Lời nguyện cầu

trong mùa trăng đặc biệt

Nhà báo Vĩnh Quyên

CÓ MỘT TRUNG THU NHƯ THẾ…

Mọi năm, từ đầu tháng 8 âm lịch là đường phố Hà Nội đã trang hoàng rực rỡ chợ Hàng Mã tưng bừng náo nhiệt kéo dài từ phố Lương Văn Can dọc xuống Hàng Mã, vắt qua Hàng Lược với đủ các mẫu mã đồ chơi Trung thu. Hoa quả mùa thu tràn ngập trên đường phố, hồng trứng đỏ mọng, hồng ngâm vàng ửng, hồng da tre xanh mướt, cốm non xanh mát như ngọc thạch, na mắt nhắm mắt mở he hé nhìn đời, chuối ngự đang chín ửng, bưởi đã hết the vừa độ chua thanh dịu ngọt. Đêm rằm, dưới ánh trăng vằng vặc,  tiếng trống múa lân, múa sư tử hòa lẫn trong tiếng cười trong trẻo của trẻ thơ. Đường phố nhộn nhịp người qua lại, vui cười hớn hở. Dưới ánh trăng, bọn trẻ con phá cỗ, người lớn ăn bánh, uống trà thưởng nguyệt.

Đấy là mọi năm, còn năm nay thì khác. Chỉ còn một hai ngày nữa là tới Tết Trung thu trong khi dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nên mùa trăng năm nay thật đặc biệt. Hà Nội đến giờ phần lớn vẫn đang tiếp tục giãn cách theo Chỉ thị 16. Phố phường vắng lặng, Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can gần như cửa đóng then cài. Đầu sư tử, đèn ông sao, đèn ông sư, đèn  kéo quân nằm im lìm buồn bã. Chắc chắn sẽ không có các hoạt động bày cỗ, rước đèn ông sao, không tổ chức múa hát, vui văn nghệ đường phố… Nhớ cái không khí náo nhiệt của Hàng Mã, nhớ phố phường Hà Nội, nhớ thời tiết se lạnh của mùa thu vô cùng.

Nhưng dẫu nghịch cảnh dịch bệnh khiến lòng người xao xác, mình vẫn muốn biện lên những mâm lễ, mâm cỗ trông trăng thật tinh tươm nhưng cần kiệm mà vẫn thấm đẫm phong vị mùa thu cho cái Tết tôn vinh mặt trăng - đức Thái Âm của nhân gian. Mâm cỗ Trung thu nhà mình thường là những thức quà Hà Nội, những trái cây mùa thu xứ bắc và đương nhiên không thể thiếu bánh Trung thu và đèn ông sao, mũ sư tử. Tất cả các thứ đều được đặt mua online từ cả tuần trước. Ngoài ra, còn có thêm mấy quả bưởi tỉa hoa. Cũng vẫn bưởi ấy, nhưng dụng công một chút mâm cỗ trông duyên dáng hẳn. Bọn trẻ không được đi rước đèn thì phá cỗ ở nhà chắc cũng sẽ vui hơn.

Vừa ngồi tỉa bưởi bày cỗ vừa nghĩ đến những người ở tuyến đầu chống dịch. Họ phải chấp nhận xa gia đình, xa con cái nhiều tháng liền và ngày đêm căng mình nơi bệnh viện. Những đứa trẻ có bố mẹ đi xa quả là thiệt thòi trong mùa trăng năm nay. Lại nghĩ đến hàng nghìn bệnh nhân đang chống chọi với Covid-19 và không phải ai cũng may mắn được bình an để trở về đón Tết đoàn viên bên người thân.

Nghĩ đến con số hơn 1.500 trẻ em đã mồ côi cha, mẹ hoặc cả hai. Đây là con số của riêng TP Hồ Chí Minh, cả nước chắc sẽ nhiều hơn con số đó. Khi đang ở tuổi ăn, tuổi chơi, Covid-19 đã lấy đi của các em quá  nhiều thứ, trong đó có những người thân yêu nhất. Nghĩ như thế để thấy mình và nhiều người nữa còn đang được ở trong nhà, được bày biện mâm cỗ trông trăng như thế này quả là một điều quá  may mắn và hạnh phúc.

