Lúa hữu cơ Sepon và hành trình "kiến tạo" hạt cơm dinh dưỡng  

Thực hiện "đơn đặt hàng" của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Trị để góp phần bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và môi trường, từ năm 2021, Tổng Công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) đã triển khai dự án liên kết sản xuất và bao tiêu sản phẩm lúa hữu cơ trên diện rộng tại 5 huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh và Vĩnh Linh.

Nhìn 17 sào ruộng lúa vụ hè-thu đang trổ đòng, được máy bay không người lái tưới sữa trứng để cung cấp thêm dinh dưỡng, bà Nguyệt cười rạng rỡ vì giờ làm nông giờ nhàn rỗi mà lúa lên bời bời, xanh mướt, nặng trĩu hạt. Chồng bà, ông Trần Quang Hiền cười bảo: “Trồng lúa theo công nghệ của Sepon khỏe re. Xưa một vụ phải phun không biết bao lần thuốc sâu, dịch bệnh, mất mùa… thì giờ thì con ốc dưới ruộng này, chúng tôi cũng dám bắt về ăn. Cách trồng lúa của hắn (Sepon - PV) hay lắm cô ạ”.

Vốn ít, sức ít, thu nhập cao hơn, hạt gạo dinh dưỡng hơn, trồng lúa mà lại bảo vệ được môi trường, bảo vệ sức khỏe… có giấc mơ nào với người nông dân êm đềm hơn lúc này. Những hạt gạo được trồng theo tiêu chuẩn USDA của Sepon Group rồi đây sẽ được xuất khẩu ra thế giới. Nhìn niềm vui lúc nào cũng như "vừa cày xong thửa ruộng" của người nông dân nơi đây, chúng tôi tò mò, sự độc đáo trong kỹ thuật canh tác lúa của Sepon như thế nào để bà con hân hoan tới vậy? 

Trồng lúa hữu cơ, giấc mơ đổi đời cho người nông dân

Cũng như bà con ở làng Tiên Mỹ (xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị), 3 năm qua, bà Nguyễn Thị Nguyệt mới thấy việc làm nông, bám trụ ruộng đồng chưa bao giờ nhàn rỗi như thế.

Trước đây, ngày nào cũng phải chăm bón, khi thì nhổ cỏ, khi thì phun thuốc trừ sâu… ngày nắng rát mặt, chỉ có thể làm chiều tối hoặc sáng sớm. Cỏ bên này chưa kịp nhổ xong, cỏ bên kia lại đã mọc đầy. Thuốc trừ sâu mỗi lần phun lại ngấm vào da, vào thịt, cơ man là bệnh rình rập.

30 quả trứng với 30 bịch sữa sẽ phun được cho 1ha

30 quả trứng với 30 bịch sữa sẽ phun được cho 1ha

Đứng trước cánh đồng xanh tít tắp, nhìn máy bay đang phun trứng sữa cho ruộng lúa, bà Nguyệt nheo mắt cười.

Ba năm trước, đại diện Sepon Group và Hợp tác xã xuống thuyết phục bà con làng Tiên Mỹ trồng lúa Sepon. Bà Nguyệt, ông Hiền khi ấy hồ nghi lắm, đang làm nông nhàn, giờ trồng lúa hữu cơ phương pháp mới, chả biết hiệu quả không mà lại phải học nhiều công nghệ. Nhưng cán bộ kỹ thuật thuyết phục: Hợp tác với Sepon Group, bà con được cung cấp dịch vụ trọn gói từ khi làm mạ khay đến lúc cấy và thu hoạch. Công ty sẽ lo bao tiêu sản phẩm. Cấy xong, bà con kiểm tra xem đạt tỷ lệ cấy hay chưa, chưa đủ thì cán bộ kỹ thuật cùng bà con dặm lại lúa. Nông dân nhàn, lúa được trồng theo đúng công nghệ hiện đại, bảo đảm vụ nào thắng vụ đó.

