
Lan tỏa
khát vọng hùng cường,
thịnh vượng
PGS, TS NGUYỄN TRỌNG PHÚC
Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng ngày 30/4/1975, miền nam được giải phóng, đất nước hòa bình, độc lập, thống nhất vẹn tròn. Đó là mục tiêu cao cả của Đảng, khát vọng lớn lao của Bác Hồ kính yêu và là niềm hạnh phúc vô bờ của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Ngày 20/9/1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Đây là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Ảnh: TTXVN
Ngày 20/9/1977, Việt Nam gia nhập Liên hợp quốc. Đây là một mốc son lịch sử, đánh dấu sự ghi nhận của tổ chức toàn cầu lớn nhất hành tinh và cộng đồng quốc tế đối với một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, độc lập, tự do và dân chủ. Ảnh: TTXVN
Sau ngày toàn thắng, dân tộc Việt Nam có được những thuận lợi và vận hội cho sự phát triển của thời kỳ mới.
Tổng kết cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV Đảng Cộng sản Việt Nam (12/1976) khẳng định: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc”.
Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV (14-20/12/1976), tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Đại hội đại biểu toàn quốc Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ IV (14-20/12/1976), tại Hà Nội. Ảnh: TTXVN
Đại hội IV của Đảng nhấn mạnh, đối với nhân dân ta, thắng lợi oanh liệt đó mở ra một bước ngoặt vĩ đại trong lịch sử dân tộc. Nó kết thúc vẻ vang quá trình ba mươi năm chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc bắt đầu từ Cách mạng Tháng Tám 1945, chấm dứt vĩnh viễn ách thống trị hơn một thế kỷ của chủ nghĩa đế quốc trên đất nước ta, hoàn thành cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân trên cả nước, bảo vệ và phát triển những thành quả của cách mạng xã hội chủ nghĩa trên miền bắc, xóa bỏ mọi chướng ngại trên con đường thực hiện thống nhất nước nhà, đưa cả nước tiến lên chủ nghĩa xã hội.
Ngày 4/1/1977, đoàn tàu Thống Nhất từ Thành phố Hồ Chí Minh tới sân ga Hà Nội trước sự vui mừng của nhân dân thủ đô, chính thức khánh thành tuyến đường sắt bắc-nam. Ảnh: TTXVN
Ngày 4/1/1977, đoàn tàu Thống Nhất từ Thành phố Hồ Chí Minh tới sân ga Hà Nội trước sự vui mừng của nhân dân thủ đô, chính thức khánh thành tuyến đường sắt bắc-nam. Ảnh: TTXVN
Sau ngày toàn thắng, dân tộc Việt Nam có được những thuận lợi và vận hội cho sự phát triển của thời kỳ mới. Đó là thế nước, sức mạnh tổng hợp mọi mặt của sông núi nối liền. Tựa Trường Sơn, vươn tới Trường Sa/ Từ Trà Cổ rừng dương đến Cà Mau rừng đước. / Đỏ bình minh mặt sóng khơi xa (Tố Hữu - Vui thế, hôm nay..., 8/1975). Đó là sức mạnh đại đoàn kết, hòa hợp dân tộc, tình nghĩa bắc-nam. Là chế độ chính trị bền vững do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo cùng với uy tín quốc tế của cách mạng Việt Nam, tiếp tục được đồng chí, bạn bè trên thế giới ủng hộ.
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Liên Xô tại Điện Kremly ở Moskva (2/11/1978). Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Lê Duẩn và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô Leonid Ilyich Brezhnev ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam-Liên Xô tại Điện Kremly ở Moskva (2/11/1978). Ảnh: TTXVN
Cách mạng và dân tộc Việt Nam, vừa ra khỏi chiến tranh lại phải đương đầu với những thách thức nặng nề. Điểm xuất phát của nền kinh tế ở trình độ quá thấp lại bị chiến tranh tàn phá với hậu quả lâu dài, đời sống nhân dân vô cùng khó khăn. Các thế lực đế quốc, phản động bao vây, cấm vận, phá hoại nước Việt Nam thống nhất. Phải chiến đấu để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ ở biên giới tây nam và biên giới phía bắc, thực hiện nghĩa vụ quốc tế, cứu dân tộc Campuchia thoát khỏi họa diệt chủng. Đất nước lâm vào khủng hoảng kinh tế-xã hội từ năm 1979 do những khó khăn khách quan và cả những khuyết điểm, hạn chế chủ quan trong lãnh đạo, quản lý đất nước, xã hội.
