Cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Lê Trọng Tấn là tấm gương sáng của người chiến sĩ cộng sản kiên trung, người chỉ huy “sáng tạo, mưu lược, quyết đoán”. Tên tuổi cùng những chiến công vang dội của đồng chí Lê Trọng Tấn gắn liền với sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, sự trưởng thành, lớn mạnh của Quân đội nhân dân Việt Nam Anh hùng. Với những đóng góp quan trọng vào việc kết thúc cuộc chiến tranh xâm lược của chủ nghĩa thực dân cũ và chủ nghĩa thực dân mới ở Việt Nam, ông được ví như Nguyên soái Zhukov - kiến trúc sư cho các chiến thắng chủ chốt của Hồng quân Liên Xô trước quân đội phát xít Đức trong Chiến tranh thế giới thứ 2.
Đồng chí Lê Trọng Tấn (tức Lê Trọng Tố, bí danh Ba Long) sinh ngày 01/10/1914, tại làng Nghĩa Lộ, xã Yên Nghĩa, huyện Hoài Đức, tỉnh Hà Tây (nay là phường Yên Nghĩa, quận Hà Đông, thành phố Hà Nội).
Sớm giác ngộ cách mạng, đồng chí gia nhập Mặt trận Việt Minh, phụ trách công tác binh vận tại khu vực Hoàng Mai, Hà Nội. Tháng 6/1945, đồng chí tham gia chỉ huy đội tự vệ với hai khẩu súng chiếm đồn Đồng Quan trong vài phút. Sự kiện này đã hé lộ phẩm chất của một tài năng quân sự lỗi lạc.
Từ cuối năm 1945, đồng chí Lê Trọng Tấn được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương và đảm nhiệm nhiều cương vị như: Trung đoàn phó, rồi Trung đoàn trưởng Trung đoàn Sơn La, quyền Khu trưởng Khu 14, Phó Tư lệnh Liên khu 10, Trung đoàn trưởng kiêm Chính uỷ Trung đoàn 209 chỉ huy nhiều trận đánh giành thắng lợi. Trên cương vị Đại đoàn trưởng Đại đoàn 312, đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo đơn vị làm nên nhiều chiến công vang dội trong các chiến dịch Hòa Bình (1951-1952), Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953).... Trong trận quyết chiến chiến lược tại lòng chảo Mường Thanh, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo Đại đoàn 312 tiêu diệt trung tâm đề kháng Him Lam, tiến công vào Sở chỉ huy, bắt tướng De Castries cùng Bộ tham mưu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Trở lại gắn bó với chiến trường miền Nam trên cương vị là Phó Tư lệnh Quân giải phóng miền Nam, Ủy viên Quân ủy Miền, kiêm Tư lệnh của Chiến dịch Đồng Xoài, Chiến dịch Bàu Bàng - Dầu Tiếng (1965), Chiến dịch đánh bại cuộc hành quân Gianxơn Xity của Mỹ (1967), Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào 1971, Chiến dịch Trị - Thiên 1972…, Thiếu tướng Lê Trọng Tấn góp phần cùng quân và dân miền Nam đánh bại các thủ đoạn chiến tranh của địch, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn phải ký kết Hiệp định Pari, hoàn thành nhiệm vụ “đánh cho Mỹ cút”. Tiếp tục tiến lên “đánh cho ngụy nhào”, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã chỉ huy các lực lượng vũ trang tiến công giải phóng Huế, Đà Nẵng, cùng các cánh quân khác thần tốc hành quân, đập tan nỗ lực kháng cự cuối cùng của địch, bắt Tổng thống Dương Văn Minh và nội các chính quyền Sài Gòn.
Sau khi miền Nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, từ năm 1976, Trung tướng Lê Trọng Tấn tiếp tục có nhiều cống hiến xuất sắc đối trong việc phát triển lý luận nghệ thuật quân sự, nghệ thuật chiến dịch Việt Nam, đặc biệt là trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc của Tổ quốc. Đồng chí Lê Trọng Tấn được thăng quân hàm Thượng tướng (1980), Đại tướng (1984) và là Ủy viên thường vụ Đảng ủy Quân sự Trung ương (nay là Quân uỷ Trung ương) (1980-1986), Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa IV, V; đại biểu Quốc hội khóa VII.