Hồ nghi, nhưng ông Hiền quyết gật đầu: “Tôi cũng rất thích cái mới, có gì mới là mình áp dụng ngay”. 17 sào ruộng nhà ông cùng hàng chục héc-ta ruộng lúa của bà con vùng Tiên Mỹ được chuyển đổi sang canh tác giống lúa mới, công nghệ mới từ năm 2021. Đất hợp, công nghệ tốt, nông nhàn hơn, ông Hiền cười mãn nguyện.

Chiều muộn ngày giữa tháng 8, lúa vụ hè-thu đang trổ bông, nặng trĩu. Những bông lúa chớm vàng, nở căng, nằm chen lấp với những hạt lúa còn xanh, lép. Các cán bộ kỹ thuật nhanh tay đập trứng, sữa trộn thành hỗn hợp rồi đưa vào hệ thống máy bay tự động, chuẩn bị phun cho ruộng lúa. 30 quả trứng với 30 bịch sữa sẽ phun được cho 1ha.

30 quả trứng với 30 bịch sữa sẽ phun được cho 1ha

30 quả trứng với 30 bịch sữa sẽ phun được cho 1ha

Hỗn hợp sữa trứng gà này được phun 2 lần, lần đầu tiên khi lúa trổ 7 ngày. Đây là lần phun trứng sữa thứ 2 giai đoạn lúa ngậm sữa, cung cấp dưỡng chất giúp lúa chắc hạt, tăng dinh dưỡng và thơm ngon hứa hẹn ngày thu hoạch.

Phun trứng và sữa để cung cấp dưỡng chất là một sáng kiến chưa từng có trong trồng lúa hữu cơ trên toàn quốc.

Hỗn hợp được phối trộn từ trứng gà, sữa tươi được xem là chế phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là axit amin, cung cấp dưỡng chất cho cây lúa

Hỗn hợp được phối trộn từ trứng gà, sữa tươi được xem là chế phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là axit amin, cung cấp dưỡng chất cho cây lúa

Theo kinh nghiệm của ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group), hỗn hợp được phối trộn từ trứng gà, sữa tươi được xem là chế phẩm giàu dinh dưỡng, nhất là axit amin, cung cấp dưỡng chất cho cây lúa. Lúa hấp thụ trực tiếp axit amin vào trong cây, cung cấp một phần chất đạm cho cây trồng, giúp hạt chắc mẩy.

HTX Dịch vụ Nông nghiệp Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh cũng là một trong những đơn vị được Sepon Group ký hợp đồng sản xuất lúa hữu cơ ST25. Dân được cung cấp dịch vụ trọn gói đầu vào sản xuất bao gồm phân hữu cơ, mạ khay, dịch vụ cấy, các chế phấm sinh học và drone phun chế phẩm cũng như các dịch vụ tư vấn kỹ thuật đồng ruộng. Cuối vụ, Công ty thu mua giá lúa tươi 13.000 đồng/1kg.

Bà Nguyệt vén khẩu trang bịt kín mặt, cười nheo mắt, chỉ ra cánh đồng rộng thẳng cánh cò bay bảo, chắc vùng này đất chai nên hợp với trồng lúa hữu cơ. Ông Hiền đứng kế bên tiếp lời: “Làm từng nớ (từng này-pv) mà vụ trước được 6 tấn lúa, công ty thu mua chừng 70-80 triệu, trừ chi phí còn 40-50 triệu. Hơn trồng lúa thông thường nhiều, mà nhàn hơn và an toàn không sợ độc hại như trước đây”.

Vùng trồng ở Tiên Mỹ hiện có diện tích canh tác lớn nhất trong 5 vùng trồng thuộc dự án liên kết sản xuất và bao tiêu lúa hữu cơ của Sepon.

Trồng lúa hữu cơ thu nhập hơn trồng lúa thông thường nhiều, mà nhàn hơn và an toàn không sợ độc hại như trước đây

Trồng lúa hữu cơ thu nhập hơn trồng lúa thông thường nhiều, mà nhàn hơn và an toàn không sợ độc hại như trước đây

Ông bà xưa hay có câu “vui như người nông dân vừa cày xong thửa ruộng”, trong đó chất chứa bao niềm hân hoan, chờ đợi, hy vọng mùa lúa mới khi vừa trải qua việc nặng nhọc nhất. Thì giờ đây, gương mặt những người nông dân làng Tiên Mỹ, lúc nào cũng vui hân hoan như vậy.

