"Nhà và Người" của Lê Thiết Cương:

LẮNG NGHE TRONG YÊN LẶNG

Hoạ sĩ Lê Thiết Cương vừa ra mắt tập tản văn dày dặn với hơn 300 trang, nhiều hình ảnh đẹp với tên gọi “Nhà và Người” (NXB Hội Nhà văn và Liên Việt ấn hành).

Ngoài Lời giới thiệu của tác giả và bài đóng lại “Một giọng điệu văn hoá” của Nguyễn Thuỵ Kha, thì tập sách có 57 bài tản văn đa phần gọn gàng. Và như hoạ sĩ chia sẻ thì đấy là những bài viết của anh trong hơn hai chục năm qua cho một số tạp chí về kiến trúc nội thất. Qua chuyện nhà cửa để gửi gắm chuyện người, chuyện cảnh, chuyện một thời và rộng ra, sau cuối còn là chuyện văn hoá, chuyện dân tộc.

Những nhẩn nha suy ngẫm

Tản văn của Lê Thiết Cương kể chuyện phố nhà từ các phố Hàng Hà Nội đến các dải đất cao nguyên Lâm Đồng (Đà Lạt) và cả miền núi phía bắc (Sa Pa)… Nơi nào có dấu chân tác giả cũng là nơi anh gửi gắm nhiều quan sát, lắng nghe, thấu cảm. Những chi tiết được kết nối, liên tưởng qua cái nhìn của người làm mỹ thuật cũng như viết lách về văn hoá, cho ra nhiều nhận xét thú vị về đất và người.

Chẳng hạn như Hà Nội không chỉ là mua bán, mặc cả, đồng thời còn là lễ hội, hội hè đình đám mà Cương gọi là “festival vĩnh cửu không nghỉ bao giờ”. Gọi ra tâm trạng này của Hà Nội, không chỉ là nỗi nhớ của kẻ tha hương “Giá như lúc đó đừng phải một mình. Hà Nội đẹp lắm. Giá như có tri âm để “nói láo” dăm ba câu thì tuyệt thú. Kawataqa bảo: “Khi tiếp xúc với cái đẹp, người ta thèm có bạn” chẳng ai ca ngợi bạn hay thế bao giờ” (36 phố-Một Hà Nội).

Anh kể, nhiều khi cứ lặng lẽ theo chị bán rong cắp bên hông thúng bánh gai, bánh nếp… để nghe tiếng bước chân, nghe những câu nói đã tưởng chừng biến mất (Duyên Hà Nội).

Khi Cương viết “Chất Hà Nội đặc trưng và hàm súc nhất là ngõ” và  “Đằng sau Hà Nội là một cội rễ làng nào đó” (36 phố-Một Hà Nội), tôi lại nhớ đến nhà nghiên cứu, một Tiến sĩ Tâm lý học của Nhật Bản Ito Tetsuji với công trình “Ngõ phố Hà Nội-những khám phá”. Ngõ phố sống động mà làm nên hồn cốt của Hà Nội ấy cũng là thứ đã mê hoặc một nhà nghiên cứu nước ngoài từ mấy chục năm trước.

Qua chuyện nhà cửa để gửi gắm chuyện người, chuyện cảnh, chuyện một thời và rộng ra, sau cuối còn là chuyện văn hoá, chuyện dân tộc.

Những quan sát, cảm nhận của tác giả giàu tính mỹ thuật, đã đành nhưng điều đọng lại là những suy tưởng từ đó. Bàn chuyện hướng bếp, Lê Thiết Cương có được một tham chiếu thú vị. Chuyện ghi ở nhà cụ Cầm Vĩnh Chi trên Thuận Châu, trong đó, con trai cụ Chi thủng thằng: “Bếp của người Thái đặt ở giữa nhà, lửa góc nào kém thì người ngồi góc đó nhồi thêm củi vào. Hướng nào cũng là hướng tốt, thanh thản, hoà thuận chẳng phải kiêng khem gì”. (Lửa và nước)

Người bàn về giếng làng hẳn không ít, nhưng Lê Thiết Cương có chắt lọc riêng cho mình: “Lòng giếng cũng là lòng làng, lòng người” (Giếng làng Diềm).

Đi, trải nghiệm và suy ngẫm như trong câu chuyện về “Duyên Đà Lạt” để kết được những dòng cuối “hơn hết là được hoài nghi về chính mình” đâu phải chỉ là chuyện câu chữ. Khi nào người ta hoài nghi về chính mình? Khi có một tâm thế của người mở lòng, của cái nhìn đón nhận cái khác biệt hoặc là khi quay vào nội giới.

Lê Thiết Cương sinh năm 1962, tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh.

