
Theo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố (CDC) Hà Nội, trong tuần qua, toàn thành phố ghi nhận 84 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 11 ca so với tuần trước. Cộng dồn từ đầu năm 2024 đến nay, Hà Nội ghi nhận 940 ca mắc, tăng cao so với cùng kỳ năm 2023 (595 ca).
Còn theo báo cáo của Cục Y tế Dự phòng cho thấy: Tại Việt Nam, sốt xuất huyết lưu hành phổ biến tại nhiều tỉnh, thành phố, trong đó có nhiều bệnh nhân tử vong. Riêng trong giai đoạn từ đầu năm 2024 đến đầu tháng 6, Việt Nam đã ghi nhận hơn 22.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, trong đó có 3 trường hợp tử vong.
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh do muỗi gây ra, từ hàng chục năm qua, các cán bộ của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương vẫn miệt mãi đi "săn muỗi", nuôi muỗi để điều tra virus truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt rét cho người; từ đó cảnh báo cho người dân chủ động có giải pháp phòng tránh dịch bệnh.
Hơi nóng phả lên từ mặt đất, hầm hập hất lên mặt nhóm “săn bắt muỗi” đã nai nịt bảo hộ gọn gàng. Trời vừa mới còn sáng, bỗng tối sầm lại trong cơn giông cuối chiều. Chỉ còn chút tia sáng loang loáng hắt ra từ ánh đèn pin cầm tay.. Cả đoàn im thin thít, không dám nhúc nhích dù mồ hôi đã túa ra như tắm để… chờ muỗi.
Vào rừng...
dựng màn, thắp đèn dụ muỗi

Sau cùng, hoàng hôn cũng lặn. Chiếc xe của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương sau gần 2 tiếng nằm chờ bất động trong lõi Vườn Quốc gia Ba Vì (Hà Nội) cũng… trở mình.
Từ phía sau, Lê Thanh Thảo, cán bộ đã có 30 năm thâm niên trong nghề khẽ kéo cửa, giục “đồng đội” chuẩn bị đồ nghề cho… chuyến săn thường kỳ.
“Đã đến giờ rồi. Ngay đây, chúng sẽ về nhiều. Nhất định sẽ có muỗi bệnh”, nheo mắt nhìn bãi đất đã mọc kín mít cỏ cây, Thảo quả quyết.
Ngay lập tức, rất nhiều đồ nghề được dỡ từ thùng xe xuống. Mất chừng 5 phút khảo sát thêm, Vũ Việt Hưng, cán bộ thuộc Tổ Anophen, Khoa Côn trùng dứ dứ cánh tay đã nổi đầy vết đốt xuýt xoa: “Ở đây đúng là nhiều muỗi thật”.
Lúc này, từ tứ phía, ngửi thấy hơi người, tiếng đập cánh vo ve lớn dần. Từng “đám mây” côn trùng nhỏ cỡ trái bóng đá lơ lửng bay trên đầu những kẻ “vào rừng săn muỗi”, trước khi lao thẳng vào những phần da hở để thi nhau đốt. Dù ngứa, rát và mẩn nổi đầy tay, chân nhưng chẳng ai dám gãi. Vì càng gãi lại càng ngứa, da lại càng đỏ và vết thương sẽ lâu lành.

Việc săn bắt muỗi ngoài tự nhiên là công việc có kế hoạch của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương nhằm phục vụ nghiên cứu.
Tiến sĩ Vũ Việt Hưng

Săn muỗi cần sự kiên nhẫn, khả năng chịu đựng và đặc biệt là phải có kiến thức phân biệt các loài khác nhau để có thể lựa chọn chính xác "con mồi" cần phải bắt...
Anh Lê Thanh Thảo

Giải thích với chúng tôi, Tiến sĩ Vũ Việt Hưng cho biết: Việc săn bắt muỗi ngoài tự nhiên là công việc có kế hoạch của Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương nhằm phục vụ việc thử nghiệm sinh học, giám sát, điều tra virus truyền bệnh sốt xuất huyết và sốt rét cho người; từ đó cảnh báo cho người dân chủ động có giải pháp phòng tránh dịch bệnh.
“Chúng tôi gọi đây là đi ‘soi muỗi’. Việc soi muỗi sẽ diễn ra ở nhiều nơi, trong rừng, giữa các hộ gia đình hoặc ở các chuồng gia súc. Vài năm gần đây, phương pháp mồi trực tiếp bằng cách giơ chân, tay ra cho muỗi đậu và lấy tuýp chụp bắt không còn được sử dụng trong một số dự án quốc tế vì liên quan đến đạo đức nghề nghiệp. Tuy nhiên, nếu triển khai đúng cách và có những biện pháp bảo vệ phù hợp, đây vẫn là một trong những phương pháp săn muỗi truyền bệnh hiệu quả nhất”, anh Hưng thông tin thêm.
Lúc này, cả nhóm được chia làm 2 tốp. Một nửa bắt đầu căng chiếc màn đã chuẩn bị sẵn, buộc 4 đầu vào những thân cây lớn trong rừng. Chân màn để hở cách mặt đất chừng 40cm để muỗi có… cơ hội bay vào. Phía trong, Lê Thành Trung, người em út của Khoa được bố trí ngồi trên ghế gấp để làm mồi nhử. Cùng lúc, ánh sáng từ vài chiếc đèn cũng được thắp lên nhằm… tăng sức hút đối với muỗi.

