi kiếm được tivi đã qua sử dụng còn tốt do người dân Paris mua đồ mới nên thay cũ, bỏ ra trước cửa nhà cho ai có nhu cầu dùng và thành phố thì đỡ mất công phải chở “rác” đi!

Việc ăn ở tạm xong, cần bắt tay ngay vào việc đi tìm nhà làm trụ sở. Ô tô chưa có, chúng tôi đi bộ và dùng các phương tiện giao thông công cộng nếu phải đi xa như metro, và xe bus. Đi metro rất thuận tiện.

Năm 1998, Paris có 15 tuyến xe điện ngầm chạy khắp thủ đô. Đi metro phải đi bộ nhiều, chúng tôi thì đi bộ quen rồi!

Sau này luôn di chuyển bằng metro và xe bus vé tháng, chúng tôi không coi đó là vất vả nữa. Metro và xe bus chạy khá chính xác theo giờ định sẵn các tuyến ở Paris.

Phóng viên Báo Nhân Dân hoạt động tại Trung tâm Paris, mùa đông năm 2000 gần bên Tháp Eiffel.

Phóng viên Báo Nhân Dân hoạt động tại Trung tâm Paris, mùa đông năm 2000 gần bên Tháp Eiffel.

Căn cứ vào các cuốn tạp chí chuyên đề rao bán nhà và các tập “rao vặt” xuất bản hàng tuần có uy tín, chúng tôi nhẫn nại săn tìm mua nhà. Các anh chị bên Đại sứ quán cũng mách cho vài chỗ, nhưng chúng tôi xem thấy không thích hợp.

Giá nhà ở Pháp, nhất là ở Paris - Kinh đô Ánh sáng luôn luôn đắt đỏ. Săn tìm mua nhà mà không có ô tô riêng, phải đi bộ, metro và xe bus càng vất vả tốn kém cả thời gian nữa.

Đã có không ít ngày, Xuân Hiệu và Đặng Dũng trong quá trình đi từ nơi này đến nơi kia, chuyển đổi mấy lần tuyến metro và buộc phải ghé ăn trưa bằng bánh mỳ trứng hoặc những đĩa mì xào khô khốc đơn giản ở dọc đường.

Cứ đi, cứ lên đường, tối trở về nhà, vừa lo cơm nước, vừa “nghiên cứu” tiếp những địa chỉ mới, những khu phố mới, tìm sao cho thích hợp với khả năng tài chính ở “nhà” định sẵn, cũng như đáp ứng các tiêu chí mà Ban Biên tập đề ra.


Chúng tôi coi những khó khăn phức tạp đó là những thử thách đối với sức khỏe và lòng kiên trì.


Anh Xuân Hiệu về Báo Nhân Dân trước tôi, đã từng đi nước ngoài, nhưng kỳ đi Pháp này là lần đầu tiên. Tôi thì mùa thu năm 1994 có vinh dự đi với Tổng Biên tập Hữu Thọ sang Pháp và Bồ Đào Nha công tác, năm 1995 lại sang bang Quebec Canada – vùng nói tiếng Pháp; hơn nữa, trước đây tôi đã học đại học chính quy hệ 5 năm Pháp văn, nên có sự quen thuộc hơn.

Dân tộc nào và nền văn hóa nào cũng có những đặc thù riêng. Pháp cũng vậy. Biết thế nên chúng tôi đã nhanh chóng thích ứng với tình hình.

Thời gian thấm thoắt qua nhanh. Một mùa hè rồi cũng trôi đi. Mùa thu đến gần. Hai chúng tôi sau khi tập hợp, xem xét và chọn lọc hàng trăm trường hợp nhà, xác minh điều kiện giá cả, vị trí giao thông của trụ sở và các tiêu chí khác cấp trên đề ra, đã tìm được một số nhà phù hợp tương đối, báo cáo Ban Biên tập ở nhà cho ý kiến quyết định.

Phóng viên Đặng Dũng, Báo Nhân Dân đang trên đường đi công tác ở Pháp.

Bức ảnh lịch sử hiếm hoi: Nhà báo Đặng Dũng (mặc complet đen, đứng giữa), đại diện Báo Nhân Dân có mặt dự Lễ gắn lại biển đồng tại số nhà 9, Ngõ Compoint, Paris, diễn ra tháng 9/1998. Nơi đây ghi dấu nơi ở của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) từ năm 1921-1923 sau khi ngõ này mở rộng xây dựng lại.

