Căn nhà nghệ nhân Phan Thị Thuận nằm khiêm tốn giữa làng Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội), không biển quảng cáo, không có phòng trưng bày sản phẩm, chỉ có tiếng máy dệt ở xưởng làm “chỉ điểm” hướng đi cho du khách. Bà Thuận bảo “hữu xạ tự nhiên hương”, nên dù không trưng biển hiệu, du khách vẫn đến với bà, như tìm về gốc rễ của nghề dệt tơ tằm Mỹ Đức.
Nâng niu tấm chăn tơ trên tay - một sản phẩm được công nhận OCOP 5 sao, ánh mắt bà Phan Thị Thuận ánh lên một niềm tự hào: “Đây là chiếc chăn tơ do tằm tự dệt - một cách làm độc nhất ở Việt Nam hiện nay. Chăn do tằm tự dệt nhẹ, thoáng khí, không mùi hôi, ấm áp vào mùa đông, thoáng mát vào mùa hè…”.
Tháng 6 vừa qua, sản phẩm chăn tơ tự dệt được trao bằng chứng nhận OCOP 5 sao quốc gia. Vậy là một hành trình dài đằng đẵng hơn 50 năm duy trì nghề dệt cha ông để lại, luôn sáng tạo không ngừng, vượt qua lời chê “điên rồ”, người nghệ nhân 70 tuổi này đã góp phần đưa thương hiệu tơ tằm Mỹ Đức lên một tầm cao mới.
Chăn tơ do tằm tự dệt chính là sản phẩm kết tinh từ sự sáng tạo, tâm huyết và tình yêu quê hương của nghệ nhân Phan Thị Thuận (làng Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội).
Không phải ngẫu nhiên mà bà Thuận tìm ra được cách “huấn luyện tằm tự dệt” độc đáo này. 50 năm quan sát tằm nhả tơ, đan kén, rút ruột, chăm sóc, nâng niu con tằm như chăm con mọn, bà Thuận hiểu được một tấm kén do “tằm tự đan” chắc chắn sẽ bền đẹp hơn bất kỳ người thợ nào có thể làm được. Từ đó, bà quyết định tìm cách “thuần hóa” tằm, để chúng trở thành những “người thợ” tự dệt tấm kén phẳng.
Máy dệt cũng phải điều chỉnh dầy thưa, người ươm tơ phải điều chỉnh ươm sợi to, sợi nhỏ nhưng với con tằm thì khác. Tôi hiểu được khi con tằm có chỉ số nhất định trong ruột sẽ nhả ra những sợi tơ như ý. Ruột tằm lỏng, nhưng khi nhả ra ngoài gặp không khí liền cứng lại, tạo ra những sợi tơ mảnh, chằng chịt đan vào nhau bền chặt.
Bà Thuận bật mí thêm, vào mùa thu, một con tằm chứa trong bụng khoảng 400-450m tơ, còn vào mùa hè thì tằm chứa trong bụng khoảng 300m tơ.
Để tằm tự dệt là một phương pháp có rất nhiều ưu điểm, không chỉ dệt nên những tấm kén bền đẹp mà người thợ khó có thể làm được bằng tay, phương pháp này còn tiết kiệm được nhiều công đoạn sản xuất, chi phí nhà xưởng,…
Thông thường, quy trình tằm ăn dâu, nhả tơ, đan kén, ươm tơ, se tơ,… bao gồm 10 công đoạn, nhưng với phương pháp mới này chỉ cần tạo cho tằm một mặt phẳng, trong 3-4 ngày, chúng có thể tự hoàn thành nhiệm vụ, dệt nên tấm kén phẳng với ngàn sợ tơ vàng óng. Tuy vậy, trên thực tế, khi bắt tay vào thử nghiệm, bà Thuận đã gặp không ít khó khăn.
Vốn quen với cách cuộn thành kén tròn, nhả tơ nên khi để con tằm nhả tơ ra một mặt phẳng khá khó khăn. Tằm nhả tơ một cách tự do, vài chục con không có nơi bám nên bò lung tung theo bản năng. Lúc đó, bà lại phải tự tay bắt từng con về, sắp xếp chúng vào đúng vị trí.
Nghe thì tưởng chừng đơn giản vậy, nhưng để tằm tự nhả tơ dệt thành tấm kén lớn đó, bà Thuận phải chăm sóc chúng như những đứa trẻ bằng cả tình yêu.