Vụ đầu năm 2021, nhà bà Nguyệt thu được 2,6 tạ lúa và đến vụ đông xuân 2023 vừa rồi, bà thu hoạch được 3,7 tạ. Diện tích vẫn thế, nhưng năng suất cao hơn, niềm vui của người nông dân cứ thế mà nhân lên. Trồng lúa cũ, cho thu hoạch 1 triệu đồng/sào, thì nay lên 1,5 triệu đồng/sào. Những vất vả, “nhiều kỹ thuật lằng nhằng, khó nhớ” ban đầu, giờ với ông Hiền, bà Nguyệt đã xua tan hết.  

“Làm nông khá nhàn quá, chả phải nhổ cỏ, tiếp xúc hóa chất. Tôi chỉ bón phân hữu cơ và lấy nước. Kỹ thuật có cán bộ của Tổng Công ty lo hết, mình chỉ làm theo nên rất nhàn nhã. Lúa thì tốt hơn, cao hơn, khỏe hơn, ít bị sâu bệnh, thu hoạch năng suất cao hơn”, bà Nguyệt vừa nhấm thử lúa, vừa kể.

Tôi chỉ bón phân hữu cơ và lấy nước. Kỹ thuật có cán bộ Tổng Công ty lo hết, mình chỉ làm theo nên rất nhàn nhã. Lúa thì tốt hơn, cao hơn, khỏe hơn, ít bị sâu bệnh, thu hoạch năng suất cao hơn.
Bà Nguyễn Thị Nguyệt - làng Tiên Mỹ, xã Vĩnh Lâm, huyện Vĩnh Linh, tỉnh Quảng Trị

Sepon Group đã thực hiện liên kết, chú trọng phát huy vai trò thế mạnh của các bên liên quan. Để giải quyết những khó khăn trong quá trình liên kết, địa phương đang từng bước thực hiện tích tụ ruộng đất, cải tạo hệ thống tưới tiêu để thuận lợi trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất tăng hiệu quả kinh tế trên một đơn vị diên tích. Tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất liên kết giữa doanh nghiệp và các hộ nông dân theo hướng doanh nghiệp hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp giống, vật tư đầu vào, bao tiêu sản phẩm; người nông dân sản xuất trên đất của mình.

Nhờ đó, người nông dân sẽ không bị mất đất, mà đất của họ trong các hợp tác xã nông nghiệp kiểu mới sẽ được phá bỏ bờ ruộng manh mún, tạo thành cánh đồng lớn, được phân lô ngay ngắn theo hệ thống kênh mương đúng theo kỹ thuật và hạ tầng giao thông thuận tiện cho việc gieo trồng, chăm sóc bảo đảm theo đúng yêu cầu đặt ra.

Nghệ thuật "kiến tạo" hạt gạo hữu cơ

Trước đây, Sepon Group phối hợp nông dân trồng diện tích khoảng gần 80ha ruộng lúa hữu cơ giống ST25, nhưng sau vài vụ thấy một số vùng trồng không đạt tiêu chuẩn về nguồn đất và sản lượng, công ty rút xuống chỉ canh tác trên 40ha để sản xuất gạo mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” nhằm hiện thực hóa dự án được tỉnh Quảng Trị giao. Mục đích của việc trồng lúa hữu cơ để sản xuất sản phẩm mang thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” xuất qua thị trường châu Âu và Mỹ nên các yêu cầu kỹ thuật rất khắt khe đến từng chi tiết.  

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân.

Ông Hồ Xuân Hiếu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tổng công ty Thương mại Quảng Trị (Sepon Group) dành rất nhiều năm để nghiên cứu sản xuất lúa hữu cơ.

Năm 2021, hành trình “khởi nghiệp” trồng lúa hữu cơ theo tiêu chuẩn USDA được triển khai. Ông Hồ Xuân Hiếu dẫn theo 11 cán bộ kỹ thuật xuống khảo sát ruộng, thuyết phục bà con đưa công nghệ vào trồng lúa.

