
Ngày 26/3/1975, lá cờ cách mạng tung bay phấp phới trên đỉnh Kỳ Đài-Phu Văn Lâu, đánh dấu thời khắc lịch sử: thành phố Huế hoàn toàn được giải phóng. Khí thế tiến công rực lửa của quân đội ta khiến quân địch hoảng loạn tháo chạy, dẫm đạp lên nhau tìm đường thoát thân. Những hình ảnh ấy, suốt nửa thế kỷ qua, vẫn in đậm trong tâm khảm người dân Cố đô, nhất là những người đã từng sống và chiến đấu trong thời khắc thiêng liêng ấy, trở thành một bản hùng ca vang dội, sống mãi với thời gian.
Những ngày tháng không thể nào quên
Tháng Ba, tháng Tư ở Huế trời bắt đầu ấm dần. Không chỉ là cái nắng hanh hao của đầu hạ mà còn là hơi ấm của ký ức trở về. Hàng đoàn xe ngược dòng thời gian đưa những người lính già trở lại chiến trường xưa. Nơi đây, 50 năm trước, họ từng là những chàng trai đôi mươi, từ giã ghế giảng đường, mái nhà thân yêu để bước vào trận tuyến, mang theo lòng yêu nước và khát vọng thống nhất non sông.
Giờ đây, tóc đã bạc, bước chân không còn nhanh như xưa, nhưng trong họ, ngọn lửa của những năm tháng chiến đấu vẫn cháy bừng bừng. Với nhiều người, trở lại Huế lúc này không chỉ là một chuyến đi, mà là hành trình tìm lại chính mình của một thời tuổi trẻ sống, chiến đấu và hiến dâng trọn vẹn.
Những cựu chiến binh Trung đoàn 271 ôn lại kỷ niệm lịch sử trong buổi họp mặt ý nghĩa.
Những cựu chiến binh Trung đoàn 271 ôn lại kỷ niệm lịch sử trong buổi họp mặt ý nghĩa.
Trong buổi hội ngộ của các cựu chiến binh Trung đoàn 271, chúng tôi được lắng nghe những câu chuyện từ chính những người lính đã góp phần làm nên chiến thắng mùa Xuân năm ấy. Giọng kể của họ vẫn sang sảng, ánh mắt vẫn sáng rực như ánh lên từ lửa chiến trận.
Cựu chiến binh Trung đoàn 271 chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố Huế tháng 3 năm 1975.
Cựu chiến binh Trung đoàn 271 chụp ảnh lưu niệm nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng thành phố Huế tháng 3 năm 1975.
Ông Đặng Xuân Hồng chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng đội gắn bó một thời tuổi trẻ.
Ông Đặng Xuân Hồng chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng đội gắn bó một thời tuổi trẻ.
Ký ức một thời oanh liệt được tái hiện qua những gương mặt quen thuộc của các cựu chiến binh Trung đoàn 271.
Ký ức một thời oanh liệt được tái hiện qua những gương mặt quen thuộc của các cựu chiến binh Trung đoàn 271.
Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng, quê ở Nghi Xuân, Hà Tĩnh, từng là trung đội phó của đại đội chủ công trong chiến dịch Huế, nhớ rõ từng địa danh, từng điểm chốt. “Có lúc ba người chúng tôi giữ cả một quả đồi - nơi địch liên tục pháo kích để giành lại. Chúng tôi chỉ biết nằm xuống hố pháo, lấy bao đạn che lỗ, giữ chốt đến cùng”.
Có những đêm hành quân dưới lòng suối, phía trên vẫn còn chốt địch canh gác. Sương mù dày đặc, người lính lần bước từng mét, trong tay chỉ có đèn tín hiệu yếu ớt. “Lạnh, đói, lo sợ, nhưng không ai lùi bước. Chúng tôi hành quân mà không nghĩ đến cái chết. Trước trận đánh có thể sợ, nhưng khi tiếng súng vang lên, là quên sạch mọi điều”.
Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng (quân phục xanh) hào sảng kể về những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975.
Cựu chiến binh Phan Xuân Hùng (quân phục xanh) hào sảng kể về những ngày tháng 3 lịch sử năm 1975.
Ông Hùng kể, đơn vị từng vượt qua khu vực Mỏ Tàu, đồi 303, đồi Bông, núi Nghệ, những điểm cao chiến lược mà địch dày công củng cố. Trận đánh giành lại từng quả đồi là cả một quá trình gian khổ, phải chốt giữ nhiều ngày liền dưới mưa pháo.
