Đón tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc, năm 1998.

Đón tiếp Thủ tướng Phan Văn Khải và đoàn đại biểu Chính phủ Việt Nam sang thăm chính thức Trung Quốc đến Đại sứ quán Việt Nam tại Bắc Kinh, Trung Quốc năm 1998.

Thời gian kể từ khi tôi đặt chân đến thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc đến ngày chính thức khai trương Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh chỉ trọn vẹn khoảng ba tháng. Gần một phần tư thế kỷ đã trôi qua, hôm nay nhìn lại, khó khăn, gian khổ của những ngày đầu bỡ ngỡ với bộn bề công việc vẫn in đậm trong tâm trí tôi. Cũng có thể nói rằng, hai anh em chúng tôi đã vượt lên chính mình để hoàn thành công việc được giao và đóng góp một phần nhỏ vào quá trình phát triển chung của tờ báo.

1.Tôi còn nhớ khoảng giữa tháng 3/1997, sau khi cơ quan tổ chức kỷ niệm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu (11/3/1951 - 11/3/1997), Tổng Biên tập Hồng Vinh gọi tôi lên phòng. Anh Hồng Vinh nói đại ý, theo chủ trương của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Báo Nhân Dân phải khẩn trương triển khai ba cơ quan thường trú tại nước ngoài gồm Bắc Kinh, Paris và Bangkok. Ban Biên tập đã cân nhắc mọi mặt và quyết định cử tôi và đồng chí Hải Nam, phóng viên chuyên phụ trách tuyên truyền về Trung Quốc của Ban Quốc tế, đi xây dựng cơ quan thường trú của Báo tại Bắc Kinh.

Lúc bấy giờ tôi là phóng viên của Ban Kinh tế - Công nghiệp, không hề có một chút khái niệm gì về công việc của một phóng viên quốc tế. Hơn nữa, đã gần 20 năm kể từ khi tốt nghiệp khoa Trung văn, Trường đại học Sư phạm ngoại ngữ Hà Nội, cho đến lúc bấy giờ tôi không có điều kiện sử dụng tiếng Trung Quốc cho bất cứ công việc nào. Gia đình còn nhiều khó khăn, vốn ngoại ngữ có thể coi như “chữ thầy, trả thầy”. Do đó, tôi rất băn khoăn không biết mình có hoàn thành được trọng trách lớn lao này hay không.

Nhưng với bản chất của một người lính đã từng chiến đấu ở Quảng Trị những ngày hè đỏ lửa 1972 và tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh vào giải phóng Sài Gòn trưa ngày 30/4/1975, cùng với việc động viên khích lệ của đồng chí Tổng Biên tập Hồng Vinh, tôi đã nhận lời và hứa sẽ cố gắng hết sức để hoàn thành nhiệm vụ.

Cũng phải nói rằng việc chuẩn bị và xây dựng ba cơ quan thường trú tại nước ngoài là một công việc hết sức mới mẻ, không hề có chút kinh nghiệm nào cho nên Ban Biên tập cũng đã tập trung cao độ cho nhiệm vụ này. Chúng tôi đã được Ban Biên tập cho nghỉ công việc chuyên môn từ tháng 4/1997 để tập trung vào công việc chuẩn bị: học lái xe, lễ tân, cùng với các bộ phận chức năng tiến hành các công việc chuẩn bị để đi làm nhiệm vụ ở nước ngoài... Các anh Duy Thịnh và Bùi Căn được học thêm tiếng Thái Lan, tôi cũng đã được Ban Biên tập ưu ái cấp kinh phí để thuê thầy ôn lại tiếng Trung Quốc.

Đoàn đại biểu Đài Tiếng nói Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Kim Cúc dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Trung Quốc đến thăm trụ sở Cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh.

Đoàn đại biểu Đài Tiếng nói Việt Nam do Phó Tổng Giám đốc Kim Cúc dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Trung Quốc đến thăm trụ sở Cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh.