Đơn vị đã thuê chuyên gia về khảo sát, phân tích chất đất ở vùng ruộng của một số huyện cũng như các huyện nhằm tìm ra diện tích đất phù hợp.

Làm lúa hữu cơ đúng tiêu chuẩn xuất đi nước ngoài với các thị trường khó tính cần phải có sự nỗ lực và chuyên nghiệp từ khâu chọn vùng sản xuất, hệ thống nước tưới, đầu vào sản xuất, làm đất, trồng, chăm sóc, thu hoạch, chế biến và bảo quản với yêu cầu nghiêm ngặt đáp ứng hoàn toàn các tiêu chí hữu cơ.

Đơn vị đã làm việc với Đại sứ đặc mệnh toàn quyền của Israel tại Việt Nam Yaron Mayer để đặt hàng với các doanh nghiệp liên kết bốn nội dung liên quan trồng lúa hữu cơ gồm: Giải pháp sinh học để trừ cỏ, phân bón cho lúa, thuốc trừ sâu thảo dược và cách bảo quản lúa, được đối tác nhận lời.

Ngoài việc đặt hàng với Israel, đơn vị còn hợp tác với Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Trị, Trường Đại học Khoa học Huế, Trung tâm Khuyến nông tỉnh… nghiên cứu và thành lập xưởng sản xuất phân bón vi sinh chuyên dùng cho cây lúa; nhập máy gieo hạt, máy cấy lúa, máy bay không người lái phun các chế phẩm hữu cơ chăm sóc lúa; chuẩn bị khu sản xuất chế phẩm sinh học bảo đảm.

“Muốn trồng lúa hữu cơ, việc lựa chọn đầu vào và quá trình canh tác rất quan trọng”, ông Hiếu kể.

Đứng trên vùng trồng 17ha tại Tiên Mỹ - vùng trồng rộng nhất của dự án, ông Hiếu lấy tay nắm nắm đất, chia sẻ: Toàn bộ vùng đất này đều xa nguồn ô nhiễm, test 405 chỉ tiêu về hóa chất bảo vệ thực vật và 6 chỉ tiêu về kim loại nặng đạt yêu cầu. Toàn bộ vùng nước khu vực này đều sạch, test đạt 35 chỉ tiêu của chất lượng nước mặt. Giống S25 có 2 lần đạt danh hiệu ngon nhất thế giới do kỹ sư Hồ Quang Cua nghiên cứu và phát triển được Sepon lựa chọn làm giống cho vùng trồng hữu cơ.

Để đất được tươi tốt, sản phẩm phải sử dụng phân bón hữu cơ có nguồn gốc tự nhiên, chủ yếu lấy từ gia trại. Vùng đệm vật lý bảo đảm cách ly không bị lây nhiễm từ vùng ruộng sản xuất thông thường. Toàn bộ ruộng của người dân tham gia dự án bảo đảm thời gian chuyển đổi (3 năm không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón hóa học,..).

“Người sản xuất được tập huấn, cung cấp kiến thức về trồng lúa hữu cơ. Nhật ký trồng lúa được ghi chép đầy đủ về vật tư đầu vào, canh tác, bón phân, chăm sóc…”, ông Hiếu cho hay. 

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị Hà Sỹ Đồng cho biết: Dự án trồng lúa hữu cơ VietGAP giai đoạn 2021-2025 tầm nhìn năm 2030 được tỉnh giao Sepon Group thực hiện nhằm góp phần hiện thực hóa nội dung phát triển nền nông nghiệp hiện đại được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (2020-2025) xác định; cũng như nhiệm vụ, giải pháp được Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 3/11/2022 của Bộ Chính trị về “Phát triển kinh tế-xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng Bắc trung bộ và Duyên hải trung bộ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” đề ra, nhằm phát triển nông nghiệp bền vững, bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu, nâng cao đời sống cho người dân. Phấn đấu đến năm 2030 sẽ có 3.000ha lúa hữu cơ, 7.000ha lúa VietGAP.

