Ký ức Việt Nam 1972:
Khi mặt đất bốc khói

Cứ mỗi năm, trong cuộc gặp mặt các cựu chuyên gia quân sự Liên Xô (trước đây) từng công tác ở Việt Nam, số lượng các “nhân vật lịch sử” lại vơi đi. Nhưng các cựu chiến binh Nga, và những ký ức của họ về quãng thời gian hằn sâu đó, thì luôn được trân trọng và ghi nhớ. Trong đó, có câu chuyện của ông Viktor Yurin.

Trước thềm kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không”, chúng tôi cố gắng liên hệ với ông Yurin, hy vọng có thể gặp gỡ và trò chuyện. Nhưng người thân ông cảm ơn, và thành thật xin lỗi vì không thể sắp xếp cuộc hẹn. Ở Yekaterinburg, nơi cách thủ đô Moskva khoảng 1.800 km, ông Yurin đã 84 tuổi đang trong quá trình điều trị.

Với nhiều cựu chiến binh Nga từng công tác ở Việt Nam, ông Yurin, một người có khiếu kể chuyện, không còn xa lạ. Quan trọng hơn, ông Yurin đã có mặt ở Việt Nam trong những ngày cả Hà Nội oằn mình dưới bom đạn của B52 năm 1972. Qua một số nguồn tin, chúng tôi may mắn thu thập được những câu chuyện mà ông Yurin kể về quãng thời gian công tác đáng nhớ tại Việt Nam.

Chuyến công tác đặc biệt

Ông Yurin tốt nghiệp Trường Kỹ thuật quân sự Yaroslavl năm 1960. Cuối năm 1971, ông trở lại đơn vị sau 5 tháng huấn luyện nâng cao năng lực chỉ huy phòng không. Ngày 1/1/1972, đang trong kỳ nghỉ phép, ông nhận lệnh đến sở chỉ huy hoàn thiện hồ sơ cho chuyến công tác đặc biệt.

Khoảng 5 tháng sau, một nhóm chuyên gia phòng không Liên Xô, trong đó có ông Yurin, cất cánh từ Moskva, trung chuyển qua Tashkent, Bombay, Calcutta, Rangun, Viêng Chăn trước khi hạ cánh tại Hà Nội ngày 27/5/1972. Họ ở khách sạn Kim Liên hai ngày. Ngày thứ 3, nhóm lên xe GAZ-69 di chuyển vào Quân khu 4, phía nam thành phố Vinh.

Ông Viktor Yurin. Ảnh: Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác ở Việt Nam.

Ông Viktor Yurin. Ảnh: Hội Cựu chiến binh Nga từng công tác ở Việt Nam.

Không đủ chỗ cho sáu người trên một chiếc xe, ông Yurin “bị bỏ lại” với hành lý của đoàn. Ông phải trú trong khách sạn khi báo động phòng không vang lên, vì không biết vị trí hầm trú ẩn, cũng không thấy ai trong hành lang để chạy theo.

Ngày hôm sau, ông được đưa đến gặp phó trưởng đoàn phụ trách chính trị nhóm chuyên gia Liên Xô ở Việt Nam, để nghe giải thích cặn kẽ về tình hình trong khu vực và nhận thư giới thiệu gửi đến Trung tá Viktor Filippov, trưởng nhóm chuyên gia Liên Xô ở Trung đoàn phòng không 263 của quân đội nhân dân Việt Nam.

Ông Yurin được chất vào cặp nào là vở, bút chì, các loại huy hiệu, tạp chí bằng tiếng Việt (quà học sinh Liên Xô tặng trẻ em Việt Nam). Đó là những đồ vật, mà theo ông, để thắt chặt quan hệ với người địa phương. “Trái tim tôi cảm thấy ấm áp sau sự chào đón nồng nhiệt”, ông Yurin kể lại.

Ngày 4/6/1972, ông Yurin lên xe vào nơi đóng quân của Trung đoàn 263. Dưới vĩ tuyến 19, họ phải di chuyển ban đêm, xuyên qua bụi rậm. Dưới tiếng gầm rú của máy bay, họ dừng lại. Phía trước mặt, từ hướng biển, tên lửa, đạn pháo sáng trời. Ông Yurin cố châm điếu thuốc, nhưng người phiên dịch ngăn lại: “Không được, kinh nghiệm trận mạc”.