Chỉ chốc lát, bị thu hút bởi ánh sáng và hơi người, muỗi từ tứ phía bắt đầu ong ong bay lại. Muỗi luồn dưới chân mùng. Muỗi vo ve bên tai. Muỗi dò dẫm rồi mạnh dạn bâu vào bàn tay người làm “mồi”. Cơn ngứa cũng kéo đến đột ngột, râm ran chạy từ những phần thịt lộ ra lên tận đỉnh đầu. Mặt Trung dần đỏ gay, phần vì nóng, phần vì khó chịu mà không dám cử động mạnh.
Cơn ngứa cũng kéo đến đột ngột, râm ran chạy từ những phần thịt lộ ra lên tận đỉnh đầu.
“Muỗi được bắt đều phải còn sống và nguyên vẹn. Bởi vậy nên dù ngứa tới đâu, chúng tôi cũng phải cố chịu đựng”, Trung khe khẽ nói.

Muỗi vào càng lúc càng nhiều, đậu lốm đốm đen trên thành màn trắng. Lê Thanh Thảo khe khẽ tiến lại gần, luồng sáng từ chiếc đèn đầu rọi thẳng vào một cá thể cái. Phát hiện phần bụng của muỗi hướng lên, trên cánh có nhiều vẩy đen trắng, nét mặt Thảo thoáng giãn ra. Anh thận trọng cầm ống nghiệm, nhẹ nhàng chộp vào “con mồi” đang… say ánh đèn.
“Bắt được con đầu tiên rồi”, Thảo thở phào khoe thành quả, rồi quay sang giải thích: Khi bẫy màn được dựng, rất nhiều loại muỗi khác nhau sẽ cùng vào. Lúc này, người làm mồi vẫn sẽ phải ngồi im chịu đựng để đồng nghiệp sàng lọc, lựa chọn đúng chủng cần bắt.
“Muỗi Anophen trưởng thành có màu nâu sẫm và đen. Chiều dài cơ thể thường bằng với chiều dài của vòi. Loại này hoạt động mạnh từ khoảng 19-21 giờ hằng ngày sau khi mặt trời lặn. Đôi khi, để bắt được 1-2 cá thể chỉ định, anh em phải chịu tới hàng chục vết chích”, anh Thảo cho biết.

Anh Lê Thanh Thảo, cán bộ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương bắt muỗi đậu trên bẫy màn tại lõi rừng Quốc gia Ba Vì (Hà Nội).
Anh Lê Thanh Thảo, cán bộ Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương bắt muỗi đậu trên bẫy màn tại lõi rừng Quốc gia Ba Vì (Hà Nội).
Ngồi ngay cạnh, Tiến sĩ Vũ Việt Hưng giải thích thêm: Việc “săn muỗi” chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố như thời gian, thời tiết và khí hậu. Cho nên, có khi, đoàn bắt được vài trăm con trong một đêm, nhưng cũng có đợt chỉ “thu hoạch” được vài cá thể. Bên cạnh đó, tùy theo từng loài, muỗi cũng sẽ tập trung ở một số “địa bàn” nhất định. Chẳng hạn, loài Anopheles dirus chủ yếu xuất hiện ở khu vực rừng rẫy của miền trung-Tây Nguyên. Trong khi, vật truyền bệnh sốt rét tại khu vực phía bắc lại là Anopheles minimus.
Khác với “anh em họ xa”, muỗi sốt xuất huyết lại hay xuất hiện nhiều ở thành phố. Mặc dù vậy, gần đây, với sự phát triển mạnh của giao thông, giống loài “đặc hữu đô thị” này cũng đã xâm nhập cả về những vùng sâu, vùng xa “phi truyền thống”.
Muỗi Anophen trưởng thành có màu nâu sẫm và đen. Chiều dài cơ thể thường bằng với chiều dài của vòi. Loại này hoạt động mạnh từ khoảng 19-21 giờ hằng ngày sau khi mặt trời lặn.
Mồi... người