2. Công việc chuẩn bị trong nước tròn một năm, từ tháng 4/1998, chúng tôi lên đường sang Bắc Kinh. Trước lúc tôi lên đường, Tổng Biên tập Hồng Vinh căn dặn: “Cơ quan thường trú tại Bắc Kinh phải được khai trương trước các cơ quan ở Paris và Bangkok, cho nên sang đến Bắc Kinh, các đồng chí phải bắt tay ngay vào công việc”.

Cũng có cái may là cuối năm 1997, nhân dịp Đoàn Báo Nhân Dân do Phó Tổng Biên tập Đức Lượng dẫn đầu sang thăm Trung Quốc theo diện trao đổi với Nhân Dân nhật báo Trung Quốc, Ban Biên tập đã bố trí cho tôi đi cùng như là một chuyến công tác tiền trạm. Trong các buổi gặp gỡ với lãnh đạo Nhân Dân nhật báo, Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh…, Phó Tổng Biên tập Đức Lượng đã tranh thủ chính thức giới thiệu tôi và nhờ các cơ quan, anh em, bạn bè giúp đỡ báo triển khai việc xây dựng cơ quan đại diện của Báo Nhân Dân tại Trung Quốc.

Nhờ chuyến đi này, khi đến Bắc Kinh tôi đã được mọi người tiếp đón và tận tình giúp đỡ. Bản thân tôi cũng có chút tự tin vì cảnh vật, con người không còn xa lạ. Lúc bấy giờ, quan hệ giữa hai nước đang trong giai đoạn phát triển rất tốt đẹp, công việc của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc nhiều hơn, số lượng cán bộ cũng tăng lên đáng kể, cho nên việc thu xếp chỗ làm việc, chỗ ăn, ở cho chúng tôi gặp không ít khó khăn.

Sau một tuần ở nhà khách của sứ quán, chúng tôi cũng được bố trí cho một căn phòng đầu hồi của khu nhà ba tầng là nhà ở của nhân viên sứ quán làm nơi ở và làm việc. Gian nhà này có cửa riêng và có không gian tách biệt với khu ở của cán bộ, nhân viên sứ quán. Toàn bộ giường chiếu, tủ, bàn và các đồ dung sinh hoạt đều do Đại sứ quán cho mượn. Đại sứ quán cũng thu xếp cho ăn tại bếp tập thể dành cho cán bộ độc thân của sứ quán. Tiền sinh hoạt phí và phục vụ cho hoạt động của hai anh em cũng được Đại sứ quán cho mượn tạm.

3.Thu xếp chỗ ăn, ở tạm ổn, chúng tôi lập tức bắt tay vào công việc thành lập cơ quan đại diện. Việc đầu tiên là đến Công an Bắc Kinh làm thủ tục đăng ký lưu trú. Sau khi có thẻ lưu trú thì đến Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao làm thủ tục xin cấp thẻ nhà báo nước ngoài và quyết định thành lập Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh. Hoàn tất các bước này để có con dấu chính thức xong thì ra ngân hàng mở tài khoản  để cơ quan chuyển tiền sang trả nợ Đại sứ quán và lấy tiền chi tiêu.

Thẻ phóng viên nước ngoài của đồng chí Đặng Xuân Thùy trong thời gian công tác tại Bắc Kinh.

Thẻ phóng viên nước ngoài của đồng chí Đặng Xuân Thùy trong thời gian công tác tại Bắc Kinh.

Nói thì đơn giản như vậy chứ cũng phải mất hơn một tháng, công việc mới hoàn tất. Chỉ có hai cán bộ lần đầu đến Bắc Kinh, mọi việc đều rất bỡ ngỡ, chẳng biết phải làm gì trước làm gì sau, rồi thì công văn, giấy tờ liên quan đều là công việc mới mẻ và xa lạ đối với chúng tôi. Rất may là Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc Bùi Hồng Phúc rất thông cảm và tạo mọi điều kiện giúp đỡ. Ông đã chỉ thị cho các bộ phận liên quan của Đại sứ quán dồn sức hỗ trợ chúng tôi từ soạn thảo các văn bản, giấy tờ đến việc liên hệ các cơ quan liên quan của Trung Quốc để chúng tôi đến làm việc một cách suôn sẻ và hiệu quả nhất.

