Lộ trình nào đưa F1, F0 không triệu chứng đi làm?

Ngày 5/3/2022, Bộ Y tế đã đưa ra đề xuất F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly có thể tự nguyện quay lại làm việc trực tuyến; chăm sóc người bệnh Covid-19. F1 cũng được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến.
Ngay sau đề xuất này, một số địa phương đã ban hành công văn tạm thời cho phép các trường hợp F0, F1 được đến cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp làm việc trên tinh thần tự nguyện, bảo đảm nguyên tắc không tiếp xúc với người khác.
Câu chuyện tìm lộ trình để đưa F0, F1 không triệu chứng quay trở lại công sở đang được dư luận đặc biệt quan tâm.

Bài 1: Nhiều F0 từng đi làm trong mùa dịch
Dù cơ thể còn chút mệt mỏi hay đang ở trong giai đoạn cơ thể khó chịu nhất vì virus SARS-CoV-2, nhưng phần lớn các chiến sĩ áo trắng vẫn kiên trì, bám trụ ở tuyến đầu. Trong suốt 3 năm chống dịch, từ khi chưa hiểu hết về mức độ nguy hiểm của Covid-19 đến khi đã đủ kiến thức và kinh nghiệm tự tin chống dịch, nên khi nhiễm Covid-19, những nhân viên y tế vẫn giữ tinh thần xung phong ở lại cơ sở điều trị vì sức khỏe người bệnh.
Không làm việc, thấy mình không làm tròn trách nhiệm
Trải qua gần 3 năm chống dịch, kể cả thời điểm nguy hiểm nhất khi làm Tổ trưởng Tổ Y tế sang Guinea Xích Đạo đón hơn 200 công dân Việt Nam về nước an toàn trên chuyến bay kéo dài 37 giờ, bác sĩ Thân Mạnh Hùng – Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương nghĩ mình có kháng thể đủ mạnh chống Covid-19 khi đồng đội anh đã lần lượt nhiễm bệnh.
Thế nhưng, vào thời điểm bùng dịch mạnh nhất tại Hà Nội, anh đã không thoát khỏi sự tấn công của SARS-CoV-2 vào ngày 22/2. “Gặp nhau suốt ngày, cuối cùng cũng bén duyên”, bác sĩ Hùng vui vẻ chia sẻ.

Bác sĩ Thân Mạnh Hùng – Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương .
Bác sĩ Thân Mạnh Hùng – Phó Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương .
Sau 2 ngày cách ly tại bệnh viện điều trị triệu chứng, ngày thứ 3 khi thấy cơ thể khỏe mạnh trở lại, bác sĩ Hùng tiếp tục trở lại Khoa Cấp cứu, nơi đang phải cứu chữa cho hàng trăm ca nặng, nguy kịch.
“Trung bình khoa Cấp cứu có hơn 100 bệnh nhân, trong đó có khoảng 50 ca thở máy. Bởi vậy, khi thấy khỏe mạnh hơn, chúng tôi nghĩ mình cần trở lại vị trí, cùng gánh vác giảm tải áp lực cho anh em”, bác sĩ Hùng tâm sự.
Cũng như bác sĩ Thân Mạnh Hùng, hơn 50% cán bộ y tế tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương bị nhiễm Covid-19 đã ở lại bệnh viện. Đa phần cán bộ y tếddeefu có triệu chứng nhẹ đau họng, sốt nhẹ trong 1-2 ngày đầu tiên. Sau đó, tới ngày thứ 3 khi tình trạng ổn định đều trở lại vị trí công tác. Nếu phải chờ đúng quy định 7 ngày cách ly và 7 ngày theo dõi, nhân lực y tế sẽ khan hiếm trầm trọng.
Ngược trở lại thời gian 8 tháng trước, khi TP Hồ Chí Minh bắt đầu bước vào đỉnh dịnh, nhiều cơ sở y tế được trưng dụng làm nơi điều trị bệnh nhân Covid-19. Các bệnh viện dã chiến, các cơ sở thu dung tiếp nhận hàng nghìn bệnh nhân mỗi ngày. Với tình trạng kiểm soát nhiễm khuẩn chưa tốt, thiếu nhân lực, thiếu đồ bảo hộ, thiếu trang thiết bị y tế, nhiều nhân viên y tế đã bị phơi nhiễm trong quá trình làm việc.
Nhiều người cách ly tại chỗ, sau những ngày mệt mỏi, họ tiếp tục trở lại công việc bằng những vị trí giải quyết hồ sơ giấy tờ, điều trị online, tư vấn từ xa cho người bệnh trên điện thoại.

Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Phương Linh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh).
Bác sĩ nhi khoa Nguyễn Phương Linh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh).
Bác sĩ nhi khoa Đào Nguyễn Phương Linh (Bệnh viện Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh) phát hiện mình nhiễm Covid-19 vào ngày thứ 21 chi viện cho Bệnh viện dã chiến số 2 (tháng 7/2021). Đó là thời điểm sự hiểu biết về Covid-19 hạn chế, tỷ lệ suy hô hấp phải can thiệp nội khí quản rất cao.
11 ngày biệt giam trong phòng cách ly riêng, dù chịu đựng những cơn sốt, khó thở, mất vị giác và ho dữ dội, nhưng bác sĩ Linh vẫn rất lạc quan. Sau khi tự điều trị cho mình, cô phát hiện ra những kinh nghiệm có thể chia sẻ với các F0 khác. Bởi vậy, ngoài đảm nhận việc chuyên môn giải quyết các hồ sơ, giấy tờ bằng hình thức online, cô xây dựng những nội dung clip rất đơn giản để tư vấn cho người bệnh online.
Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai (Bệnh viện Đại học Y Hà Nội), PGS, TS Bùi Hoàng Hải, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, trong làn sóng lây nhiễm nhanh, đặc biệt có tốc độ rất nhanh từ cuối tháng 2 đến nay, có tới khoảng 50% nhân viên tại bệnh viện đã nhiễm Covid-19.
Theo bác sĩ Hải, Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 Hoàng Mai được thiết kế hiện đại, giảm thiểu lây nhiễm tối đa, bảo đảm không gian rộng rãi. Khi có nhân viên y tế bị phơi nhiễm sẽ tự cách ly, thông báo để lãnh đạo bệnh viện biết. Do đó, chỉ có một số nhỏ nhiễm trong bệnh viện.
Hầu hết trong số 40% các trường hợp nhân viên y tế tại đây nhiễm Covid-19 là do nhiễm ngoài cộng đồng khi ngoài giờ làm việc, họ vẫn trở về nhà, sinh hoạt cuộc sống thường nhật.

