Luật Thủ đô 2024

Thay đổi quan trọng về tổ chức chính quyền địa phương

Luật Thủ đô năm 2024 dành một chương riêng về tổ chức chính quyền đô thị. Các quy định của Luật được xây dựng với một số đặc thù riêng, nhằm tổ chức chính quyền Thủ đô theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Cùng với đó, một số nội dung liên quan đến cán bộ, công chức có những thay đổi.

Luật hóa quy định không tổ chức hội đồng nhân dân cấp phường

Luật Thủ đô năm 2024 quy định tổ chức chính quyền ở Hà Nội được tổ chức theo hướng tinh gọn, chuyên nghiệp, hiện đại, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Chính quyền địa phương ở thành phố Hà Nội (gọi là Thành phố), huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố, xã, thị trấn là cấp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân. Chính quyền địa phương ở phường tại Thành phố là Ủy ban nhân dân phường.

Như vậy, việc thí điểm chính quyền địa phương ở phường tại thành phố Hà Nội đã được luật hóa, không còn thực hiện phương thức thí điểm theo Nghị quyết 97/2019/QH14.

Chính quyền địa phương ở phường đã được luật hóa

Chính quyền địa phương ở phường đã được luật hóa

Ủy ban nhân dân phường gồm có chủ tịch, phó chủ tịch và các công chức khác. Phường loại I và loại II chỉ có không quá 2 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân, phường loại III có 1 phó chủ tịch Ủy ban nhân dân.

Chủ tịch, phó chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là công chức lãnh đạo, quản lý của Ủy ban nhân dân phường.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân phường là người đứng đầu Ủy ban nhân dân phường, chịu trách nhiệm trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, thị xã, thành phố thuộc Thành phố và trước pháp luật về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân phường; trực tiếp quản lý, sử dụng công chức phường theo quy định; thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo phân cấp, Ủy quyền; quản lý toàn diện mọi hoạt động của Ủy ban nhân dân phường; ký và chịu trách nhiệm về các văn bản của Ủy ban nhân dân phường với chức danh Chủ tịch, người đứng đầu cơ quan hành chính nhà nước ở phường.
Khoản 4, Điều 13, Luật Thủ đô năm 2024

Tăng hơn 80 nhiệm vụ, quyền hạn đối với Hội đồng nhân dân Thành phố

Theo quy định tại Luật Thủ đô năm 2024, Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện tăng thêm hơn 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn. Do đó, việc tăng thêm số lượng đại biểu chuyên trách sẽ thêm sức mạnh cho bộ máy hoạt động để không ngừng nâng cao hiệu lực, hiệu quả, chất lượng hoạt động của hội đồng nhân dân các cấp; bảo đảm thực chất và đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới.

Luật cũng phân quyền trực tiếp với quy định trong thời gian Hội đồng nhân dân Thành phố không họp, Thường trực Hội đồng nhân dân Thành phố quyết định một số nội dung và báo cáo Hội đồng nhân dân thành phố tại kỳ họp gần nhất. Quy định này giúp bảo đảm tính cấp thiết, kịp thời trong quá trình quản lý, điều hành ở Thủ đô.

Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn

Hội đồng nhân dân Thành phố thực hiện tăng thêm trên 80 nội dung nhiệm vụ, quyền hạn

“Các cơ chế, chính sách, nhiệm vụ được đưa ra trong Luật Thủ đô (sửa đổi) cũng như trong định hướng quy hoạch rất cởi mở và đột phá. Vấn đề quan trọng là phải có những con người thật sự năng động, sáng tạo, trách nhiệm trong thực thi những quyền năng, nhiệm vụ mà Luật Thủ đô (sửa đổi) đã trao cho.”.
Đại biểu Quốc hội Hoàng Văn Cường

Tăng cường phân cấp đối với Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội

Điều 14 Luật Thủ đô năm 2024 phân cấp cho chính quyền Thành phố quyết định thành lập mới đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý; Ủy ban nhân dân, chủ tịch Ủy ban nhân dân, cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc Ủy ban nhân dân các cấp được phân cấp hoặc Ủy quyền thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi)

Cơ quan, tổ chức, cá nhân thực hiện việc phân cấp hoặc Ủy quyền theo quy định tại điều này có trách nhiệm bảo đảm điều kiện về tài chính, nguồn nhân lực và điều kiện cần thiết khác để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình phân cấp, Ủy quyền; hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn đã phân cấp, Ủy quyền và chịu trách nhiệm về kết quả thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn mà mình đã phân cấp, ủy quyền.

