Ký ức Buôn Ma Thuột
Bài 2: Trạm xá cách mạng

Ngày 18/3/1975, Ủy ban Quân quản được thành lập, ra mắt nhân dân tại đình Lạc Giao, thị xã Buôn Ma Thuột. 9 giờ sáng ngày 19/3/1975, bốn chiếc máy bay của quân đội Việt Nam cộng hoà bất ngờ ném bom vào khu vực này và vùng lân cận. Sau trận bom, khu vực đình Lạc Giao, chợ Buôn Ma Thuột bị đổ nát hoàn toàn.
“Hơn 300 dân thường chết, bị thương”
Bác sĩ Huỳnh Thị Xuân là một trong 22 thành viên của Ủy ban Quân quản. Sáng 19/3/1975, bà đi mua kẹo bánh để thăm trẻ mồ côi ở Cô nhi viện Vĩnh Sơn. Vừa đến Cô nhi viện, bà Xuân đã nghe thấy tiếng bom.
Bà kể: “Bảo mẫu, các em ở đây rất hoảng sợ. Chúng tôi cùng với họ đưa các em bé ra khỏi những khu nhà để đề phòng máy bay ném bom của quân đội Sài Gòn đánh trúng”.
Dứt trận bom, bà Xuân trở về đình Lạc Giao và chứng kiến cảnh “người chết, bị thương nằm đầy đường. Dưới những bức tường đổ sụp, người dân kêu gào thảm thiết. Trận ném bom đã làm hơn 300 thường dân chết và bị thương”.
“Lúc này Ủy ban Quân quản vừa thành lập, chỉ có hai bác sĩ và một số y tá. Vài người trong số này trước đó đã về tiếp quản các cơ sở y tế tuyến huyện để chăm sóc sức khoẻ cho người dân nên lực lượng y bác sĩ tại thị xã Buôn Ma Thuột bị thiếu trầm trọng”.
“Chúng tôi phải kêu gọi người dân giúp lực lượng y tế cách mạng sơ cứu người bị thương. Họ (người bị thương) được băng bó cấp tốc rồi “bốc” lên xích lô, xe lam, xe máy... chuyển đến Trạm y tế tại 18 Hoàng Diệu để cấp cứu. Người dân phục vụ cứu thương nhiệt tình, nhiều người chạy xe miễn phí, dù xăng dầu lúc này đã trở nên khan hiếm và đắt đỏ”.
“Ngoài số người bị thương, thì số phụ nữ sinh con trong thời gian đầu ở thị xã Buôn Ma Thuột cũng nhiều lắm. Ngày nào cũng vậy, ca này xong thì lập tức có ngay ca khác. Đội ngũ y bác sĩ đã mỏng, lại phài dàn ra để đỡ đẻ nên càng mỏng hơn”, bà Xuân nói.
“Chúng tôi phải kêu gọi người dân giúp lực lượng y tế cách mạng sơ cứu người bị thương. Họ (người bị thương) được băng bó cấp tốc rồi “bốc” lên xích lô, xe lam, xe máy... chuyển đến Trạm y tế tại 18 Hoàng Diệu để cấp cứu. Người dân phục vụ cứu thương nhiệt tình, nhiều người chạy xe miễn phí, dù xăng dầu lúc này đã trở nên khan hiếm và đắt đỏ”.
(Bác sĩ Huỳnh Thị Xuân - một trong 22 thành viên của Ủy ban Quân quản)
Xe tăng quân giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)
Xe tăng quân giải phóng tiến vào thị xã Buôn Ma Thuột. (Ảnh: TTXVN)
Vận động
Trước tình hình thiếu y bác sĩ, Ủy ban Quân quản chủ trương kêu gọi lực lượng y tế từng hoạt động cho chính quyền Sài Gòn ở Buôn Ma Thuột “trở lại các bệnh viện quản lý cơ sở vật chất, y cụ, thuốc men... Và trước hết là cùng với lực lượng y bác sĩ của cách mạng kịp thời cứu chữa cho nhân dân”, ông Lê Chí Quyết, lúc đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản, kiêm Bí thư Đảng ủy Quân quản kêu gọi.
Bác sĩ Đặng Công Long - một trong hai bác sĩ của Ủy ban Quân quản kể: “Lúc đầu mình không tìm thấy họ. Chiến sự ác liệt đã làm họ sợ, sơ tán lung tung. Có nhiều người chạy trốn vào rừng. Một ngày sau, tôi nhờ cô y tá tại bệnh viện dân y đưa đi tìm gặp hai ông Nguyễn Lạng - Trung tá, lãnh đạo bệnh viện Quân y tại Buôn Ma Thuột, và Nguyễn Kim Sơn - lãnh đạo Bệnh viện dân y để thuyết phục họ quay về bệnh viện. Tôi nói, các anh cứ làm việc với tinh thần: anh nào chuyên khoa gì thì về khoa đó”.
Còn ông Lê Chí Quyết thì nói với lực lượng quân y của quân đội Sài Gòn đóng tại Buôn Ma Thuột rằng: “Các anh là những người làm việc cho địch... tuy nhiên Ủy ban Quân quản thay mặt Mặt trận giải phóng dân tộc không phân biệt đối xử, không trả thù mà sẵn sàng khoan hồng. Nhân dân chỉ tính sổ với các anh từ nay trở về sau”.