Tằm khi đan kén còn có tổ che nên yên tâm miệt mài kéo tơ, nhưng giờ chúng phải nằm trơ thân mình trên một mặt phẳng thì chỉ một tia sáng, một tiếng động, một làn gió cũng đủ làm chúng sợ sệt mà bỏ vị trí đứng xưởng của mình. Vì vậy, bà phải tìm mọi cách che kín nhà kéo tơ, tạo một không gian lý tưởng cho những “công nhân” đặc biệt này cần mẫn làm việc.
Nhìn những con tằm thong dong nằm trên một mặt phẳng, bà Thuận mỉm cười nói: “Tôi phải chăm sóc chúng như chăm sóc một đứa trẻ vậy. Nuôi không khéo, tằm chết là mất công, còn chăm tốt chúng sẽ nhả ra nhiều tơ, chất lượng tốt”.
Trong quá trình để tằm tự dệt, bà Thuận cũng phải tính toán khoảng cách thích hợp để tằm vươn cổ, nhả tơ vừa tầm mà không vướng vào nhau, để tơ con này đan vào con kia tạo nên các lớp lang dày đặc, kết thành tấm thảm kén vàng óng ả. Tất cả đều được làm từ đôi bàn tay khéo léo, cùng một trái tim đầy nhiệt huyết của người nghệ nhân luôn yêu quê, say nghề Phan Thị Thuận.
Đến nay, chăn tơ và nhiều sản phẩm làm từ tơ tằm tự dệt của bà Thuận đã được biết đến rộng rãi trong và ngoài nước, được cấp chứng nhận OCOP 5 sao. Cơ ngơi xưởng của bà thu hút hơn 20 người làm tại chỗ, và tạo công việc cho khoảng 150 người nhàn rỗi trong làng, với mức thu nhập từ 4-5 triệu đồng/tháng/người. Đặc biệt, chăn bông tơ tằm tự dệt luôn “cháy” hàng, kể cả vào những ngày hè oi bức, dù giá thành cao hơn chăn bông làm truyền thống.
Bà Thuận cho biết, sản phẩm chăn bông, áo bông tơ tằm tự dệt của bà bắt đầu có từ năm 2010, song đến 2012 mới bán ra thị trường. Chăn bông tơ tằm được tính theo kg, mỗi kg giá 4 triệu đồng. Một chiếc chăn nặng 2kg có giá 8 triệu đồng, tính thêm tiền công hoàn thiện, tiền lụa nữa sẽ khoảng 11 triệu đồng.
“Mặt hàng này không có giá cố định mà phụ thuộc vào chiều dài, chiều rộng, độ dày mỏng cũng như cân nặng của chăn”, bà cho biết.
Bà Thuận chia sẻ thêm về sự nghiêm ngặt và tỉ mỉ trong từng khâu sản xuất. Theo bà, người nuôi tằm cần ý thức việc cho tằm ăn lá dâu gì, thậm chí khi phun thuốc cho các cây trồng cạnh cây dâu phải bảo đảm không để thuốc dính vào lá dâu. Môi trường nuôi tằm phải thật sạch, không có mùi, không ánh sáng, tránh ảnh hưởng tới điều kiện sống an toàn của tằm, ngày ngày phải thăm nom nhà nuôi tằm, kiểm tra từng con tằm. Phải nghiên cứu thật kỹ bao nhiêu cân lá dâu thì cho bao nhiêu cân kén, lúc ươm tơ xem một cân tơ có bao nhiêu sợi tơ đẹp, bao nhiêu sợi không đủ chất lượng,… tất cả đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên trì và yêu nghề mà không phải ai cũng có được.
Song cũng bởi vậy, chăn bông do tằm tự dệt có độ bền, đồng đều cao mà máy móc cũng khó làm tinh xảo được vậy. Đặc biệt, sử dụng loại chăn này trong một thời gian dài không bị co ngót hay vón cục, chăn do tằm ăn lá dâu sạch nhả tơ, mỗi sợi tơ thực chất là một sợi protein sạch nên rất tốt cho sức khoẻ nếu dùng lâu dài.
Chẳng vậy mà, đã từng có vị khách hàng người Mỹ vì nhiều lý do nên bị rụng tóc trọc đầu, sau một thời gian dùng khăn tơ tằm của bà để đội đầu, thấy da đầu thoáng mát, sạch thơm, hỗ trợ tóc mọc nhanh hơn nên rất thích sản phẩm này và biết ơn bà Thuận đã làm ra sản phẩm đẹp và tốt đến thế.