Dẫu nghịch cảnh dịch bệnh khiến lòng người xao xác, mình vẫn muốn biện lên những mâm lễ, mâm cỗ trông trăng thật tinh tươm nhưng cần kiệm mà vẫn thấm đẫm phong vị mùa thu cho cái Tết tôn vinh mặt trăng - đức Thái Âm của nhân gian
Nhà báo Vĩnh Quyên

Khi dâng mâm lễ thường người ta hay thầm cầu ước những điều mà họ mong đợi nhất. Mình cầu mong dịch bệnh qua mau để cuộc sống được trở lại bình thường, dẫu biết rằng cái bình thường ấy sẽ không thể như cái bình thường cũ. Cầu mong các em nhỏ dù trong hoàn cảnh dịch bệnh vẫn có một Tết Trung thu vui vẻ, đầm ấm. Cầu mong những người thân yêu được bình an. Và sau cùng, nguyện ước, Việt Nam mau khỏe nhé!

Nhà văn Nguyễn Một

TÔI BUỒN, NHƯNG TÔI TIN
VÀO MÙA TRĂNG NĂM SAU

Tôi sinh ra trong thời chiến, cha mẹ mất sớm, nên phải ở với ông bà. Nơi tôi sống đất không nhiều, tranh thủ gò nỗng, đặc biệt chỗ gò làng nơi người dân quê tôi đắp những ngôi mộ tròn vành vạnh, ông ngoại thường chọn những miếng đất còn trống quanh những ngôi mộ để trồng củ sắn, củ khoai độ nhật mùa giáp hạt, nhưng ông luôn trồng vài luống bắp cho con cháu nướng ăn chơi!

Cứ mỗi dịp Trung thu, ông tôi mang mấy lon bắp khô đi nhờ người bung lên cho các cháu làm cỗ. Năm 10 tuổi, khi ông bà đưa chúng tôi xuống Đà Nẵng để tránh xa vùng chiến sự “bom rơi đạn nổ” dưới chân núi Chúa, rồi ông mất, ba chạy ngược, chay xuôi kiếm hạt gạo lo cho ba đứa trẻ mồ côi. Trung thu đầu tiên ở trong ngôi làng tỵ nạn tôi được cô giáo lớp 4 cho cái bánh trung thu bé xíu. Lần đầu được nếm hương vị của bánh trung thu. Tôi ăn xong vẫn còn thèm thuồng.

Ngoài đường, những đứa trẻ thành phố rồng rắn với những chiếc lồng đèn đầy màu sắc và ca vang bài: “tùng dinh dinh, cắc tùng dinh dinh”. Tôi đứng nhìn những chiếc đèn lồng với mơ ước cháy bỏng có ngày mình có chiếc đèn lồng như vậy, nhưng rồi tuổi thơ của tôi đã bị cơn lốc của chiến tranh cuốn đi! Cho đến mãi sau này, dù đã lớn và già đi nhưng mùa Trung thu tôi vẫn thích ăn ngấu nghiến hết cái bánh trung thu. Ăn để bù lại ám ảnh quá khứ!

Tuổi thơ tôi không có cái Tết Trung thu đúng nghĩa! Hôm nay thời bình nhưng nhiều đứa trẻ không có đêm Trung thu do đại dịch Covid-19 hoành hành khắp nơi trên đất nước tôi, tôi lại nhớ nỗi buồn của mình. Hơn 20 năm trước khi còn làm báo Tiền Phong, tôi bất ngờ chụp được tấm ảnh cha con người chạy xe ba gác, với ánh mắt hạnh phúc của họ cùng chiếc đèn lồng trên tay cô bé. Còn Trung thu năm nay hình ảnh đơn giản này cũng không thấy trên phố! Tôi buồn! Nhưng tôi tin và chờ đợi mùa Trung thu sang năm, dòng thác đèn lồng và bài hát hồn nhiên của những đứa trẻ sẽ trôi trên đường phố.

