Nắng xuân

trên những làng nghề

Men theo sông Hồng, người dân từ khắp nơi đổ về Kẻ Chợ để mưu sinh, mang theo nghề địa phương như cách phù sa đổ vào sông Hồng để làm trù phú Thăng Long, bồi đắp cho Hà Nội. "Đất trăm nghề" ngày Tết, cuộc sống cũng như rộn ràng hơn.


Nơi hồn tượng Sơn Ðồng

Ngày xuân cái én xôn xao
Con công cái bán ra vào chùa Hương.
Chim đón lối, vượn đưa đường
Nam mô đức Phật bốn phương chùa này.

Cứ dịp xuân về, người dân lại nô nức đến chùa lễ Phật. Một là xin gia đạo bình an, hai là cầu quê hương yên ấm. Ngày xuân, người ta thường dùng những lời đẹp đẽ để chúc tụng nhau, thế nhưng, có lẽ chỉ có trước tượng Phật thì con người mới nói hết những mong cầu, lo lắng, bất an hay những điều kỳ vọng. Và cũng vì thế, những bức tượng Phật dường như trở nên quan trọng hơn, trong đời sống tâm linh con người.

Men theo quốc lộ 32, chúng tôi tìm về làng nghề Sơn Đồng, Hoài Đức, Hà Nội - làng nghề tạc tượng Phật nức tiếng, có truyền thống làm nghề đã ngót nghét 800 năm, là nơi phân phối tượng thờ đi khắp nơi trong cả nước. Đi sâu vào làng, nhiều xưởng sản xuất tượng Phật vẫn đang hoạt động để phục vụ nhu cầu thờ cúng của người dân vào dịp cuối năm.

Làng nghề tạc tượng Phật nức tiếng, có truyền thống làm nghề đã ngót nghét 800 năm.

Làng nghề tạc tượng Phật nức tiếng, có truyền thống làm nghề đã ngót nghét 800 năm.

Việt Nam vốn là quốc gia có nền văn hóa tôn giáo và tín ngưỡng đa dạng, đặc biệt là ở miền bắc. Tại Bắc Bộ, những ngôi chùa có niên đại hàng trăm năm, kết hợp với tín ngưỡng đạo Mẫu bản địa khiến những tượng thờ tại đây mang đậm phong cách Việt Nam, chứ không chịu ảnh hưởng bởi văn hóa Trung Hoa hay Khmer nhiều như những vùng khác.

Cũng chính vì thế, việc làm thế nào để tạo ra những pho tượng vừa bảo đảm thẩm mỹ, vừa phải đúng với văn hóa truyền thống Việt Nam cũng đòi hỏi sự khéo léo, kiến thức cao và hơn thế nữa từ các nghệ nhân. Ngày nay, nhiều xưởng sản xuất có sự hỗ trợ của máy móc, đã có thể thực hiện được nhanh hơn, chính xác hơn, nhưng nhiều hộ vẫn hạn chế sự can thiệp của máy móc và duy trì những kỹ thuật thủ công. Chính cách làm này đã tạo ra sự khác biệt ở mỗi pho tượng. "Nghề nào thì cũng cực thôi, nhưng nghề làm tượng đòi hỏi cái tâm. Làm mà không để cái tâm mình vào, phát mộc không chuẩn là mất dáng tượng, sẽ làm hỏng cả bức tượng", nghệ nhân quốc gia Trần Đình Tuấn chia sẻ.

Nghề nào thì cũng cực thôi, nhưng nghề làm tượng đòi hỏi cái tâm.

Nghề nào thì cũng cực thôi, nhưng nghề làm tượng đòi hỏi cái tâm.

Ngày xuân, đứng trước những tượng Phật, tượng Mẫu, hay tượng thờ các danh nhân Việt Nam, chúng ta gửi lòng vào những lời cầu nguyện, thì đâu đó tại Sơn Đồng, các nghệ nhân cũng gửi hết tâm trí vào từng bức tượng, với mong muốn khối gỗ trong tay họ hôm nay sẽ trở thành chốn bình yên và thanh thản cho tâm thành của bà con.


Nơi mặt hồ kể chuyện non sông

Múa rối nước là một nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Múa rối nước là một nét văn hóa phi vật thể đặc sắc của dân tộc Việt Nam.

Rời Sơn Đồng, phóng viên đi về phía bắc Thủ đô Hà Nội, đến làng Đào Thục, huyện Đông Anh, nơi được mệnh danh là "Thủ phủ rối nước" của đất kinh kỳ. Vào làng, chúng tôi được giới thiệu đến nhà nghệ nhân Nguyễn Văn Phi, người tạo hình rối nước duy nhất còn giữ nghề của làng Đào Thục.