Chủ tịch Hội đồng quản trị Hồ Xuân Hiếu bàn với anh em “phải làm chủ quy trình và các loại vật tư, thiết bị, phân bón, thảo mộc; anh em chịu khó kiểm tra đồng ruộng, giám sát thay bà con để bà con triển khai càng ít công đoạn càng tốt. Cần tích tụ ruộng đất để có cánh đồng mẫu lớn, có giao thông nội đồng thuận lợi, đưa cơ giới hóa vào sản xuất”.

Trong 11 quy trình trồng lúa hữu cơ, người dân chỉ thực hiện 5 khâu, còn lại do Sepon thực hiện.

“Sản xuất gạo hữu cơ, nếu làm theo mắt xích không ổn. Chúng tôi bàn giải pháp khép kín từ đồng ruộng đến bàn ăn”, ông Hiếu kể.

Hành trình khởi nghiệp lúa Sepon một lần nữa được thay đổi. Sự riêng biệt trong trồng lúa hữu cơ của Sepon được đội ngũ kỹ thuật công ty chắt chiu lại từ nhiều năm tháng nghiên cứu, áp dụng thành tựu kỹ thuật, kèm những sáng tạo riêng có.

Giống có chất lượng vượt trội, cộng thêm canh tác theo quy trình hữu cơ nên chất lượng càng tốt. Nhờ cung cấp dưỡng chất đầy đủ, hằng tuần nên lúa tốt, không sâu bệnh, cây không bị đổ ngã, chất lượng gạo có sự vượt trội.

Để tốt cho đồng ruộng nuôi lúa, ông Hồ Xuân Hiếu nghĩ tới sản xuất phân hữu cơ có bổ sung vi sinh vật bản địa để nâng cao hiệu suất phân bón. Phân hữu cơ từ Australia rất tốt, nhưng khi mua thử về Việt Nam, ông Hiếu thấy vi sinh vật không phát triển được. “Phải dùng vi sinh vật bản địa”, nói rồi ông bàn với kỹ thuật viên, dùng cơm nguội bỏ vào ống tre, chôn 7 ngày đêm. Những bông nở trắng, tơi xốp được nuôi tiếp và phun lên giá thể phân gà và thực hiện quy trình ủ phân bảo đảm trên dây chuyền hiện đại để cho ra sản phẩm phân hữu cơ Sepon.

Sepon thử nghiệm, đưa phân gà vào bón ruộng thì thấy tỷ lệ chuột phá ruộng giảm hẳn. “Sự phát hiện này cũng rất tình cờ. Tôi thấy nhiều nơi trồng lúa hữu cơ nhưng vẫn bị chuột phá ruộng. Khi thử nghiệm phân gà, thì chuột không còn ăn lúa nữa”.

Để có nguồn phân đạm tốt, Sepon Group triển khai rất nhiều khâu. Ông dùng cá rô phi với đường vàng thay bón phân đạm. Bổ sung lân, can-xi bằng xương heo, bò và vỏ trứng thiêu kết, giã nhỏ, ngâm với dấm. Nguồn kali, các khoáng chất khoáng cho đất được sản xuất từ thân cây chuối ướp đường vàng.

Sản xuất thuốc trừ sâu sinh học bằng những nguyên liệu dân gian cũng là một hướng đi được nghiên cứu rất kỹ lưỡng. “Chúng tôi trộn ớt tỏi, gừng, thuốc lá giã nhỏ, ngâm với bia cho ra thành phẩm. Qua 6 vụ triển khai, từ những ngày đầu, cây lúa ít gặp dịch bệnh gì”, ông Hiếu nói.

Đau đầu nhất trong trồng lúa, chính là diệt cỏ. Trước đây, thuốc dioxin dạng nhẹ được bà con pha rồi phun 3-4 tuần/lần. Bà con vừa tiếp xúc mầm bệnh, lúa lên vẫn có những bệnh vàng lá, đạo ôn… môi trường bị chai đất, nhiễm độc nặng. Nhiều vùng khi lúa trổ chín rồi nhưng bị đạo ôn hoặc rầy nâu thì người dân lại tiếp tục phun hóa chất. “Lúa này bà con không dám ăn, chỉ mang đi bán”, ông Hiếu nói.

