Loại bỏ CO2

khỏi bầu khí quyển

Trước thềm Hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) diễn ra tại Anh từ 31/10 đến 12/11, chuyên đề “Những bước dịch chuyển của thế giới nhằm chống biến đổi khí hậu” đưa ra cái nhìn toàn cảnh về những nỗ lực của thế giới kiềm chế khí hậu nóng lên, vì sức khỏe của bà mẹ Trái đất, vì tương lai của sự sống trên toàn hành tinh.

Ngày 8/9 vừa qua, nhà máy thu khí CO2 trực tiếp từ không khí lớn nhất thế giới đã chính thức đi vào hoạt động tại Iceland, đánh dấu bước đột phá trong mục tiêu đạt mức phát thải ròng toàn cầu bằng 0 (net-zero) vào năm 2050.

Với công suất lên đến 4.000 tấn CO2 mỗi năm, tương đương với lượng khí thải hằng năm từ khoảng 790 ô tô, nhà máy Orca hoạt động theo cơ chế tách CO2 trực tiếp từ không khí và chôn khí thải vào trong lòng đất.

Công nghệ này là một trong nhiều phương pháp loại bỏ khí nhà kính (chủ yếu là CO2 – nguyên nhân chính gây hiệu ứng nhà kính) đang được nghiên cứu và áp dụng trên thế giới hiện nay nhằm hướng tới mục tiêu đạt được mức phát thải ròng toàn cầu bằng 0.

Không thể phủ nhận rằng các chiến lược giảm phát thải như chuyển dịch sang năng lượng tái tạo, sử dụng năng lượng hiệu quả và chống phá rừng đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, chỉ riêng chúng sẽ là không đủ để hiện thực hóa tham vọng nêu trên.


Sự cần thiết loại bỏ CO2 ra khỏi khí quyển

Theo Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu (IPCC), thế giới ngày nay trung bình ấm hơn 1,1oC so với năm 1850. Nếu xu hướng này tiếp tục, hành tinh của chúng ta sẽ nóng hơn 2-3oC vào cuối thế kỷ này.

Nguyên nhân chính của sự gia tăng nhiệt độ là do lượng CO2 trong khí quyển cao hơn, khiến bầu khí quyển giữ lại nhiệt của Mặt trời và không cho nó phản xạ vào không gian. Từ năm 1850, tỷ lệ CO2 trong không khí đã tăng từ 0,029% lên 0,041% (288 ppm đến 414 ppm).

Trong 50 năm qua, hơn 1.200 tỷ tấn CO2 đã được thải vào bầu khí quyển của Trái đất - riêng năm 2018 là 36,6 tỷ tấn. Như một hệ quả tất yếu, nhiệt độ trung bình toàn cầu đã tăng 0,8oC chỉ trong nửa thế kỷ.

Năm 2015, thế giới đã cùng nhau ký kết Thỏa thuận chung Paris về biến đổi khí hậu, trong đó đặt ra mục tiêu giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong thế kỷ này ở mức thấp hơn 2°C và theo đuổi các nỗ lực để hạn chế nó ở mức 1,5°C. Thỏa thuận đưa ra giới hạn lượng CO2 có thể thải vào khí quyển. Theo tính toán của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, nếu phát thải tối đa khoảng 300 tỷ tấn, sẽ có 50% cơ hội hạn chế mức tăng nhiệt độ toàn cầu ở 1,5oC. Tuy nhiên, nếu lượng phát thải CO2 vẫn giữ nguyên ở mức hiện tại, thì “ngân sách” CO2 nói trên sẽ được sử dụng hết chỉ trong 7 năm.

Báo cáo đặc biệt của Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu đã nhấn mạnh tầm quan trọng của việc đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050, đồng thời nêu rõ chỉ đơn thuần cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính là không đủ. Để ngăn chặn những tác động tồi tệ nhất của sự nóng lên toàn cầu, cần mở rộng mạnh mẽ quy mô các công nghệ loại bỏ carbon (công nghệ phát thải âm – NET).

Có mối quan hệ tương hỗ quan trọng giữa quy mô, tốc độ giảm phát thải và vai trò của việc loại bỏ carbon
Bà Kelly Levin, Trưởng bộ phận khoa học, dữ liệu và thay đổi hệ thống tại Quỹ Trái đất Bezos

Loại bỏ carbon đề cập đến việc tách CO2 hiện có ra khỏi khí quyển bằng các phương pháp từ đơn giản là trồng cây đến phức tạp như chế tạo các máy thu nạp carbon khổng lồ. Việc loại bỏ carbon là điều cần thiết vì Trung Quốc, Ấn Độ và các nền kinh tế mới nổi khác sẽ tiếp tục sử dụng nhiên liệu hóa thạch để làm năng lượng trong nhiều năm tới. Bên cạnh đó, một số lĩnh vực của nền kinh tế, như hằng không và sản xuất thép, có thể sẽ vẫn phải dựa vào năng lượng hóa thạch trong nhiều thập kỷ.