Sau chừng 1 giờ dựng màn dụ, trời bắt đầu nổi dông. “Cựu binh” Lê Thanh Thảo vén mùng bước ra, nhìn lên khoảng trời thi thoảng lóe lên từng đợt chớp. Sắp mưa rồi. Anh nhẩm đếm, chuyến săn đến lúc này mới bắt được hơn chục cá thể muỗi Anophen. Cần phải tăng tốc.
Nghĩ đoạn, Thảo giục cả đội thu bẫy sớm đề phòng thời tiết xấu rồi quyết định sẽ đích thân làm… mồi câu muỗi. Người đàn ông 50 tuổi nhanh chóng thay quần cộc, để lộ phần đùi dưới và nguyên hai bắp chân rồi xách ghế tựa ra một góc tối, ngồi im lặng.
Thấy hơi người, bầy côn trùng cần máu để sinh sản bắt đầu bâu lại, vo ve như ong vỡ tổ. Chỉ chốc lát, chân Thảo đã đen lại bởi muỗi. Dưới luồng sáng của đèn đội đầu, anh cố gắng quan sát để phát hiện “đối tượng” cần bắt. Cố gắng không cử động nhiều, Thảo dùng ống tube thủy tinh chụp gọn cá thể bụng đã căng đầy máu.
Tiến sĩ Vũ Việt Hưng phía bên ngoài cho biết, để đạt hiệu quả tối đa, người làm nghề sẽ không được sử dụng xà phòng thơm, nước hoa hay dầu gió trước khi vào việc. Bên cạnh đó, những người trực tiếp lấy thân “câu muỗi” phải được tập huấn kỹ phương pháp nhận diện.

“Khả năng quan sát, phán đoán tốt được đặt lên hàng đầu. Điều này nhằm xác định chính xác ‘đối tượng’ cần bắt trong đêm. Sau nhiều năm, chỉ cần một con muỗi lướt qua, chúng tôi đều có thể phán đoán được chủng loại của nó với độ chính xác 80%”.
Bên cạnh đó, các cán bộ trực tiếp tham gia cũng phải biết cách tự bảo vệ, tránh nhiễm bệnh. Nếu rơi vào thời điểm muỗi nhiều với mật độ cao, người bắt muỗi sẽ phải uống thuốc dự phòng.
Phương pháp dùng mồi người bắt muỗi đêm được quy định thực hiện theo hướng dẫn của Bộ Y tế về giám sát và phòng chống sốt rét ban hành ngày 25/10/2021 tại Quyết định số 4922/QĐ-BYT. Để dẫn dụ muỗi bay đến bám đậu, người bắt phải để lộ các phần của cơ thể như chân hoặc tay.
“Em út” Lê Thành Trung cười, góp lời: Trong cả nhóm, ngoại trừ anh Thảo, ai cũng đã có “tiền sử” bị sốt rét và sốt xuất huyết tới… vài lần. Bản thân Trung thậm chí dính cả hai trong một lần đi công tác tại Khánh Hòa và Bình Thuận.
- Anh có bao giờ nghĩ tới việc bỏ nghề này không? – Chúng tôi hỏi.
- Có những lúc, đứng trên chiếc thuyền độc mộc tới điểm dịch, bốn bề là nước dâng cao tôi cũng chợt nghĩ tới việc này. Nhưng rồi, tôi lại nhớ đến những người dân đang cần mình giúp đỡ nên không thể bỏ dở công việc được! – anh Thảo đáp.
Ngừng lại một lát, anh kể: Năm 1997, anh cùng đồng nghiệp tới Vĩnh Hà, Vĩnh Linh (Quảng Trị) để khảo sát tâm dịch sốt rét. Khi đó, hai người chỉ mang theo một lượng thuốc vừa đủ để phòng trường hợp không may.
Tới trạm y tế xã, anh gặp một bệnh nhân nhỏ tuổi người Vân Kiều đã mắc bệnh và chuẩn bị chuyển sang giai đoạn ác tính. Bệnh xá lại hết thuốc. Nếu phải di chuyển tới bệnh viện huyện, khả năng tử vong của bệnh nhân là vô cùng lớn.
“Trong tình cảnh ấy, anh em trong đoàn đã không ngần ngại nhường thuốc dự phòng cho bé. Khi em qua cơn nguy kịch, chúng tôi đều thở phào nhẹ nhõm”, nhẹ nhàng bắt con muỗi thứ 5 đậu ở chân, anh Thảo hồi tưởng ký ức về những chuyến công tác đã trải qua.
"Chúng tôi đã quen sống và gắn bó với nghề. Bây giờ, bảo làm công việc khác hay thử ngồi một chỗ thì chúng tôi không làm được"
Tiến sĩ Vũ Việt Hưng
21 giờ tối. Chân Thảo đã nổi mẩn thành vệt dài. Gió ngày càng mạnh, thoáng mang theo hơi ẩm của trận mưa đêm hè. Kiểm đếm “chiến lợi phẩm” là hơn hai chục ống nghiệm “giam muỗi sống”, cả đoàn hối thúc nhau đi về. Ánh đèn ô-tô loang loáng sáng phía cửa rừng…

