Tròn nửa thế kỷ miền nam hoàn toàn giải phóng, non sông thu về một mối, những ký ức, bài học về chiến thắng lẫy lừng 30/4/1975 vẫn in dấu trong tâm khảm những người dân đất Việt. Trong những bài học ấy, bài học về sức mạnh lòng dân luôn luôn được tiếp cận với những góc nhìn mới, giá trị mới, nói bao điều mới mẻ với hôm nay.

Việt Nam đất nước bên bờ sóng có truyền thống lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước. Trải qua bao phen binh lửa, nước mất nhà tan, lại đứng lên đấu tranh gìn giữ cho “non sông nghìn thuở vững âu vàng”. Ta chiến thắng, bởi vì không chịu khuất phục. Thời nào cũng thế, ta kiên cường chiến đấu, tin vào thắng lợi cuối cùng, vì tin vào thế trận lòng dân. Thế trận lòng dân bồi tụ nên quật cường thế nước. Với Đại thắng mùa Xuân năm 1975, một lần nữa dân tộc ta lại viết nên trang sử hào hùng, được ví như những Chi Lăng, Bạch Đằng, Đống Đa trong thế kỷ 20.

Bàn về lòng dân - thế nước, về thế trận lòng dân là vấn đề hệ trọng của một quốc gia, dân tộc, đó là sức mạnh thống nhất của cả nội lực và ngoại lực. Sức mạnh dời non lấp biển của nhân dân bắt nguồn từ truyền thống nghìn năm văn hiến của dân tộc, từ Đinh, Lý, Trần, Lê đến thời đại Hồ Chí Minh. Lòng dân bắt nguồn từ lòng yêu nước nồng nàn, từ trí tuệ con người Việt Nam, trong đó hiền tài được coi là nguyên khí quốc gia, “nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh, rồi lên cao; nguyên khí suy thì thế nước yếu, rồi xuống thấp” (Thân Nhân Trung). Thành lũy lòng dân hiển hiện trong uy linh thơ Nam quốc sơn hà - “Sông núi nước Nam vua Nam ở”... Gặp khi đất nước lâm nguy, trước họa xâm lăng, gặp cơn bĩ cực về kinh tế, đã xuất thiện những hiền tài giàu lòng yêu nước và có tầm nhìn vượt thời đại.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay), Xuân Đinh Mùi, 09/02/1967.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với các cháu thiếu nhi trong dịp Người về thăm và chúc Tết đồng bào tỉnh Hà Bắc (Bắc Ninh ngày nay), Xuân Đinh Mùi, 09/02/1967.

Lòng dân - thế nước trong thế kỷ XX sắt son thời dựng Đảng, tháng 2/1930; thời tiếng sấm tháng Tám 1945 rung trời chuyển đất, giành chính quyền về tay công nông, lập nên Nhà nước Việt Nam mới; trong chiến thắng Điện Biên Phủ chấn động địa cầu; trong Đại thắng mùa Xuân 1975, đất nước ta sạch bóng quân thù, thu non sông về một mối. Lòng dân - thế nước vững vàng sau những cơn “động đất chính trị” trên thế giới những năm cuối thập niên 80, thế kỷ XX. Lịch sử đã tìm thấy con đường sáng, đường đến chân lý sau những khúc quanh, những gập ghềnh bất trắc. Công cuộc đổi mới gần 40 năm qua mang đến cho đất nước ta, dân tộc ta những mùa gặt lớn, dẫu bao phen bão lũ chất chồng.

Sinh thời, Bác Hồ nói một cách mộc mạc, vì sao lại nói dân là “gốc” của nước, là bởi “lực lượng của dân rất to”, rất đông, rất mạnh. Dân là “gốc” của nước bởi vì dân ta rất tốt, trong mỗi người dân đều có phẩm chất cao quý là lòng yêu nước và tinh thần dân tộc. Của cải, sức mạnh, đạo đức, tài năng, lòng tin của nhân dân đã tạo nên “cái gốc” của nước: “Gốc có vững, cây mới bền/Xây lầu thắng lợi trên nền nhân dân”.