Để đạt được mức phát thải ròng toàn cầu bằng 0 trước năm 2050, những lượng phát thải trên sẽ phải được hạn chế bằng cách loại bỏ carbon.

Cần thiết phải bắt tay ngay vào việc tìm ra cách loại bỏ CO2 khỏi bầu khí quyển một cách có trách nhiệm và bền vững
Ông Simon Nicholson, đồng Giám đốc Viện Luật và Chính sách loại bỏ carbon tại Đại học American (Mỹ)

Trồng rừng và tái trồng rừng góp phần loại bỏ CO2 khỏi khí quyển. (Ảnh: WRI)

Toàn cảnh nhà máy thu carbon trực tiếp từ không khí lớn nhất thế giới tại Iceland. (Ảnh: Bloomberg)

Trồng rừng và tái trồng rừng góp phần loại bỏ CO2 khỏi khí quyển. (Ảnh: WRI)

Toàn cảnh nhà máy thu carbon trực tiếp từ không khí lớn nhất thế giới tại Iceland. (Ảnh: Bloomberg)

Thiên nhiên đã “trang bị” cho Trái đất một số bể chứa carbon khổng lồ có thể giúp con người chống lại biến đổi khí hậu. Cùng với các bể chứa nhân tạo, những bể chứa tự nhiên này có thể hút carbon và loại bỏ nó khỏi khí quyển một cách hiệu quả.

Rừng được biết đến như bể chứa carbon tự nhiên. Diện tích cây xanh rộng lớn có thể hấp thu CO2 từ khí quyển để phục vụ quá trình quang hợp. Theo một nghiên cứu năm 2019 trên tạp chí Science, trồng 1 nghìn tỷ cây xanh có thể giúp lưu trữ khoảng 225 tỷ tấn carbon, tương đương 2/3 lượng carbon do con người thải vào khí quyển kể từ khi cuộc cách mạng công nghiệp bắt đầu.

Theo bà Jane Zelikova, nhà sinh thái học trên cạn và (là) nhà khoa học trưởng tại Carbon180 - một tổ chức phi lợi nhuận ủng hộ các chiến lược loại bỏ carbon tại Mỹ, quản lý đất nông nghiệp là một phương pháp tiếp cận loại bỏ carbon tự nhiên khác có rủi ro tương đối thấp và đang được thử nghiệm. Các thói quen như chăn thả luân phiên đã giảm xới đất và luân canh cây trồng làm tăng lượng hấp thụ carbon của quá trình quang hợp, và carbon sau đó được giữ lại trong các tế bào rễ bị phân hủy trong đất. Viện Hàn lâm Khoa học Quốc gia Mỹ phát hiện ra rằng, lượng carbon lưu lại trong đất đủ để bù đắp 10% lượng khí thải ròng hằng năm của Mỹ - tức là khoảng 632 triệu tấn CO2 - với chi phí thấp.

Ngoài các phương pháp tiếp cận dựa trên tự nhiên, một vài cách tiếp cận dựa trên công nghệ cũng đang được nghiên cứu và áp dụng trên thế giới nhằm loại bỏ CO2 ra khỏi khí quyển.

Với công nghệ thu CO2 trực tiếp từ không khí, một quá trình hóa học tách CO2 ra khỏi không khí và đưa tới các bộ lọc. Khi bộ lọc được làm nóng, CO2 có thể được thu giữ và sau đó được bơm vào lòng đất. Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), hiện có 15 nhà máy thu CO2 từ không khí đang hoạt động trên toàn thế giới, thu giữ được hơn 9.000 tấn CO2 mỗi năm.

Một phương pháp khác là năng lượng sinh học kết hợp thu nạp và lưu trữ carbon (BECCS). Với phương pháp này, thực vật (sinh khối) sẽ được trồng, sau đó được đốt cháy để tạo ra nhiệt hoặc nhiên liệu sinh học. Trong quá trình đốt cháy, khí thải carbon được thu nạp và lưu trữ dưới lòng đất. Ngoài ra, còn có một vài phương pháp loại bỏ carbon như sử dụng than sinh học (biochar), khoáng hóa CO2 cách tiếp cận dựa trên đại dương (tăng khả năng trữ carbon của đại dương).