Người khách hàng đó thậm chí còn trở lại Việt Nam, đến nhà bà để tìm hiểu về cách trồng dâu nuôi tằm và dệt lụa của người Việt, và bất ngờ khi biết được tơ lụa của nghệ nhân Phan Thị Thuận không chỉ là một sản phẩm handmade rất đẹp, mà trong từng sợi tơ ấy còn chứa bao vị thuốc tốt cho sức khoẻ.
Hiện nay, các sản phẩm là từ tơ tằm tự dệt của bà Thuận đã có mặt rộng rãi trong nước, thậm chí bà còn nhận được nhiều đơn hàng từ các nước Trung Đông, Mỹ, châu Âu,… Sự yêu thích của khách hàng chính là niềm vui, là động lực nhỏ bé giúp bà kiên định hơn với nghề.
Những lời khen tặng
khách hàng dành cho tơ lụa Mỹ Đức
Thành công là vậy, nhưng ít ai biết được rằng, những suy nghĩ sáng tạo của bà luôn có những người cho là “điên rồ”, vô ích. “Có những người nói rằng tôi “cố tình” làm khác với phương pháp truyền thống”, bà Thuận giãi bày.
Tuy nhiên, với suy nghĩ giản đơn ban đầu là phải làm sao để tiết kiệm thời gian sản xuất thành phẩm, dành thời gian đó nghĩ ra các mẫu mã đa dạng hơn, nên bà quyết tâm gây dựng. Thời gian đầu, cũng lác đác có khách nước ngoài tới mua, nhưng họ chỉ mua 1 lần rồi thôi, sản phẩm làm ra cứ để đó. Song điều đó không khiến bà nản chí.
“Tôi vẫn nghĩ là có người thích thì có nghĩa là sản phẩm này vẫn sẽ có người mua, quan trọng là làm thế nào nhiều người mua. Điều này cần thời gian, không thể một sớm một chiều được”, bà Thuận tâm sự.
Với quyết tâm ấy, bà vẫn cần mẫn trồng dâu, chăm tằm để chúng ngày ngày nhả tơ tự dệt, vẫn nghiên cứu tạo ra những sản phẩm thiết thực mà tốt cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Năm 2005, bà đưa sản phẩm của mình tham gia Hội chợ Mỹ nghệ kim hoàn quốc tế tổ chức ở Giảng Võ và giành được Huy chương Vàng quốc tế cho Bộ sản phẩm khăn thô tơ tằm từ kén phế. Sự kiện này như một cú huých giúp bà thêm tự tin thực hiện ước mơ của mình. Từ đó, bà tham gia nhiều hội chợ, triển lãm hơn để giới thiệu về sản phẩm của mình. Khách hàng cũng vì thế biết đến sản phẩm của bà nhiều hơn, thậm chí tìm về tận nhà bà để mua.
Tháng 6/2023, sản phẩm chăn tơ tằm tự dệt của nghệ nhân Phan Thị Thuận chính thức được công nhận là sản phẩm OCOP 5 sao. Trái ngọt ấy chính là kết quả từ tâm huyết của người nghệ nhân luôn đau đáu ước muốn giữ gìn và phát triển nghề truyền thống của làng quê và tạo nên thương hiệu lụa của người Việt.
Với mong ước làm nên một thương hiệu sản phẩm sử dụng chính nguồn nguyên liệu tại chỗ, bằng đôi bàn tay khéo léo của những người thợ trong làng, một sản phẩm mang đậm chất hồn quê Mỹ Đức và được đón nhận khắp nơi, nghệ nhân Phan Thị Thuận không ngừng nghiên cứu phát triển mẫu mã sản phẩm đáp ứng nhu cầu của khách hàng, đồng thời tìm cách truyền nghề cho các thế hệ sau.
Tại xưởng sản xuất của bà, những người thợ không phân biệt tuổi tác, từ các cháu thiếu niên đến người nhiều tuổi đều có thể tham gia, tuỳ khả năng mỗi người. Chỉ cần trong trái tim có mong muốn học hỏi và nối tiếp nghề truyền thống của quê hương cùng quyết tâm tạo ra những sản phẩm xanh, hữu ích.