Phóng viên Đặng Dũng, Báo Nhân Dân đang trên đường đi công tác ở Pháp.

Bức ảnh lịch sử hiếm hoi: Nhà báo Đặng Dũng (mặc complet đen, đứng giữa), đại diện Báo Nhân Dân có mặt dự Lễ gắn lại biển đồng tại số nhà 9, Ngõ Compoint, Paris, diễn ra tháng 9/1998. Nơi đây ghi dấu nơi ở của người thanh niên Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh sau này) từ năm 1921-1923 sau khi ngõ này mở rộng xây dựng lại.

…Đến việc lập trụ sở, tăng cường viết bài

Mùa thu năm 1998, sau thời gian xem xét cẩn thận, tỉ mỉ và có sự phối hợp của Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp, Ban Biên tập Báo Nhân Dân đã duyệt phương án mua nhà lập Trụ sở Cơ quan Thường trú (CQTT) Báo Nhân Dân tại Pháp, đặt tại trung tâm Thành phố Aubervilliers, ngoại ô  Paris.

Vào một sáng thứ Bảy, trung tuần tháng 9/1998, Lễ ra mắt Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp đã được tiến hành tại Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp với sự chủ trì của đồng chí Hồng Vinh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập và Đại sứ Đặc mệnh Toàn quyền nước ta tại Pháp Nguyễn Chiến Thắng cùng sự có mặt của hai phóng viên Báo Nhân Dân, đông đảo cán bộ Đại sứ quán và đại diện các cơ quan Việt Nam công tác tại Pháp. Nhiều đại diện báo chí nước ngoài, đại diện Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Pháp cũng đến dự chia vui cùng với Báo Nhân Dân.

Nhà mua xong, khai trương trụ sở xong, nhưng vẫn còn phải sửa chữa khoảng tháng rưỡi nữa mới ở được. Chúng tôi nhớ khai trương xong, hai chúng tôi vẫn phải ở nhờ dưới nhà hầm trong cơ quan Thương vụ.

Ngay sau lễ thành lập Cơ quan Thường trú, Tổng Biên tập Hồng Vinh và nhóm phóng viên thường trú đã tham gia tích cực ba cuộc Hội báo lớn của các đảng  cộng sản anh em tại các nước: Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, và Pháp.

Phóng viên Đặng Dũng đang hoạt động báo chí, đưa Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Hồng Vinh gặp gỡ các đồng chí trong Ban lãnh đạo Hội Báo L'Humanité trong thời gian Hội Báo.

Phóng viên Đặng Dũng đang hoạt động báo chí, đưa Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân Hồng Vinh gặp gỡ các đồng chí trong Ban lãnh đạo Hội Báo L'Humanité trong thời gian Hội Báo.

Thực ra, ngay khi mới sang Paris được mấy ngày, tháng 4/1998, tôi đã có bài fax về, đăng trên tờ Nhân Dân hằng tháng phản ánh không khí sôi động tại Paris trước Vòng Chung kết Giải vô địch bóng đá thế giới France 1998. Gần hai tháng sau, ngày 15/6/1998, tôi lại gửi về đăng bài “Bê bối quanh những chiếc vé bóng đá” phản ánh tại chỗ về bầu không khí tiêu cực của Ban tổ chức Liên đoàn bóng đá thế giới chưa đáp ứng được lòng mong mỏi của một tỷ khán giả đến với ngày hội bóng đá lớn nhất hành tinh.

Tiếp theo đó, ngày 22-10, tôi lại gửi về đăng bài “Ngày hành động toàn quốc lần thứ hai của học sinh trung học Pháp” phản ánh phong trào đấu tranh của 265 nghìn học sinh Pháp đòi thay đổi những điều bất hợp lý trong nền giáo dục Pháp.

Tại Pháp, nơi có hơn 200 nghìn kiều bào sinh sống, đông nhất Tây Âu, ngày 29/11/1998, Báo Nhân Dân đăng bài của tôi phản ánh tại chỗ Hội người Việt Nam tại Pháp tổ chức tại thành phố Arcueil, ngoại ô Paris kỷ niệm “300 năm Sài Gòn – Thành phố Hồ Chí Minh” hưởng ứng những hoạt động trong nước chào mừng Thành phố Hồ Chí Minh tròn 3 thế kỷ thành lập.