Với bản lĩnh, trách nhiệm và tầm nhìn chiến lược, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị sớm nhận rõ những cản trở trên con đường phát triển của đất nước, tự phê bình về những biểu hiện chủ quan duy ý chí, nóng vội, giáo điều, bảo thủ và quyết tâm đổi mới nhận thức và hành động trước hết trong cơ chế, chính sách kinh tế. Quá trình đổi mới từng phần đã diễn ra với kết quả thiết thực từ các quyết sách của Trung ương, Chính phủ vào các thời điểm 8/1979, 1/1981, 3/1982, 7/1983, 6/1985, 8/1986 để đi tới quyết định đường lối đổi mới toàn diện tại Đại hội VI của Đảng.
Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh những bài học lớn trong sự lãnh đạo, cầm quyền trong đó quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”.
Các nhà lãnh đạo hàng đầu: Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Chí Công, Nguyễn Văn Linh đã cùng các cán bộ chuyên môn, khoa học, lãnh đạo các địa phương, doanh nghiệp, tổng kết các mô hình, điển hình, thảo luận, tranh luận để tìm ra tiếng nói chung dựa trên tinh thần nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng sự thật, nói rõ sự thật. Đổi mới trở thành tất yếu khách quan, là mệnh lệnh của cuộc sống. Lợi ích kinh tế của người lao động, của nhân dân trở thành động lực của sự phát triển. Đại hội VI của Đảng nhấn mạnh những bài học lớn trong sự lãnh đạo, cầm quyền trong đó quán triệt tư tưởng “lấy dân làm gốc”. “Đảng phải luôn luôn xuất phát từ thực tế, tôn trọng và hành động theo quy luật khách quan. Năng lực nhận thức và hành động theo quy luật là điều kiện bảo đảm sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng”.
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Hợp tác xã Cò Hài (Sơn La), tháng 9/1987. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh thăm và làm việc tại Hợp tác xã Cò Hài (Sơn La), tháng 9/1987. Ảnh: TTXVN
Bản lĩnh, trí tuệ và quyết tâm chính trị cao nhất của Đảng, cùng với ý chí của toàn dân, toàn quân đã làm nên toàn thắng mùa Xuân 1975. Cũng chính trong thử thách hiểm nghèo cuối những năm 70, đầu những năm 80 của thế kỷ trước đã tôi rèn ý chí, nghị lực và quyết tâm rất cao của Đảng để có được đường lối đổi mới tại Đại hội VI của Đảng. Đó là những năm tháng không thể nào quên, sự khởi đầu vĩ đại để có được thành quả hôm nay, sau gần 40 năm đổi mới.
Với 50 năm đất nước thống nhất trong đó có gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, cách mạng và dân tộc Việt Nam đã tiến những bước dài chưa từng có trong lịch sử. Đất nước, xã hội và con người đều đổi mới. Từ một nước nghèo nàn, lạc hậu, thu nhập rất thấp, năm 1986 mới khoảng 150 USD/ người, năm 2024 kinh tế phát triển mạnh mẽ, thu nhập bình quân đầu người đã đạt 4.700 USD. Chế độ chính trị vững mạnh và ổn định. Đời sống nhân dân ngày càng nâng cao trên cơ sở hoàn thiện an sinh xã hội. Quốc phòng, an ninh được tăng cường, đối ngoại, hội nhập quốc tế ngày càng mở rộng. Đại hội XIII của Đảng (1/2021) khẳng định: Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Chưa bao giờ Việt Nam có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.