Nuôi muỗi
để... diệt muỗi

Sau khi được bắt về, muỗi từ “đội săn” sẽ được phân loại trước khi được đưa vào phòng lab đặt tại Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương.
Chỉ tay vào một khay chứa đầy bọ gậy đang không ngừng bơi lội, chị Đào Minh Trang, Phó Trưởng khoa Côn trùng (Viện Sốt rét-Ký sinh trùng-Côn trùng Trung ương) giới thiệu: Đây là ấu trùng của chủng Ae. aegypti – chủng được thu thập tại Hà Nội từ năm 1968. Ae. aegypti cũng là giống loài có tuổi đời “già” bậc nhất Việt Nam và hiện đã được nhân giống nuôi ở thế hệ thứ… 278.
Ngay cạnh đó là các chủng bọ gậy mang tên An.dirus Phú Yên được thu thập năm 2006 với 204 đời hay An. Minimus Tân Lạc đã ở thế hệ thứ 207.

Thấy chúng tôi ngạc nhiên, chị Trang giải thích: Muỗi sau khi được bắt từ hiện trường sẽ được đưa vào các phòng nuôi để làm cơ sở nghiên cứu từng loài, từ đó tìm ra các biện pháp phòng chống cũng như các hóa chất phù hợp để diệt trừ. Quá trình nuôi muỗi bao gồm các chu kỳ cho muỗi ăn, lo cho muỗi giao phối và đẻ; chăm sóc bọ gậy…
Dẫn chúng tôi vào một căn phòng đặt đầy kính hiển vi và rất nhiều tiêu bản, chị Trang bắt đầu thực hiện màn… ép muỗi giao phối. Đầu tiên, cán bộ kỳ cựu dùng một ống nghiệm để “nhốt” chừng chục cá thể muỗi đực rồi nhanh chóng gây mê bằng một túm bông có tẩm sẵn ête. Sau ít giây, bầy muỗi ngấm thuốc, nằm thẳng cẳng. Lúc này, người phụ nữ mặc áo blouse trắng thoăn thoắt dùng kim phẫu thuật mảnh hơn cả… sợi tóc để cố định muỗi đực.




Sau khi tiếp tục gây mê cá thể giống cái, chị Trang đưa hai cá thể “châm” vào nhau. Nếu đuôi chúng quặp lại là thành công. Toàn bộ quá trình được giám sát chặt chẽ qua kính hiển vi. Nếu thấy “cặp đôi” tỉnh quá đà, các cán bộ sẽ lại chụp ête. Chỉ trong vòng 20 phút, khoảng 10 cặp muỗi vợ chồng đã… nên đôi.
"Một số giống muỗi rất khó giao phối trong môi trường nuôi nhốt nên chúng tôi buộc phải thực hiện các biện pháp nhân tạo. Bên cạnh đó, mỗi năm chúng tôi cũng cung cấp cho các khoa, cơ sở nghiên cứu trong và ngoài Viện khoảng hàng ngàn cá thể muỗi các loại để phục vụ cho việc nghiên cứu khoa học nên thường xuyên phải tiến hành cho giao phối”, chị Trang giải thích.

Cận cảnh quy trình "ghép đôi" cho muỗi tại phòng lab.
Cận cảnh quy trình "ghép đôi" cho muỗi tại phòng lab.
Sau khi giao phối, muỗi cái sẽ được nhốt lại trong lồng đẻ, phía dưới đã có sẵn một lớp giấy đặc biệt để… hứng trứng. Vài ngày tiếp theo, trứng muỗi bé tí xíu, đen ngòm sẽ bám đầy lên giá thể, sẵn sàng cho quy trình lưu trữ hoặc nuôi ấp để sản sinh ra các thế hệ tiếp theo.