Một số phương pháp loại bỏ CO2 ra khỏi khí quyển. (Ảnh: The Conversation)

Một số phương pháp loại bỏ CO2 ra khỏi khí quyển. (Ảnh: The Conversation)

Nỗ lực loại bỏ CO2 ở các nước

Với vai trò là chủ nhà của COP26, Vương quốc Anh đang cho thấy những bước đi mạnh mẽ trong việc giảm thiểu lượng phát thải CO2 trong bầu khí quyển, hướng tới phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và ngăn chặn cuộc khủng hoảng khí hậu.

Tháng 5 vừa qua, một dự án trị giá 30 triệu bảng Anh - được Tổ chức Nghiên cứu và Đổi mới sáng tạo Vương quốc Anh tài trợ - đã chính thức được công bố nhằm thử nghiệm các phương pháp để cụ thể hóa nỗ lực trên một cách hiệu quả và khả thi trên diện tích đất 100 ha. Đây là một trong những cuộc thử nghiệm lớn nhất trên thế giới.

Theo đó, dự án sẽ được triển khai trên khắp Vương quốc Anh, sử dụng cây xanh, than bùn, đá vụn và than củi để thu khí CO2 từ không khí.

Trồng cây để bù đắp lượng khí thải CO2 ở Carlisle, Cumbria, tây bắc xứ Anh. (Ảnh: The Guardian)

Trồng cây để bù đắp lượng khí thải CO2 ở Carlisle, Cumbria, tây bắc xứ Anh. (Ảnh: The Guardian)

Các vùng đất than bùn bị thoái hóa ở dãy núi Pennines (phía bắc xứ England) và ở khu vực tây xứ Wales sẽ được tái tạo độ ẩm và phủ cây xanh, trong khi các mảnh đá hấp thu CO2 khi chúng vỡ vụn trong đất sẽ được thử nghiệm tại các trang trại ở Devon, Hertfordshire và miền trung xứ Wales. Loại than củi đặc biệt, hay còn được gọi là than sinh học, sẽ được chôn tại bãi xử lý nước thải, trên các khu mỏ cũ và các bờ kè đường sắt.

Việc thử nghiệm sử dụng cây xanh trên quy mô lớn để thu CO2 sẽ được tiến hành trên khắp lãnh thổ Vương quốc Anh. Trong khi đó, thử nghiệm cuối cùng sẽ đo lường tiềm năng loại bỏ carbon của các loại cây năng lượng như cây liễu và cỏ Miscanthus ở quy mô thương mại. Những loại cây này sẽ được đốt cháy để lấy năng lượng, với lượng khí thải CO2 bị giữ lại và lưu trữ dưới lòng đất.

Theo kết luận của các nhà khoa học tại Ủy ban Liên chính phủ về Biến đổi Khí hậu, không có cách nào giữ mức tăng nhiệt độ toàn cầu trong phạm vi là 1,5oC như mục tiêu thế giới đang hướng đến mà không cắt giảm lượng khí thải và loại bỏ hàng tỷ tấn CO2 mỗi năm từ nay đến năm 2050. Các cố vấn khí hậu chính thức của Vương quốc Anh ước tính, để đạt phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này, lượng CO2 mà Vương quốc Anh cần phải loại bỏ hằng năm sẽ vào khoảng 100 triệu tấn.

Phối cảnh một nhà máy thu CO2 trực tiếp từ không khí quy mô lớn. (Ảnh: Insider)

Phối cảnh một nhà máy thu CO2 trực tiếp từ không khí quy mô lớn. (Ảnh: Insider)

Việc loại bỏ carbon được coi là cần thiết vì sẽ rất khó để ngăn chặn tất cả khí thải từ các lĩnh vực như hàng không, nông nghiệp và xi măng vào năm 2050. Các thử nghiệm mới là một phần của chương trình chính phủ trị giá 110 triệu bảng Anh, trong đó cũng bao gồm các thử nghiệm sử dụng công nghệ để tách CO2 trực tiếp từ không khí.


Là nước phát thải CO2 lớn thứ 2 thế giới, Mỹ cũng đang có những bước đi quan trọng trong nỗ lực loại bỏ CO2 khỏi khí quyển. Ngày 17/8 vừa qua, Bộ Năng lượng Mỹ (DOE) đã công bố khoản tài trợ 24 triệu USD cho 9 dự án nghiên cứu nhằm khám phá và phát triển các phương pháp thu nhận và lưu trữ carbon mới từ không khí.