Công cuộc đổi mới phải vượt qua những thách thức, nguy cơ lớn. Sau sự sụp đổ của mô hình chủ nghĩa xã hội ở Liên Xô và Đông Âu, các nước kiên định con đường xã hội chủ nghĩa, trong đó có Việt Nam, đã phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin, chú trọng tổng kết thực tiễn, Việt Nam chú trọng nghiên cứu, học tập tư tưởng Hồ Chí Minh, bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng và từ thực tiễn đổi mới đã ngày càng nhận thức đúng đắn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam.
Đổi mới trở thành tất yếu khách quan, là mệnh lệnh của cuộc sống. Lợi ích kinh tế của người lao động, của nhân dân trở thành động lực của sự phát triển.
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học-công nghệ tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: DUY LINH
Tổng Bí thư Tô Lâm cùng các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước tham quan các gian hàng giới thiệu các sản phẩm, dịch vụ, giải pháp khoa học-công nghệ tại Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Ảnh: DUY LINH


Thế giới đang chứng kiến một nước Việt Nam bứt phá, phát triển mạnh mẽ về mọi mặt. Đại hội XIII nhấn mạnh mục tiêu đến năm 2030 “Là nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao”. “Đến năm 2045... Trở thành nước phát triển, thu nhập cao”. Để đất nước phát triển nhanh và bền vững, Đại hội XIII yêu cầu tiếp tục nắm vững và xử lý tốt 10 mối quan hệ lớn. Giữa ổn định, đổi mới và phát triển; giữa đổi mới kinh tế và đổi mới chính trị; giữa tuân theo các quy luật thị trường và bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; giữa phát triển lực lượng sản xuất và xây dựng, hoàn thiện từng bước quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa; giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; giữa tăng trưởng kinh tế và phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường; giữa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế; giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ; giữa thực hành dân chủ và tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương xã hội.
Đó là những mối quan hệ lớn, phản ánh các quy luật mang tính biện chứng, những vấn đề lý luận cốt lõi về đường lối đổi mới của Đảng ta, cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và phát triển phù hợp với thay đổi của thực tiễn.
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: VŨ ANH TUẤN
Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Ảnh: VŨ ANH TUẤN
Trong khoa học lãnh đạo, quản lý, đặc biệt chú trọng năng lực dự báo, thấy trước. Đại thắng mùa Xuân 1975, Đảng đã dự báo đúng, chỉ đạo, lãnh đạo thần tốc, táo bạo, một ngày bằng 20 năm. Trong sự nghiệp đổi mới, Đảng nhận rõ mọi cơ hội, nguy cơ, vững vàng, quyết đoán đưa đất nước vượt qua khủng hoảng, phát triển mạnh mẽ. Năng lực nhận thức quy luật kết hợp với quyết tâm hành động, hiện thực hóa những khả năng.
Từ Đại hội XI của Đảng (1/2011), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tập trung vào hai vấn đề lớn: Phát triển nhận thức lý luận về đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chống tham nhũng, tiêu cực với những kết quả rất quan trọng.
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì Phiên họp thứ nhất Ban Chỉ đạo Trung ương về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Hiện nay, Tổng Bí thư Tô Lâm cùng Trung ương Đảng, Bộ Chính trị lãnh đạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới, sáng tạo, chuyển đổi số quốc gia; sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Đó là những vấn đề căn bản mang tính cách mạng tạo động lực to lớn bước vào kỷ nguyên mới của dân tộc, trong thời đại Hồ Chí Minh. Phấn đấu đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm thành lập nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam), Việt Nam trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển hùng cường, phồn vinh, văn minh, hạnh phúc. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân thống nhất nhận thức, hành động, nghĩ sâu, nhìn xa, làm lớn, thực hiện căn dặn của Bác Hồ: “Phải nhìn cho rộng, suy cho kỹ”.
Trình bày: NGÔ HƯƠNG
Ảnh: TTXVN, ĐĂNG KHOA, DUY LINH