Nhân dịp đầu năm mới, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã có cuộc trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về cơ hội và thách thức mới của ngành nông nghiệp trong năm 2024 và những hành động của ngành để từng bước hiện thực hóa được Nghị quyết số 19-NQ/TW, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong khó khăn Việt Nam trở thành điểm đến an ninh lương thực
PV: Từ những kết quả ngành đã đạt được trong năm qua, Bộ trưởng có những nhận định như thế nào về những nỗ lực của người nông dân, của ngành nông nghiệp và đất nước Việt Nam trong việc thích ứng với những biến động của thị trường?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Năm 2023, trong bối cảnh gặp nhiều khó khăn, thách thức, đặc biệt là về thị trường, nhưng xuất khẩu toàn ngành nông nghiệp vẫn đạt được các kết quả nổi bật: GDP toàn ngành tăng cao nhất trong nhiều năm trở lại đây, ước đạt 3,83%; giá trị xuất khẩu đạt hơn 53 tỷ đô la Mỹ, tiếp tục khẳng định vị thế là trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm vững chắc an ninh lương thực, các cân đối lớn của nền kinh tế và góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.
Từ những kết quả đạt được chúng ta có thể thấy được ngành nông nghiệp của chúng ta thích ứng khá nhanh, các cộng đồng doanh nghiệp, người nông dân của chúng ta có phản xạ khá tốt trước những biến động của thị trường trong nước và quốc tế.
Mặc dù ở một số lĩnh vực của ngành như thủy sản, lâm nghiệp, chăn nuôi ở những thời điểm nhất định còn có những khó khăn nhưng nhờ có sự quan tâm của Đảng, Nhà nước bằng những chính sách linh hoạt mở cửa thị trường, liên tục có những cuộc xúc tiến, hội nghị trực tuyến giữa các nước, các thị trường lớn, sự hỗ trợ các cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài... nên về cơ bản những tiềm năng của chúng ta được phát triển.
Một minh chứng cụ thể là trong bối cảnh an ninh lương thực khó khăn, Việt Nam trở thành điểm đến an ninh lương thực của các quốc gia. Khó khăn về an ninh lương thực khiến một số quốc gia có ngành hàng lúa gạo phát triển như Ấn Độ buộc phải đóng cửa để bảo đảm an ninh lương thực thì Việt Nam vừa bảo đảm an ninh lương thực trong nước vừa tham gia được thị trường lúa gạo của toàn cầu.
Thông qua đó, thêm một lần nữa khẳng định Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm, nền nông nghiệp có trách nhiệm, minh bạch và bền vững.
PV: Để đạt được những kết quả thời gian qua ngành nông nghiệp cũng như người nông dân cũng có những bước “chuyển mình” mạnh mẽ về tư duy và hành động. Bộ trưởng có thể chia sẻ thêm về sự thay đổi đó?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nói về sự thay đổi, đầu tiên phải kể đến đó là sự thay đổi về thị trường. Việt Nam đang từng bước đa dạng hóa thị trường, đa dạng hóa sản phẩm. Trước kia chúng ta bán sản phẩm ở thị trường thấp nhưng nay Việt Nam đã có nhiều tầng lớp sản phẩm vào thị trường cao cấp, trung cấp, thấp cấp. Chúng ta đang chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, chuyển từ tăng trưởng đơn giá trị sang đa giá trị.
Ngày xưa người nông dân chỉ trồng lúa đơn thuần thì nay đã có nhiều mô hình linh hoạt như đồng lúa đồng rươi ở Hải Dương, Hải Phòng, đồng lúa tôm, lúa cá ở đồng bằng sông Cửu Long… Nông dân Việt Nam đã vượt qua được tư duy truyền thống chỉ một ngành hàng, tư duy thuần lúa. Nông nghiệp không còn chỉ là trồng trọt và chăn nuôi mà mà đã tích hợp ở nhiều ngành hàng để tạo ra giá trị cao hơn.
Chúng ta thấy những sản phẩm OCOP, đằng sau chứng nhận sản phẩm OCOP đó chính là sự tích hợp đa giá trị. Nông dân không còn bán thô nữa mà đã tích hợp những tài nguyên bản địa tạo ra được những dòng sản phẩm mới.
Có thể thấy sức sống của ngành nông nghiệp còn có dư địa rất nhiều, chỉ cần thay đổi tư duy, thay đổi sản xuất sẽ tạo ra được sản phẩm thích ứng cho các phân khúc của thị trường khác nhau. Đó là cơ hội để Việt Nam tiến tới một ngành nông nghiệp vững vàng, một nền nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên và những nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hệ sinh thái. Đó cũng là niềm tin của đất nước khi bước vào năm 2024.
Thay đổi là xu thế tất yếu
PV: Để có thể bước vào các thị trường cao cấp như Bộ trưởng vừa nhắc tới thì các sản phẩm phải đáp ứng rất nhiều tiêu chí. Trong đó có những tiêu chí gây khó cho doanh nghiệp và người nông dân. Bộ trưởng có bình luận gì về vấn đề này?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận lại giá trị của các sản phẩm nông nghiệp mà ta sản xuất ra, bởi bây giờ khách hàng, người tiêu dùng trong nước và quốc tế không chỉ mua sản phẩm mà mua cả giá trị sản phẩm đó. Khi làm việc với các đại sứ Liên minh châu Âu họ có chia sẻ về những dự định trong tương lai các sản phẩm xuất khẩu vào thị trường EU sẽ còn có nhiều quy định hơn.
Thí dụ như sản phẩm về gỗ sẽ không chỉ cần đáp ứng các quy định của Liên minh châu Âu (EU) về chống mất rừng và suy thoái rừng (EUDR) mà cần phải xem xét nguồn gốc tạo ra sản phẩm đó có sử dụng lao động trẻ em hay không, có dùng năng lượng hóa thạch không, có ảnh hưởng đến môi trường, khí hậu không?...