Đặc biệt, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ hết mình của Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh, các anh phân xã trưởng Trần Thư tiếp đến là phân xã trưởng Lê Sơn cùng các phóng viên Phạm Bình, Bùi Xuân Tuấn. Chỉ cần có yêu cầu là các anh bố trí xe và các phóng viên đưa chúng tôi đến các cơ quan liên quan bất kể thời gian nào. Quả thật, nếu không có những sự giúp đỡ, hỗ trợ hết mình này không biết chúng tôi sẽ xoay trở ra sao.

Lúc bấy giờ, các dịch vụ pháp lý ở Bắc Kinh chưa phát triển, hơn nữa chúng tôi cũng như các cán bộ Đại sứ quán và Phân xã Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh cũng chưa có kinh nghiệm nên mọi việc từ A đến Z tất cả đều phải tự mày mò và làm lấy. Sau này, khi Đài Tiếng nói Việt Nam thành lập cơ quan thường trú của Đài tại Bắc Kinh, chúng tôi chỉ cần liên hệ với một văn phòng luật sư tại Bắc Kinh, cung cấp cho họ những văn bản, giấy tờ cần thiết theo yêu cầu, còn mọi việc họ trực tiếp liên hệ và làm giúp.

Sau vụ việc này, chúng tôi cũng tự thấy mình đúng là “điếc không sợ súng”. Rất may công việc đầu tiên cũng đã hoàn tất, dẫu tốn không ít công sức và trăm thứ phức tạp.

4.Nửa đầu tháng 7/1998, khi các thủ tục pháp lý để thành lập cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh vừa xong, chúng tôi nhận được chỉ thị của Ban Biên tập bắt tay ngay vào công tác chuẩn bị để cuối tháng khi đoàn đại biểu báo do Tổng Biên tập Hồng Vinh dẫn đầu đi công tác tại Mông Cổ ghé qua Bắc Kinh sẽ chính thức khai trương cơ quan đại diện của báo.

Tổng Biên tập Hồng Vinh cùng Đại sứ Bùi Hồng Phúc và đại diện Nhân Dân nhật báo tại buổi chiêu đãi nhân dịp khai trương Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh.

Tổng Biên tập Hồng Vinh cùng Đại sứ Bùi Hồng Phúc và đại diện Nhân Dân nhật báo tại buổi chiêu đãi nhân dịp khai trương Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh.

Thế là lại một cuộc “chạy đua” với thời gian. Đầu tiên là báo cáo với Đại sứ Bùi Hồng Phúc và trao đổi những việc cần làm, đề nghị Đại sứ và cơ quan sứ quán tiếp tục hỗ trợ, giúp đỡ. Tiếp đến là đến chào xã giao Nhân Dân nhật báo Trung Quốc, trao đổi, thông báo kết quả công tác chuẩn bị ra mắt cơ quan đại diện của báo; gặp gỡ lãnh đạo Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hội Nhà báo Trung Quốc, ra mắt và chào xã giao một số cơ quan báo chí có quan hệ với Báo Nhân Dân có đại diện tại Bắc Kinh, một số cơ quan báo chí lớn của Trung Quốc. Khi đã chốt được thời gian và địa điểm tổ chức lễ khai trương, chúng tôi lập tức in giấy mời và gửi đến các cơ quan liên quan.

Những ngày cuối tháng 7, Đoàn đại biểu báo do Tổng Biên tập Hồng Vinh dẫn đầu cùng đi có phóng viên Đỗ Quảng và Trưởng phòng tư liệu thư viện Ngọc Tùng có mặt tại Bắc Kinh. Sáng 30/7/1998, lễ khai trương Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh được tổ chức gọn nhẹ nhưng trang trọng tại phòng khánh tiết của Đại sứ quán Việt Nam tại Trung Quốc dưới sự chủ trì của Tổng Biên tập Hồng Vinh và Đại sứ Việt Nam tại Trung Quốc Bùi Hồng Phúc.