Bước sang các năm 1999, 2000, 2001, công việc viết bài và đưa tin được đẩy mạnh, phản ánh tại chỗ nhiều vụ việc lớn, nóng bỏng tại Pháp và Tây Âu.

Hai nhà báo Đặng Dũng và Kông Ngoạn từ Pháp sang thăm thủ đô Berlin (Đức).

Hai nhà báo Đặng Dũng và Kông Ngoạn từ Pháp sang thăm thủ đô Berlin (Đức).

Điểm qua một số nhan đề đã đăng trên Báo Nhân Dân của cá nhân tôi có thể thấy phần nào được những sự kiện đó: “Đồng chí Bí thư Toàn quốc (Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Pháp) Robert Hue: Vai trò của Đảng Cộng sản Pháp sẽ tăng lên trong năm 1999”; “Nước Pháp trong mùa đông sôi động” ; “Những chú gà làm náo loạn EU” (vụ thịt gà và trứng gà châu Âu bị nhiễm chất độc dioxin); “Hội báo Avante Bồ Đào Nha”, “Ngày đấu tranh “Vì việc làm ở Pháp 16/10/1999” (Bức tranh kinh tế nước Pháp 1999); “Pháp: Chặng đường còn nhiều sóng gió” (Bức tranh kinh tế Pháp 2000); “Một tuần nóng” ở Pháp (Phản ánh phong trào đấu tranh vì dân sinh dân chủ ở Pháp); “Người Việt Nam ở Paris đón tết Rồng 2000” (phóng sự); “Vụ tai nạn máy bay Concorse rơi ở Paris, 113 người chết”; “Những chiếc cầu bắc qua sông Seine, Paris”; “Thăm bảo tàng Louvre” - viết về các công trình văn hóa nổi tiếng thế giới ở Paris…


Đặc biệt, trong số các sự kiện nổi bật tại Pháp mà nhóm phóng viên Báo Nhân Dân đã đưa có thể kể đến loạt bài đăng phản ánh tại chỗ khi đồng chí Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Lê Khả Phiêu thăm hữu nghị chính thức Cộng hòa Pháp tháng 9/2000 hay phóng viên Xuân Hiệu viết loạt bài về khủng hoảng kinh tế và chính trị tại Pháp…


Mùa xuân năm 2000, sau khi ổn định nơi ăn chốn ở, đưa vợ con sang, hai chúng tôi bàn nhau phải tăng số lượng tin bài về Pháp trên Báo Nhân Dân. Khi đó, do là đoàn đi đầu tiên, bên cạnh việc bài tin còn những việc khác, mối quan hệ khác phải thực hiện cho tốt. Trước hết đó là phải tạo mối quan hệ tốt gần gũi thường xuyên với Đại sứ quán ta tại Pháp.

Tuần 2 lần hoặc ít nhất 1 lần vào thứ 5 hoặc thứ 6, anh Xuân Hiệu và tôi đi xe của Cơ quan Thường trú từ bên Thương vụ sang bên Đại sứ quán. Nơi ở của Cơ quan Thương vụ ta trực thuộc Đại sứ quán nằm trên phố Avenue de Madrid, một con phố rất đẹp. Từ đó chúng tôi chạy xe qua một đoạn vài cây số qua con đường ven rừng thưa Boulogne rồi mới ra con đường vành đại ngoại ô Paris để tới Đại sứ quán, từ đồng chí Tung, Chánh Văn phòng Đại sứ quán đến các đồng chí bộ phận khác đều sẵn sang giúp đỡ nhà báo khi có yêu cầu, do chúng tôi và Đại sứ quán là hai cơ quan độc lập.

Vốn là dân tiếng Pháp “chuyên nghiệp”, yêu báo chí và văn học Pháp, tôi kết thân với Tùy viên Báo chí Nguyễn Hải Bằng (sau này được biết anh Bằng về Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao, sau đi làm Đại sứ ở một số nước). Anh Hải Bằng công việc bận nhưng cũng thường xuyên cho tôi mượn thêm nhiều báo, tạp chí tiếng Pháp đương thời mà chúng tôi còn thiếu. Anh cũng thường trao đổi với tôi về kinh nghiệm giao tiếp với phóng viên của vài tờ báo Pháp có tiếng mà tôi có thể gặp trong một số buổi họp báo.

Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp tác nghiệp. (Ảnh: Khải Hoàn)

Phóng viên thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp tác nghiệp. (Ảnh: Khải Hoàn)

Việc thiết lập cầu nối quan hệ với Hội Người Việt Nam tại Pháp cũng được chúng tôi chú trọng. Trụ sở của Hội tại số nhà 16, Rue du Petit Much là nơi tôi thường xuyên tới kể cả trước khi mua nhà và ô tô. Tôi cũng hay tới Trụ sở Hội vào chiều Chủ nhật hàng tuần. Tôi hay đi Metro và cũng hay gặp trên metro một số bà con cùng đi tới Hội, tham dự những buổi gặp gỡ tại trụ sở Hội. Đó là các lần gặp các anh Kỳ, anh Nghĩa, anh Thanh Tùng, chị Hoàng Lan trong Ban lãnh đạo Hội Việt kiều, cùng các bác Sơn, bác Toàn, cụ Tống… Các bác và các anh chị rất quý trọng phóng viên Báo Nhân Dân, thường xuyên có những trao đổi, và đánh giá cao vai trò của Báo Nhân Dân. Chính vì thế, mỗi khi Hội có hoạt động quan trọng nào, lãnh đạo Hội đều trực tiếp tha thiết mời chúng tôi tới dự.

Tôi còn nhớ rõ hôm ấy, trọn cả một ngày từ sáng đến chiều, Hội tổ chức kỷ niệm hưởng ứng hoạt động ở trong nước nhân kỷ niệm “300 năm Sài Gòn- Thành phố Hồ Chí Minh”. Nơi họp mặt kỷ niệm và tọa đàm là Trường Trung học Joliot Curie tại thành phố Arcueil, ngoại ô Paris. Chúng tôi tham gia tọa đàm nói về sự chứng kiến mắt thấy tai nghe sự phát triển vượt bậc ở Thành phố Hồ Chí Minh. Hơn 200 bà con Hội Việt kiều đã tới dự sự kiện này, kết thúc bằng một chương trình nghệ thuật “cây nhà lá vườn” được bà con Việt kiều chuẩn bị từ nhiều tháng trước.

Dịp Tết năm Canh Thìn 2000, tiễn biệt thế kỷ 20, Sứ quán ta tổ chức đón Đêm Giao thừa Việt Nam tại Sứ quán, có hơn 300 bà con Việt kiều cùng dự. Mỗi gia đình chúng tôi cùng cán bộ nhân viên sứ quán được nhận quà là 2 chiếc bánh chưng quý giá từ trong nước chuyển sang. Có chứng kiến khung cảnh hàng trăm các cụ, các bác, các anh chị em Việt kiều nô nức cùng Sứ quán đón Tết, đón Giao thừa mới thấy tình đồng bào, tình quê hương ấm áp không bao giờ phai.

Cũng vào những ngày trước Tết Canh Thìn 2000, anh Xuân Hiệu phân công tôi viết bài Người Việt Nam tại Paris đón tết Rồng”. Từ trước Tết 2 tuần tôi đã đi gặp gỡ phỏng vấn GS, TS Nhạc sĩ Trần Văn Khê nhân dịp giáo sư tròn 80 tuổi. Tôi đi thang máy lên gặp giáo sư tại căn hộ riêng của ông trên tầng 9 của một khu nhà nằm ở phía nam ngoại ô Paris. Năm 1999, giáo sư đã được Chủ tịch nước Trần Đức Lương tặng Huân chương Lao động hạng Nhất. 

Gặp phóng viên Báo Nhân Dân đến tận nhà phỏng vấn, giáo sư rất vui. Giáo sư nói: “Tết ở nước nhà thật vui ấm áp! Trong khi đó ngày Tết Nguyên đán ở Paris không khí rất bình thường, không có gì đặc biệt nếu Sứ quán Việt Nam và Hội Người Việt Nam tại Pháp không tổ chức đón Tết cho bà con”.


Những ngày công tác thường trú ở Paris nhiệm kỳ đầu tiên, bên cạnh những khó khăn lo toan vất vả thường nhật cũng có nhiều kỷ niệm vui đoàn kết đầm ấm.


Đó là những cuộc gặp giữa phóng viên Báo Nhân Dân với anh chị em trong Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Pháp, như với các anh chị Thích-Hương; Môn-Tâm, anh Cần, anh Đạt; gặp nhau thường xuyên giữa hai nhóm phóng viên Báo Nhân Dân Hiệu-Dũng và phóng viên thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Pháp Tạ Thâu-Vũ Hải; giữa tôi với anh Nguyễn Hào, trưởng Cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp khi hai người cùng đi chung một chuyến công tác Công quốc Monaco, một công quốc độc lập ở phía nam nước Pháp.

