Dịp Tết Nguyên đán cận kề, làng nghề Quảng Phú Cầu (Ứng Hoà, Hà Nội) càng thêm tất bật, nhộn nhịp. Ở khắp đường làng, lối xóm không khó để bắt gặp hình ảnh các đóa tăm hương sặc sỡ sắc màu, “bung nở” đón Tết.

Quảng Phú Cầu từ lâu đã nổi tiếng với nghề tăm hương và hương truyền thống.

Nơi đây được biết tới là nơi cung cấp hương cho nhiều tỉnh phía bắc cũng như nước ngoài.

Những ngày này khi tới Quảng Phú Cầu không khó để bắt gặp cảnh người dân tất bật chuẩn bị những công đoạn sản xuất tăm hương cho Tết.

Những công đoạn sơ chế nguyên liệu được người dân chuẩn bị từ nhiều ngày trước. Nguyên liệu để làm tăm hương chủ yếu là cây vầu.

Vầu sau khi sơ chế được phơi nhiều ngày dưới nắng cho khô hẳn.

Sau khi phơi từ 2 đến 4 ngày dưới nắng, vầu được người dân thu về xưởng để đưa vào máy chẻ tăm hương.

Tăm hương sau khi được chẻ sẽ được mang đi nhuộm chân.

Chân hương ở Quảng Phú Cầu được nhuộm bằng màu đỏ và hồng.

Sau khi đã hoàn tất các công đoạn nhuộm, tăm hương sẽ được cột thành từng bó mang đi phơi.

Những bó tăm hương được phơi tại sân đình, đường ngang lối nhỏ trong làng.

Rất nhiều nhiếp ảnh gia đã ghi lại được những bức hình đẹp tại làng hương Quảng Phú Cầu.

Mới đây hãng thông tấn Pháp AFP cũng đã làm phóng sự về nghề làm hương tại Quang Phú Cầu dịp giáp Tết.

Nghề làm hương Quảng Phú Cầu nhộn nhịp nhất vào 2-3 tháng trước Tết.

Để đáp ứng các đơn hàng, các cơ sở làm hương và tăm hương trên địa bàn cũng nhận thêm lao động từ bên ngoài vào.

Tăm hương sau khi phơi khô sẽ được vận chuyển đến nơi sản xuất hương.

Chân hương được vận chuyển đến nơi se bột để làm nên thành phẩm cuối cùng.

Hương được làm từ trầm, tùng, trắc, quy đầu, bạch chỉ, hoắc hương, hoa hồi, quế chi, nhựa cây trám, củ, rễ cây bài, than xoan... Tùy từng loại hương để người làm nghề lựa chọn nguyên liệu phù hợp.

Với cách làm truyền thống, khi se hương, người thợ phải lăn thật nhẹ và chắc tay để cho bột bám đều vào que hương. Còn bây giờ nhờ công nghệ hiện đại, nhiều nhà đầu tư máy móc để công đoạn này trở nên nhanh hơn, đồng thời tăng năng suất đáng kể.

Anh Nguyễn Hữu Trường, chủ cơ sở sản xuất tăm Ánh Trường, thôn Cầu Bầu, xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa cho biết: “Xưởng của tôi chuyên sản xuất tăm để làm hương các loại phục vụ Tết. Thời điểm này chúng tôi đã phải gấp rút làm thêm ca để đủ hương phân phối cho các tỉnh. Dịch bệnh làm cho việc vận chuyển khó khăn đặc biệt là những hợp đồng đi nước ngoài. Nên xưởng của tôi chủ yếu phục vụ nhu cầu trong nước”.

Hương sau khi se xong phải đủ nắng mới không bị mốc và để được lâu.

Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Hữu Nhất, Chủ tịch UBND xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa (Hà Nội) cho biết, thời điểm giáp Tết, xã Quảng Phú Cầu bước vào vụ hương lớn nhất trong năm. Do đó, việc kiểm tra, kiểm soát các hoạt động sản xuất được chính quyền nghiêm túc thực hiện. Xã cũng đã có văn bản gửi đến các xưởng sản xuất phải bảo đảm 5K của Bộ Y Tế cũng như an toàn lao động cho người tham gia sản xuất.

Ông Nhất cho biết thêm, chính quyền xã cũng rất quyết tâm trong việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế theo tinh thần nghị quyết của Đảng ủy, HĐND xã, do vậy UBND luôn tạo điều kiện cho bà con sản xuất, đặc biệt thời điểm cận Tết bà con tập trung vào sản xuất để khôi phục kinh tế, đồng thời nâng cao đời sống của nhân dân và góp phần vào phát triển kinh tế của huyện.

Trải qua gần một thế kỷ, nghề làm hương ở Quảng Phú Cầu không chỉ là nghề tạo công ăn việc làm cho bà con mà còn trở thành nét đẹp rất riêng biệt của vùng đất nơi đây.


Xuất bản ngày: 30/01/2022
Ảnh: HÀ NAM
Biên tập và Trình bày: BÔNG MAI