Qua lời kể của nghệ nhân Phi, phường rối Đào Thục có gần 30 người, với nhiều vai trò khác nhau như hát, hậu trường, điều khiển rối, nhạc công… Phần lớn phường rối đều là người làm nông, vì yêu truyền thống nên giữ phường rối nước. Rối nước là một trong những loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của Việt Nam, các nghệ sĩ rối nước không bao giờ lộ mặt, sân khấu là mặt nước và không cần rực rỡ ánh đèn, nhưng những động tác của họ lại mang niềm vui cho biết bao người. Các tác phẩm rối nước hầu hết đều là những vở thể hiện tinh thần yêu nước, kể lại những câu chuyện về các danh nhân như câu chuyện về Lê Lợi, Hồ Hoàn Kiếm hay Hai Bà Trưng. Bên cạnh đó, những câu chuyện về con trâu, cây lúa, ca ngợi văn hóa nông nghiệp cũng được thể hiện sinh động. Hoạt động múa rối nước không chỉ mang tính chất giải trí, mà còn là hoạt động nghệ thuật mang tính giáo dục cao về tinh thần dân tộc và truyền thống quê hương.

Những con rối đẹp một cách mộc mạc, kèm theo đó một lối trình diễn giáo trò vô cùng gần gũi, chân phương.

Những con rối đẹp một cách mộc mạc, kèm theo đó một lối trình diễn giáo trò vô cùng gần gũi, chân phương.

Không chỉ nổi tiếng về múa rối, những con rối được nghệ nhân làng nghề Đào Thục làm ra cũng lắm công phu. Từng khâu từ chọn gỗ, đục, đẽo, tạo hình đều được làm vô cùng tỉ mẩn. Chính điều này cũng giúp tiếng thơm về làng Đào Thục vang xa, và cũng mang lại niềm vui cho người dân khắp nơi những ngày xuân đến.


Ðến Ðào Xá,  nghe chuyện nghề đàn

Nghệ nhân Đào Văn Soạn đã ngoài 80 tuổi, có hơn 50 năm trăn trở với nghề.

Những nghệ nhân của làng Đào Xá vẫn luôn cố gắng giữ nghề, như giữ cho Hà Nội những thanh âm trong trẻo vang lên giữa cuộc sống xô bồ.

Nghệ nhân Đào Văn Soạn đã ngoài 80 tuổi, có hơn 50 năm trăn trở với nghề.

Những nghệ nhân của làng Đào Xá vẫn luôn cố gắng giữ nghề, như giữ cho Hà Nội những thanh âm trong trẻo vang lên giữa cuộc sống xô bồ.

Đến Đào Xá, huyện Ứng Hòa, Hà Nội, ngay từ đầu làng, người dân đã hoan hỷ hướng dẫn chúng tôi đến nhà cụ Đào Văn Soạn, nghệ nhân làm đàn tại đây. Hiện ra trước mắt phóng viên là hàng chục loại nhạc cụ với nhiều mẫu mã, mầu sắc và công năng đa dạng. Các nhạc cụ này đều được làm ra bởi cụ Soạn, nghệ nhân đã ngoài 80 tuổi, có hơn 50 năm trăn trở với nghề.

Nâng niu cây đàn tranh, gảy nhẹ khúc cổ Đăng Đàn Cung, cụ Soạn xa xăm hồi tưởng: "Trước năm 1945, nhạc "Tây" được ưa chuộng nhiều hơn. Thời đó cứ tưởng nhạc truyền thống không còn chỗ đứng, nhưng rồi sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, âm nhạc dân tộc được Đảng và Nhà nước chủ trương khôi phục, từ đó người dân tiếp xúc trở lại với văn hóa truyền thống nhiều hơn, làng nghề Đào Xá cũng từ đó mà thịnh".

Đàn của làng Đào Xá vô cùng đặc biệt, các loại nhạc cụ ở đây chủ yếu được làm thủ công. Những nghệ nhân phải tỉ mỉ vô cùng để âm thanh ra đúng chất lượng và kỹ thuật. Theo cụ Soạn, tất cả các loại gỗ dùng để sản xuất đàn đều phải đúng loại, nếu không thì không thể phát ra được đúng âm thanh, tốt nhất nên là gỗ vông và gỗ trắc.

Không chỉ chất lượng âm thanh, ngoại hình cũng là yếu tố quan trọng trong việc chế tác. Trước khi đến được tay các nghệ sĩ, các loại nhạc cụ đều trải qua quá trình mài giũa, đánh bóng, tạo hình cẩn thận. Đặc biệt, cùng một loại gỗ, nhưng dùng cho mặt này thì sẽ tạo ra tiếng thổ, dùng cho mặt kia thì sẽ phát ra tiếng kim, thể hiện nhiều âm vực cho các loại nhạc cụ. Chỉ cần thay đổi loại gỗ thì âm thanh cũng sẽ có nhiều điểm khác nhau. Thang ngũ âm lên bổng xuống trầm, chuyện làng nhạc cụ cũng thăng trầm theo dòng lịch sử. Thế nhưng, những nghệ nhân ở đây vẫn luôn cố gắng giữ làng, giữ nghề, như giữ cho Hà Nội những thanh âm trong trẻo vang lên giữa cuộc sống xô bồ.