Sau lời động viên, lúc đầu có 28 nhân viên y tế từng phục vụ chính quyền Sài Gòn đăng ký cùng quân giải phóng cứu chữa người bị thương. Ông Nguyễn Kim Sơn, ông Nguyễn Lạng là những người đi làm đầu tiên.
“Các anh là những người làm việc cho địch... tuy nhiên Ủy ban Quân quản thay mặt Mặt trận giải phóng dân tộc không phân biệt đối xử, không trả thù mà sẵn sàng khoan hồng. Nhân dân chỉ tính sổ với các anh từ nay trở về sau”.
- Ông Lê Chí Quyết, khi đó là Phó Chủ tịch Ủy ban Quân quản, kiêm Bí thư Đảng ủy Quân quản, nói với lực lượng quân y của quân đội Sài Gòn đóng tại Buôn Ma Thuột -

Tâm lý muốn dừng chiến tranh
Ông Đặng Công Long kể tiếp: “Thời gian đầu, họ chấp nhận cộng tác với thái độ có phần e dè, miễn cưỡng. Rồi dần dần họ nhiệt tình, vui vẻ hơn. Những người trước đây chưa đăng ký, sau này cũng tự đi đến bệnh viện để làm việc. Từ 28 nhân viên lúc đầu, sau hơn một tuần đã tăng lên hơn 40 người, trong đó có 10 bác sĩ. Ngoài ra, chúng tôi còn được cấp trên bổ sung cho một trung đội hàng binh đến giúp thu dọn tử thi. Tuy nhiên, làm được 1-2 ngày thì các anh này trốn hết, có lẽ không chịu được mùi tử khí”.
“Tại các bệnh viện, trước hết lực lượng y tế chúng tôi xem nhau là đồng nghiệp. Qua công việc, chúng tôi hiểu nhau hơn và dần dần trở thành bạn. Có nhiều y tá cách mạng đã tìm hiểu, kết hôn với y tá, bác sĩ chính quyền cũ, nhiều y tá, bác sĩ bên kia cũng tìm hiểu, kết hôn với người của cách mạng. Tôi kết hôn năm 1976, vợ tôi cũng là y tá dưới chính quyền cũ”.
“Những ngày đầu sau giải phóng Buôn Ma Thuột, trong trạm xá không chỉ có người dân. Chúng tôi nhận chăm sóc, chữa trị cho cả bộ đội và binh lính ngụy quyền Sài Gòn ”, ông Long kể.
“Tại các bệnh viện, trước hết lực lượng y tế chúng tôi xem nhau là đồng nghiệp. Qua công việc, chúng tôi hiểu nhau hơn và dần dần trở thành bạn. Có nhiều y tá cách mạng đã tìm hiểu, kết hôn với y tá, bác sĩ chính quyền cũ, nhiều y tá, bác sĩ bên kia cũng tìm hiểu, kết hôn với người của cách mạng. Tôi kết hôn năm 1976, vợ tôi cũng là y tá dưới chính quyền cũ”.
- Bác sĩ Đặng Công Long - một trong hai bác sĩ của Ủy ban Quân quản -
Sự cởi mở nhanh chóng, dễ xích lại gần nhau giữa các nhân viên y tế đến những người cầm súng phục vụ chính quyền cũ và bộ đội giải phóng được ông Long giải thích “có thể xuất phát từ tâm lý khao khát muốn dừng chiến tranh. Vì như tôi cũng không muốn ngày nào cũng mang vác trèo đèo lội suối ở trong rừng. Nhiều lúc nằm võng giữa rừng, tôi chỉ muốn hoà bình để được thẳng lưng ngủ một giấc. Hoặc, ví dụ như ông phó tỉnh trưởng ở đây có người em là Trung tá bộ đội công binh. Chiến tranh làm họ xa nhau. Hết chiến tranh, họ được gặp nhau, gia đình đoàn tụ”.
Những khoảnh khắc hòa bình ngay sau ngày giải phóng, rõ ràng là một dấu mốc cho sự hoà hợp, hòa giải dân tộc dẫu còn bao bỡ ngỡ, nghi kỵ. Song trên tất cả là sự sống của đồng loại, là những số phận con người cần được tấm lòng lương y cứu giúp không toan tính, thành kiến.
Trong những biến động rung chuyển Tây Nguyên những ngày tháng 3/1975, khi máu vẫn đổ vì những toan tính cuối cùng chống lại dân tộc, nhân dân thì ở một phía khác, gác lại quá khứ hận thù, những người thầy thuốc ở hai chiến tuyến đã đem lại sự sống cho bao người.
Đó là sự bắt đầu một ngày mới, một hy vọng mới sau bao hy sinh, mất mát.
Nội dung: DƯƠNG QUANG TIẾN (Bài đăng trên Báo Nhân Dân ngày 10/03/2010)
Trình bày: XUÂN BÁCH - BÔNG MAI
Ảnh: TTXVN