Tuổi thơ của tôi đã bị cơn lốc của chiến tranh cuốn đi! Cho đến mãi sau này dù đã lớn và già đi, nhưng mùa Trung thu tôi vẫn thích ăn ngấu nghiến hết cái bánh Trung thu. Ăn để bù lại ám ảnh quá khứ!
Nhà văn Nguyễn Một

Á hậu Việt Nam năm 2010 Vũ Hoàng My 

TRUNG THU NĂM NAY,
TRẺ EM PHẢI Ở TRONG NHÀ!

Nhìn ánh trăng tròn vành vạnh toả sáng trên bầu trời mỗi rằm tháng 8, tôi lại nhớ về những ngày thơ bé tràn ngập niềm hạnh phúc với tất cả các anh chị và trẻ con nơi tôi lớn lên. Tôi đã có những Tết Trung thu tuổi thơ đầy ắp tiếng cười và khó quên trong đời, một tuổi thơ hồn nhiên khắc sâu ngọt ngào trong ký ức…

Trước Trung thu khoảng ba tuần, mọi người đã lục đục chuẩn bị làm lồng đèn. Lồng đèn của chúng tôi không phải là những cái bé bé đâu, mà là những cái bự tổ chảng kìa! Và tất nhiên là sẽ không ai có thể khiêng nổi! Vì thế chúng được làm dính trên những chiếc xe đạp để đêm Trung thu, một cuộc diễu hành lồng đèn tráng lệ sẽ diễn ra trên tất cả những con đường lớn trong ấp.

Tôi không nhớ việc diễu hành lồng đèn này đã có từ bao giờ, chỉ nhớ khi đó tôi còn là một cô bé con, rất muốn phụ giúp nhưng không làm được gì nhiều. Tôi thấy các anh vác rất nhiều những cây tre về, chặt chặt vót vót. Hai thanh tre đầu tiên được cột chặt song song dài bằng chiếc xe đạp để làm “nền móng”. Rồi từ từ một chiếc khung được hình thành trên chiếc xe đạp. Họ xiết những thanh tre với nhau bằng dây kẽm. Có những đoạn tròn uốn lượn được các anh làm cực kỳ sắc sảo. Tôi đã dần nhìn thấy hình ảnh một mặt trăng khuyết xuất hiện. Nó giống như một miếng dưa hấu bị ai cắn. 

Khi làm khung như vậy, các anh phải liên tục kiểm tra xem chiếc xe đạp có bị cấn, có dắt đi được hay không. Họ cười, đùa giỡn khiến mấy đứa con gái như tôi rất thích đến, chỉ để ngồi xem và hy vọng mình sẽ phụ được cái gì đó.

Khung được làm xong sau vài ngày, một chiếc bình ắc-quy được gắn lên xe và những chiếc đèn được gắn vào trong. Sau đó, chúng tôi mua những khúc vải màu trắng, vàng mỏng để may vào khung. Tấm vải phải được căng hết mức thì lồng đèn mới đẹp.

Ui chao! Một mặt trăng khuyết xuất hiện toả sáng ngay trước mắt chúng tôi. Đó là một tác phẩm đẹp xuất sắc! Tôi nói rằng nó không phải đẹp bình thường đâu! Với độ tinh xảo từng nét như vậy, nó xứng đáng đoạt giải! 

Tôi thấy chiếc lồng đèn mặt trăng của mình vẫn còn thiếu thiếu, vì thế tôi chạy về nhà mang con búp bê, làm cho nó một bộ đồ giống như chị Hằng Nga rồi treo nó trên mặt trăng. Các anh thấy vậy thì cười. Họ nói đáng lẽ phải để chú Cuội lên chứ! Nhưng tôi không chịu, tôi bắt phải là chị Hằng! Nên các anh chiều ý tôi.

Chúng tôi có sáu chiếc lồng đèn khác nhau do sáu nhóm làm. Có nhóm thì làm chiếc xe tăng, nhóm khác làm chiếc thuyền, nhóm khác làm con gà, con trâu, con cá… Họ có thể nghĩ ra bất kỳ con gì mà họ thích và biến nó thành hiện thực qua chiếc lồng đèn. 