Một trong những sáng kiến mang lại niềm vui lớn nhất cho Sepon, chính là dùng nước diệt cỏ. Công ty đã áp dụng quy trình cấy lúa bằng máy để hạn chế cỏ. Vì vậy, trong vòng 45-50 ngày đầu ruộng phải có nước thường xuyên.

Ông Hiếu bảo, sau khi nghiên cứu hạt cỏ chỉ lên tốt khi tiếp xúc ánh mặt trời. Chính từ đặc điểm này nên khi cày bừa xong mình luôn phủ nước khoảng 2-3cm để cấy lúa. Trong 45 ngày đầu giữ nước để hạt cỏ không thể tiếp xúc với ánh sáng mặt trời. Điều này giúp lúa phát triển tốt và đây cũng cách diệt cỏ. Sau đó, rút hết nước ở ruộng để cho khô vết chân chim, oxy lúc này có kẽ hở chui vào đất, đợi 4 ngày sau, lại bơm nước về ruộng.

Tuy nhiên, vụ đầu tiên không thành công, do chưa tính toán đủ ngày. 15 công nhân được cử ra đồng nhổ cỏ. Cỏ vừa nhổ xong, quay qua ruộng khác nhổ thì cỏ lại mọc um tùm. Năm ấy, tốn kém bao sức lực mà năng suất thấp.

“Bà con không tiếp xúc hóa chất độc hại, sản phẩm đưa ra thị trường tốt; môi trường được trả lại như ban đầu. Cách bón phân hữu cơ tạo hệ sinh vật tự nhiên nên đất trồng lúa ngày càng tơi, xốp, nhiều. Trồng lúa hữu cơ con gì cũng sống được, châu chấu, cá tôm cũng sống được. Đến con ốc giờ cũng dám bắt về ăn”, ông Hiếu khoe.

Ông nói thêm: “Chúng tôi cam kết mua lúa tươi tại đồng với giá 13 nghìn đồng/kg. Một héc-ta lúa thu hoạch được 5,5 tấn, doanh thu khoảng 71 triệu đồng. Trừ các chi phí, người dân lãi trung bình 40-50 triệu đồng/ha”.

Sau 3 năm triển khai dự án ý nghĩa này, Sepon Group đã từng bước nâng diện tích trồng lúa hữu cơ từ 18ha ban đầu lên 80ha của vụ đông xuân 2022-2023 với giống lúa ST25.

Tuy nhiên, giá trị hơn thế của việc trồng lúa này mang lại, chính là hạn chế được tối đa người dân tiếp xúc với hóa chất độc hại; trả lại môi trường tự nhiên vốn có như trước đây. “Người dân được ăn gạo ngon, sạch, bổ dưỡng với giá cả không đắt hơn so với gạo thường là bao”, ông Hiếu nói. “Gạo hữu cơ Sepon- đong đầy dưỡng chất” được người tiêu dùng đánh giá chất lượng tốt, không đủ phục vụ thị trường tiêu thụ.

Những ứng dụng khoa học kỹ thuật độc đáo

Sự khác biệt về khoa học công nghệ của quy trình trồng lúa hữu cơ Sepon, chính là sử dụng máy cấy, máy gieo hạt; sử dụng máy bay không người lái để phun chế phẩm sinh học. Hệ thống sấy, xay xát, bảo quản hiện đại, công nghệ cao.

Đầu tiên, Sepon Group dành nhiều tâm huyết vào đầu tư nhà máy sản xuất phân bón hữu cơ. Để có được nhà máy quy mô lớn này, trước đó, ông Hiếu đã đi thăm mô hình dây chuyền xử lý rác thải ở Hà Lan. Ông đã nghiên cứu, cải tạo lại để về áp dụng. Kết quả chất lượng và hiệu quả ngang phân hữu cơ của thế giới mà giá thành rất phải chăng. Từ hiệu quả này, ông đang đầu tư thêm một nhà máy rộng chừng 2ha, một tháng có thể cho ra được 1 nghìn tấn thành phẩm bán ra thị trường.