Ký ức về trận đánh vào Đài phát thanh An Cựu vẫn như mới hôm qua trong tâm trí ông. “Khoảng 4 giờ sáng ngày 25/3, đơn vị tôi xuất phát. Đúng 6 giờ, chúng tôi chiếm được Đài phát thanh mà không tốn một viên đạn, bởi địch đã hoảng loạn tháo chạy,” ông nhớ lại, giọng không giấu được niềm tự hào.
Sau đó, Trung đoàn 271 tiếp tục truy kích, đánh vào sân bay Phú Bài, ấp 5, nơi đặt Sở chỉ huy Quân đoàn I, Quân khu I của địch. “Trên đường truy kích, có lúc thấy cả xe tăng, xe thiết giáp, xe vận tải bỏ lại dọc đường dày đặc. Có nhiều sĩ quan, lính ngụy quỳ xuống xin tha. Bộ đội không bắn, chỉ dẫn cho họ lối về với gia đình, đúng với tinh thần đánh kẻ chạy đi, không đánh người chạy lại”.
Hạnh phúc của những người lính năm xưa là hôm nay được ngồi cạnh bên nhau, cùng chụp ảnh lưu niệm, kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm hào hùng.
Hạnh phúc của những người lính năm xưa là hôm nay được ngồi cạnh bên nhau, cùng chụp ảnh lưu niệm, kể lại cho nhau nghe những kỷ niệm hào hùng.
Có kỷ niệm, ông kể, khi tiến về Thuận An, đơn vị thu gom hơn 300 tù binh, trong đó có cả sĩ quan ngụy. Một số binh lính đã vứt bỏ quân phục, tháo chạy ra biển nhưng bị chặn lại. Dân chúng vùng ven còn mang cơm, bánh khoai chia cho bộ đội, giúp họ kịp thời tiếp sức trong những ngày căng thẳng.
Chàng trai 18 tuổi Đặng Xuân Hồng, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, lên đường nhập ngũ năm 1970 theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc. Là lính đặc công, sau được điều về Trung đoàn 271, ông từng giữ chốt suốt 81 ngày đêm trong trận Thành cổ Quảng Trị. Trên ngực ông hôm nay là những tấm huân chương lấp lánh, nhưng đằng sau mỗi tấm huy chương là những tháng ngày đẫm mồ hôi, nước mắt và máu.
Ông Đặng Xuân Hồng, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nhớ rõ ý nghĩa từng tấm huân huy chương trên ngực ghi nhận những chiến công của một thời trai trẻ của ông.
Ông Đặng Xuân Hồng, quê Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh nhớ rõ ý nghĩa từng tấm huân huy chương trên ngực ghi nhận những chiến công của một thời trai trẻ của ông.
Chỉ tay vào ngực, ông Hồng xúc động: “Tuổi trẻ chúng tôi như ngọn lửa, sẵn sàng cháy hết mình vì Tổ quốc. Những gì đã qua không dễ kể hết trong một buổi gặp mặt, nhưng tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc sau giải phóng, nhiều thân nhân và tù binh quỳ xuống, cảm ơn bộ đội vì đã tha cho họ trở về với gia đình”.
Ông kể thêm: “Có những lúc, chúng tôi vừa hành quân vừa cõng thương binh, người bị thương ruột lòi ra vẫn được đưa ra ngoài an toàn. Có đêm tôi phải cùng dân xã chôn 48 liệt sĩ, có người chân gãy tôi đi tìm đúng khớp chân để đặt vào, không phải vì thủ tục, mà vì lòng tôn trọng với đồng đội”.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, kể lại những kỷ niệm về đồng đội của mình đã hy sinh trong chiến tranh.
Ông Nguyễn Hữu Thọ, kể lại những kỷ niệm về đồng đội của mình đã hy sinh trong chiến tranh.
Một người lính thông tin khác, ông Nguyễn Hữu Thọ, kể lại: “Có đêm chúng tôi mất đến 12 người vì trúng pháo B52. Tiểu đội tôi 6 người thì hy sinh đến 4, những phần còn lại chỉ tìm thấy cánh tay, mảnh áo. Chúng tôi gom lại, chôn cất như thể họ là ruột thịt”.
Ông Nguyễn Huy Ngọc, nguyên Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, giờ đã 79 tuổi. Trong ký ức của ông, những ngày tháng 3 năm 1975 là chuỗi ngày đầy gian khổ nhưng rực lửa khí thế. Trong đội biệt động thành phụ trách cánh Bắc thành phố Huế, ông trực tiếp chỉ huy đào hầm bí mật, đánh phá các phân chi khu như Hưng Hồ, Hưng Long, Hương Sơn, mở đường máu cho bộ đội tiến vào trung tâm.
