Sáng 30/8, tại Thủ đô Hà Nội, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có bài phát biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Chữ thập đỏ Việt Nam lần thứ XI, nhiệm kỳ 2022-2027. Báo Nhân Dân xin trân trọng giới thiệu toàn văn bài phát biểu.
Thưa các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,
Thưa Đoàn Chủ tịch
Thưa quý vị đại biểu, khách quý,
Hôm nay, tôi rất vui mừng đến dự Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI Hội Chữ thập đỏ Việt Nam - Ngày hội lớn, sự kiện có ý nghĩa quan trọng trong phong trào hoạt động nhân đạo của nước nhà. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi thân ái gửi tới các đại biểu tiêu biểu về dự Đại hội cùng toàn thể cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước, các vị khách đến từ phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế lời chúc mừng nồng nhiệt nhất!
Tất cả chúng ta tin tưởng rằng Đại hội sẽ thành công tốt đẹp!
Thưa quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội!
Ngay từ khi thành lập Hội, Chủ tịch Hồ Chí Minh - Chủ tịch danh dự đầu tiên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã căn dặn cán bộ, hội viên của Hội: “Phải xuất phát từ tình thương yêu nhân dân tha thiết mà góp phần bảo vệ sức khỏe nhân dân và làm mọi việc có thể làm được để giảm bớt đau thương cho họ”. Thực hiện lời dạy của Người, suốt hơn 75 năm qua, bằng việc phát huy vai trò nòng cốt trong công tác nhân đạo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã và đang đi đầu chăm lo trợ giúp những người có hoàn cảnh khó khăn, những người bị tổn thương, qua đó không ngừng làm lan tỏa các giá trị nhân đạo đến đông đảo cán bộ, đảng viên cùng các tầng lớp nhân dân, góp phần thực hiện chính sách an sinh xã hội của Đảng và Nhà nước, đóng góp tích cực cho Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Tôi đánh giá cao kết quả công tác Hội và phong trào Chữ thập đỏ nhiệm kỳ vừa qua. Các phong trào, cuộc vận động của Hội cơ bản đạt hiệu quả cao, lan tỏa các giá trị nhân đạo, tạo dấu ấn ngày càng sâu đậm trong đời sống xã hội, trở thành phong trào của nhân dân, được nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm và các tầng lớp nhân dân sôi nổi hưởng ứng.
Cuộc vận động "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", "Tháng nhân đạo", Phong trào “Tết vì người nghèo và nạn nhân chất độc da cam”, chương trình khám, chữa bệnh nhân đạo, vận động hiến máu tình nguyện, xây dựng mô hình cộng đồng an toàn, tham gia xóa đói giảm nghèo, hỗ trợ ngư dân nghèo khó khăn vươn khơi, bám biển, cứu trợ đồng bào bị thiên tai, bão lụt, chung tay cùng đồng bào vượt qua đại dịch Covid -19... Hàng chục triệu lượt người có hoàn cảnh khó khăn đã nhận được sự trợ giúp cần thiết để vươn lên trong cuộc sống. Bằng những hành động thiết thực, thấm đậm tình người, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam ở các cấp đã kết nối hàng vạn tấm lòng sẻ chia, thiện nguyện để nhân lên hàng triệu hành động nhân ái tô thắm nét đẹp nhân văn của xã hội ta, chế độ ta. Với tổng trị giá hoạt động toàn Hội đạt 22.523 tỷ đồng (gấp hơn 2,3 lần tổng trị giá hoạt động nhiệm kỳ Đại hội IX), hoạt động của Hội Chữ thập đỏ ngày càng khẳng định vị thế là tổ chức xã hội, giữ vai trò nòng cốt, đầu mối, kết nối trong hoạt động nhân đạo của quốc gia.
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, tôi nhiệt liệt biểu dương sự nỗ lực cùng những kết quả đạt được trong hoạt động nhân đạo của đội ngũ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên Chữ thập đỏ cả nước. Tôi cũng trân trọng cảm ơn các cơ quan, các tổ chức, các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong và ngoài nước, các tổ chức thuộc Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế đã ủng hộ nguồn lực và chung tay cùng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện có hiệu quả các hoạt động nhân đạo thời gian qua.
Thưa quý vị đại biểu khách quý và toàn thể Đại hội!
Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đang được toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ra sức thực hiện, đưa đất nước ta tiếp tục phát triển nhanh về mọi mặt, cuộc sống của nhân dân tiếp tục được cải thiện và nâng cao. Tuy nhiên, chúng ta cũng đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đó là: hậu quả của biến đổi khí hậu, thiên tai ngày càng nặng nề và khó lường; nhiều dịch bệnh nguy hiểm bùng phát mà điển hình là đại dịch Covid-19 suốt hơn hai năm qua. Nước ta vẫn còn hàng triệu nạn nhân của chiến tranh, chất độc da cam; hàng triệu người dễ bị tổn thương trước những nguy cơ, thách thức.. Điều đó đòi hỏi chúng ta cần tiếp tục phát huy tinh thần chia sẻ, tương thân tương ái trong các tầng lớp nhân dân, đồng thời không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đáp ứng yêu cầu và nhiệm vụ nhân đạo trong tình hình mới.
Tôi đánh giá cao và thống nhất với những định hướng lớn trong 5 năm tới của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.
Tại Đại hội này, tôi đề nghị các cấp Hội trong cả nước thống nhất ý chí và hành động, vươn lên thực hiện đầy đủ và hiệu quả vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối điều phối trong hoạt động nhân đạo, từ thiện của đất nước, trong đó tập trung vào thảo luận kỹ về những hạn chế của Hội trong nhiệm kỳ vừa qua (thí dụ như những bất cập trong công tác quản lý nhân đạo, từ thiện; công tác tổ chức quản lý hội viên, tình nguyện viên,vv…), để từ đó rút ra bài học kinh nghiệm và phương án khắc phục; đồng thời thực hiện tốt một số công việc sau:
Một là, tiếp tục quán triệt, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về nhân đạo, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác Hội Chữ thập đỏ trong tình hình mới theo đúng tinh thần Chỉ thị 43 CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Tập trung thực hiện hiệu quả bảy lĩnh vực hoạt động chữ thập đỏ được quy định trong Luật Hoạt động chữ thập đỏ; nâng cao chất lượng hoạt động nhân đạo và lan tỏa các giá trị nhân văn của nước nhà. Chú trọng công tác xã hội nhân đạo, tham gia phòng ngừa và ứng phó thiên tai, thảm họa phòng chống dịch bệnh, vận động hiến máu, hiến mô tình nguyện và chăm sóc sức khỏe nhân dân. Tôi ủng hộ và đánh giá cao việc Hội xác định Chương trình “An toàn cho ngư dân nghèo, khó khăn”, Chương trình “Dinh dưỡng cho trẻ em nghèo, khuyết tật” cùng các dự án về môi trường là các chương trình trọng tâm của nhiệm kỳ XI.
Hai là, chủ động xây dựng và phối hợp với các cơ quan trong hệ thống chính trị, tuyên truyền sâu rộng các giá trị nhân đạo, rèn luyện đạo đức, lối sống, lối ứng xử trên tinh thần nhân văn, nhân ái. Tôi hoan nghênh và mong muốn phong trào “Người tốt, việc thiện - Chung sức xây dựng cộng đồng nhân ái” góp phần hình thành lối sống, lối ứng xử nhân văn, giàu tình thương và trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động và các tầng lớp nhân dân.
Ba là, tiếp tục kiện toàn, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ của các cấp Hội; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động, chăm lo rèn luyện, động viên, thực hiện chính sách cán bộ Hội; củng cố và xây dựng tổ chức Hội uy tín, vững mạnh, nâng tầm ảnh hưởng và sức lôi cuốn trong công tác nhân đạo, để mỗi cán bộ, hội viên, tình nguyện viên Chữ thập đỏ đều tự hào, hết lòng về công việc của Hội; để người dân, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, nhà hảo tâm luôn đặt niềm tin vào Hội, hết lòng ủng hộ và sẵn sàng đồng hành cùng Hội trong các hoạt động nhân đạo. Hội cần tiếp tục nâng cao chất lượng hội viên, phát triển lực lượng tình nguyện viên, cộng tác viên, hình thành mạng lưới, tổ nhóm thiện nguyện trong các cơ quan, đơn vị, tổ chức tôn giáo và cộng đồng, qua đó điều phối hiệu quả các hoạt động nhân đạo ở cơ sở. Đồng thời, chủ động tham mưu và phối hợp với các cơ quan có thẩm quyền hướng dẫn thống nhất hình thức tổ chức của Hội trong toàn quốc, bảo đảm tuân thủ nghiêm các quy định pháp luật và các nguyên tắc cơ bản của Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế.