Bộ trưởng Năng lượng Jennifer M. Granholm cho biết: “Tìm cách loại bỏ và lưu trữ carbon trực tiếp từ không khí là điều cần thiết tuyệt đối trong cuộc chiến chống khủng hoảng khí hậu của chúng ta. Khoản đầu tư vào nghiên cứu công nghệ thu giữ carbon thông qua các trường đại học và phòng thí nghiệm của Bộ sẽ đưa Mỹ trở thành nước đi đầu trong lĩnh vực đang phát triển này, tạo ra việc làm được trả lương cao và giúp biến tương lai không carbon của chúng ta thành hiện thực”.

Một nhà máy thu giữ CO2 của Climeworks tại Thụy Sĩ. (Ảnh: Climeworks)

Một nhà máy thu giữ CO2 của Climeworks tại Thụy Sĩ. (Ảnh: Climeworks)

Các nghiên cứu chỉ ra rằng việc hạn chế lượng phát thải carbon là không đủ, và các phương pháp tiếp cận sáng tạo như thu giữ CO2 trực tiếp từ không khí sẽ là cần thiết để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu.

Theo đó, khoản tài trợ 24 triệu USD được trao cho hai phòng thí nghiệm quốc gia và bảy trường đại học, trong đó có Đại học Bang Bắc Carolina A&T, với các dự án nghiên cứu các vật liệu, hóa chất và quy trình mới chiết xuất CO2 từ không khí, bên cạnh đó là những nghiên cứu kết hợp giữa tính toán và thực nghiệm về thu giữ CO2 để cô lập hoặc tái sử dụng.


Tháng 9/2020, Na Uy công bố khoản tài trợ 1,8 tỷ USD cho dự án thu giữ và lưu trữ carbon (CCS) quy mô đầy đủ đầu tiên trên thế giới, với tên gọi “Longship”.

Theo đó, số tiền sẽ được dùng để triển khai các cơ sở thu giữ carbon tại một nhà máy xi măng ở miền nam Na Uy (do công ty xi măng Heidelberg của Đức vận hành) và một nhà máy đốt rác ở Oslo (do công ty năng lượng Fortum của Phần Lan vận hành). Theo Fortum, dự án này sẽ giúp loại bỏ lượng CO2 tương đương phát thải của 60 nghìn xe ô tô ra khỏi bầu khí quyển mỗi năm.

Cả hai cơ sở đặt mục tiêu thu giữ khoảng 400 nghìn tấn khí thải CO2.

Dự án sẽ giúp thu carbon từ khí quyển. (Ảnh: Getty Images)

Dự án sẽ giúp thu carbon từ khí quyển. (Ảnh: Getty Images)

“Longship” cũng bao gồm dự án Northern Lights - một liên doanh giữa các đại gia dầu khí Equinor, Shell và Total. Dự án Northern Lights chịu trách nhiệm vận chuyển CO2 lỏng bằng tàu từ các nhà máy thu giữ đến một cơ sở trên đất liền ở bờ biển phía tây của Na Uy (Øygarden, hạt Vestland) để lưu trữ tạm thời. Sau đó, theo đường ống dẫn, số CO2 này được đưa đến một bể chứa dưới đáy đại dương ở Biển Bắc.

Thủ tướng Na Uy Erna Solberg cho biết đây là một “cột mốc quan trọng” trong nỗ lực chống biến đổi khí hậu của chính phủ Na Uy. “Dự án sẽ giúp cắt giảm khí thải, và thúc đẩy phát triển công nghệ mới cũng như tạo ra nhiều việc làm mới”.


Nỗ lực loại bỏ carbon không chỉ nhận được sự quan tâm từ chính phủ các nước, mà còn đang ngày càng thu hút sự chú ý và chung tay của doanh nghiệp và các nhà đầu tư.

Nhà sản xuất iPhone Apple mới đây đã công bố một quỹ đầu tư trị giá 200 triệu USD với mục tiêu loại bỏ khí thải carbon khỏi bầu khí quyển và hỗ trợ các dự án trồng rừng. Restore Fund (hay còn gọi là Quỹ phục hồi), do Apple phối hợp triển khai cùng Cơ quan Bảo tồn quốc tế và Tập đoàn tài chính Goldman Sachs. Đây là nỗ lực nhằm loại bỏ một triệu tấn CO2 khỏi bầu khí quyển mỗi năm, tương đương với lượng khí thải do khoảng hơn 200 nghìn phương tiện chở khách hằng năm thải ra. Dự án này đã chứng minh với các tập đoàn khác về khả năng thu lợi nhuận từ đầu tư vào môi trường.