Việc nuôi muỗi cũng lắm… công phu. Buồng nuôi được bố trí riêng với điều hòa được bật gần như 24/24 giờ và sạch… tuyệt đối. Nhiệt độ được kiểm soát chặt chẽ, duy trì ở mức 26 độ C. Ngoài ra, độ ẩm cũng phải tuân thủ theo những quy định nghiêm ngặt nhất.
Nói thêm về nghề đặc biệt này, Phó Trưởng khoa Côn trùng Đào Minh Trang ví von: Các chị nuôi và chăm muỗi như… nuôi con mọn. Có những đêm, trời chuyển mùa, cả khoa phải cắt cử người thay nhau trực điều chỉnh nhiệt độ.
“7 giờ sáng hằng ngày, chúng tôi đã phải có mặt ở tổ để kiểm tra các thông số kỹ thuật. Sau đó, mọi người sẽ phân công cho bọ gậy ăn, nhặt những con chuẩn bị nở thành muỗi để đưa vào lồng, làm vệ sinh khay”, Nguyễn Trường An, cán bộ trẻ thuộc tổ Nuôi muỗi chia sẻ.
Nói đoạn, nam nhân viên 34 tuổi mang hộp thức ăn chế biến riêng từ tôm khô và bột đậu đổ một ít vào khay cho bọ gậy… thưởng thức. Thấy mồi, bầy loăng quăng búng mình quây lại, kín một góc khay nuôi. Trông đơn giản là thế, nhưng việc cho ăn bao nhiêu cũng đòi hỏi kinh nghiệm, bởi chỉ cần thừa thức ăn gây bẩn nước, ấu trùng sẽ chết. Để nuôi được một con muỗi trưởng thành phục vụ nghiên cứu, cán bộ viện gần như không có ngày nghỉ.

Cận cảnh quá trình chăm sóc bọ gậy trong phòng lab.
Cận cảnh quá trình chăm sóc bọ gậy trong phòng lab.
“Muỗi sau khi nở sẽ được nuôi bằng… đường đặt trong các khay nhựa hoặc tẩm vào bông gòn. Riêng đối với muỗi cái, chúng tôi sẽ cho chúng trực tiếp hút máu từ chuột, đặc biệt đôi lúc là chính máu người để tăng tỷ lệ trứng nở về sau”, anh An giải thích.
Sau khi rửa sạch và lau khô tay, An ngồi trước một lồng nuôi muỗi trưởng thành. Tháo tấm màn che, anh đưa tay phải của mình vào bên trong, tay còn lại giữ chặt miệng lồng để muỗi không bay ra. Ngay lúc đó, hàng chục con muỗi đã bâu kín, thi nhau đốt. Sau vài phút “cho ăn”, tay anh An đã sưng lên chi chít.
Anh cho biết, tùy từng dòng muỗi mà thời gian cho ăn kéo dài từ 15-20 phút. Công đoạn này cũng có thể quan sát bằng mắt thường, khi muỗi không đốt nữa tức là chúng đã ăn no.
“Ban đầu thì cũng sợ, nhưng bây giờ tôi đã quen rồi. Hơn thế, công việc nghiên cứu của mình đang giúp ích cho người dân nên mọi người đều cố gắng", anh An vừa xoa xoa cánh tay, vừa nói.



Theo TS. Nguyễn Văn Dũng, Trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng trung ương, nuôi muỗi là hoạt động cơ sở để nghiên cứu véc-tơ truyền bệnh của muỗi, từ đó tìm là các biện pháp phòng chống cũng như các hóa chất phù hợp để… diệt muỗi.
Ngoài việc nuôi muỗi trong phòng thí nghiệm phục vụ cho công tác nghiên cứu, các cán bộ tại Viện còn có nhiệm vụ chính là thực hiện công tác giám sát, tham gia xử lý ổ dịch, phòng chống côn trùng truyền bệnh để chăm sóc sức khỏe cho người dân.
"Quá trình săn bắt và nuôi muỗi, các cán bộ dù đối mặt với khó khăn nhưng với lòng yêu nghề và trách nhiệm với công việc, họ luôn tận tâm, qua đó đã góp công lớn vào việc nghiên cứu, giúp phát hiện đặc điểm của muỗi để đưa ra các biện pháp phòng bệnh một cách tốt nhất", TS. Nguyễn Văn Dũng nhấn mạnh.
------------------------------------
Ngày xuất bản: 8/7/2024
Nội dung: SƠN BÁCH - NGỌC KHÁNH
Ảnh: SƠN TÙNG
Trình bày: SƠN BÁCH