Đến dự lễ có đại diện Ban Đối ngoại Trung ương, Bộ Ngoại giao Trung Quốc, các cơ quan báo chí Trung Quốc, tùy viên báo chí nhiều nước, đại diện các hãng thông tấn, báo chí nước ngoài tại Bắc Kinh.


Việc Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh, cơ quan đại diện đầu tiên của báo tại nước ngoài, chính thức đi vào hoạt động là một mốc quan trọng đánh dấu giai đoạn phát triển mới của Báo Nhân Dân. Đây cũng là tiền đề và sự khích lệ to lớn để hai cơ quan đại diện của Báo Nhân Dân tại Paris (Pháp) và Bangkok (Thái Lan) lần lượt khai trương đi vào hoạt động.


Sau lễ khai trương, chúng tôi còn phải tiếp tục làm việc tại địa điểm mà sứ quán thu xếp tạm khi mới sang. Phải đến đầu năm 1999, khi Cơ quan Thương vụ Việt Nam tại Bắc Kinh sát nhập vào Đại sứ quán thì sứ quán mới bố trí cho cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tiếp quản khu làm việc của cơ quan thương vụ ngay trong khuôn viên sứ quán để làm trụ sở.

Lúc bấy giờ, phụ cấp cho cán bộ công tác nước ngoài không nhiều, lại chưa có chế độ phu nhân đi theo nên chúng tôi phải tự thu xếp việc nấu ăn, vừa tiết kiệm kinh phí vừa bảo đảm sức khỏe để làm việc. Cơ quan đại diện của báo còn ở trong khuôn viên Đại sứ quán cho đến thời kỳ đồng chí Hải Nam sang công tác nhiệm kỳ hai mới mua trụ sở mới và chuyển ra ngoài sứ quán.

Một góc Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Trung Quốc hiện nay. (Ảnh: Hữu Hưng)

Một góc Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Trung Quốc hiện nay. (Ảnh: Hữu Hưng)

5.Các cụ xưa đã nói “Vạn sự khởi đầu nan”. Thời kỳ đó, từ Ban Biên tập đến anh em chúng tôi đều chưa hình dung được công việc của một phóng viên ở nước ngoài như thế nào. Anh em chúng tôi cũng không được tham dự một khóa đào tạo nào để trở thành phóng viên quốc tế. Tất cả đều là vừa làm, vừa rút kinh nghiệm. Trong bối cảnh đó, có thể nói cả ba cơ quan đại diện của báo tại nước ngoài đều bị đánh giá là hoạt động kém hiệu quả. Ở đây tôi chỉ nhấn mạnh một trong những việc chưa làm được liên quan đến vấn đề chuyên môn.

Cuối tháng 3/1999 nhân dịp về dự Kỷ niệm ngày Báo Nhân Dân ra số đầu, Ban Biên tập, Đảng ủy đã có buổi làm việc trực tiếp với ba trưởng cơ quan đại diện của báo ở nước ngoài. Trong cuộc họp, các ý kiến đều tập trung đánh giá: Tin tức về các hoạt động chính trị, kinh tế, xã hội của nước sở tại chưa được cập nhật thường xuyên, phong phú, chưa có nhiều bài viết bình luận, ghi chép, phóng sự, điều tra mang dấu ấn của phóng viên Báo Nhân Dân tác nghiệp ở các địa bàn mình đứng chân.

Tại cuộc họp này, Ban Biên tập đã thẳng thắn chỉ ra những việc chưa được của từng cơ quan đại diện ở nước ngoài sau một năm đi vào hoạt động và thừa nhận những lúng túng trong công việc chỉ đạo của Ban Biên tập; sự phối hợp chưa đồng bộ và hiệu quả của Ban Quốc tế cũng như các ấn phẩm của báo với các cơ quan thường trú tại nước ngoài.