PGS, TS Bùi Hoàng Hải.
PGS, TS Bùi Hoàng Hải.
“Rất may các nhân viên y tế của chúng tôi đã được tôi luyện. Bên cạnh đó, tỷ lệ bệnh nhân nặng không nhiều nên các bạn không hoảng hốt, không sợ sệt khi tiếp tục điều trị bệnh nhân F0”, bác sĩ Hải nói.
Cũng theo bác sĩ Hải, đặc thù của ngành y tế quá tải trong thời gian hơn 2 năm chống dịch nên hầu hết các trường hợp nhân viên y tế là F1 tại cơ sở này đều được động viên, khuyến khích đi làm và mọi người đều có tinh thần xung phong.
Địa bàn quận nội thành có số ca nhiễm Covid-19 nhiều nhất hiện nay là Trung tâm Y tế quận Đống Đa đã và đang quản lý hơn 60 nghìn F0. Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm cho biết, trung tâm có khoảng 300 cán bộ y tế nhưng có tới 70% người đã bị nhiễm Covid-19.
Để giải quyết bài toán nhân lực trong khi khối lượng công việc quá tải từ triển khai cơ sở thu dung điều trị Covid-19, vừa chăm sóc F0 tại nhà, vừa xử lý môi trường, triển khai tiêm chủng, hoàn thiện các thủ tục cho F0… trung tâm đã liên hệ Bệnh viện Bạch Mai hỗ trợ 30 người tại 21 phường và Trường Cao đẳng Y tế Hà Nội cũng hỗ trợ 30 người tại 30 trạm y tế.
Hầu hết nhân viên y tế tại đây đều đi làm khi là F0. Trừ một số trường hợp có triệu chứng nặng nghỉ ở nhà, những trường hợp dương tính nhẹ không triệu chứng vẫn đi làm tại khu vực riêng. Là một trong những quận nhiều F0 nhất trong các quận nội thành nên chúng tôi động viên anh em cố gắng hết sức”.
Là tỉnh có số ca nhiễm tăng nhanh trong thời gian gần đây, các nhân viên y tế cũng căng mình để bảo đảm không bị hổng các vị trí. Nhiễm Covid-19 ba tuần trước khi đang trong khu điều trị Covid-19 cho các sản phụ và trẻ em, bác sĩ Nguyễn Xuân Thi, Phó Khoa Điều trị Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh kể lại, anh bị nhiễm chéo từ vợ tại nhà. Sau 2 ngày đầu mệt mỏi, khó chịu, đến ngày thứ ba, anh thấy mình đủ khả năng đáp ứng công việc nên tiếp tục trở lại khu hồi sức.
"Số ca nhiễm tăng rất nhanh thời gian gần đây, có ngày khoa tiếp nhận 50-70 bệnh nhân nhập viện, chúng tôi cố gắng động viên nhau dù là F0 cũng vẫn tiếp tục bám trụ các vị trí để điều trị nhóm bệnh nhân nặng, nguy cơ cao ở khu hồi sức", bác sĩ Thi nói.