Với những cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc, đồng chí Lê Trọng Tấn được tặng Huân chương Sao vàng (truy tặng năm 2007); 02 Huân chương Hồ Chí Minh; Huân chương Quân công (hạng Nhất, hạng Ba); Huân chương Chiến thắng hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến hạng Nhất, cùng nhiều phần thưởng cao quý khác.
Dưới sự chỉ đạo của Đại đoàn trưởng Lê Trọng Tấn, cán bộ, chiến sĩ Đại đoàn 312 đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các hình thức chiến thuật như đánh điểm diệt viện, vây điểm diệt viện, đánh công kiên… góp phần làm nên các chiến thắng Sông Thao (1949), Biên giới (1950), Trung Du (1951), Hòa Bình, Tây Bắc (1952), Thượng Lào (1953). Với sự phát triển vượt bậc về quy mô lực lượng, trình độ tác chiến, Đại đoàn 312 được lựa chọn là lực lượng tiến công trên hướng chủ yếu vào tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ - “pháo đài khổng lồ không thể công phá” giữa núi rừng Tây Bắc.
Trên cơ sở nghiên cứu kinh nghiệm tiến công tập đoàn cứ điểm của địch ở Nà Sản và cách bố trí lực lượng địch ở Hoà Bình, Sầm Nưa, đồng chí Lê Trọng Tấn kết luận: “Trước hết hình thức của tập đoàn cứ điểm không phải là một sản phẩm của trí tuệ. Sự xuất hiện tập đoàn cứ điểm có nguyên nhân của nó. Đó là sự trưởng thành tác chiến của Quân đội ta”, đồng thời tích cực động viên, xây dựng quyết tâm công phá “pháo đài” Điện Biên Phủ cho cán bộ, chiến sĩ.
Quán triệt phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”, đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ đạo Đại đoàn 312 tiến công và tiêu diệt cụm cứ điểm Him Lam, hoàn thành nhiệm vụ mở màn Chiến dịch Điện Biên Phủ. Thực hiện chủ trương xây dựng trận địa tiến công và bao vây, đồng chí Lê Trọng Tấn chỉ đạo Đại đoàn 312 xây dựng hào giao thông từ đồi Độc Lập nối liền với đường hào của Đại đoàn 308 qua Him Lam, Long Bua, nối liền với đường trục của Đại doàn 316, chuẩn bị công kích các vị trí D, E và 105. Đại đoàn 312 vận dụng phương pháp “đánh bóc vỏ”, “đánh từng bước”, triệt để thực hiện nguyên tắc “vây, lấn, tấn, triệt, diệt” bằng trận địa chiến hào, chia cắt các cứ điểm, không cho địch có cơ hội hỗ trợ, chi viện cho nhau, khi thời cơ thuận lợi xuất hiện, lập tức tổ chức tiến công, đột phá lần lượt, đẩy quân địch vào thế bị động phòng ngự.
Nắm chắc thời cơ tổng công kích, chiều ngày 7/5/1954, một đơn vị của Đại đoàn 312 tiến công vào Sở Chỉ huy, bắt tướng De Castries cùng Bộ Tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao, góp phần cùng quân và dân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Tại lễ mừng công chiến thắng Điện Biên Phủ, Đại đoàn 312 mà đồng chí Lê Trọng Tấn là người chỉ huy cao nhất, vinh dự được nhận Cờ “Quyết chiến quyết thắng” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ngay chính Tướng De Castries cũng thú nhận: “Chúng tôi rất khâm phục đơn vị đầu tiên đánh Điện Biên Phủ và cũng chính là đơn vị bắt sống chúng tôi vào những ngày cuối cùng".