Thậm chí nếu sản phẩm nhập khẩu nguyên liệu của nước ngoài cũng phải truy xuất được những yếu tố tác động của các nước nhập khẩu nguyên liệu có đáp ứng được với yêu cầu của EU hay không? Nếu không bảo đảm các quy định thì họ cũng không nhập khẩu những sản phẩm của chúng ta. Câu chuyện đó có thể hôm nay chưa xảy ra nhưng chắc chắn những quy định đang nằm trên bàn nghị sự của Liên minh châu Âu.
Nếu nhìn ở một khía cạnh đơn giản, có thể chúng ta nghĩ rằng các quốc gia châu Âu họ đưa ra các tiêu chí khó để “ép” mình, nhưng nếu nhìn nhận ở một góc độ khách quan thì những tiêu chí đó góp phần tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh giữa các quốc gia với nhau.
Các nước châu Âu họ cũng phải tuân thủ các quy định trên, thậm chí họ còn là người đi trước áp dụng các quy định đó để hướng tới một nền nông nghiệp xanh, sạch, bền vững. Khi họ đã phải bỏ ra chi phí cao để sản xuất theo các quy định đưa ra, nếu không quy định chặt chẽ với các sản phẩm nhập vào quốc gia họ thì vô hình chung sẽ tạo ra sự cạnh tranh thiếu lành mạnh đối với những sản phẩm của chính quốc gia đó.
Tôi muốn nhấn mạnh lần nữa chúng ta phải thích ứng với xu thế thay đổi. Xu hướng xanh hóa toàn cầu là một xu thế không đảo ngược được, đừng bao giờ mong muốn nó trở lại ngày xưa.
Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định Việt Nam sẵn sàng cam kết xây dựng một nền nông nghiệp phát triển bền vững, nhưng Việt Nam là một nước đang phát triển nên cần có sự đồng hành của EU để từng bước tiến tới một ngành nông nghiệp vững vàng, một nền nông nghiệp sinh thái thuận theo tự nhiên và những nền nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn hệ sinh thái.
Các nước châu Âu họ cũng sẵn sàng chia sẻ nguồn tài trợ để Việt Nam từng bước thực hiện mục tiêu đó. Thay đổi là xu thế tất yếu, quốc gia nào đi trước thì quốc gia đó sẽ dành được lợi thế.
PV: Thưa Bộ trưởng, thời gian qua từ khóa xanh được sử dụng rất nhiều đặc biệt ở lĩnh vực nông nghiệp chúng ta có nông nghiệp xanh, tư duy xanh…. Vậy Bộ trưởng có thể chia sẻ thông điệp của tư duy xanh và hành động của ngành nông nghiệp để phát triển nông nghiệp xanh, tư duy xanh?
Bộ trưởng Lê Minh Hoan: Nói đến tư duy xanh tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần định vị và tường minh hơn về ý nghĩa của hai từ khóa này. Chúng ta thường nói rằng nông nghiệp xanh, kinh tế xanh…, nhưng thật ra chữ xanh nó đi sau chữ nâu. Trước đây nền kinh tế của chúng ta là kinh tế nâu, tức là vì sự phát triển mà làm biến dạng môi trường. Nói theo nghĩa đen, chúng ta bị lạm dụng môi trường để nuôi sống con người, tạo ra sự biến dạng về môi trường và biến dạng về sinh học. Chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang làm ra kinh tế để nuôi sống con người nhưng mà chúng ta quên rằng như vậy vô hình chung con người sống trong môi trường ô nhiễm cũng bị tổn thương nghiêm trọng. Con người không thể tồn tại mà không có một môi trường xanh chung quanh, đó là khí tượng, là bóng mát… Môi trường xanh là cái để chúng ta trở lại cân bằng với giữa sự phát triển với sự giữ gìn cho hệ sinh thái tự nhiên, môi trường tự nhiên.
Có những lúc chúng ta nghĩ rằng muốn phát triển kinh tế thì chúng ta phải đánh đổi, muốn tăng trưởng phải hy sinh, nhưng đến nay với sự phát triển công nghệ thì có thể giải quyết vấn đề đó. Thí dụ ngày xưa chúng ta nói trồng lúa sản lượng, chất lượng cao thì phải chấp nhận hiệu ứng phát thải khí nhà kính; chăn nuôi thủy sản giá trị cao thì phải chấp nhận khí metan… Bằng việc đưa ứng dụng khoa học kỹ thuật công nghệ vào trong nông nghiệp chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện đề án 1 triệu ha lúa và các dự án thủy sản mà vẫn bảo đảm được sự phát triển bền vững.
Mặc dù vậy, để có được tư duy xanh, lối sống xanh phải là một quá trình. Ở các quốc gia phát triển vấn đề này được đưa vào trường học từ cấp mầm non, người ta đã nuôi dưỡng tư duy xanh cho học sinh ở những cấp nhỏ nhất và phát triển dần dần ở những cấp cao hơn. Bây giờ chúng ta phải chuyển đổi thì cũng không thể chờ đợi để huấn luyện đào tạo từ cấp mẫu giáo để đến nhiều năm sau mới tạo được hệ sinh thái tư duy xanh, lối sống xanh. Cái khó nhất của chúng là phải song hành thực hiện cả hai hành động vừa thay đổi tư duy, lối sống vừa đào tạo được thế hệ sau có được những tư duy xanh, lối sống xanh. Đây là một quá trình dài nếu chúng ta không bắt tay vào hành động chúng ta sẽ bị tụt lại phía sau.
PV: Xin cảm ơn Bộ trưởng!