Tối 14, tất cả con nít, người già, người trẻ ở trong ấp háo hức ra cửa đứng nhìn. Đoàn chúng tôi rước đèn rần rần với trống đánh vang trời. Dẫn đầu là đoàn múa lân, theo sau là sáu chiếc lồng đèn to đùng rực sáng cả con đường. Rất nhiều trẻ con cầm chiếc lồng đèn nhỏ của mình đòi chạy theo chỉ để được đứng gần hơn chiêm ngưỡng những chiếc lồng đèn to bự kia khiến mẹ của chúng cũng phải chạy theo.

Cảnh tượng ấy làm cho tôi nhớ mãi… Một đoàn thanh niên, trẻ con, phụ nữ trên con đường, phía trên là sáu chiếc lồng đèn đủ hình hài màu sắc toả sáng, phía dưới lấp lánh rất nhiều ánh lồng đèn đỏ trên tay, cùng nhau hát: 

Tết Trung Thu đốt đèn đi chơi
Em đốt đèn đi khắp phố phường
Đèn ông sao với đèn cá chép
Đèn xanh xanh với đèn tím tím…

Chúng tôi rước đèn nên rất sợ những cơn mưa. Mà rằm tháng 8 lại rất hay mưa. Vì mưa thì chập điện, lồng đèn tèm lem, đường sình trơn trượt xe đạp mắc kẹt. Vậy mà không năm nào là không có mưa. Nó sẽ đến vào đúng ngày 15/8. Vậy nên chúng tôi thường có một ngày 14 khô ráo về nhà, và ngày 15 là ướt chèm bẹp.

Tuổi thơ hồn nhiên đẹp biết mấy! Ngày xưa tôi hay nghe người ta nói nhưng giờ tôi mới biết nó đẹp thế nào. Ước gì những đứa cháu nhỏ của tôi và tất cả trẻ con trên đời đều có những cái Tết Trung thu rộn ràng, háo hức, đông đúc, vui cười như thế. 

Sài Gòn những ngày bị covid hoành hành, tôi đăng ký tham gia chống dịch, nhiệm vụ của tôi là lấy mẫu xét nghiệm. Trong một lần lấy mẫu, tôi gặp hai chị em một bé bốn tuổi và một bé sáu tuổi đứng ôm nhau xếp hàng chờ trong run rẩy sợ sệt. Chúng sợ hãi la hét, rất khó khăn để lấy được mẫu.

Nhưng đến gần đây đa số các bé rất can đảm ngồi yên để lấy mẫu xét nghiệm qua mũi. Có lẽ qua cơn đại dịch này, chúng cũng đã trưởng thành hơn và vượt qua nhiều nỗi sợ.

Tết Trung thu năm nay trẻ con phải đóng cửa ở yên trong nhà. Có những đứa bé phải tiếp tục vượt qua sợ hãi, tiếp lục lấy mẫu xét nghiệm. Có những đứa bé đang đếm từng ngày trong khu cách ly, bệnh viện dã chiến. Và có những đứa bé mồ côi cả cha lẫn mẹ vì đại dịch. Không lồng đèn, không quà bánh, không múa lân, không bạn bè… Một Tết Trung thu yên ắng, không trọn vẹn...

Khi tham gia chống dịch, nhiệm vụ của tôi là lấy mẫu xét nghiệm. Gần đây, đa số các bé rất can đảm ngồi yên để lấy mẫu xét nghiệm qua mũi. Có lẽ qua cơn đại dịch này, chúng cũng đã trưởng thành hơn và vượt qua nhiều nỗi sợ
Á hậu Vũ Hoàng My

Mùa trăng này mong sao các em được an toàn, mạnh khoẻ. Mong cho các em nhỏ đang ở nhà, sẽ được bố mẹ làm cho những chiếc lồng đèn để có thể cảm nhận được Tết Trung thu, cũng như cảm nhận được không khí của đêm rằm.

Mong sao đại dịch sớm qua mau để trẻ con lại được ra đường, lấp đầy tuổi thơ của các em với tiếng cười, niềm vui... những ký ức đẹp sẽ theo các em vào đời.

Nhà văn Hà Nguyên Huyến

TRĂNG TRÒN CHO MỖI TUỔI THƠ

Lần đầu tiên trong đời tôi có ý thức về một mùa thu!