Trước hành động của Mỹ và chính quyền Sài Gòn mở cuộc Hành quân Lam Sơn 719 đánh ra Đường 9 - Nam Lào, đầu năm 1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương quyết định mở Chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào với quyết tâm “phải đánh thắng trận này dù có phải động viên sức người, sức của và hy sinh như thế nào, vì đây là một trong những trận có ý nghĩa quyết định về chiến lược”. Quán triệt tinh thần đó, tháng 2/1971, Bộ Quốc phòng thành lập Mặt trận Đường 9 - Nam Lào (Bộ Tư lệnh 702) do Tổng Tham mưu phó Thiếu tướng Lê Trọng Tấn làm Tư lệnh, trực tiếp chỉ huy điều hành chiến dịch.
Với kinh nghiệm nhiều năm chỉ huy trực tiếp ở các chiến trường gai góc và nóng bỏng, đồng chí Lê Trọng Tấn nhận định Đường 9 - Nam Lào là hướng có nhiều khả năng, vì vậy, phải tập trung cao nhất cho hướng này. Để đánh lại thế gọng kìm đánh chiếm Sê Pôn của địch, đồng chí Lê Trọng Tấn đã chỉ đạo không dàn đều lực lượng đối phó với cả 3 cánh quân mà thực hành cô lập từng hướng, đập tan thế gọng kìm của địch, thực hiện bẻ gãy từng cánh quân, khiến chúng không thể hỗ trợ cho nhau, tiến tới tiêu diệt toàn bộ quân địch.
Dưới sự chỉ đạo của đồng chí Lê Trọng Tấn và Bộ Tư lệnh chiến dịch, quân ta đã hình thành vững chắc thế bao vây, chặn đánh địch trên toàn khu vực, tập trung bẻ gãy cánh quân phía Bắc Đường 9, đập tan mọi cố gắng của địch lên Sê Pôn, buộc địch phải co về phòng ngự. Phán đoán đúng khả năng quân địch sẽ rút chạy, đồng chí Lê Trọng Tấn và Bộ Tư lệnh Mặt trận lệnh cho Sư đoàn 304 và Sư đoàn 308 đưa lực lượng dồn sâu xuống Nam Đường 9, buộc địch phải bỏ Bản Đông tháo chạy. Sau 5 ngày liên tục truy kích địch, ngày 23/3/1971, Tư lệnh Lê Trọng Tấn quyết định kết thúc chiến dịch; bởi trải qua hơn 50 ngày đêm chiến đấu, tuy giành được thắng lợi to lớn, tinh thần chiến đấu của bộ đội lên cao nhưng lực lượng của ta cũng bị suy giảm, hơn nữa không có sự chuẩn bị đầy đủ về hậu cần, kỹ thuật nên chưa thể đủ sức để tiếp tục tiến công truy quét địch.
Trong thời điểm mang tính chất quyết định của cuộc kháng chiến chống Mỹ, đồng chí Lê Trọng Tấn được phân công và hoàn thành nhiệm vụ Tổ trưởng Tổ trung tâm giúp Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng chuẩn bị kế hoạch chiến lược giải phóng miền Nam.
Bằng sự mẫn cảm trong nắm bắt tình hình, ngày 5/4/1975, Trung tướng Lê Trọng Tấn đã đề nghị và được Thường trực Quân ủy Trung ương, Bộ Tổng Tư lệnh đồng ý chủ trương thành lập Cánh quân Duyên Hải gồm lực lượng Quân đoàn 2 và Sư đoàn 3 (Quân khu 5), nhằm đập tan các tuyến phòng thủ kiên cố của quân đội Sài Gòn ven biển miền Trung, đánh thông đường 1, con đường huyết mạch trên hướng Đông tiến vào trung tâm đầu não chính quyền Sài Gòn.