Lại nhớ Nguyễn Trãi xưa nói điều thấm thía: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết sức dân như nước). Lại nhớ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trước khi mất hai tháng, đã tâu với Vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”. Điều ta hiểu biết chính là điều ta đã trải qua. Tìm về những giá trị lịch sử dân tộc để phát hiện quy luật, giúp thế hệ hôm nay không những nhận thức được quá khứ mà còn chuẩn bị cho những khả năng dự báo. Như vậy, lịch sử luôn là một dòng chảy liên tục. Lòng dân yêu nước thương nòi luôn là những giá trị vĩnh hằng, gạn đục khơi trong và kết tinh những giá trị mới.

Đồng chí Tô Lâm cùng Đoàn công tác tham quan không gian văn hóa các dân tộc tỉnh Kon Tum.

Tổng Bí thư Tô Lâm với nhân dân Hà Giang.

Tổng Bí thư Tô Lâm, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn với cán bộ, nhân dân phường Quán Thánh, Quận Ba Đình, Hà Nội.

Khi viết những dòng này, trong tôi vẫn âm vang bài hát Tiến về Sài Gòn của nhạc sĩ Lưu Hữu Phước - tác giả của những chính ca xuất sắc, có tầm tư tưởng lớn, giá trị nghệ thuật cao: “Tiến về Sài Gòn ta quét sạch giặc thù/ Tiến về Sài Gòn giải phóng thành đô/ Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này”... Đây không chỉ là tiếng hát của những chiến sĩ giải phóng quân mũ tai bèo, chân đất, vai ba-lô, vành lá ngụy trang theo những bước chân thần tốc “mang gió cả ba miền”, mà là tiếng hát của cả dân tộc, là lòng dân sau 21 năm trời đằng đẵng cắt chia. Năm quân đoàn chủ lực làm nòng cốt như năm cánh sao tràn về khắp ngả, như sóng biển trào dâng trong cơn bão lớn của thời đại. Thần tốc hơn nữa, táo bạo hơn nữa! Đó là lệnh nhưng là văn; là Chỉ thị của Bộ Chính trị và cũng là ý chí, sức mạnh lòng dân. Đó là thế trận lòng dân cả về mặt không gian, thời gian và lực lượng. Không gian ấy là khắp các miền quê thân yêu của xứ sở nhiệt đới, từ tiền tuyến đến hậu phương, từ mũi Cà Mau đến địa đầu Móng Cái, từ Trường Sơn đến Trường Sa, từ Hoàng Sa đến Điện Biên hùng vĩ. Không gian ấy nhìn xa rộng hơn là sự ủng hộ, cổ vũ của nhân dân yêu chuộng hòa bình trên thế giới, hướng về trận chiến đấu cuối cùng của nhân dân miền nam Việt Nam.

Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020, năng suất trung bình đạt gần 7,5 tấn/ha.

Nông dân huyện Vị Thủy thu hoạch lúa Đông Xuân 2019-2020, năng suất trung bình đạt gần 7,5 tấn/ha.

Không gian bao la, thời gian thần tốc, bất ngờ. Sau Chiến thắng Tây Nguyên thời cơ lớn đã mở ra. Bộ Chính trị kịp thời bổ sung quyết tâm chiến lược: Giải phóng miền nam ngay trong năm 1975. Rồi giải phóng Huế, Đà Nẵng. Thế tiến công như vũ bão trên chiến trường và lòng dân ở đô thị lớn nhất miền nam là Sài Gòn-Gia Định đã sẵn sàng cho ngày toàn thắng. Quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị được truyền đi: Giải phóng miền nam trong thời gian sớm nhất, tốt nhất là trong tháng 4/1975 trước mùa mưa! Thời gian lúc này là lực lượng. 17 giờ ngày 26/4/1975, chiến dịch Hồ Chí Minh bắt đầu. Chiến dịch ấy đã kết thúc sau đó bốn ngày, 11 giờ 30 phút ngày 30/4, lá cờ cách mạng phấp phới bay trên nóc Dinh Độc Lập. “Trận cuối là trận này” đã kết thúc trong vỡ òa toàn thắng: “Chúng con đến xanh ngời ánh thép/Thành phố tên người lộng lẫy cờ hoa”.