Để làm phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học, dựa trên kinh nghiệm từng thử nghiệm loại phân này ở vùng Triệu Phong và Hải Lăng do Koica hỗ trợ, ông Hiếu quyết tâm mang công nghệ này vào vùng trồng của mình. Ông Hiếu bảo, thông thường, 1ha lúa phải dùng 4 tấn phân hữu cơ nhưng với cách dùng vi sinh vật bản địa ở trên, 1ha lúa chỉ cần dùng 2 tấn, giảm 50%, chi phí giảm cho bà con 10 triệu.

Tỉnh Quảng Trị giao cho Sepon Group sản xuất lúa hữu cơ đạt tiêu chuẩn Châu Âu, Mỹ để xây dựng thương hiệu “Gạo hữu cơ Sepon” phục vụ trong nước và xuất khẩu vào các thị trường khó tính.
Ông Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Trị

Để có phân bón hữu cơ, ông chọn vùng mật độ dân cư đông tại Triệu Phong, Cam Lộ, Gio Linh, Vĩnh Linh, Đông Hà, vào từng gia trại, xin dải đệm sinh học gồm trấu, men, rơm… Việc này vừa giúp giảm mùi tại các chuồng trại, không tốn công tắm rửa cho gia súc mà thịt heo, bò ngon hơn. Sau một vụ, công ty cử cán bộ đến thu đệm sinh học mang về ủ, chế biến.

“Trồng hữu cơ ở vùng Quảng Trị thời tiết rất khắc nghiệt nên rất vất vả. Có lúc nản, nhưng chúng tôi đều quyết tâm làm, bởi với tôi, cái gì trên đời này dễ, người ta làm hết rồi. Cái mà người ta không làm, chỉ có một là khó, hai là hiệu quả thấp. Trời mùa trung vừa mưa vừa rét, vất vả vô cùng. Đôi khi cũng nản nhưng quyết tâm làm cho được vì cái gì dễ người ta làm hết rồi. Trong khi đó, canh tác lúa hữu cơ, thì thật sự đâu có nhiều người làm theo đúng quy trình”, ông Hiếu nói.

Toàn bộ máy gặt lúa hữu cơ Sepon là hệ thống gặt sạch riêng.

Toàn bộ máy gặt lúa hữu cơ Sepon là hệ thống gặt sạch riêng.

Toàn bộ máy gặt lúa hữu cơ Sepon là hệ thống gặt sạch riêng. Theo chuyên gia này, khi thu hoạch gạo, người dân thường phơi nắng ngoài trời nhưng không đạt chuẩn, gạo dễ bị mất đi dinh dưỡng. Việc sấy tăng nhiệt độ lên 70 độ C cũng làm gạo mất dưỡng chất.

Riêng với lúa hữu cơ, nhiệt độ sấy phải bảo đảm không quá 40 độ C trong vòng 24 giờ kể từ lúc gặt, để độ ẩm lúa sau sấy dưới 13%. Lúa sau khi gặt được cho vào bảo quản kho lạnh với nhiệt độ không vượt quá 25 độ C; không được sử dụng hóa chất bảo quản mà không bị mối mọt, côn trùng.

Lúa tích trữ cẩn thận, thị trường cần gạo tới đâu, Tổng công ty mới xát gạo, để gạo luôn luôn tươi mới. ăn thơm, ngon, dẻo. Hệ thống xay xát phải có chứng nhận HACCP hoặc ISO 2022 hoặc đạt vệ sinh an toàn thực phẩm có sự kiểm soát của bên chứng nhận. Hệ thống đóng gói được cách ly, bao bì có truy xuất nguồn gốc, được cơ quan chứng nhận test đạt các chỉ tiêu theo yêu cầu.

Lúa tích trữ cẩn thận, thị trường cần gạo tới đâu, công ty mới xát gạo, để gạo luôn luôn tươi mới. ăn thơm, ngon, dẻo.

Lúa tích trữ cẩn thận, thị trường cần gạo tới đâu, công ty mới xát gạo, để gạo luôn luôn tươi mới. ăn thơm, ngon, dẻo.