Tôi cũng cảm thấy vui và may khi ngay tại Paris tôi được gặp lại các bạn học cũ khoa Pháp đại học Sư phạm Ngoại ngữ năm xưa đang cùng công tác tại địa bàn Paris thời gian ấy. Đó là Đại tá Mạnh Hùng, Tùy viên quân sự nước ta tại Pháp là em Trần Sơn Mạnh, nguyên Tổng Biên tập báo Tiếng Pháp Le Courrier Thông tấn xã Việt Nam, sau sang Paris làm Trưởng cơ quan Thường trú Thông tấn xã Việt Nam tại Pháp; đó là bạn học cũ Thượng tá Hữu Sơn cùng sang công tác tại Pháp, chúng tôi vừa là bạn học, vừa là đồng nghiệp nên tình đoàn kết giữa các cơ quan càng được thân thiết hơn khi hoạt động báo chí ở xa Tổ quốc. Đó là kỷ niệm và cũng là kinh nghiệm quý giá khi công tác ở nước ngoài.

Phóng viên Đặng Dũng, thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp, tham dự Ngày Hội Hàng không quốc tế tại sân bay quốc tế Orly, Paris năm 2000.

Đồng chí Nguyễn Kiến Phước, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Phụ trách Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh, cùng nhà báo Đặng Dũng, PV thường trú Báo Nhân Dân tại Paris, tham dự Hội báo Đảng bạn.

Phóng viên Đặng Dũng, thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp, tham dự Ngày Hội Hàng không quốc tế tại sân bay quốc tế Orly, Paris năm 2000.

Đồng chí Nguyễn Kiến Phước, Ủy viên Ban Biên tập Báo Nhân Dân, Phụ trách Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại TP Hồ Chí Minh, cùng nhà báo Đặng Dũng, PV thường trú Báo Nhân Dân tại Paris, tham dự Hội báo Đảng bạn.

Một số hạn chế - những việc chưa làm được và bài học rút ra

Do thời kỳ những năm 1998-2001, tình hình kinh tế trong nước còn rất nhiều khó khăn, cơ chế hoạt động phóng viên thường trú ở nước ngoài hồi ấy phải hạn chế vì kinh phí hạn hẹp nên còn một số việc vẫn chưa làm được. Những cuộc đi về các địa phương ở Pháp còn ít vì ít kinh phí.

Đây là khóa thường trú đầu tiên Báo Nhân Dân mở ở châu Âu và Pháp, trong đó mất nhiều thời gian cho việc đi tìm mua nhà, lập trụ sở Cơ quan thường trú tại Paris, thiết lập các mối quan hệ đầu tiên với các cơ quan báo chí khác, với Hội người Việt Nam yêu nước tại Pháp trong bối cảnh tình hình thế giới hết sức phức tạp, các đảng cộng sản và công nhân ở Tây Âu đi vào suy thoái không ổn định…

Trụ sở Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp hiện nay. (Ảnh: Khải Hoàn)

Trụ sở Cơ quan Thường trú Báo Nhân Dân tại Pháp hiện nay. (Ảnh: Khải Hoàn)

Nhìn lại những ngày đầu gian khó vì thiếu thốn đủ mọi bề, đến khi lập được Trụ sở cơ quan thường trú  khang trang, tạo nên một cỗ máy vận hành suôn sẻ trong việc đưa bài, tin phản ánh tại chỗ  các sự kiện tại Pháp và Tây Âu theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư và Ban Biên tập, đó là nhờ có sự cố gắng làm việc không ngừng của phóng viên báo Đảng, nhờ nắm vững đường lối chính trị và tin tưởng sự chỉ đạo sáng suốt của Trung ương Đảng, cũng như nắm vững nhiệm vụ chính trị mà Ban Biên tập đã giao cho. Chính vì có sự lãnh đạo tài tình sáng suốt ấy của Đảng ta nên đến hôm nay năm 2022, nhìn lại thấy con đường đi của người phóng viên báo Đảng làm công tác viết báo, đối ngoại đã thênh thang hơn, thuận lợi hơn, xán lạn hơn rất nhiều so với trước đây.

Trình bày: VĂN TOẢN
Ảnh: Tác giả cung cấp