Ký ức Buôn Ma Thuột
Bài 1: Con đường bí mật

Đầu mùa khô 1975, Tây Nguyên bị nắng hạn. Giữa rừng già, lá cây rụng kín đất, khe suối cũng bắt đầu khô cong. Trong cái nắng gắt đến bỏng người, trên đất Buôn Ma Thuột, đoàn quân giải phóng vẫn âm thầm, gấp rút mở những con đường, khởi đầu chiến dịch thu hai miền nam-bắc về một mối.
35 năm sau chiến tranh, Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 (từ năm 1984) vẫn cóp nhặt lại những mảnh vụn của ký ức: Không như nhiều đơn vị khác, Trung đoàn 575 công binh thuộc Sư đoàn 470 được thành lập ngay giữa chiến trường Tây Nguyên và đi vào lịch sử quân sự Việt Nam bằng con đường bí mật, góp phần quyết định thành công của chiến dịch.
Khát khao thống nhất
Không còn những cánh rừng bao vây, áp sát như cách đây 35 năm. Thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay đã có một diện mạo mới. Và có lẽ, nếu không có hình tượng chiếc xe tăng quân giải phóng dừng bánh xích giữa Ngã Sáu với nòng súng hướng thẳng lên trời, thì khó mà tin đây là nơi đặt đấu mốc khởi đầu cho sự sụp đổ của chính quyền Sài Gòn.
Ông Bá đã kinh qua nhiều chức vụ. Từng là Trung đoàn trưởng Trung đoàn 4 năm 1975, và đến năm 1984 là Sư đoàn trưởng Sư 470- Sư đoàn hai lần được phong tặng danh hiệu Anh hùng.
Lúc còn làm Trung đoàn trưởng, năm 1975 ông chỉ huy chiến sĩ công binh mở đường ngầm cho xe tăng, trọng pháo vượt “hào” Sêrêpok để lăn bánh xích tiến về giải phóng thị xã. Cùng với “tường thành” là những cánh rừng ở phía tây, sông Sêrêpok từng được Vùng 2 chiến thuật ngụy xem là “chiến hào” ngăn cản xe tăng bộ đội giải phóng từ phía tây thị xã.
“Tôi nghĩ rằng các ông chỉ có thể tiến công Buôn Ma Thuột từ hướng Bắc và hướng Nam, còn hướng Tây thì không thể, vì trên hướng này có con sông Sêrêpok. Các ông không thể đưa xe tăng qua sông được”.
(Trích lời khai của Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh Sư đoàn 23 ngụy. Hồ sơ lưu trữ ở Quân đoàn 3)
Làm đường giao liên ở chiến khu Trung Trung Bộ trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Phấn/TTXVN)
Làm đường giao liên ở chiến khu Trung Trung Bộ trong Chiến dịch Tây Nguyên. (Ảnh: Hồng Phấn/TTXVN)
Mới đó đã 35 năm. Những ngày sống trong những chiếc hầm nửa chìm nửa nổi, uống nước trong những chiếc hố có ngụy trang vẫn là một kỷ niệm vừa bi tráng, vừa tự hào với những người lính trận như ông Bá: “Chúng tôi không biết mở đường để làm gì, bởi ngoài tiến công, con đường có thể sử dụng để vận tải quân lương xuống thị xã”. Chiến dịch Tây Nguyên và mục tiêu tấn công vào thị xã Buôn Ma Thuột được giữ kín, ngay đến cấp chỉ huy Trung đoàn vẫn không được biết.
Bom đạn rải xuống Tây Nguyên vào đầu mùa khô 1975 không còn rát như những năm 1970, 1971, 1972. Điều này giúp công binh của các trung đoàn thuộc Sư đoàn 470 nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ trên tuyến đường Trường Sơn. Tuy nhiên, việc mở con đường vượt qua “chiến hào” và “bức tường” từ phía tây thị xã Buôn Ma Thuột được giao cho Trung đoàn 4, và Trung đoàn 575 công binh là một thử thách.