Những yếu kém, khuyết điểm đó, không chỉ là thời kỳ đầu mà đến tận thời điểm năm 2017 khi tôi chính thức về nghỉ, không còn công tác tại Báo Nhân Dân, vẫn là một tồn tại lớn chưa khắc phục một cách hiệu quả.

Vốn là một người được đào tạo trong môi trường sư phạm, tôi đánh giá rất cao nguyên lý yêu cầu cao của ngành giáo dục, cho nên theo tôi đối với những yếu kém, khuyết điểm của cơ quan đại diện nước ngoài, Ban Biên tập rất cần rút kinh nghiệm, mổ xẻ sâu về phân công, trách nhiệm, quy trình chỉ đạo nghiệp vụ thường xuyên.

Song chúng ta chưa có sự tập trung nghiên cứu và những giải pháp một cách nghiêm túc và sâu sắc để khắc phục vấn đề này. Trong suốt hơn 4 năm công tác tại Bắc Kinh, phải nói thẳng thắn là chúng tôi nhận được không nhiều chỉ đạo cụ thể về chuyên môn, nghiệp vụ từ Ban Biên tập cũng như Ban Quốc tế được giao nhiệm vụ trực tiếp phối hợp các cơ quan thường trú ở nước ngoài.

Một số trang ghi chép của nhà báo Xuân Thùy tại Bắc Kinh năm 1999.

Một số trang ghi chép của nhà báo Xuân Thùy tại Bắc Kinh năm 1999.

Lúc bấy giờ, ngoài ấn phẩm Nhân Dân hằng ngày, Báo cũng đã có Nhân Dân điện tử tiếng Việt, Nhân Dân Cuối tuần, Nhân Dân hằng tháng, nhưng việc phối hợp trong công tác chuyên môn với Ban Quốc tế và các ấn phẩm của báo hầu như không có. Chúng tôi không hề có một “đơn hàng” cụ thể nào từ các ban chuyên môn. Việc viết tin, bài cho báo không có một sự ràng buộc cụ thể mà tùy thuộc ý thức trách nhiệm và nhiệt huyết của mỗi phóng viên. Theo tôi, chỉ khi khắc phục được vấn đề này thì hiệu suất và hiệu quả công việc của phóng viên thường trú ở nước ngoài mới được phát huy.

6.Tuy còn nhiều yếu kém, khuyết điểm nhưng công bằng mà nói, chúng tôi cũng đã làm được không ít việc. Trước hết là xây dựng được mối quan hệ thân thiết giúp đỡ nhau một cách hiệu quả giữa các cơ quan báo chí Việt Nam tại Trung Quốc: Cơ quan đại diện báo Nhân Dân, Phân xã Thông tấn xã Việt Nam và cơ quan Thường trú Đài Tiếng nói Việt Nam tại Bắc Kinh.

Ngoài ra, chúng tôi đã thiết lập được mối quan hệ chân tình và tin cậy với Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao Trung Quốc, Hội Nhà báo Trung Quốc, Nhân Dân nhật báo Trung Quốc và một số cơ quan thông tấn, báo chí của Trung Quốc và nước ngoài tại Bắc Kinh. Nhờ mối quan hệ tốt đẹp đó, trong những đợt khảo sát tình hình kinh tế, xã hội tại địa phương mà các cơ quan chức năng của Trung Quốc tổ chức, chúng tôi đều được ưu tiên bố trí đi cùng.

Các phóng viên Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh chụp ảnh kỷ niệm tại sảnh tây Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Các phóng viên Việt Nam thường trú tại Bắc Kinh chụp ảnh kỷ niệm tại sảnh tây Đại lễ đường nhân dân ở thủ đô Bắc Kinh.