Chỉ vào góc nhỏ nơi những “công nhân nhí” tới học việc, bà Thuận chia sẻ: Các bạn nhỏ tới đây làm việc rất yêu quê, say nghề. Trong quá trình làm việc cũng đưa ra nhiều ý kiến, nhiều suy nghĩ sáng tạo ứng dụng vào sản phẩm.
Tôi thực sự kỳ vọng những mầm non ấy sau này sẽ nghĩ được cách làm mới hơn, sáng tạo hơn, để tạo ra những sản phẩm đẹp hơn, chất lượng hơn từ chính đôi bàn tay và khối óc của người dân nơi đây.
Thực tế, đã từng có doanh nhân người Pháp sang gặp và mong muốn hợp tác, đưa sản phẩm của bà thành một thương hiệu Pháp, hay có doanh nhân người Việt muốn cùng bà đưa nghề trồng dâu nuôi tằm sang vùng đất khác,… nhưng bà đều từ chối. Bởi mục đích cuối cùng của bà Thuận không phải là kinh doanh, mà là giữ gìn nghề truyền thống của quê hương, là phát triển một thương hiệu Việt, ngay trên mảnh đất Mỹ Đức quê bà.
Bà tâm niệm rằng: “Dù khó khăn thật nhưng tôi sẽ không bao giờ làm việc đó. Tôi chờ lúc nào có điều kiện thì tiếp tục mở rộng và nâng tầm thương hiệu, còn bây giờ vẫn nỗ lực xây dựng. Tôi đang chờ những người nào đủ kiên nhẫn và đủ dũng cảm, đủ quyết tâm cùng một tình yêu quê hương đất nước để cùng tôi phát triển sản phẩm của quê hương, tạo nên cho đất nước Việt Nam thêm một thương hiệu lụa Việt đặc biệt, trên mảnh đất quê hương tôi”.
Không chỉ phát triển sản phẩm OCOP 5 sao ngay trên mảnh đất quê hương, nhiệt huyết của người nghệ nhân đã ở tuổi ngoài thất thập còn được lan tỏa tới nhiều vùng đất. Phú Thọ, Nghệ An, Lâm Đồng,…, nơi nào có nghề lụa và có tình yêu với con tằm, cây dâu, ở đó bà Thuận sẵn sàng chia sẻ cách làm độc đáo để người dân cùng nhau phát triển, tạo sinh kế.
Song, ước mơ giữ nghề và phát triển nghề của bà Thuận hiện gặp không ít khó khăn. Bà Thuận trăn trở, dù đạt được chứng nhận OCOP 5 sao cấp quốc gia, nhưng cho đến nay, sự hỗ trợ để sản phẩm phát triển bền vững chưa được đáp ứng đầy đủ. Những vấn đề mà những nghệ nhân như bà mong mỏi nhất hiện nay là được tạo điều kiện về thuế, chính sách để phát triển vùng nguyên liệu sạch, hỗ trợ tài chính trong đào tạo, truyền nghề cho thế hệ sau,…
Hiện có hàng trăm thợ và học viên đồng hành với bà trên con đường gìn giữ thương hiệu lụa Mỹ Đức, nhưng bà Thuận vẫn “đỏ mắt” tìm người trẻ có nhiều ý tưởng sáng tạo, để tiếp nối sự nghiệp phát triển thương hiệu này lên một nấc thang mới.
Ở tuổi 70, bà Thuận tự nhận mình đã thật sự già, không biết còn đi tiếp hành trình này bao lâu nữa. Trong những nỗ lực duy trì nghề của cha ông, bà đau đáu nỗi lo khi nhiều người vẫn nghĩ đến làm máy công nghiệp, đến việc nhập nguyên liệu từ nước ngoài về để sản xuất mà không nghĩ phải làm thế nào để xây dựng vùng nguyên liệu trên mảnh đất quê hương vốn rất giàu tiềm năng, hay làm thế nào tạo sinh kế cho chính những con người Việt Nam đầy khéo léo và cần cù.
Dẫu cho khó khăn trước mắt còn nhiều, nhưng được chứng nhận OCOP chính là lời khẳng định cho giá trị sản phẩm mà bà Thuận tạo nên từ chính nguồn nguyên liệu và kỹ thuật truyền thống của quê hương, là bàn đạp để bà thực hiện ước mong đưa tơ lụa Mỹ Đức vươn ra thị trường quốc tế, để tiếp sức cho bà trong hành trình bảo tồn và phát triển nghề lụa của quê hương.