“Chiến sĩ công binh được trang cấp một chiếc bi đông và một khăn mặt. Mỗi lần máy bay địch xuất hiện, anh em phải đổ nước vào khăn, úp vào mặt rồi nằm xuống đất. Chất độc hoá học tuy không vào mũi nhưng vẫn thấm vào da, vào tóc. Chúng tôi biết có độc nhưng vẫn hăng hái mở đường. Mọi người đều khát khao nước nhà thống nhất. Khát vọng đó được khắc trong tim, trong máu và trên những cán cuốc, cán xẻng phục vụ chiến dịch”, ông Bá kể.
“Chiến sĩ công binh được trang cấp một chiếc bi đông và một khăn mặt. Mỗi lần máy bay địch xuất hiện, anh em phải đổ nước vào khăn, úp vào mặt rồi nằm xuống đất. Chất độc hoá học tuy không vào mũi nhưng vẫn thấm vào da, vào tóc. Chúng tôi biết có độc nhưng vẫn hăng hái mở đường. Mọi người đều khát khao nước nhà thống nhất”.
- Đại tá Lê Xuân Bá, nguyên Sư đoàn trưởng Sư đoàn 470 -

Con đường hình thành từ... lưỡi cưa
Tấm ảnh tư liệu về những chiếc xe tăng quân giải phóng tiến vào trụ sở Bộ Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật quân đội Sài Gòn hiện đang được treo trang trọng trên vách Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk. Nó nằm ở đây đã 35 năm, như minh chứng hùng hồn về sự chỉ đạo sáng tạo của Đảng và nghệ thuật quân sự của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Ông Bá nói rằng, “không như những đơn vị mở đường khác, công binh của Trung đoàn 575 lúc nhận nhiệm vụ chỉ được trang cấp cho những lưỡi cưa để cưa tay, trong khi trên thế giới lâu nay người ta thường làm đường bằng xe ủi và cuốc xẻng”.
Từ tháng 2/1975, trong những khu rừng nối từ đường Trường Sơn qua một số xã của huyện Cư M’Nga về thị xã Buôn Ma Thuột, trung đoàn 575 công binh đã bắt tay mở đường. Những lưỡi cưa được cắm vào thân cây to từ một đến hai người ôm rồi hai người miệt mài cưa sát gốc, đến khi thân cây gần đổ thì dừng.
“Hồi đó anh em vừa cưa vừa sợ, vì yêu cầu chiến dịch là chỉ cưa đứt ¾ cây, không được để cây ngã. Cả trung đoàn mở ba nhánh đường 50, 50B, 50D có tổng chiều dài 60km chỉ với những chiếc cưa tay trong điều kiện phải im lặng, bí mật tuyệt đối. Cũng may trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, rừng Tây Nguyên không có gió mạnh nên cây không gãy, đường không bị lộ”.
- Thiếu úy Trần Việt Thắng -
Các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột (năm 1975). (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Các đơn vị xe tăng và bộ binh cơ giới tiến vào giải phóng Buôn Ma Thuột (năm 1975). (Ảnh: Anh Tôn/TTXVN)
Thiếu úy Trần Việt Thắng cho hay: “Hồi đó anh em vừa cưa vừa sợ, vì yêu cầu chiến dịch là chỉ cưa đứt ¾ cây, không được để cây ngã. Cả trung đoàn mở ba nhánh đường 50, 50B, 50D có tổng chiều dài 60km chỉ với những chiếc cưa tay trong điều kiện phải im lặng, bí mật tuyệt đối. Cũng may trong thời gian chuẩn bị chiến dịch, rừng Tây Nguyên không có gió mạnh nên cây không gãy, đường không bị lộ”.
Con đường ngày xưa không còn, bởi khu vực này đã được phát hoang làm kinh tế. Ở khu vực gần 20km cuối cùng của con đường, đoạn tiếp giáp với mục tiêu tiến về thị xã, ngày nay những đứa trẻ người dân tộc Ê đê vẫn thường nhặt được nhiều vỏ đạn AR 15 trang bị cho quân đội Sài Gòn.