Vốn là một phóng viên chuyên viết về lĩnh vực kinh tế, thông qua những chuyến đi đó tôi cũng đã viết được một số bài về đất nước Trung Quốc: đề tài phát triển doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp dân doanh; những đổi thay trong xây dựng và phát triển các khu đô thị tại các thành phố và một số vùng nông thôn của Trung Quốc; phản ánh chân thực, khách quan những thành tựu của công cuộc Đại khai phá miền tây mà Chính phủ Trung Quốc triển khai những năm đầu thế kỷ 21... Có những bài được Tổng Biên tập Hồng Vinh ghi nhận và đánh giá cao.

Khi chúng tôi sang Trung Quốc, tình hình phát triển công nghệ thông tin của chúng ta còn hạn chế, chúng tôi không được đào tạo để sử dụng máy vi tính. Thời kỳ đầu gửi báo cáo hay bài tin về đều viết tay và gửi bằng máy FAX. Sau khi có trụ sở, chúng tôi mua máy vi tính và nhờ cán bộ Đại sứ quán hướng dẫn rồi mày mò, tự học. Cũng chỉ một thời gian ngắn, chúng tôi đã có thể viết tin bài và gửi về theo hòm thư điện tử của cơ quan.

Ngoài công việc chuyên môn, tôi còn được đồng chí Hồng Vinh giao một số việc cụ thể. Năm 1998, trước tình hình khủng hoảng tài chính tiền tệ khu vực, việc Trung Quốc có phá giá đồng tiền Nhân dân tệ hay không, được cả thế giới quan tâm. Đồng chí Hồng Vinh yêu cầu tôi nắm tình hình và chỉ cho phép trả lời có hay  không. Nhờ theo dõi sát tình hình và thông qua các mối quan hệ bạn bè, đồng nghiệp tôi đã có một báo cáo và nhận định là Trung Quốc sẽ không phá giá đồng Nhân Dân tệ.

7.Năm 1999 và 2000, Trung Quốc thực hiện việc quy hoạch và sắp xếp lại các cơ quan báo chí Trung ương và địa phương, nhận chỉ thị của Tổng Biên tập, tôi đã thu thập và làm một báo cáo đầy đủ, chi tiết về vấn đề này. Những công việc đó được đồng chí Hồng Vinh đánh giá cao.

Thời gian đó, các cơ quan báo chí Việt Nam tại Trung Quốc được Đại sứ Bùi Hồng Phúc giao nhiệm vụ theo dõi, tổng hợp mọi thông tin liên quan đến quan hệ của Trung Quốc đối với các nước lớn; phản ứng của Trung Quốc đối với những vấn đề và những điểm nóng trên thế giới, nhất là mối quan hệ của Trung Quốc với Việt Nam để báo cáo tại các buổi giao ban hằng tuần của Đại sứ quán. Nhờ phân công theo dõi các báo in lớn của Trung Quốc hằng ngày và tham dự họp báo quốc tế tuần hai lần do Vụ Báo chí Bộ Ngoại giao tổ chức cho nên tôi đã có những thông tin được Đại sứ ghi nhận, đánh giá cao.

Cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh còn có một nhiệm vụ to lớn là làm cầu nối cho việc hợp tác và phát triển sâu rộng giữa Báo Nhân Dân và Nhân Dân nhật báo Trung Quốc.

Đoàn đại biểu Báo Nhân Dân do Phó Tổng Biên tập Thu Thành dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, phóng viên Nhân dân nhật báo Trung Quốc.

Đoàn đại biểu Báo Nhân Dân do Phó Tổng Biên tập Thu Thành dẫn đầu sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, chụp ảnh lưu niệm với các cán bộ, phóng viên Nhân dân nhật báo Trung Quốc.

Trước khi chúng tôi có mặt ở Bắc Kinh, việc giao lưu và thực hiện trao đổi các đoàn công tác của hai báo qua lại mỗi lần đều phụ thuộc vào các Đại sứ quán của mỗi nước. Từ khi đại diện tại Bắc Kinh của Báo Nhân Dân đi vào hoạt động ổn định, mọi đầu mối thông tin, liên lạc giữa lãnh đạo hai báo cũng như việc trao đổi đoàn công tác của hai bên đều do cơ quan đại diện Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh đảm nhiệm.