“Triển khai Luật Thủ đô năm 2024, Ủy ban nhân dân Thành phố phối hợp cùng các cơ quan Trung ương xây dựng và trình Chính phủ 3 nội dung; Thành phố xây dựng và ban hành văn bản triển khai 39 nội dung thuộc thẩm quyền, hoàn thành trước ngày 1/1/2025 để bảo đảm hiệu lực thi hành Luật Thủ đô.
Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh

Thêm cấp chính quyền “thành phố thuộc Thành phố”

Cấp chính quyền thành phố thuộc Thành phố là nội dung mới được bổ sung tại Luật Thủ đô 2024. Đây là vấn đề chưa được đề cập đến tại Luật Thủ đô năm 2012.

Theo Điều 11 Luật Thủ đô 2024, Hội đồng nhân dân thành phố thuộc Thành phố có 2 phó chủ tịch Hội đồng nhân dân và tổng số đại biểu Hội đồng nhân dân hoạt động chuyên trách không quá 9 người.

Những chính sách đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô năm 2024 tạo điều kiện cho Hà Nội giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại

Những chính sách đặc thù, vượt trội của Luật Thủ đô năm 2024 tạo điều kiện cho Hà Nội giải quyết những vấn đề vướng mắc, tồn tại

Tại Khoản 1 Điều 9 Luật Thủ đô năm 2024, thành phố Hà Nội được bầu 125 đại biểu Hội đồng nhân dân, trong đó, đại biểu chuyên trách chiếm ít nhất 25% tổng số đại biểu. So với số lượng hiện nay theo quy định tại Khoản 13 Điều 2 Luật sửa đổi Luật Chính quyền địa phương số 47/2019/QH14, số lượng đại biểu Hội đồng nhân dân thành phố tăng 30 đại biểu, từ 95 đại biểu lên 125 đại biểu.

Mô hình thành phố thuộc Thành phố trực thuộc Trung ương chính thức được mở ra từ Hiến pháp năm 2013, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Năm 2021, “thành phố trong Thành phố” đầu tiên được thành lập là thành phố Thủ Đức thuộc thành phố Hồ Chí Minh.

Cán bộ, công chức được hưởng thu nhập tăng thêm

Theo Khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc tại các cơ quan sau đây sẽ được hưởng thu nhập tăng thêm theo năng lực, hiệu quả công việc:

  • Cơ quan nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
  • Tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội;
  • Đơn vị sự nghiệp công lập được đảm bảo toàn bộ chi thường xuyên do thành phố quản lý.

Mức chi thu nhập tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của thành phố.

Theo Khoản 4 Điều 23 Luật Thủ đô năm 2024, viên chức được tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp do cơ sở dưới đây thành lập hay tham gia thành lập để thương mại hóa kết quả nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ thuộc quyền sở hữu trí tuệ của mình trên địa bàn thành phố Hà Nội, bao gồm:

  • Cơ sở giáo dục đại học công lập;
  • Cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập;
  • Tổ chức khoa học và công nghệ công lập khác trên địa bàn Thành phố

Các điều kiện viên chức phải đáp ứng khi tham gia góp vốn, quản lý, điều hành doanh nghiệp đó là: doanh nghiệp do cơ sở trên thành lập; viên chức phải làm việc tại các cơ sở trên; được người đứng đầu cơ sở, tổ chức trên đồng ý.

Tổ chức thực hiện: Ngọc Thanh - Kiều Hương
Chỉ đạo sản xuất: Xuân Bách
Nội dung và ảnh: Lê Minh Thu
Trình bày: Phi Nguyên