Ô tô chạy bằng đèn gầm gắn dưới động cơ. “Như thế thì thấy gì được?”, ông Yurin thắc mắc. Để đi qua hố, phải dùng hai khúc gỗ bắc ngang, trông rất nguy hiểm. Ông Yurin xuống xe, để mình tài xế lái xe đi lên khúc gỗ. Ông cố ra chỉ dẫn nhằm giúp xe giữ thăng bằng, nhưng một giọng nói tự tin vang lên: “Không cần đâu. Kinh nghiệm chinh chiến rồi”.

May mắn là mọi việc suôn sẻ. Ngày 6/6/1972, ông Yurin có mặt tại nhóm chuyên gia trong đơn vị.

Họ gồm Trung tá Viktor Filippov, trưởng nhóm chuyên gia Liên Xô tại Trung đoàn 263. Người đàn ông cao khoảng 190 cm, lúc đó 34 tuổi. Thiếu tá Nikolai Gorokhov, khỏe mạnh, điềm tĩnh, có thể trèo vào bất cứ hệ thống phòng không nào để hiệu chỉnh. Còn Đại úy Andrey Chuprin chăm chỉ, chẳng khi nào phàn nàn về những thiếu thốn. Đại úy, chuyên gia Ivan Shcheklein, người có thể nói chuyện qua điện thoại về tất cả những gì cần làm trong phòng thiết bị, cũng là nhiếp ảnh gia, một người có đầu óc. Ngoài ra, còn nhiều thành viên khác.

Ông Viktor Filippov phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ” trên không. Moskva, tháng 12/2022. Ảnh: Thanh Thể

Ông Viktor Filippov phát biểu tại lễ kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ” trên không. Moskva, tháng 12/2022. Ảnh: Thanh Thể

Trong ký ức ông Yurin, nhóm hoàn toàn hợp nhau. Thực tế thì không ai kiểm soát họ. Họ sống một cách tự chủ. Mỗi tháng một lần, thành viên nhóm ra Hà Nội, báo cáo công việc, rồi mang thư từ, thuốc lá, tin tức về đơn vị.

Năm tháng khó quên

Ông Yurin và nhóm sống trong một căn nhà với bức tường là tấm phên đan, cái lỗ làm cửa. Không sàn, không trần. Thay vì cửa sổ, chỉ có lưới tre. Căn nhà tạm nằm giữa những hàng cây trên con đập. Một bên là con kênh rộng khoảng 10m có dòng nước đỏ chảy xiết. Bên kia, một cánh đồng lúa như một đầm lầy.

5 người sống trong đó. Vật dụng chỉ có chiếc giường gấp và một chiếc tủ nhỏ. Chiếc đèn Trung Quốc có gương phản chiếu, quay ngược 180 độ. Dưới ánh sáng đó có thể đọc và xem những gì trên bàn trong bữa tối.

Trên mặt đất, dưới những chiếc cũi, đàn ếch phải đến chục con. Khi rắn trườn vào, chúng im lặng, nhưng rồi kêu eng éc khi bị rắn nuốt chửng. Còn những con kiến thì bò vào cả hộp lạc treo trên sợi chỉ dưới mái nhà. Bồn tắm kiểu Việt Nam là nắp từ thùng vũ khí cắm sâu xuống đất, đổ nước từ đồng cho lắng xuống, rồi cho vào nồi hơi đun nóng.

Những lúc rảnh rỗi, ông Yurin giúp vớt trai, ốc dưới đáy kênh. Không cần lặn, họ có thể dùng chân mò và nhấc chúng vào giỏ.

Thời điểm đó, không quân Mỹ thống trị hoàn toàn bầu trời. Hằng tuần, chúng ném bom khu đất phía sau con kênh cách nơi ở các chuyên gia Liên Xô không quá 300m. Tiếng động cơ gầm rú. Bom thả dày đặc. Mặt đất bốc khói.

Một lần, trên một mảnh bom vỡ dài 40 cm rơi chỗ mình, ông Yurin dán giấy viết bằng chữ đỏ: “Nixon, hãy đợi đấy”. Cả nhóm ký tên vào mảnh vỡ. Sau đó, khi họ được điều về Hà Nội, ông Yurin cố tình nhét mảnh vỡ vào vali đồng đội, nhưng vì nặng quá, nên anh ta ném nó đi.  

Từ ngày 29 đến 30/7/1972, nhóm chuyển sang gần sở chỉ huy Trung đoàn 263. Nhà tạm nằm ở rìa của xã. Bên kia đường có một đồng lúa.

Những ngày ở bãi phóng

Ngày 5/10/1972, mọi thứ sẵn sàng cho việc phóng tên lửa. Tối ngày 5/11/1972, trung đoàn của ông Yurin chiến đấu. Các thành viên đứng quan sát hai tên lửa từ các tiểu đoàn khác nhau lao tới mục tiêu. Nếu nổ trong vòng 50 giây sau khi phóng, thì mục tiêu bị hạ. “Thành công! Chúng tôi thật sự vui mừng”, ông Yurin nhớ lại.

Ngày 6/11/1972, các chuyên gia Liên Xô làm việc từ sáng. Đến 14 giờ, công việc hoàn thành. Ông Yurin và đồng đội lên ô-tô, nhưng ngay trên đầu, bốn chiếc máy bay cường kích bay qua. Rõ ràng là chúng muốn tập kích.

Các chuyên gia Liên Xô trở lại tiểu đoàn, trú trong lều tre phía trên có rắc đất. Mọi thứ tồi tệ diễn ra sau đó. Trong tiếng gầm rú, đùng đoàng, mặt đất rung chuyển khoảng 30 phút. Tiểu đoàn bị đánh. Trạm điện bốc cháy, nhiều kết cấu, công trình trong sân bị phá hủy. Ở góc sân mọc ra một hố bom. Hố thứ hai cách bệ phóng tên lửa sáu mét. Tên lửa vẫn ở đó. Xe nhiên liệu hư hỏng nặng. Ngôi làng nơi tiểu đoàn ngụy trang chìm trong khói lửa.

“Rời khỏi làng, chúng tôi ổn định lại đội hình và hành quân 30 km. Tôi đổi đôi dép xỏ ngón của mình cho Đại úy Chuprin, khi thấy Đại úy chật chội trong đôi giày thể thao không đế. Đến chạng vạng tối, tôi không bước nổi nữa. Bàn chân sưng tấy. Đêm đó, chúng tôi nghỉ lại ở một ngôi làng. Buổi sáng hôm sau, người dân đưa tôi một chiếc xe đạp mới toanh”, ông Yurin kể lại.

Ngày 7/11/1972, khoảng 2 giờ chiều, thấy các thành viên còn sống và khỏe mạnh, Trung tá Filippov thở phào nhẹ nhõm. Trước đó, ông không có nhiều thông tin từ ban chỉ huy Trung đoàn 263 về địa điểm và chính xác chuyện gì xảy ra với các chuyên gia Liên Xô.

Trong thời gian công tác ở Việt Nam, những lần di chuyển qua sông bằng cầu phao ban đêm khiến ông Yurin không thể quên. Quân Mỹ tập kích. Bên trái họ là đầm lầy, bên phải cũng thế. Tiếng máy bay gầm rú, cùng tiếng nổ, tiếng súng phòng không. Nếu bị kẹt trong đoàn, thì suy nghĩ duy nhất lúc đó là sang được bên kia và thoát nạn. “Sau đó, tôi muốn ngồi xuống để tỉnh táo lại, nhưng rồi phía sau cả đoàn người cũng chung niềm mong muốn đó ùn đến. Để không bị tắc lại, kinh nghiệm là phải luôn hướng về phía trước”, ông Yurin kể tiếp.

Trong lúc các chuyên gia tranh thủ nghỉ ngơi, những người phụ nữ Việt Nam làm nhiệm vụ lấp hố bom hoặc gánh lúa tiến đến gần họ, mỉm cười, hỏi han tuổi tác và hoàn cảnh gia đình. Đàn ông thồ gạo trên xe đạp đi qua. Họ điều khiển bằng cây gậy buộc ở bên trái tay lái và một cây gậy thẳng đứng gần yên xe để đẩy và giữ xe thăng bằng bằng tay phải. “Họ rất thân thiện với chúng tôi. Mọi người cứ nhắc đi nhắc lại: Liên Xô, Liên Xô”, ông Yurin nhớ lại.

Trận đánh B-52 ác liệt

Ngày 15/11/1972, ông Yurin và nhóm bất ngờ nhận lệnh lên đường ra Hà Nội. Ngày 17/11/1972, hai chiếc GAZ-69 và GAZ-63 đến khách sạn Kim Liên. Nhóm tách ra. Ông Yurin về gần Hải Phòng, nơi có điều kiện sinh hoạt tốt hơn. Có một vòi nước trong sân, một hầm tránh bom thật sự bằng bê tông, rộng rãi, nhưng không chống ồn.

Tháng 12/1972, Mỹ triển khai cuộc tập kích đường không chiến lược vào miền bắc Việt Nam, dội bom Hà Nội, Hải Phòng… Ông Yurin nhớ lại, tiếng gào rú của B-52 lấp đầy không gian từ mọi phía, thậm chí xuyên qua mặt đất. Nhưng pháo đài bay B-52 cũng không phải thần thánh. Theo truyền thông lúc đó thì một số chỉ huy B-52 thậm chí còn thà ra tòa hơn là phải bay vào không phận Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Về chiến dịch này, ông Yurin nhớ lại nhận xét của nhà bình luận người Mỹ W.Lipman nhấn mạnh, phải thừa nhận rằng quân đội Mỹ không thể kiểm soát châu Á, bằng chứng là sự xấu hổ và nhục nhã mà phía Mỹ đã trải qua ở Việt Nam.

Để nhận được sự công nhận đó, theo ông Yurin, quân, dân Việt Nam đã phải tiêu diệt hàng nghìn máy bay Mỹ từ tháng 8/1964 đến hết tháng 12/1972. Đó là nhiệm vụ không dễ dàng, khi các phi công Mỹ là những chuyên gia hàng đầu. Trên máy bay tấn công của họ, chất đầy bom đạn.

Tuy nhiên, sau 12 ngày đêm cuối tháng 12/1972, nhận những tổn thất quá nặng nề (81 máy bay bị phá hủy, trong đó có 34 chiếc B-52 và 3 chiếc F-111), Mỹ quyết định dừng chiến dịch. Ngày 27/1/1973, tại Paris, Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam được ký kết. Đó là thành quả sau quãng thời gian người dân Việt Nam kiên cường chịu đựng, không quỳ gối trước sức mạnh của kẻ thù.

Ngày 20/1/1973, kết thúc chuyến công tác, ông Yurin lên máy bay trở lại Moskva. Ký ức về những người bạn ở Việt nam mà duyên số đưa họ đến với nhau sẽ còn mãi trong tâm trí các chuyên gia Liên Xô. Họ truyền nhau những câu chuyện, những dòng thơ ghi lại những tháng ngày công tác Việt Nam gian khó, nhưng đầy tự hào. Trong đó có đoạn sau:

Chúng tôi không là đầy tớ của riêng ai
Vào tháng năm đó, khi Tổ quốc cần chúng tôi phụng sự
Chúng tôi không màng công danh, địa vị
Đơn giản là đàn ông, làm mọi việc cần làm.
Chúng tôi quá quen với mạo hiểm, rủi ro
Trong khi nhiều kẻ chỉ còn khóc thét
Còn "Shrike" và "Phantom" ư?
Nỗi sợ chúng chẳng thể so sợ vợ.
Tháng ngày trôi, nhiệm vụ đã hoàn thành,
Chúng tôi trở về với gia đình, bè bạn
Nhưng lẽ nào chúng tôi quên được Bạn
Một Việt Nam anh dũng, quật cường

(Quốc Hùng dịch)

Trên bầu trời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, ông Yurin và các đồng đội đã được tận mắt chứng kiến sức mạnh thật sự của không quân Mỹ. Các máy bay cường kích, máy bay trinh sát, máy bay chiến đấu, trực thăng, máy bay ném bom chiến lược B-52 từng muốn nghiền nát miền bắc Việt Nam. Nhưng tinh thần chiến đấu anh dũng, mưu trí, quật cường của quân và dân Việt Nam đã làm nên chiến thắng “Hà Nội-Điện Biên Phủ trên không” trong 12 ngày đêm lịch sử. Trận chiến đó, theo các chuyên gia, sẽ còn được tôn vinh mãi về sau.

Ngày xuất bản: 15/12/2022
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: THANH THỂ
(Phóng viên Báo Nhân Dân thường trú tại Nga)
Ảnh: THANH THỂ, TTXVN
Trình bày: ĐĂNG PHI