Cách 22 hải lý về hướng Tây Bắc của vùng biển Côn Đảo, cơn gió Tây Nam mạnh cấp 8 đã đánh sập tàu đánh cá của anh Nguyễn Đăng Tuấn. Con tàu chở 10 ngư dân chìm trong tích tắc, mất hoàn toàn liên lạc. Tàu cứu nạn SAR 272 đang chốt chặn ở vùng biển này, chỉ đủ sức chống chọi với sức gió cấp 6, nhận lệnh vượt sóng ra vùng biển động để cứu nạn, dù niềm hy vọng vô cùng mong manh. Những chiến sĩ mặc áo da cam, đã không biết bao lần liều mình giữa sóng dữ, “cướp” lại mạng sống ngư dân từ tay tử thần.

Điều họ mong muốn là đủ tàu, đủ người để vươn xa, làm điểm tựa cho ngư dân, cho các tàu thuyền quốc tế hải trình qua vùng biển Việt Nam.

1.

NGƯỢC SÓNG VÌ NGƯ DÂN, THUYỀN VIÊN TRÊN BIỂN

Suốt nhiều giờ đồng hồ, niềm hy vọng sống của Nguyễn Đăng Tuấn cùng 9 ngư dân khác chuội dần khi cả cơ thể mất nhiệt do chìm trong biển lạnh.

7 giờ sáng 26/9, tàu SAR 272 rời cảng Bến Đầm ra tới vị trí báo nạn.

Dù điều kiện thời tiết vô cùng thách thức, nhưng toàn bộ chiến sĩ đều tỏa lên boong, bám trụ từng vị trí được phân công.

Nhờ sự điều phối, các tàu cá chung quanh nhanh chóng phát hiện cả 10 ngư dân và kịp thời ứng cứu.

Côn Đảo mùa bão, gió Tây Nam vần vũ khiến cho bất kỳ ai đi biển khoảng thời gian tháng 7-10 đều chờn. Những ngư dân đến vùng này mưu sinh đánh bắt cá, liều mạng chiếm phần chính. Trong chuyến đi mưu sinh từ vùng biển Bạc Liêu ra Côn Đảo, anh Nguyễn Đăng Tuấn không thể ngờ cơn sóng giật cấp 8 do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới đã quật ngã chiếc tàu cá mỏng manh của anh làm nhiều mảnh trên vùng biển Côn Đảo vào rạng sáng 26/9. Anh chỉ kịp gọi về nhà báo tàu chìm, ôm vội can nước cùng 9 ngư dân lao xuống biển. Toàn bộ thông tin báo nạn cuối cùng được gia đình gọi tới Trung tâm Phối hợp Tìm kiếm cứu nạn hàng hải khu vực III (Bộ Giao thông vận tải) là vị trí tàu chìm.

Suốt nhiều giờ đồng hồ, niềm hy vọng sống của Nguyễn Đăng Tuấn cùng 9 ngư dân khác chuội dần khi cả cơ thể mất nhiệt do chìm trong biển lạnh. Những cơn sóng giật dữ dội trực đánh bật anh ra khỏi chiếc can nước – cái phao cứu sinh duy nhất giúp anh nổi trên biển lúc này. Anh ngước nhìn chung quanh và tuyệt vọng, bật khóc. Vùng biển là nơi mưu sinh của anh hơn 20 năm qua, đã không còn ưu đãi anh nữa.

Tàu SAR 272 tiếp cận cứu 10 nạn nhân bị trôi dạt trên biển nhiều giờ đồng hồ.

Tàu SAR 272 tiếp cận cứu 10 nạn nhân bị trôi dạt trên biển nhiều giờ đồng hồ.

Dưới sự chỉ đạo của Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, Bộ Giao thông vận tải, Cục Hàng hải Việt Nam, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) đã điều động tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 272 chốt chặn tại Côn Đảo khẩn trương xuất phát đi cứu nạn. Đồng thời, Trung tâm phối hợp với Đài thông tin duyên hải Hồ Chí Minh phát thông báo hàng hải huy động lực lượng tàu thuyền tại chỗ hành trình đến hỗ trợ tàu cá bị nạn.