Trước đó, vào cuối tháng 12/2021 khi dịch bắt đầu có dấu hiệu tăng cao và F1 vẫn yêu cầu cách ly tại nhà, bác sĩ Thi đã quyết định xin vào khu cách ly tại bệnh viện. 10 ngày theo dõi triệu chứng, bác sĩ Thi vẫn nhận nhiệm vụ điều trị trong khu hồi sức tích cực.
Theo con số từ cuối tháng 11 đến nay, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh có gần 230 trường hợp nhân y tế bị mắc (chiếm khoảng 50%), hiện tại có 100 cán bộ y tế đang là F0.
Hầu hết các bạn sau 1-2 ngày dương tính, khi thấy sức khỏe tốt hơn sẽ tình nguyện viết đơn vào tuyến đầu điều trị Covid-19 hoặc vào khu phân luồng bệnh nhân Covid-19. Một số bạn khi chi viện cho Trung tâm Y tế Quảng Yên dù dương tính cũng đã viết đơn xin tiếp tục tình nguyện ở lại hỗ trợ địa bàn không về.
Linh hoạt “đảo quân” để không thiếu hụt nhân lực
PGS, TS Bùi Hoàng Hải, thời gian qua để bảo đảm nhân lực điều trị tại bệnh viện Covid-19, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cơ sở 1 đã có biện pháp “đảo” nhân viên.
Theo đó, những nhân viên y tế nhiễm nhẹ, không triệu chứng, khỏe mạnh, tiêm vaccine và trên tinh thần tự nguyện, các lãnh đạo khoa cử xuống Bệnh viện Covid-19 làm việc thay cho nhân viên y tế chưa nhiễm. Những người chưa nhiễm sẽ quay về công tác tại cơ sở 1.
Nhân viên y tế là F0 được linh hoạt lựa chọn, hoặc họ có thể di chuyển đi-về trong ca trực với điều kiện một cung đường, hai điểm đến. Nếu nhân viên y tế muốn ở lại để giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm cho gia đình, bệnh viện có riêng một khu ăn ở khép kín cho cán bộ.
Thời gian qua, có khoảng 20% nhân viên nhiễm Covid-19 tại cơ sở 1 đã được “đảo” xuống Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19, vừa thực hiện nhiệm vụ chuyên môn chăm sóc điều trị F0, vừa ăn ở, điều trị tại chỗ. Trong bối cảnh số lượng bệnh nhân đông, yêu cầu nhân lực phải ca0, rất nhiều nhân viên y tế F0 của bệnh viện chúng tôi bảo đảm sức đủ khỏe, xung phong ở lại bệnh viện phục vụ bệnh nhân.
Tại cơ sở 1 của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, để bảo đảm nguồn nhân lực không thiếu hụt, lãnh đạo bệnh viện cũng đã triển khai mô hình bệnh viện tách đôi tại một số khu vực hoặc chuyên khoa. Theo đó, tại phân khu thăm khám, sàng lọc F0, khi có trường hợp nhiễm Covid-19 cần nhập viện điều trị, nhân viên y tế là F0 sẽ chăm sóc bệnh nhân F0, giảm tải cho bệnh viện điều trị Covid-19. Mô hình này cũng hoạt động hiệu quả khi phân loại bệnh nhân để tư vấn nhập viện điều trị hay cho người không triệu chứng về nhà tự điều trị.
Chuyên gia này cũng đặc biệt cho biết, hiện nay F0, F1 của bệnh viện đi làm chủ yếu phục vụ trong khu chăm sóc, điều trị F0. Kế hoạch để nhân viên y tế là F1, F0 thăm khám, chăm sóc, phục vụ tại khu điều trị bệnh nhân thường chưa triển khai vì nguy cơ lây nhiễm vẫn tồn tại.
Bác sĩ Nguyễn Xuân Thi, Phó Khoa Điều trị Hồi sức tích cực, Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh cho biết, hiện tại có nhiều bằng chứng cho thấy, thời gian lây nhiễm đã rút ngắn thời gian từ 14 ngày xuống 7-10 ngày. Có những người sau 7-10 ngày dù test nhanh dương tính nhưng tải lượng virus thấp nên nguy cơ lây thấp. Do đó, những nhân viên y tế này có thể bảo đảm làm công việc hành chính, phân luồng, ít tiếp xúc bệnh nhân. Những người nào bảo đảm chuyên môn ở khu điều trị F0 được động viên cố gắng vào khu F0.
“Tại bệnh viện chúng tôi, nguy cơ lây nhiễm chéo rất thấp, tính tới nay mới có 4 trường hợp lây nhiễm trong khu cách ly điều trị. Chủ yếu việc lây nhiễm xảy ra khi chưa được phòng hộ và không vệ sinh tay thường xuyên”, bác sĩ Thi nói.
Theo Giám đốc một bệnh viện lớn trên địa bàn Hà Nội, bệnh viện có khoảng 40% cán bộ y tế bị nhiễm Covid-19 trong thời gian qua. Tuy nhiên, để bảo đảm đúng không thiếu hụt các vị trí công tác, bệnh viện triển khai đi làm luân phiên trên tinh thần tự nguyện đối với các F0, F1 có triệu chứng nhẹ hoặc không triệu chứng. “Nguyên tắc chúng tôi đặt ra là bố trí lao động hợp lý, không lây cho đồng nghiệp và người bệnh”, vị này cho hay.
Từ thực tiễn xây dựng quy định F0 đi làm tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 thời gian qua của Đại học Y Hà Nội, PGS, TS Bùi Hoàng Hải nhấn mạnh, hiện nay F0, F1 của bệnh viện đi làm chủ yếu phục vụ trong khu chăm sóc, điều trị F0. Kế hoạch để nhân viên y tế là F1, F0 thăm khám, chăm sóc, phục vụ tại khu điều trị bệnh nhân thường chưa triển khai vì nguy cơ lây nhiễm vẫn tồn tại.
Đề xuất của Bộ Y tế cho F1, F0 không triệu chứng đi làm là đi trước một bước vì ngành y tế đã có kinh nghiệm triển khai thành công việc này để bảo đảm không thiếu hụt nhân lực cao trong điều trị F0. Với các ngành nghề khác, nếu có phương án triển khai cho F0, F1 đi làm cần tuân thủ các quy định về 5K, đi phương tiện riêng, thực hiện quy định một cung đường hai điểm đến và có ý thức phòng bệnh cho cộng đồng.

