Chiến thắng ngày 30/4/1975 là cột mốc kết nối non sông, minh chứng cho khát vọng sống trong hòa bình của nhân dân Việt Nam. Đó là giá trị cốt lõi, được xây dựng bằng ý chí kiên định qua những năm tháng gian khó. Tiếp nối truyền thống yêu chuộng hòa bình ấy, lực lượng Công an nhân dân Việt Nam, thông qua tham gia hoạt động tại các phái bộ Gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc, đang chung tay đóng góp cho công tác bảo đảm an ninh ở nhiều điểm nóng trên thế giới.

Động lực là tình yêu hòa bình

Chúng tôi tới Trung tâm Huấn luyện và phát triển năng lực Gìn giữ hòa bình (GGHB) tại Văn Giang (Hưng Yên), nơi đơn vị Cảnh sát GGHB số 1 (VNFPU-1) đang huấn luyện tập trung. Tại đây, người “truyền lửa” của lực lượng Công an nhân dân (CAND) - Thượng tá Lương Thị Trà Vinh, đảm nhận vai trò Chỉ huy trưởng VNFPU-1. Người chỉ huy với ánh mắt kiên định, toát lên phong thái chuyên nghiệp của một nữ sĩ quan cảnh sát đã trải qua rèn luyện và thử thách.

“Tôi sinh ra từ một làng quê ngoại thành Hà Nội. Tuổi thơ với những kỷ niệm một thời gian khó đã rèn luyện cho tôi ý chí kiên định, sự quyết tâm và tinh thần ham học hỏi”, Thượng tá Lương Thị Trà Vinh nhấn mạnh.

Người phụ nữ khiêm nhường ấy đã trở thành một “idol” không chỉ với thế hệ trẻ, mà ghi dấu ấn trong lịch sử ngành công an với hành trình đầy bản lĩnh của mình - chị là nữ sĩ quan đầu tiên của lực lượng CAND Việt Nam, thuộc Tổ công tác số 1 Bộ Công an, tham gia hoạt động GGHB Liên hợp quốc (LHQ).

Khởi đầu từ một cán bộ công an làm công tác nghiệp vụ, từng bước rèn luyện qua nhiều nhiệm vụ khó khăn, với nền tảng chuyên môn vững vàng và khả năng ngoại ngữ thành thạo, tháng 10/2022, chị được chọn tham gia Tổ công tác số 1 triển khai tới Phái bộ GGHB LHQ tại Nam Sudan (UNMISS).

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh là nữ sĩ quan đầu tiên của lực lượng CAND Việt Nam, thuộc Tổ công tác số 1 Bộ Công an, tham gia hoạt động GGHB LHQ.

Tại Phái bộ, chị đảm nhận nhiệm vụ giám sát an ninh, hỗ trợ nhân đạo, góp phần bảo vệ thường dân trong bối cảnh xung đột sắc tộc. Những nỗ lực của chị đã được LHQ ghi nhận bằng Huy chương GGHB vào tháng 10/2023, khẳng định năng lực và phẩm chất chiến sĩ “mũ nồi xanh” Việt Nam khi thực hiện nhiệm vụ quốc tế.

Khi nói với tôi về phát huy tính “chủ động, kỷ cương”, kế thừa truyền thống của lực lượng CAND, chị khẳng định: “Làm việc ở môi trường quốc tế đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng và tinh thần thép, đó cũng là cách chúng tôi khẳng định hình ảnh CAND Việt Nam”. Hiện nay, với kinh nghiệm thực tiễn của mình, Thượng tá Lương Thị Trà Vinh đang trực tiếp hướng dẫn, đào tạo lực lượng kế cận để sẵn sàng cho các nhiệm vụ quốc tế tiếp theo.

Chị chia sẻ: “Mỗi thử thách ở Nam Sudan là một bài học, tôi luôn nhắc mình phải giữ vững kỷ luật và trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ”. Trong một năm rưỡi hoạt động tại UNMISS, 3 sĩ quan của Tổ công tác số 1 làm việc độc lập, nhưng luôn phối hợp nhịp nhàng với đồng nghiệp Phái bộ, hiệp đồng triển khai được nhiều dự án có ý nghĩa.