Quân Giải phóng Trị Thiên tiến vào chiến trường, mở đầu chiến dịch.
Quân Giải phóng Trị Thiên tiến vào chiến trường, mở đầu chiến dịch.
“Có trận chỉ với 8 người, mang theo B40, B41, M79, AK… chúng tôi đánh sập cả một phân chi khu trong chưa đầy 10 phút. Có lần trời tối quá, không thấy địch đâu, tôi phải bắn đèn sáng lên, thứ mà thường chỉ quân địch mới bắn. Cả đội tập trung bắn pháo, phá sập luôn cả hỏa lực 105 ly. Đó là một trận đánh mở lối cho đại quân tràn vào thành phố Huế”.
Tuổi trẻ chúng tôi như ngọn lửa, sẵn sàng cháy hết mình vì Tổ quốc. Những gì đã qua không dễ kể hết trong một buổi gặp mặt, nhưng tôi vẫn nhớ như in khoảnh khắc sau giải phóng, nhiều thân nhân và tù binh quỳ xuống, cảm ơn bộ đội vì đã tha cho họ trở về với gia đình
Một bản hùng ca của máu-nước mắt-lòng nhân ái
Chiến thắng Huế không chỉ là một dấu mốc quân sự quan trọng, mà còn là bước ngoặt lớn của lòng dân. Nó đánh sập tấm lá chắn phía bắc của địch, tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Năm mươi năm đã qua, nhưng mỗi lần tháng Ba trở về, Huế như sống lại những ngày không thể nào quên - nơi mà máu, nước mắt và lòng yêu nước hòa vào nhau thành bản hùng ca bất tử.
Không chỉ là những mũi tấn công thần tốc, Huế còn là nơi đọng lại nhiều hình ảnh xúc động về tình người giữa chiến tranh. Những người lính chỉ mới hai mươi tuổi nhưng đã gánh trên vai số phận non sông, dám vượt qua những cơn pháo rát, dám nhảy vào làn ranh giữa sống và chết chỉ để giữ lời hứa: “không bỏ đồng đội, không bỏ dân”.
Có chiến sĩ bị thương trong khi hành quân qua vùng rừng núi La Sơn, bị vướng mìn nổ cụt chân. Giữa đêm tối, địch nã pháo tới tấp vào chốt. Vậy mà đồng đội anh không rút lui, quyết đưa bằng được anh ra khỏi vùng nguy hiểm. Cõng anh suốt quãng đường dài, đến khi mặt trời vừa hửng sáng mới về được điểm trú quân an toàn.
Có buổi chiều, giữa không gian nặng trĩu khói đạn, những người dân Huế gồng mình dọn dẹp lại căn nhà sập một nửa, ráng nấu được nồi cơm chia cho bộ đội đang chốt giữ ngoài rìa thành phố. Một người mẹ già dúi vào tay anh lính trẻ túi bánh khoai nóng: “Ăn đi con, rồi giữ sức mà còn đánh thêm trận nữa!”. Chính tấm lòng ấy, sự chở che ấy, đã tiếp thêm sức mạnh cho những người lính vượt qua mỏi mệt, đói rét, và cả nỗi đau mất mát.
Hàng vạn cán bộ, nhân dân và lực lượng giao thông Trị Thiên mở đường mới phục vụ chiến dịch.
Hàng vạn cán bộ, nhân dân và lực lượng giao thông Trị Thiên mở đường mới phục vụ chiến dịch.
Trong hành trình về lại chiến trường xưa, những cựu binh của Trung đoàn 271 vẫn tìm đến các di tích, các nghĩa trang, những mảnh đất từng thấm máu đồng đội. Họ kể lại, có lần phải chôn 48 liệt sĩ chỉ trong một buổi chiều. Những thi thể gãy lìa, lòi ruột... tất cả đều được đặt lại ngay ngắn, tử tế. Không phải vì nghi lễ, mà vì lòng kính trọng – như người thân đưa tiễn máu mủ ruột rà.
Chiến thắng Huế không chỉ là một dấu mốc quân sự quan trọng, mà còn là bước ngoặt lớn của lòng dân. Nó đánh sập tấm lá chắn phía bắc của địch, tạo đà cho chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng. Năm mươi năm đã qua, nhưng mỗi lần tháng Ba trở về, Huế như sống lại những ngày không thể nào quên - nơi mà máu, nước mắt và lòng yêu nước hòa vào nhau thành bản hùng ca bất tử.