PGS, TS Bùi Hoàng Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội
PGS, TS Bùi Hoàng Hải, Phó Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội

Nhân viên y tế tại bệnh viện Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Nhân viên y tế tại bệnh viện Bệnh viện Sản Nhi Quảng Ninh.
Bộ Y tế đang xin ý kiến của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch Covid-19, trường hợp F0 không có triệu chứng, đang trong thời gian cách ly, tự nguyện quay lại làm việc có thể làm việc trực tuyến, chăm sóc người bệnh Covid -19. F1 được phép tham gia các công việc trực tiếp và trực tuyến...
Đối với trường hợp F0
Theo đó, người nhiễm SARS-CoV-2 (F0) không có triệu chứng đang trong thời gian cách ly (07 ngày kể từ ngày xét nghiệm dương tính với SARS-CoV-2 và chưa có kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 âm tính), tự nguyện tham gia làm việc.
Các đơn vị, địa phương có thể xem xét bố trí thực hiện các công việc trực tuyến, không tiếp xúc trực tiếp với người xung quanh; hoặc được phép tham gia hỗ trợ chăm sóc, theo dõi, điều trị người nhiễm SARS-CoV-2 trong gia đình, cơ sở lưu trú hoặc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid-19 phù hợp với nhiệm vụ được giao, trình độ chuyên môn nghiệp vụ và thực hiện nghiêm Thông điệp 5K.
Đối với những người được bố trí thực hiện các công việc tại các cơ sở điều trị bệnh Covid -19 phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng hộ theo quy định, thường xuyên theo dõi sức khỏe, xét nghiệm SARS-CoV-2; không được chăm sóc hoặc tiếp xúc với những người bệnh bị suy giảm miễn dịch hoặc có nguy cơ cao (người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, người trên 50 tuổi).
Trong trường hợp này, F0 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại.
Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
Đối với trường hợp F1
Theo đề xuất, những người là F1 nhưng chưa tiêm đủ liều vaccine phòng Covid -19 hoặc chưa tiêm vaccine phòng Covid -19 được phép tham gia các công việc cấp bách của đơn vị, địa phương mình thông qua các hình thức làm việc trực tuyến hoặc trực tiếp.
Trong trường hợp làm việc trực tiếp, cơ sở làm việc phải bố trí, thiết lập khu vực làm việc dành riêng cho các trường hợp là F1, đảm bảo khoảng cách làm việc, không tập trung đông người và thoáng khí để giảm nguy cơ lây nhiễm.
Theo phương án đề xuất, F1 được phép di chuyển bằng phương tiện cá nhân đi thẳng từ nơi cách ly đến khu vực làm việc được bố trí sẵn và ngược lại. Trong quá trình di chuyển không được tiếp xúc với người xung quanh; thực hiện nghiêm Thông điệp 5K, đặc biệt là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, không tiếp xúc gần với người xung quanh trong quá trình làm việc và thực hiện các biện pháp khử khuẩn, phòng ngừa lây nhiễm.
F1 thực hiện xét nghiệm virus SARS-CoV-2 bằng phương pháp PCR hoặc phát hiện kháng nguyên (xét nghiệm nhanh kháng nguyên hoặc bằng máy miễn dịch) vào ngày thứ 5 kể từ ngày phơi nhiễm cuối cùng hoặc ngay khi có dấu hiệu bất thường về sức khỏe nêu trên để phát hiện sớm và triển khai các biện pháp xử lý y tế đối với trường hợp mắc Covid -19 theo quy định.







Ngày xuất bản: 18/3/2022
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH, HỒNG VÂN
Nội dung: THIÊN LAM, SƠN BÁCH
Trình bày: ĐĂNG PHI
Ảnh: THÀNH ĐẠT