Từ năm 1990 hoạt động như một nghệ sĩ tự do tại Hà Nội.

Anh có nhiều triển lãm cá nhân ở các nước cũng như có tranh trong bộ sưu tập các Bảo tàng ở Singapore, Bỉ, Việt Nam.

Nỗi “thèm bạn” và chuyện người nghệ sĩ

Lê Thiết Cương nhắc nhiều đến bạn, nỗi “thèm bạn”, một tâm trạng rất nghệ sĩ-dường như cũng là cái nỗi vừa thèm cô đơn vừa sợ cô đơn của người sáng tạo.

Trang sách của Lê Thiết Cương có nhiều văn nhân, nghệ sĩ-những người bạn của tác giả cũng như những người gặp trong cuộc đời. Mà những người ấy cũng được kể lại trong kết nối với chuyện nhà một cách hữu duyên. Như chuyến gặp lại ngôi nhà cũ của tác giả ở tầng 2, lô A1, khu tập thể Giảng Võ. Trong hương vị hiện thực của không gian nhà hàng hôm nay, quá khứ dội về tiếng guốc mộc hoà với tiếng ru con bằng nhạc Trịnh của người láng giềng vốn là một nhà nghiên cứu mỹ thuật cổ… Không gian chồng lên không gian, giữa ký ức và hiện tại. Một Hà Nội như thế bảo sao không khiến lòng người quay quắt nhớ.

Lê Thiết Cương nhắc nhiều đến bạn, nỗi “thèm bạn”, một tâm trạng rất nghệ sĩ-dường như cũng là cái nỗi vừa thèm cô đơn vừa sợ cô đơn của người sáng tạo.

Kể chuyện ngôi nhà của nhà điêu khắc Phan Phương Đông, tác giả đã đặt mình trọn vẹn trong không gian ấy, và những dòng chữ cũng từ đó mà đi ra, bình thản, tự nhiên, tình cảm: “Đông thương ngôi nhà của mình, anh luôn luôn triển lãm những tác phẩm điêu khắc mới nhất tại nhà. Anh cũng thương những tác phẩm của mình, nó cần một không gian tối giản và yên tĩnh để hoà với nó…Chính thế mà mỗi lần lên cơn thèm tượng của Phan Phương Đông thì tôi lại đi Sài Gòn, lại lần mò đến nhà Đông, lại lớ ngớ, lại lạc, lại nhầm lẫn, nhưng biết thế nào rồi cũng tới cái nơi yên tĩnh và tối giản đó để xem tĩnh lặng của Đông và gặp Đông mà chẳng cần nói gì”.

Qua đây, cũng là để hiểu thêm những người nghệ sĩ, hiểu thêm không gian của họ, nỗi cô đơn, vẻ đẹp cũng như niềm hạnh phúc mà họ tìm thấy trong sáng tạo.

Tôi thích những trang viết có nét duyên dáng, dí dỏm anh kể về bạn bè, về Hà Nội một thời. Bởi vì hiện thực ấy với mỗi người là mỗi khác. Nó ánh lên bao nhiêu là sinh động. Đọc được nó tức là “xuyên không” trở về cùng nó. Với những ai yêu Hà Nội, yêu bước đi thăng trầm của thành phố, xem như đó là một sự tưởng thưởng không nhỏ mà thành phố dành cho ta, qua trang viết của người nghệ sĩ.

Tản văn “Nghe không” chả phải chỉ kể chuyện chơi loa, đĩa của người trong giới, những hình ảnh, gương mặt Hà Nội trong quá khứ mà còn là những gửi gắm của người trong cuộc. Trong cuộc chơi ấy, gìn giữ những sáng tạo vật chất một thời dù chúng không còn có thể cất tiếng, nhưng hề gì, bởi có thể lắng nghe trong im lặng. Tản văn kể những chuyện đời thực nhưng cũng lại là những dẫn dụ trong tâm tưởng khi người viết đủ sức gọi mời người đọc đi xa hơn.

Tản văn kể những chuyện đời thực nhưng cũng lại là những dẫn dụ trong tâm tưởng khi người viết đủ sức gọi mời người đọc đi xa hơn.

Lê Thiết Cương sinh năm 1962, tốt nghiệp trường Sân khấu - Điện ảnh. Từ năm 1990 hoạt động như một nghệ sĩ tự do tại Hà Nội. Anh có nhiều triển lãm cá nhân ở các nước cũng như có tranh trong bộ sưu tập các Bảo tàng ở Singapore, Bỉ, Việt Nam.

Ngày xuất bản: 31/8/2024
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH
Nội dung: HÀ AN
Trình bày: NGỌC DIỆP