Sau chiến thắng vĩ đại mùa xuân 1975, bài học về thế trận lòng dân, sức mạnh lòng dân còn được nhắc mãi, để tự hào, để vững tin đi tới và là trao truyền thế hệ, chớ say sưa, còn muôn vàn gian khó ở chặng đường phía trước để đất nước vươn mình sánh vai cùng bầu bạn năm châu.

Ngày nay trong thời đại hội nhập và phát triển, thế trận lòng dân vẫn là yếu tố cơ bản, quyết định trong bảo vệ chủ quyền, giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế-xã hội. Khi Đảng gắn bó máu thịt với Dân, khi Nhân dân tin tưởng, một lòng theo Đảng, thì “hàng ngũ ta đi” sẽ “dài như tiếng hát”. Và trong hàng ngũ ấy sẽ xuất hiện những người có khả năng phát hiện, khám phá cái hay, cái đẹp dẫu mới chỉ manh nha như giọt sương sớm đầu cành. Chính là nhờ sự phát hiện ấy mà người sau không trở thành bản sao của người trước, mà thế giới trở nên luôn luôn mới.

Thế trận lòng dân được ví như “thành lũy muôn đời” vì đó là yếu tố mang tính sống còn, bảo đảm cho sự trường tồn của dân tộc. Lòng dân yên thì thế nước vững, không kẻ thù nào có thể xâm phạm. Thế trận lòng dân trong kỷ nguyên mới là niềm tin, là kinh tế phát triển nhanh và bền vững, trong đó sự tiến bộ vượt bậc về khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là yếu tố quyết định. Mới đây trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Singapore, phát biểu trước đông đảo giáo sư, giảng viên và sinh viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu (Đại học Quốc gia Singapore), Tổng Bí thư Tô Lâm đã nói về điều này một cách thuyết phục. Rằng chúng ta đang sống giữa những biến đổi nhanh chóng chưa từng có của kỷ nguyên số, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư với những đột phá về trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn, internet vạn vật... Tất cả những điều này đang định hình lại cách sống, làm việc và kết nối. Mục tiêu của Việt Nam đến năm 2030 sẽ trở thành nước công nghiệp hiện đại và đến năm 2045, kỷ niệm 100 năm lập quốc, trở thành nước phát triển có thu nhập cao. Để nối vòng tay lớn mãi, vươn tới khát vọng của toàn dân tộc, không có con đường nào khác ngoài đẩy mạnh phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và thực hiện chiến lược chuyển đổi số quốc gia.

Xe tăng tiến qua cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975.

Xe tăng tiến qua cổng dinh Độc Lập trưa ngày 30-4-1975.

Lại nhớ Nguyễn Trãi xưa nói điều thấm thía: “Phúc chu thủy tín dân do thủy” (Lật thuyền mới biết sức dân như nước). Lại nhớ Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn, trước khi mất hai tháng, đã tâu với Vua Trần Anh Tông: “Thời bình, phải khoan thư sức dân để làm kế sâu rễ bền gốc. Đó là thượng sách giữ nước”.

Nước nhà còn chờ, trận cuối là trận này! “Trận đánh hợp đồng quân binh chủng” lớn nhất mang âm hưởng thời đại trong nửa đầu thế kỷ XXI nhất định phải làm nên một trận thắng đẹp!

Nội dung: HẢI ĐƯỜNG
Ảnh: Nhân Dân, TTXVN
Trình bày: Phi Nguyên