Chúng tôi cũng đã góp phần quan trọng giúp Ban Biên tập chuẩn bị đón tiếp các đoàn công tác của Nhân Dân nhật báo Trung Quốc một cách chủ động, đáp ứng yêu cầu của báo bạn. Chúng tôi cũng đã phối hợp tốt với Nhân Dân nhật báo đón tiếp và hỗ trợ các đoàn công tác của Báo Nhân Dân sang thăm và làm việc tại Trung Quốc, để lại ấn tượng tốt đẹp của mọi người trong mỗi chuyến đi.

8.Thời gian tôi ở Bắc Kinh là thời kỳ quan hệ hai nước có bước phát triển tốt đẹp, nhiều đoàn công tác của cơ quan Đảng, Chính phủ, Quốc hội, các bộ, ngành Trung ương và địa phương của Việt Nam sang Trung Quốc để nghiên cứu, trao đổi, học tập, mở rộng làm ăn… Có những thời gian Đại sứ quán chịu trách nhiệm đón tiếp nhiều đoàn cùng một lúc, không đủ phương tiện và cán bộ, Đại sứ Bùi Hồng Phúc đã yêu cầu các cơ quan báo chí Việt Nam ở Bắc Kinh hỗ trợ. Đặc biệt, trong năm 1998, Đoàn Đại biểu Chính phủ Việt Nam do Thủ tướng Phan Văn Khải dẫn đầu và cuối năm 1999, Đoàn đại biểu Đảng ta do Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu dẫn đầu sang thăm chính thức Trung Quốc.

Ngoài việc tham gia đón đoàn, chúng tôi còn làm tốt việc hỗ trợ các phóng viên Việt Nam đi theo đoàn trong việc di chuyển, đưa tin bài, ảnh về trong nước được thuận lợi, kịp thời và chuẩn xác.

Nhiều đoàn trong nước sang Trung Quốc lúc bấy giờ cũng muốn thông qua anh em báo chí Việt Nam tại Bắc Kinh để nắm bắt và hiểu thêm về tình hình của Trung Quốc phục vụ cho mục đích của chuyến đi, cho nên chúng tôi cũng có dịp tiếp xúc và làm quen với nhiều đồng chí lãnh đạp cấp cao của Đảng, Chính phủ và các ban, bộ, ngành. Nhờ đúc rút kinh nghiệm trong những hoạt động sôi nổi và các mối quan hệ cá nhân đó, bản thân tôi cũng thấy mình trưởng thành, vững vàng hơn.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà khách 15 Điếu Ngư Đài trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư năm 1999.

Tác giả chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tại Nhà khách 15 Điếu Ngư Đài trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc của Tổng Bí thư năm 1999.

Khi kết thúc nhiệm kỳ tại Bắc Kinh, tôi trở lại công tác tại Ban Kinh tế - Công nghiệp. Từ năm 2002 đến năm 2010, tôi được Ban Biên tập giao nhiệm vụ trực tiếp truyên truyền về hoạt động của Chính phủ và làm phóng viên chuyên trách, tháp tùng Thủ tướng Phan Văn Khải và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trong các chuyến công tác nước ngoài.

Nhờ những kinh nghiệm đúc rút trong thời kỳ công tác tại cơ quan thường trú Báo Nhân Dân tại Bắc Kinh, tôi đã hoàn thành nhiệm vụ, được lãnh đạo Chính phủ, Văn phòng Chính phủ tin tưởng, đồng nghiệp của các cơ quan Báo Quân đội nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam cùng đi yêu mến và tôn trọng.


Trình bày: HOÀNG HÀ
Ảnh: Nhà báo XUÂN THÙY, HỮU HƯNG cung cấp