Sáng ấy, mấy anh em tôi đứng bên hiên nhà, không đứa nào xuống hầm trú ẩn mặc dù hầm đào ngay trong sân. Trên bầu trời những chiếc máy bay Mỹ gầm rú, có những chiếc sà thấp xuống, tiếng động cơ sát sạt trên đầu. Chúng tôi nhìn rõ những chiếc “vỉ ruồi” (F105) thân bắt nắng xám bạc. Tiếp đó là súng phòng không của ta bắn lên, những cụm khói như những núm bông trắng bỗng nở trên bầu trời, sau đó mới nghe thấy tiếng đạn nổ. Rồi, tiếng bom. Bom nổ, hơi bom đánh phần phật vào nhà, những cánh cửa rung lên…

Nghe người lớn nói: Máy bay Mỹ đánh vào mấy xưởng quân giới trong vùng. Chiến tranh đã hiện hữu trên vùng đất Sơn Tây - Xứ Đoài với những đường nét cụ thể chứ không còn mơ hồ nữa. Đó là khoảng những năm 1966 - 1967. Mấy chục năm qua đi, ấn tượng về một bầu trời thu trong xanh lồng lộng nắng trên đầu không bao giờ phai nhạt. Bầu trời trong xanh một sáng thu với những chiếc máy bay Mỹ ngang dọc rạch nát bầu trời, rạch nát tuổi thơ tôi!

Tối hôm đó tại đình làng, thiếu niên nhi đồng tề tựu đông đủ, tất cả xếp thành hàng. Trên sân đình chỉ có một ngọn đèn bão duy nhất. Đèn được treo trong cỗ kiệu. Kiệu là một cái bàn chung quanh trang trí thêm lá móc, lá dừa. Giữa kiệu là ảnh Bác Hồ và những cuốn “vở sạch chữ đẹp” với những điểm 10 tươi rói… Đêm Trung thu đó, chúng tôi hát: “Lớp em xinh xinh bên ngôi trường mới dựng, mái lá sơ sài bên hàng tre vút cao… Căm thù quân Mỹ hung tàn, bắn làng mạc quê em, phá trường em tan hoang. Em cố học cố chăm luyện rèn, để ngày mai lớn lên xây Tổ quốc ta hùng cường”…

Trăng lên cao, trăng lồng lộng trên trời là đến lúc các anh chị phụ trách chia quà. Quà là lạc rang do Hợp tác xã phân phối cho Chi đoàn Thanh niên. Một chị phụ trách đến bên tôi, tôi xòe tay ra. Chị phụ trách cười: Tay ếch! Chị đặt vào tay tôi một nhúm lạc rang. Tay tôi nhỏ quả, mấy hột lạc rơi xuống sân đình… Những năm sau chiến tranh bước vào giai đoạn ác liệt nhưng năm nào Chi đoàn Thanh niên vẫn tổ chức Trung thu cho thiếu niên, nhi đồng trong làng. Ấn tượng về những đêm Trung thu ấy mãi mãi còn, mãi mãi là hành trang để nhớ về một thời gian khổ!

Dân tộc ta trong một năm có nhiều “tuần tiết”, riêng Tết Trung thu là dành cho trẻ em. Vài chục năm nay, hình như sự thiếu thốn một thời dồn lại cho trẻ em, không năm nào thiếu vắng, để trẻ em luôn có một Trung thu đủ đầy. Mỗi xóm một cỗ kiệu, kiệu được rước ra đình làng. Hơn chục cỗ kiệu tưng bừng trong tiếng trống ếch, trăng lên cao, trăng lồng lộng sáng, trăng nâng tiếng hát của thiếu niên nhi đồng âm vang làng cổ… Riêng tôi vẫn ngùi ngụi tiếng hạt lạc rang đã để rơi thuở nào trên mặt sân đình…

Vậy mà năm nay không còn thông lệ ấy. Dịch bệnh vô hình và vô tình lấy đi một mùa thu. Trong hành trình sống, con người luôn phải đối đầu với khó khăn và những bất ngờ không báo trước. Đã đến lúc chúng ta phải chung tay chống lại bệnh tật để giữ mãi một vầng trăng Trung thu tròn đầy cho mỗi tuổi thơ…