Mục tiêu của dự án nhằm giảm khí thải carbon trong bầu khí quyển và sinh lợi nhuận.

Mục tiêu của dự án nhằm giảm khí thải carbon trong bầu khí quyển và sinh lợi nhuận.

Ngày 22/4 vừa qua, cuộc thi XPRIZE tập trung vào công nghệ loại bỏ carbon đã chính thức được khởi động với tổng giá trị giải thưởng lên tới 100 triệu USD – được tài trợ bởi Giám đốc điều hành công ty Tesla, ông Elon Musk, và Quỹ Musk.

Cuộc thi sẽ kéo dài 4 năm trên phạm vi toàn cầu, thách thức các đội tham gia từ khắp nơi trên thế giới trình diễn các giải pháp thu giữ CO2 từ khí quyển hoặc đại dương và cô lập chúng một cách lâu dài và bền vững. Để giành được giải thưởng lớn, các giải pháp phải chứng minh quy mô xử lý ít nhất 1.000 tấn CO2 mỗi năm; mô hình hóa chi phí ở quy mô 1 triệu tấn mỗi năm; và đưa ra một lộ trình để đạt được quy mô giga tấn mỗi năm trong tương lai.

Các đội tham gia có thể phát triển và giới thiệu các cách tiếp cận dựa trên tự nhiên hoặc công nghệ, miễn là chứng minh được khả năng đạt phải thải ròng âm, cô lập CO2 lâu dài, và có lộ trình bền vững tiến tới quy mô xử lý giga tấn CO2 với chi phí thấp.

Khôi phục môi trường sống tự nhiên sẽ giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. (Ảnh: UN)

Quản lý đất nông nghiệp là một phương pháp tiếp cận loại bỏ carbon tự nhiên khác có rủi ro tương đối thấp và đang được thử nghiệm. (Ảnh: WRI)

Khôi phục môi trường sống tự nhiên sẽ giúp làm chậm quá trình biến đổi khí hậu. (Ảnh: UN)

Quản lý đất nông nghiệp là một phương pháp tiếp cận loại bỏ carbon tự nhiên khác có rủi ro tương đối thấp và đang được thử nghiệm. (Ảnh: WRI)

Phân tích của Viện Tài nguyên Thế giới (WRI) đã chỉ ra rằng chiến lược hiệu quả nhất về chi phí và rủi ro thấp nhất để xây dựng năng lực loại bỏ CO2 bao gồm việc phát triển và triển khai song song nhiều phương pháp tiếp cận khác nhau.

Mỗi cách tiếp cận loại bỏ CO2 đều mang lại nhiều hứa hẹn và thách thức, nhưng việc thu giữ và lưu trữ CO2 tồn tại trong không khí phải là một phần của chiến lược biến đổi khí hậu trên toàn thế giới để ngăn chặn các mức độ nguy hiểm của hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Đã đến lúc bắt đầu đầu tư vào danh mục các phương pháp tiếp cận loại bỏ carbon - trong nghiên cứu, phát triển, triển khai giai đoạn đầu và tạo điều kiện thuận lợi - để chúng trở thành những lựa chọn khả thi ở quy mô cần thiết trong những thập kỷ tới
Viện Tài nguyên Thế giới nhấn mạnh

Tầm quan trọng của việc loại bỏ CO2 ra khỏi khí quyển là điều không phải bàn cãi. Tuy nhiên, theo ông Christian Bauer, một nhà khoa học tại Phòng thí nghiệm phân tích hệ thống năng lượng (Thụy Sĩ), các công nghệ thu giữ CO2 chỉ đơn thuần là sự bổ sung cho một chiến lược khử cacbon tổng thể – nghĩa là để giảm lượng phát thải CO2 – và không thể thay thế nó. Giáo sư Cameron Hepburn (Đại học Oxford) cũng khẳng định quan điểm này, nhấn mạnh cắt giảm lượng khí thải từ đốt nhiên liệu hóa thạch càng nhanh càng tốt vẫn là yếu tố then chốt để giải quyết vấn đề nóng lên toàn cầu.

Việc loại bỏ CO2 chưa bao giờ là sự thay thế cho việc cắt giảm phát thải của chúng ta
Giáo sư Cameron Hepburn, Đại học Oxford

Ngày xuất bản: 29/10/2021
Chỉ đạo thực hiện: TRƯỜNG SƠN
Tổ chức thực hiện: HỒNG VÂN
Thực hiện: VĂN TOẢN, PHAN ANH
Nguồn tin và dữ liệu: Vox, DW, The Conversation, Reuters, The Guardian, WRI, Energy.gov