Để “tranh thủ từng giờ từng phút, xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam”, ngày 16/4/1975, Tư lệnh Cánh quân Duyên Hải Trung tướng Lê Trọng Tấn quyết định thay đổi cách đánh theo lối “cuốn chiếu” sang “tiến công trong hành tiến”, dùng một bộ phận tinh nhuệ thực hiện mũi đột kích mạnh, đánh thẳng vào trung tâm phòng ngự của địch, bỏ qua các chốt phòng ngự thứ yếu vòng ngoài. Cánh quân Duyên Hải đã phát huy cao độ lối đánh thần tốc, bất ngờ, táo bạo, liên tục đột phá, truy kích, đập tan “lá chắn thép” Phan Rang, bắt Trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi và Chuẩn tướng Phạm Ngọc Sang cùng nhiều sĩ quan cao cấp khác của quân đội Sài Gòn; đồng thời phát triển thế công, chọc thủng “cánh cửa thép” Xuân Lộc bảo vệ Sài Gòn - Gia Định trên hướng Đông.
Trong khí thế tiến công “một ngày bằng 20 năm”, ngày 22/4/1975, Bộ Chính trị bổ sung Trung tướng Lê Trọng Tấn làm Phó Tư lệnh Chiến dịch Hồ Chí Minh, kiêm Tư lệnh Cánh quân hướng Đông, gồm lực lượng chủ yếu là Quân đoàn 2 và Quân đoàn 4. Dưới sự chỉ đạo của Phó Tư lệnh Lê Trọng Tấn, Cánh quân hướng Đông tiếp tục phát huy lối “tiến công trong hành tiến”, phá vỡ hàng loạt chốt phòng ngự lâm thời của địch, áp sát cửa ngõ Sài Gòn.
Tranh thủ thời cơ địch đang hoảng loạn và tan rã trên diện rộng, Trung tướng Lê Trọng Tấn đề nghị và được Bộ Tổng Tư lệnh chấp thuận cho Cánh quân hướng Đông mở đầu trận tổng tiến công vào Sài Gòn từ 18 giờ ngày 29/4/1975. Là lực lượng khai hỏa đầu tiên, Cánh quân hướng Đông đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ từ khi mở màn đến khi kết thúc chiến dịch, đồng thời là lực lượng tiến vào nội đô Sài Gòn - Gia Định sớm nhất, tiến vào chiếm giữ Dinh Độc Lập, bắt Tổng thống Dương Văn Minh cùng nội các chính quyền Sài Gòn, kết thúc thắng lợi cuộc chiến tranh cách mạng Việt Nam ròng rã 30 năm.
Thực tiễn thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử đã chứng minh: “Cánh quân phía Đông là sáng tạo của Bộ Tổng Tham mưu vì nó không có từ đầu trong kế hoạch giải phóng miền Nam”.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tư lệnh Chiến dịch Đường 9-Nam Lào Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, bên phải) sau chiến thắng tháng 2-1971.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp với Tư lệnh Chiến dịch Đường 9-Nam Lào Lê Trọng Tấn (ngoài cùng, bên phải) sau chiến thắng tháng 2-1971.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp đánh giá về đóng góp của Đại tướng Lê Trọng Tấn trong Chiến dịch Điện Biên Phủ và Chiến dịch Hồ Chí Minh: “Với hai chiến công ấy, Lê Trọng Tấn xứng đáng hai lần anh hùng".
Đại tướng Võ Nguyên Giáp nhận xét: “Đại tướng Lê Trọng Tấn là một người chỉ huy dũng cảm và sáng tạo, mưu lược và quyết đoán, có ý thức trách nhiệm và ý thức tổ chức kỷ luật rất cao, trong hoàn cảnh gay go phức tạp thế nào, đồng chí cũng tìm cách khắc phục khó khăn để hoàn thành nhiệm vụ”.
Trong một lần tiếp đoàn quân sự Việt Nam, Chủ tịch Cuba Fidel Castro bắt tay đồng chí Lê Trọng Tấn rồi hỏi mọi người xung quanh: “Đây có phải là tướng đánh hay nhất Việt Nam?”. Đại tướng Võ Nguyên Giáp trả lời: “Đúng, đây là một trong những vị tướng giỏi nhất Việt Nam qua các triều đại”
Ngày xuất bản: 19/12/2024
Nội dung: Đại úy, ThS Nguyễn Ngọc Toán, Viện Lịch sử Quân sự
Ảnh: QĐND; TTXVN
Tranh chân dung nhân vật: Họa sĩ Đỗ Hoàng Tường
Trình bày: Ngân Giang