Dịch bệnh vô hình và vô tình lấy đi một mùa thu. Trong hành trình sống, con người luôn phải đối đầu với khó khăn và những bất ngờ không báo trước. Đã đến lúc chúng ta phải chung tay chống lại bệnh tật để giữ mãi một vầng trăng Trung thu tròn đầy cho mỗi tuổi thơ…
Nhà văn Hà Nguyên Huyến

Trương Gia Bình
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

MONG MUỐN ĐÓNG GÓP VÀO
SỨ MỆNH TÁI SINH

Dịch Covid-19 đã gây ra nhiều tang thương và xáo trộn cho đất nước. Hàng nghìn người chết, hàng chục nghìn doanh nghiệp đóng cửa, hàng triệu người lao động mất việc. Đau thương hơn nữa là hàng nghìn em nhỏ mất cha, mất mẹ.

Hồi máy bay Mỹ ném bom miền bắc trong chiến tranh, tôi mới tám tuổi, rời gia đình về nông thôn. Tôi nhớ mãi đó là thời kỳ của đói rét, của những đêm không ngủ được vì nhớ cha mẹ. Nhưng đó lại là những năm giúp tôi trưởng thành nhanh chóng, rèn giũa tính tự lập, là nền móng để trưởng thành về sau.

Vì thế, chúng tôi muốn xây dựng một ngôi trường theo mô hình thiếu sinh quân ngày nào. Trường học được xây dựng theo mô hình thiếu sinh quân để giúp các em hoà đồng với các bạn, rèn luyện kỷ luật, dành nhiều thời gian học hành, phát triển.

Chúng tôi cam kết nhận một nghìn em mất cha mẹ và đào tạo liên tục trong 20 năm tới, chi phí mỗi năm 80 tỷ đồng. Trong 24 giờ, kể từ khi lên ý tưởng, chúng tôi đã cấp tập bàn thảo từ cách thức triển khai, hoạt động, chương trình giảng dạy.

Chúng tôi cam kết giúp các em học tập theo chương trình phổ thông, đại học FPT và học lên cao hơn nếu có nguyện vọng. Trong quá trình đào tạo đó, chúng tôi muốn giúp các em phát huy mọi khả năng của mình. Nếu các em giỏi công nghệ thì đi theo con đường công nghệ, giỏi nghệ thuật đi theo con đường nghệ thuật, giỏi khoa học thì làm khoa học.

Hiện FPT City Đà Nẵng có đầy đủ cơ sở vật chất, đáp ứng được nhu cầu ăn ở và học tập nên theo kế hoạch, đây sẽ là nơi Tập đoàn FPT dự kiến dùng để đào tạo các em từ lớp một đến lớp 12 và cả đại học.

Trong chiến lược hoạt động của tập đoàn, chúng tôi luôn dành ưu tiên số một cho đào tạo, ươm mầm các tài năng để góp phần tạo nên thế hệ trẻ có thể đưa Việt Nam lên những nấc thang cao hơn về sáng tạo và phát triển trên toàn cầu. Người FPT đã xác định sẽ mang cho mình sứ mệnh Tái sinh, trường học thiếu sinh quân cho trẻ em mồ côi vì dịch Covid-19 là một xuất phát điểm tạo thêm cho chúng tôi động lực đóng góp cho cộng đồng.

Khi biết về tình cảnh của các em, với vai trò tập đoàn lớn hàng đầu, FPT mong muốn tạo ra một môi trường để các em được học tập, rèn luyện, giúp đỡ các em trưởng thành, biến đau thương thành sức mạnh trở thành người có ích cho xã hội và chinh phục những đỉnh cao.
Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT

Tổ chức sản xuất: NGỌC THANH, VŨ MAI HOÀNG
Thực hiện: LƯU HƯƠNG GIANG, LÊ ĐỨC NGHĨA, NGUYỄN HÀ
Ảnh: Huỳnh Hà, Khiếu Minh, Hồng Vĩnh, Nguyễn Vũ Xuân Lan, Mỹ Hà, Vĩnh Quyên, Nguyễn Một
Trình bày: Minh Thu, Ngô Hương, Phan Anh