Theo phân tích của PGS, TS Hoàng Chí Hiếu, một người nghiên cứu chiến dịch Trị Thiên-Huế, trận đánh này có sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn cả cuộc tổng tiến công Mậu Thân 1968. Đó không chỉ là sự thần tốc từ các mũi quân chủ lực, mà còn là sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ sở nội thành với quân đội. Chính người dân địa phương dẫn đường cho bộ đội trinh sát, từ hướng nam đánh vòng qua cầu Trường Tiền, cây cầu mang biểu tượng của Huế, để vào Đại Nội.
“Không phải đi qua cầu Phú Xuân cho gần, mà chọn Trường Tiền vì đó là biểu tượng của thành phố. Ảnh bộ đội tiến qua Trường Tiền hôm ấy có giá trị gấp vạn lần lời tuyên bố đã giải phóng Huế”, ông Hiếu lý giải.
Ngay khi Huế giải phóng, không khí tại Cố đô thay đổi tức thì. Dân đổ ra đường, mang cờ, mang cơm chia cho bộ đội. Những gia đình từng e dè vì ký ức 1968, giờ đã mở rộng lòng đón bộ đội như người thân về từ khói lửa.
Không thể quên, chính trong những ngày ấy, đã có hàng trăm người con của Hương Trà, Quảng Trị, Phú Lộc… ngã xuống. Nhiều người chưa tìm lại được phần mộ. Có người chỉ còn lại một vạt áo trong trí nhớ đồng đội. Nhưng cũng chính họ đã tạo nên đà thần tốc để không chỉ giải phóng Huế, mà còn mở lối vào Đà Nẵng và tiến thẳng về Sài Gòn trong chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
“Chiến dịch giải phóng Huế là nơi hội tụ không chỉ ý chí quân dân, mà còn là sự kết tinh của lòng nhân ái giữa tàn khốc của chiến tranh. Địch chạy, ta tha. Tù binh quỳ lạy, ta dìu họ đứng dậy và chỉ đường trở về với gia đình. Trong bối cảnh mà một số người dân còn dè chừng vì dư âm Mậu Thân 1968, thì chính sự bao dung, nhân đạo của bộ đội giải phóng đã làm tan băng mọi hoài nghi. Đây cũng chính là nền tảng để bộ đội ta xây dựng lại chính quyền Huế sau ngày giải phóng đất nước”, PGS, TS Hoàng Chí Hiếu phân tích.



Có thể nói thắng lợi của Chiến dịch Trị Thiên-Huế là một trong những thắng lợi to lớn nhất của quân và dân ta ở Trị Thiên-Huế, có ý nghĩa chiến lược và ý nghĩa chính trị quan trọng, góp phần xứng đáng vào thắng lợi trên toàn chiến trường miền nam trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975.
Chỉ trong một thời gian ngắn, quân dân Trị Thiên-Huế cùng Quân đoàn 2 đã đập tan một hệ thống quân sự trọng yếu, tiêu diệt và làm tan rã hoàn toàn một bộ phận bộ máy quân sự to lớn gồm nhiều đơn vị sừng sỏ, có một phần lực lượng tổng dự bị chiến lược, cùng các loại vũ khí trang bị hiện đại của địch. Hệ thống ngụy quyền, bộ máy kìm kẹp lâu năm và tàn bạo của chúng đã xây dựng trong 20 năm bị quét sạch, hàng vạn nhân viên ngụy quyền các cấp bị tan rã…
Thắng lợi của Chiến dịch đã giải phóng hoàn toàn Trị Thiên-Huế và làm sụp đổ một bộ phận trọng yếu trong toàn bộ hệ thống phòng thủ chiến lược của địch ở phía bắc. Mở tung cánh cửa án ngữ dày đặc của binh sĩ chính quyền Sài Gòn, tạo điều kiện thuận lợi cho lực lượng ta tiến về phía nam giải phóng thành phố Đà Nẵng và các thành phố căn cứ quân sự khác của địch.
Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước thành nội Huế. Ảnh: Ngọc Đản – TTXVN
Quân Giải phóng tiến vào cửa Ngọ Môn, phía trước thành nội Huế. Ảnh: Ngọc Đản – TTXVN
Quân Giải phóng tiến vào Ngọ môn Huế.
Quân Giải phóng tiến vào Ngọ môn Huế.
E-Magazine | Nhandan.vn
Tổ chức thực hiện: TRƯỜNG SƠN, HỒNG VÂN
Nội dung: THANH TRÀ, TUYẾT LOAN, CÔNG HẬU, TRUNG HIẾU
Ảnh: Tư liệu, THANH TRÀ, TRUNG HIẾU
Biên tập và trình bày: VÂN THANH
Ngày xuất bản: 28/4/2025