Mỗi thử thách ở Nam Sudan là một bài học, tôi luôn nhắc mình phải giữ vững kỷ luật và trách nhiệm để hoàn thành nhiệm vụ.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh

Thượng tá Trà Vinh nhớ lại, với sự đồng ý của Tư lệnh Phái bộ, cộng thêm “hậu phương” vững chắc là sự ủng hộ của Hội Phụ nữ CAND nên trong thời gian ở Nam Sudan, chị đã kết hợp với Mạng lưới Phụ nữ Cảnh sát Phái bộ UNMISS thực hiện các dự án cộng đồng được đánh giá cao. Đồng thời với công tác chuyên môn, tổ công tác đã phối hợp với cảnh sát địa phương hướng dẫn kỹ năng giữ gìn trật tự, nâng cao an ninh cộng đồng.

Thượng tá Trà Vinh chỉ cho tôi bức tranh do con một người đồng nghiệp Uganda vẽ tặng trong thời gian chị công tác tại Nam Sudan. Trong suy nghĩ của một em bé châu Phi, hình ảnh nữ sĩ quan Cảnh sát nhân dân Việt Nam thật rắn rỏi, sống động. Tình cảm ấy là lời hồi đáp cho những đóng góp, cống hiến của những chiến sĩ “mũ nồi xanh” ở miền đất châu Phi.

“Mỗi em bé ở Nam Sudan mà chúng tôi gặp đều có những ước mơ, lý tưởng cho mình. Dù sống trong điều kiện thiếu thốn, nhưng các em không hề thiếu đi tinh thần ham học hỏi và vươn lên. Đó là điều mà tôi ấn tượng”, Thượng tá Trà Vinh nhớ lại.

“Đó cũng chính là động lực thôi thúc tôi rằng, cần lan tỏa hơn nữa tình yêu hòa bình của đất nước mình. Trong quá trình làm việc, tiếp xúc với bạn bè quốc tế, chúng tôi đều truyền tải thông điệp đó. Dân tộc Việt Nam đã trải qua rất nhiều cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc. Sau khi đất nước thống nhất, tinh thần đoàn kết dân tộc đã giúp chúng ta vượt qua nhiều khó khăn để rồi phát triển mạnh mẽ. Nhiều người dân châu Phi hiểu điều đó và thường dẫn chứng Việt Nam như một thí dụ về hình mẫu hòa bình”, chị kể tiếp: “Một người bạn của tôi ở Phái bộ nói rằng bạn ấy biết về Việt Nam, về Chủ tịch Hồ Chí Minh khi anh tìm hiểu về lịch sử Việt Nam. Những chiến thắng của chúng ta là một nguồn động lực, là cảm hứng để các quốc gia ở châu Phi đứng lên giải phóng khỏi ách thống trị của thực dân”.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh tham gia công tác huấn luyện.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh tham gia công tác huấn luyện.

Sức mạnh đoàn kết ở một chi bộ đặc biệt

Để có thể thực hiện những nhiệm vụ khó khăn trong điều kiện địa bàn phức tạp, xa nhà, sức mạnh của sự đoàn kết được dẫn dắt, “trợ lực” bằng công tác đảng. Hoạt động chi bộ ở đây luôn định hướng, phát huy sáng tạo cá nhân dựa trên trí tuệ tập thể. Năm 2022, Văn phòng Thường trực Bộ Công an về GGHB ra quyết định thành lập Chi bộ 12, hoạt động trong khuôn khổ Phái bộ UNMISS. Đại tá Lê Quốc Huy, Tổ trưởng Tổ Công tác số 1, được giao trọng trách Bí thư Chi bộ.

Chi bộ 12 ra đời trên cơ sở Nghị quyết số 22-NQ/TW về hội nhập quốc tế ngày 10/4/2013 của Bộ Chính trị, trong đó xác định: “Xây dựng và triển khai kế hoạch gia nhập các cơ chế đa phương khác; trong đó, có việc tham gia các hoạt động hợp tác ở mức cao hơn, như hoạt động GGHB của LHQ…” và cơ sở pháp lý bảo đảm đúng nguyên tắc của LHQ trong hoạt động tại Phái bộ. Sự ra đời của “chi bộ đặc biệt” đánh dấu bước ngoặt trong công tác đảng của lực lượng CAND Việt Nam khi tham gia hoạt động GGHB.