Trước ngày quân giải phóng nổ súng tấn công Buôn Ma Thuột, Trung đoàn 53 quân đội Sài Gòn đã có những ngày đóng quân càn quét ở đây. Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên phải tổ chức đánh nghi binh, uy hiếp Buôn Ma Thuột để dụ Trung đoàn 53 quay về trấn giữ thị xã, “trả” khu vực Me’wal lại để Trung đoàn 575 công binh quân giải phóng tiếp tục hoàn tất 20km cuối cùng của con đường bí mật.
Con đường dẫn xe tăng tiến công thị xã Buôn Ma Thuột được hoàn tất lúc 21 giờ ngày mồng 9/3/1975, tức chỉ trước giờ phát lệnh tấn công thị xã Buôn Ma Thuột chưa đầy 5 giờ đồng hồ.

“Xe tăng của Việt cộng đã vào Buôn Ma Thuột”
2 giờ 3 phút ngày 10/3/1975, Bộ Tư lệnh chiến dịch Tây Nguyên phát lệnh nổ súng tiến công vào thị xã Buôn Ma Thuột. Cả khu rừng bao quanh thị xã rùng rùng chuyển động. Từng tốp xe tăng hùng dũng húc đổ những thân cây đã cưa sẵn, con đường lộ ra. Trung đoàn 575 công binh thả lưỡi cưa, cầm súng theo xe tăng theo con đường vừa phát lộ thẳng tiến về thành phố.
Sau pháo lệnh, tiếng pháo, tiếng bộc phá như xé tan vùng trời đã đánh lừa thính giác của Vũ Thế Quang, Phó Tư lệnh sư đoàn 23 ngụy. Quang không nghe thấy tiếng xe tăng nghiến bánh xích trong trung tâm thị xã nên phán đoán sai lầm: “Việt cộng chỉ dùng pháo, đặc công đánh như mọi lần. Theo quy luật, đến sáng họ sẽ rút! Có lẽ lần này họ đánh nghi binh để kìm chân các lực lượng ở Buôn Ma Thuột, tạo cơ hội đánh chiếm Gia Nghĩa”(1).
Xe tăng quân giải phóng tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến đánh thị xã Buôn Ma Thuột, ngày 10/3/1975. (Ảnh: TTXVN)
Thấy xe tăng giải phóng xuất hiện ở Ngã Sáu, Đại tá thiết giáp Nguyễn Trọng Luật, quân đội Sài Gòn thừa nhận: “Chúng tôi hoang mang thật sự, vì tận tai nghe tiếng nổ và tận mắt thấy hình dạng xe tăng của các ông”(2).
Vũ Thế Quang nhận tin, lập tức báo cho Tướng Phạm Văn Phú, Tư lệnh Vùng 2 chiến thuật. Phú lập tức điện báo về Tổng hành dinh quân ngụy ở Sài Gòn: “Xe tăng của Việt cộng đã vào Buôn Ma Thuột! Xe tăng của Việt cộng đã vào Buôn Ma Thuột”(3).
“Nguyễn Văn Thiệu tức giận trước cuộc tấn công bất ngờ vào Buôn Ma Thuột. Thiệu chỉ trích tất cả các sĩ quan tình báo các cấp của mình, kể cả Đại tá Lê Văn Lương, phụ trách tình báo của Bộ Tổng tham mưu”(4). Thiệu ra lệnh rút quân từ Kom Tum, Pleiku về ứng cứu Buôn Ma Thuột nhưng thất bại, dẫn đến sự sụp đổ hoàn toàn về tình thần, cũng như lực lượng phòng thủ, sớm dẫn đến thất bại toàn cục.
Đến ngày 18/3, Sư đoàn 23 ngụy, Sư đoàn mệnh danh “Nam bình, Bắc phạt, Cao Nguyên trấn”- của Vùng 2 chiến thuật ngụy quyền Sài Gòn hoàn toàn bị tiêu diệt. Thị xã Buôn Ma Thuột đuợc giải phóng. Chính quyền Sài Gòn cấm không được để lộ tin này. Nhà báo người Pháp, Paul Léandrri vừa đưa tin mất Buôn Ma Thuột đã bị bắn chết ngay tại trụ sở cảnh sát.
Nội dung: DƯƠNG QUANG TIẾN (Bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 09/03/2010)
Trình bày: XUÂN BÁCH - BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN