Tập đoàn Lộc Trời:
Làm gạo ngon từ phát triển
chuỗi giá trị bền vững
Những nỗ lực không ngừng nghỉ
Trong quý I và II năm 2022, nhiều tin vui nối tiếp đến với Công ty cổ phần Nông sản Lộc Trời (LTA), Tập đoàn Lộc Trời: Công ty đã xuất khẩu gần 500 tấn gạo “Cơm Việt Nam Rice” sang thị trường Đức, Hà Lan, Pháp. Lô gạo trên chủ yếu là gạo thơm, trong đó có gạo thơm độc quyền Lộc Trời 28 từng được chứng nhận đạt giải nhất tại Hội nghị Thương mại Gạo đại lục lần thứ 5 (tổ chức tại Trung Quốc năm 2018) và đạt giải nhất cuộc thi Gạo ngon thương hiệu Việt tại Festival lúa gạo Việt Nam lần thứ 5 (tổ chức tại Vĩnh Long vào tháng 1 năm nay). Riêng gạo “Cơm Việt Nam Rice” xuất khẩu sang Pháp sẽ được bày bán tại Carrefour, hệ thống đại siêu thị lớn nhất châu Âu và E.Leclerc, hệ thống đại siêu thị hàng đầu tại Pháp. Đây cũng là lần đầu tiên một loại gạo mang thương hiệu Việt Nam chính thức được đưa vào hệ thống đại siêu thị ở Pháp và châu Âu, đánh dấu một bước tiến trong việc khẳng định chất lượng của gạo Việt và xây dựng thương hiệu nông sản Việt ở nước ngoài.
Thành công này là sự nối tiếp những kết quả đã đạt được từ những năm trước. Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu biết rằng trong năm 2021, Tập đoàn đã xuất khẩu hơn 80 nghìn tấn gạo gồm gạo thơm và gạo trắng mang thương hiệu của Lộc Trời tới các đối tác quốc tế ở châu Âu, vương quốc Anh, châu Phi, Australia, khu vực Trung Đông và các nước láng giềng ở châu Á với tổng giá trị xuất khẩu gạo lên tới hơn 1.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 24% doanh thu gạo của tập đoàn. Tổng các lô hàng này đều được bảo đảm về chất lượng và được đóng gói trong bao bì riêng đã đăng ký mẫu mã quốc tế của Tập đoàn Lộc Trời. Trước đó, vào tháng 9 năm 2020, Lộc Trời đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn để xuất khẩu lô hàng gạo thơm đầu tiên đi thị trường châu Âu theo Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - châu Âu (EVFTA) và đến nay đã xuất khẩu khoảng 30 nghìn tấn gạo sang thị trường này.
Sau 29 năm hoạt động trong ngành nông nghiệp, Lộc Trời đã trở thành một trong những tập đoàn dẫn đầu trong ngành nông nghiệp với số lượng nhân viên lên tới hơn 3.500 người, trong đó có đội ngũ “ba cùng” gồm 1.300 kỹ thuật viên nông nghiệp ngày đêm kề vai sát cánh với bà con, chuyển tải những tiến bộ mới nhất về khoa học-kỹ thuật đến với nông dân để ứng dụng ngay trên ruộng đồng. Tập đoàn cũng có năng lực nghiên cứu khoa học, với Viện Nghiên cứu nông nghiệp Lộc Trời có sự tham gia cơ hữu và hợp tác của nhiều nhà khoa học trong và ngoài nước; có năng lực xử lý mùa vụ, bảo đảm năng suất cây trồng và tuân thủ tiêu chuẩn chất lượng của các thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước...
Năm 2021, Tập đoàn có mức doanh thu thuần cao nhất từ trước tới nay: đạt 10.224 tỷ đồng, tăng 36% so với năm trước; lợi nhuận hợp nhất sau thuế công ty mẹ đạt 418 tỷ đồng, tăng 14% so với cùng kỳ. Bất chấp những khó khăn của đại dịch Covid-19, trong năm 2021 Tập đoàn vẫn giữ vững cam kết không tăng giá cung ứng vật tư nông nghiệp, đồng hành cùng đại lý và nông dân vượt qua khó khăn; tổ chức sản xuất quy mô lớn và chủ động thu mua lúa không tiếp xúc trong khoảng thời gian giãn cách xã hội, đáp ứng các đơn hàng trong nước và xuất khẩu.
Trong năm 2022, Lộc Trời tiếp tục ký kết các hợp đồng cung ứng 2 triệu tấn lúa cho các đối tác trong nước và xuất khẩu. Tập đoàn đang phối hợp cùng Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn, tỉnh An Giang để xây dựng vùng sản xuất quy mô lớn và đồng bộ tại An Giang, liên kết với các đơn vị trong chuỗi cung ứng nông sản trong và ngoài nước hình thành một hệ sinh thái hoàn thiện.
Nông dân Thoại Sơn (An Giang) tham gia mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”.
Nông dân Thoại Sơn (An Giang) tham gia mô hình “Mặt ruộng không dấu chân”.
“Mặt ruộng không dấu chân”
Để bảo đảm nguồn lực tài chính cho đơn hàng 2 triệu tấn lúa này, Lộc Trời đã thuyết phục các ngân hàng, tổ chức tài chính uy tín trong và ngoài nước đồng tài trợ 12 nghìn tỷ đồng cho toàn bộ chuỗi từ sản xuất tới cung ứng theo quy trình canh tác không sử dụng tiền mặt, tăng tính minh bạch trong tất cả các khâu dẫn đến việc giảm thiểu đáng kể chi phí tài chính so với hoạt động sản xuất nhỏ lẻ, rời rạc như trước đây. Đơn hàng được thực hiện thông qua các Hợp tác xã, với các hình thức liên kết ngày càng chặt chẽ hơn, từ liên kết kiểu mua - bán truyền thống, đến hợp tác trồng lúa và hình thức chặt chẽ nhất là bao lợi nhuận.
Một trong những mô hình mới được bà con nông dân hào hứng đón nhận là “Mặt ruộng không dấu chân”, cải tiến quy trình sản xuất từ mô hình Lộc Trời 123 nhằm tiết giảm lượng giống, phân bón và thuốc bảo vệ thực vật thông qua đồng bộ cơ giới hóa. Bằng hình thức tổ chức sản xuất đều đặn và liên tục trên cánh đồng lớn, ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ và hoàn toàn, với quy trình canh tác sản xuất lúa gạo hiệu quả và đạt tiêu chuẩn quốc tế thông qua cung cấp tất cả vật tư và dịch vụ cần thiết, Lộc Trời giúp bà con nông dân giảm chi phí các khâu trung gian, giảm thiểu các nút cổ chai thường thấy khi vào mùa thu hoạch rộ, bảo đảm lợi nhuận cho nông dân của các hợp tác xã liên kết. Tập đoàn Lộc Trời và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cam kết mục tiêu 20.000 ha mô hình Lộc Trời 123 đến năm 2025.
Ông Nguyễn Thành Thân, Giám đốc Liên hiệp Hợp tác xã Thoại Sơn cho biết, Liên hiệp đại diện các hộ nông dân trong tỉnh ký kết và triển khai canh tác với diện tích trồng lúa khoảng hơn 100 nghìn ha, được Tập đoàn Lộc Trời bao tiêu lúa. Đây là một trong những đơn hàng phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu, góp phần giải quyết đầu ra cho cây lúa, giảm thiểu tình trạng được mùa mất giá cho nông dân. Các đơn hàng dạng này tạo thuận lợi cho việc tổ chức mùa vụ một cách chủ động thông qua mô hình liên kết sản xuất.
Theo ông Thân, trong tình hình mới đòi hỏi lúa gạo phẩm chất cao, nguồn gốc rõ ràng thì sự hợp tác, liên kết các bên để nâng cao hiệu quả, tiêu thụ lúa gạo cần gắn liền với tổ chức sản xuất đồng bộ trên quy mô lớn. Trong bối cảnh đó, nông dân trồng lúa hiện nay không chỉ cần được bao tiêu, mà việc bao tiêu đó phải gắn liền với khâu tổ chức sản xuất đúng theo tiêu chuẩn chất lượng của thị trường mục tiêu. Việc tổ chức sản xuất chỉ có thể đạt hiệu quả cao và đem lại lợi ích kinh tế bền vững cho nông dân khi được triển khai trên quy mô lớn, mà để đạt quy mô cánh đồng lớn, nông dân cần hợp tác liên kết chặt chẽ trong hợp tác xã tại địa phương. Thông qua các hợp tác xã và liên hiệp hợp tác xã, Lộc Trời có thể đồng hành cùng bà con nông dân để xây dựng vùng trồng cụ thể tại các hợp tác xã cho từng thị trường Tập đoàn đã ký kết hợp đồng cung ứng lúa gạo; triển khai kế hoạch sản xuất cho hợp tác xã, quản lý chặt chẽ bằng bản đồ số hóa, nhật ký đồng ruộng điện tử, và cơ sở dữ liệu nông nghiệp.