Từ chọn lựa nguyên liệu đầu vào là giống gạo ST25 – 2 lần đạt danh hiệu gạo ngon nhất thế giới; giá gạo hữu cơ bán ra thị trường hợp lý; chất lượng gạo ổn định… nên gạo Sepon dần chiếm lĩnh được thị trường. Công nghệ sản xuất cũng được Sepon Group hỗ trợ miễn phí cho nhiều vùng như huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh; Quảng Nam, Đà Nẵng… cho ra thành phẩm rất tốt.

Ông Hiếu tâm sự, làm lúa hữu cơ, nếu không có tâm không làm được. Lúa phải mất 4 tháng để làm lại từ đầu từ cày ruộng, bón phân, chăm tưới… nghĩa là phải mất 4 tháng để chờ đợi thành quả. Công sức Sepon bỏ ra đầu tư cho canh tác lúa hữu cơ chiếm 90% sức lực nhưng hiện chỉ mang doanh thu 1% cho công ty. Nhưng với ông, giá trị vì cộng đồng, xã hội, bảo vệ môi trường, bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng; kinh doanh song hành với phục vụ xã hội mới là điều cao nhất ông hướng tới.

Dự án phát triển lúa hữu cơ VietGAP giai đoạn 2021-2025 được UBND tỉnh Quảng Trị giao do Sepon Group làm chủ đầu tư để hình thành, phát triển các vùng sản xuất chuyên canh lúa thông qua hợp tác với các hợp tác xã dịch vụ sản xuất nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập, chất lượng sống của người dân trồng lúa. Dự án nhằm xây dựng mô hình liên kết giữa 5 nhà gồm: Nhà nước, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học, nhà nông và nhà băng. Việc phát triển sản xuất lúa hữu cơ, VietGAP mà Sepon Group đang thực hiện hoàn toàn phù hợp điều kiện thực tiễn và xu thế phát triển của địa phương và khu vực.

40ha lúa hữu cơ Sepon đang chờ vào vụ gặt, chừng nửa tháng nữa sẽ thu hoạch. Nhiều bà con nơi đây, vừa được đổi đời về kinh tế, vừa đổi tư duy về canh tác lúa kỹ thuật cao, chẳng lo sâu bệnh, mất mùa.

Nhìn hàng lúa nặng trĩu, cành lúa mẩy, nép sát nhau, người nông dân như ông Hiền, bà Nguyệt càng sung sướng. Mùa gặt này, sản lượng sẽ như vụ đông-xuân năm ngoái, ông bà lại có chừng 40-50 triệu cất đi, lại có gạo thơm, ngon, dinh dưỡng để ăn…

Với những người tâm huyết làm lúa hữu cơ như Sepon Group, thì cũng không có niềm hạnh phúc nào hơn khi nhìn thấy sự đồng hành, quyết tâm của bà con cùng với mình trong hành trình tạo ra chuỗi sản xuất gạo khép kín, mang bữa cơm ngon tới từng gia đình.

Ông Hồ Xuân Hiếu đang tiếp tục trên hành trình tìm thêm các vùng trồng mới. Nhưng do cần quản lý chất lượng nghiêm ngặt để có thể đáp ứng được các thị trường khó tính nên công ty sẽ làm từng bước. “Hằng năm sẽ sản xuất chuyển đổi khoảng 300ha lúa các loại, phấn đấu đạt mục tiêu như mục tiêu tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Trị lần thứ XVII (2020-2025)”, ông Hiếu nói đầy quyết tâm.

Ngày 20/8/2024, Tỉnh ủy Quảng Trị đã có Chỉ thị số 38/CT-TU về đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp tuần hoàn, nông nghiệp công nghệ cao, liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm nông nghiệp trong đó nhấn mạnh phải xác định nông nghiệp hữu cơ, canh tác tự nhiên, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp tuần hoàn liên kết theo chuỗi giá trị là nhiệm vụ quan trọng có ý nghĩa chiến lược đối với việc phát triển ngành nông nghiệp xanh, bền vững; là trách nhiệm của người đứng đầu và các tổ chức chính trị xã hội cũng như của tất cả mọi tầng lớp nhân dân.

Ngày xuất bản: 24/8/2024
Tổ chức thực hiện: NGỌC THANH
Nội dung: LÂM QUANG HUY - THẢO LÊ - THIÊN LAM
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: BẢO MINH