Chi bộ ban đầu chỉ gồm 3 đảng viên là thành viên của Tổ Công tác số 1: Đại tá Lê Quốc Huy là Bí thư Chi bộ, Thượng tá Vũ Việt Hùng và Thượng tá Lương Thị Trà Vinh. “Dù chỉ có 3 người, đây là chi bộ đặc biệt bởi nhiệm vụ và hoàn cảnh hoạt động khác thường”, Thượng tá Trà Vinh chia sẻ khi nhìn lại vai trò của chi bộ trong thành công của tổ công tác.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh.

Theo phân công tại UNMISS, Tổ Công tác số 1 thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, nâng cao năng lực cho cảnh sát địa phương, hỗ trợ nhân đạo và bảo vệ thường dân giữa xung đột. 3 sĩ quan không chỉ hoàn thành công việc chuyên môn, mà còn để lại dấu ấn qua các dự án cộng đồng được người dân và UNMISS ghi nhận. Thành tựu này được khẳng định khi cả 3 nhận Huy chương GGHB LHQ vào tháng 10/2023.

Đằng sau những kết quả ấy là sự chỉ đạo sát sao của tổ chức cơ sở đảng, nơi mọi hoạt động đều được bàn bạc kỹ lưỡng, phát huy trí tuệ tập thể và tinh thần đoàn kết. Ngay khi đến Nam Sudan, Chi bộ 12 đã nhanh chóng họp bàn để xây dựng nền tảng hoạt động. “Một trong những hoạt động đầu tiên của mình là họp chi bộ và phân công nhiệm vụ”, Đại tá Lê Quốc Huy chia sẻ. “Nhiệm vụ trọng tâm là soạn thảo quy chế sinh hoạt tạm thời, dựa trên việc nắm bắt tình hình địa bàn và đặc điểm công tác của LHQ”, anh cho biết thêm.

Theo Đại tá Lê Quốc Huy: “Quy chế này không chỉ bảo đảm nguyên tắc sinh hoạt Đảng mà còn giữ vững sự đoàn kết và hiệu quả trong điều kiện xa quê hương, địa bàn phức tạp. Các buổi họp thường diễn ra vào thời gian phù hợp lịch trình bận rộn của phái bộ LHQ.

Sau gần một năm, quy chế tạm thời được điều chỉnh theo thực tế, bổ sung thành viên và hoàn thiện hơn, trở thành nền tảng cho sinh hoạt chi bộ đến nay”. Việc có một cơ chế họp bàn thống nhất đã góp phần giúp tổ công tác có được các thành công nổi bật, được cả lãnh đạo Phái bộ, chính quyền Nam Sudan và trong nước đánh giá cao.

“Chi bộ là nơi chúng tôi thống nhất ý chí và hành động, bảo đảm mọi nhiệm vụ được thực hiện đến cùng. Khi thực hiện các dự án như hỗ trợ thường dân tại các trại lánh nạn, giúp đỡ những người mất nhà cửa, nạn nhân bạo lực hay đối tượng yếu thế là phụ nữ, người già và trẻ em, tôi đều đề xuất với chi bộ về dự án và nhận được sự đồng thuận, nên mới có thể triển khai suôn sẻ, được Ban chỉ huy Phái bộ đánh giá cao”, chị Vinh nhớ lại.

Hằng tháng, dù công tác ở các địa bàn cách xa nhau, các đảng viên vẫn duy trì sinh hoạt chi bộ nghiêm túc, ghi biên bản đầy đủ và báo cáo về nước. Khi có người đi công tác xa, chi bộ tổ chức họp trực tuyến để bảo đảm tính liên tục. Nội dung sinh hoạt luôn bám sát chuyên môn, đồng thời quán triệt tinh thần đoàn kết, kỷ luật và cách ứng xử trong môi trường đa quốc gia. Các vấn đề như quan hệ với đồng nghiệp quốc tế hay thực hiện nghị quyết đều được thảo luận trong những buổi sinh hoạt chi bộ như thế.

Thượng tá Trà Vinh nhấn mạnh rằng: “Công tác đảng giúp chúng tôi định hướng rõ ràng, phát huy sáng tạo cá nhân trên nền tảng tập thể”. Mô hình chi bộ đặc biệt này, dù nhỏ về số lượng, đã chứng minh vai trò trong nhiệm vụ gìn giữ hòa bình và nâng cao hình ảnh CAND Việt Nam vừa thực hiện công tác đối ngoại, vừa làm dân vận quốc tế và lan tỏa tinh thần Việt Nam ra thế giới.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh.

Thượng tá Lương Thị Trà Vinh.

Trình bày: Ngô Hương