Hạt gạo của Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang nhiều nước.
Hạt gạo của Tập đoàn Lộc Trời xuất khẩu sang nhiều nước.
Tham gia vào mô hình Lộc Trời 123, nông dân được tập huấn, hướng dẫn sản xuất theo quy trình chặt chẽ, an toàn cho sức khỏe con người và môi trường sinh thái, hướng đến sản xuất lúa gạo bền vững. Lộc Trời cung ứng hạt giống, vật tư nông nghiệp, triển khai dịch vụ bay không người lái (drone), cơ giới hóa đồng bộ. Từ đó, xây dựng mã số vùng trồng để chứng minh nguồn gốc cho sản phẩm gạo khi xuất khẩu vào các thị trường khó tính. Từng bước nâng cao chất lượng sống của các vùng nông thôn qua việc bảo đảm thu nhập ổn định cho nông dân và hỗ trợ các chương trình an sinh xã hội.
Ông Nguyễn Phi Sơn Hổ, ở xã Tây Phú, huyện Thoại Sơn chia sẻ, ông có 24ha ruộng sử dụng giống lúa Jasmine, khi tham gia mô hình “Mặt ruộng không dấu chân” của Tập đoàn Lộc Trời ông được kỹ thuật viên Tập đoàn hướng dẫn quy trình sản xuất trong suốt quá trình canh tác. Làm ruộng truyền thống thì nông dân phải đeo những bình phun thuốc cồng kềnh trên lưng, lượng thuốc dễ hao hụt do phun xịt không đều và tốn thời gian. Từ khi tham gia mô hình sản xuất này, được hỗ trợ thiết bị bay không người lái, chỉ cần một người điều khiển là có thể phun thuốc nhanh trên một diện tích lớn, tiết kiệm thời gian công sức và giảm hao tổn thuốc bảo vệ thực vật. Nông dân không tiếp xúc trực tiếp với thuốc bảo vệ thực vật như trước đây nên bảo đảm được sức khỏe. Ông Hổ vui vẻ nói thêm, “nông dân tham gia được Tập đoàn Lộc Trời cam kết mức lợi nhuận tối thiểu từ 40 triệu đồng/ha/năm, được hỗ trợ đầu vào và bao tiêu đầu ra”. Theo kinh nghiệm làm nông lâu năm, ông nhận thấy, quy trình canh tác này có thể tiết giảm lượng giống sử dụng tới 30%, lượng phân bón và thuốc bảo vệ thực vật sử dụng giảm 20%.
Từ thành công bước đầu tại Thoại Sơn, Tập đoàn Lộc Trời tiếp tục triển khai các mô hình này tại huyện Tri Tôn, Phú Tân (tỉnh An Giang), và mở rộng đến các tỉnh lân cận, góp phần tạo thành vùng sản xuất lúa gạo hàng hóa quy mô lớn, góp phần vào kế hoạch sản xuất bền vững 1 triệu ha lúa chất lượng cao ở đồng bằng sông Cửu Long. Ông Huỳnh Văn Thòn, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Lộc Trời chia sẻ: “Lộc Trời và các thành viên trong hệ sinh thái nông nghiệp liên kết với các hộ nông dân thông qua các hợp tác xã, nâng cao hiệu quả của hoạt động sản xuất lúa gạo quy mô lớn bằng cơ giới hóa đồng bộ. Trên cơ sở đó, Lộc Trời sẽ áp dụng các biện pháp nhằm giảm chi phí sản xuất như giống, phân, thuốc, công lao động... để giảm giá thành, nâng chất lượng lúa gạo, đồng thời quy hoạch vùng trồng giúp lúa gạo Việt Nam đáp ứng yêu cầu truy xuất được nguồn gốc, canh tác khoa học, tăng năng suất, có chất lượng phù hợp với các thị trường khác nhau, tăng giá bán và nâng cao lợi thế cạnh tranh của lúa gạo Việt Nam. Lộc Trời tin rằng, bằng việc trồng lúa, nông dân vẫn có được cuộc sống sung túc trên đồng ruộng của chính mình, ngay ở mảnh đất quê hương mình”.
Tổ chức thực hiện :
Ban Nhân Dân hằng tháng
Nội dung :
Ánh Tuyết-Trần Dũng-Nguyễn Mỹ Linh
Thúy Hà-Hải Phương
Trình bày mỹ thuật :
Duy Thanh
Ảnh :
Minh Huyền, Trần Dũng, Minh Duy, nguồn internet