Bốn là, Hoạt động của Hội cần dựa vào cộng đồng, nắm chắc những người khó khăn để trợ giúp trực tiếp hoặc vận động trợ giúp theo tinh thần "Mỗi tổ chức, mỗi cá nhân gắn với một địa chỉ nhân đạo", chú trọng nhân rộng, quảng bá các mô hình nhân đạo hiệu quả của Hội; tham khảo các mô hình hoạt động thiện nguyện phù hợp của các tổ chức khác ở trong và ngoài nước tiếp tục phối hợp chặt chẽ hơn nữa với các cơ quan, tổ chức, đặc biệt là Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên trong hoạt động nhân đạo, từ thiện, bảo đảm minh bạch, hiệu quả, có sự điều phối thống nhất.
Năm là, thực hiện tốt hợp tác quốc tế trong lĩnh vực nhân đạo, tăng cường quan hệ với các tổ chức trong và ngoài Phong trào Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam trong các hoạt động nhân đạo khu vực và toàn cầu, nhất là các hoạt động tuyên truyền, phổ biến Luật Nhân đạo quốc tế, vận động nguồn lực, kỹ thuật và kịp thời tham gia trợ giúp nhân dân các vùng bị ảnh hưởng nặng nề bởi thiên tai, dịch bệnh, sự cố nghiêm trọng ở nước ngoài, góp phần làm lan tỏa giá trị nhân văn, nhân ái của dân tộc Việt Nam tới bạn bè quốc tế.
Thưa quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội!
Đảng, Nhà nước luôn quán triệt quan điểm phát triển kinh tế gắn với bảo đảm an sinh xã hội. Hội Chữ thập đỏ Việt Nam với vai trò nòng cốt, đầu mối trong công tác nhân đạo, từ thiện đã và đang chung tay cùng toàn xã hội chăm lo cuộc sống của những người dân khó khăn. Tôi đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt Chỉ thị 43 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, xác định công tác nhân đạo là một bộ phận quan trọng trong công tác dân vận của Đảng ta, là nhiệm vụ của mỗi cấp ủy đảng, tổ chức đảng và các cơ quan trong hệ thống chính trị.
Tôi đề nghị các bộ, các ngành, các cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ với Trung ương Hội Chữ thập đỏ trong việc thể chế hoá các chủ trương của Đảng, ban hành các cơ chế chính sách về công tác nhân đạo, tạo thuận lợi để Hội Chữ thập đỏ Việt Nam thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao. Tôi cũng đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các địa phương trong cả nước thường xuyên củng cố tổ chức Hội và phát huy vai trò nòng cốt, cầu nối, đầu mối điều phối của Hội trong hoạt động nhân đạo, từ thiện tại địa phương; quản lý thật tốt các hoạt động từ thiện, không để hoạt động này bị lợi dụng.
Từ diễn đàn Đại hội hôm nay, tôi kêu gọi các cơ quan, tổ chức, các doanh nghiệp, các nhà hảo tâm, đồng bào ta ở trong và ngoài nước tiếp tục phát huy truyền thống nhân ái tốt đẹp của dân tộc, chủ động, tích cực tham gia các phong trào, cuộc vận động nhân đạo của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam, cùng nhân lên những tấm gương người tốt, việc thiện ở mỗi cơ quan, trường học, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng.
Nghi thức suy tôn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Nghi thức suy tôn Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc là Chủ tịch danh dự Hội Chữ thập đỏ Việt Nam khóa XI, nhiệm kỳ 2022-2027.
Thưa quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể Đại hội!
Với truyền thống tốt đẹp của tổ chức nhân đạo chuyên nghiệp, được vun đắp bởi các thế hệ cán bộ, hội viên, tình nguyện viên, thanh thiếu niên của Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trong suốt hơn 75 năm qua, với sự ủng hộ và tham gia đầy trách nhiệm vào công tác nhân đạo của các cấp, các ngành, tôi có niềm tin sâu sắc rằng Hội Chữ thập đỏ Việt Nam nhất định sẽ ngày càng phát triển vững mạnh, ngày càng uy tín, sẽ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
Xin kính chúc các quý vị đại biểu khách quý cùng toàn thể đại biểu Đại hội mạnh khỏe, hạnh phúc. Chúc sự nghiệp nhân đạo ngày càng lan tỏa, thấm đượm trong trái tim và dẫn dắt cho hành động của mỗi chúng ta!
Xin cảm ơn các đồng chí.
Trình bày: Phi Nguyên
Ảnh: Báo Nhân Dân, TTXVN, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam
Ngày xuất bản: 31/8/2022