Lửa nghề, rồi mai ai giữ?

Thế nhưng, câu chuyện đằng sau các làng nghề lại là câu chuyện đáng quan tâm hơn hết. Nốt nhạc cuối cùng vừa đánh xong, cụ Soạn đặt cây đàn tranh bóng loáng vừa làm lên kệ: "Nhạc cụ phát ra âm thanh thì bên trong thường rỗng, nghề này làm đến đâu ăn đến đó chứ không giàu được, vì vậy mà chúng tôi thường gọi vui nghề của mình là nghề rỗng ruột". 

Nghệ nhân Đào Văn Soạn dí dỏm chia sẻ: "Chúng tôi thường gọi vui nghề của mình là nghề rỗng ruột".

Nghệ nhân Đào Văn Soạn dí dỏm chia sẻ: "Chúng tôi thường gọi vui nghề của mình là nghề rỗng ruột".

"Gọi vui" nhưng gương mặt người nghệ nhân già không giấu được vẻ trầm ngâm: "Tôi thì muốn giữ nghề, nhưng nghề không phát triển được thì không sống nổi, đám trẻ trong làng bỏ đi làm nhà máy hết rồi, có còn ai muốn theo nghề nữa đâu. Giờ mà có người mở lớp dạy nghề, tôi sẵn sàng dạy không công, chỉ cần nghề làng đừng mất, nhưng mà…" - cụ Soạn bỏ lửng câu nói.

Tương tự như làng Đào Xá, dù là phường rối nổi tiếng khắp cả nước, thế nhưng ngay ở đầu làng, khi chúng tôi hỏi một số người trẻ về nhà của nghệ nhân tạo hình rối, lại có người… không biết. Làng nghề Đào Xá chỉ còn một nhà làm đàn, làng nghề Đào Thục cũng chỉ còn một nghệ nhân tạo hình, nhưng giờ đây đó chỉ là việc phụ, công việc chính vẫn là đóng bàn ghế gỗ để mưu sinh. Đặc biệt là trong đầu mùa dịch Covid-19 đến nay, thủy đình biểu diễn trở nên hiu hắt, những con rối lung linh trên mặt nước ngày nào giờ đây cũng bám đầy tơ nhện và nằm khuất trên các góc kệ. Không chỉ có những làng nghề này, mà rất nhiều làng nghề khác cũng đang "kêu cứu".

Những chú rối nước bị "bỏ quên" nơi góc xưởng, phủ một lớp bụi dày của thời gian và tơ nhện.

Những chú rối nước bị "bỏ quên" nơi góc xưởng, phủ một lớp bụi dày của thời gian và tơ nhện.

Nghệ nhân của làng dần chuyển sang nghề đóng bàn ghế, giường tủ để mưu sinh kiếm sống.

Nghệ nhân của làng dần chuyển sang nghề đóng bàn ghế, giường tủ để mưu sinh kiếm sống.

Có lẽ, đã đến lúc chúng ta cần nghĩ nhiều hơn đến sinh kế cho những người "níu giữ mùa xuân Hà Nội". Mùa xuân, ai cũng mong muốn có những niềm vui, những người làm nghề truyền thống cũng vậy. Việc cần làm hiện tại là tăng cường giữ gìn và phát triển làng nghề, từ sinh kế của nghệ nhân đến việc giáo dục dạy nghề phổ quát, để cùng nhau giữ mùa xuân này và những mùa xuân sau thật đầy ý nghĩa■

"Tôi thì muốn giữ nghề, nhưng nghề không phát triển được thì không sống nổi, đám trẻ trong làng bỏ đi làm nhà máy hết rồi, có còn ai muốn theo nghề nữa đâu. Giờ mà có người mở lớp dạy nghề, tôi sẵn sàng dạy không công, chỉ cần nghề làng đừng mất, nhưng mà…", cụ Soạn bỏ lửng câu nói.

"Tôi thì muốn giữ nghề, nhưng nghề không phát triển được thì không sống nổi, đám trẻ trong làng bỏ đi làm nhà máy hết rồi, có còn ai muốn theo nghề nữa đâu. Giờ mà có người mở lớp dạy nghề, tôi sẵn sàng dạy không công, chỉ cần nghề làng đừng mất, nhưng mà…", cụ Soạn bỏ lửng câu nói.

Bài và ảnh: MINH DUY