Nhận lệnh lên đường khẩn cấp, thuyền trưởng tàu SAR 272 Nguyễn Văn Độ quan ngại vì sức chịu đựng của con tàu cứu nạn cỡ nhỏ chỉ đáp ứng với sóng gió cấp 6 đổ lại. Lúc này, gió cấp 6, cấp 7, giật trên cấp 8, sóng cao 3 mét. “Nếu quyết tâm ra khơi, sẽ vô cùng nguy hiểm cho tàu và tính mạng toàn bộ thuyền viên cứu nạn. Chưa kể, thông tin liên lạc với tàu chìm đã bị cắt đứt hoàn toàn. Nhưng nếu không ra khơi, mình sẽ không làm tròn nhiệm vụ chốt chặn trên vùng biển giáp ranh”, thuyền trưởng Độ nói.

7 giờ sáng 26/9, tàu SAR 272 rời cảng Bến Đầm ra tới vị trí báo nạn. Sóng cao 3m chùm lên boong tàu không làm nản lòng các chiến sĩ, cố gắng bảo đảm lịch trình tối đa để tiếp cận vị trí. Đến 9 giờ sáng, tàu SAR 272 đã đến hiện trường, phát hiện nhiều vật thể nổi nghi của tàu bị nạn, nhưng không phát hiện người.

Dù điều kiện thời tiết vô cùng thách thức, nhưng toàn bộ chiến sĩ đều tỏa lên boong, bám trụ từng vị trí được phân công, mở rộng tầm quan sát tìm kiếm. Dựa vào phán đoán thời tiết gió mùa xuôi hướng đông bắc, tàu xuôi theo dòng nước. “Chúng tôi lúc này mới xác minh chính xác được có tàu cá bị chìm. Nhanh chóng phát tin cứu nạn tới các thuyền cá đang đánh bắt ở khu vực này cùng hỗ trợ tìm kiếm”, thuyền trưởng Độ kể lại.

Nhờ sự điều phối, các tàu cá chung quanh nhanh chóng phát hiện cả 10 ngư dân đang ôm các vật thể nổi trên nước và kịp thời ứng cứu chờ tàu SAR đến đưa lên tàu, chăm sóc y tế, đưa về bờ. “Tôi nhớ nhất ánh mắt sợ hãi của cậu bé mới 16 tuổi, lần đầu tiên đi theo tàu đánh bắt xa bờ sau khi được cứu lên tàu. Cả 10 ngư dân đều hoảng loạn về tinh thần, mất nhiệt. Rất may mắn tàu chìm vào sáng sớm, thời gian ứng cứu khẩn cấp chỉ khoảng 4 giờ đồng hồ, nếu qua đêm thì không sức ai chịu đựng được”, thuyền trưởng Độ kể lại.

Trong ký ức người dân đi biển, vùng biển Côn Đảo vốn là “cái rốn” của thời tiết xấu do liên tục bị chịu ảnh hưởng bởi cả gió mùa Tây Nam và Đông Bắc. Vùng nước sâu, gió mùa dồn nén, tích tụ và thường đến muộn nên khi biển động, mưa bão, sóng và gió tại đây khốc liệt hơn nhiều so với các vùng biển khác. Ngoài là vựa hải sản cho ngư dân khai thác, vùng biển này còn là tuyến đường hàng hải quốc tế đi các nước Bắc Á, chồng lấn, giáp ranh đường biển với nhiều quốc gia.

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam

Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam (Vietnam MRCC) được thành lập ngày 2/10/1996 theo Quyết định số 2628 QĐ/TCCB-LĐ của Bộ trưởng Giao thông vận tải và được quy định lại về tổ chức và hoạt động theo Quyết định số 1252/QĐ-BGTVT ngày 05/10/2023 của Bộ trưởng Giao thông vận tải.
Là đơn vị sự nghiệp nhân đạo trực thuộc Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, được Nhà nước giao thực hiện chức năng chủ trì phối hợp hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển Việt Nam, trừ vùng nước cảng biển, vùng cấm và vùng hạn chế trên biển; là cơ quan đầu mối quốc gia của Việt Nam chịu trách nhiệm điều phối, tham gia các hoạt động hợp tác tìm kiếm và cứu nạn trên biển với các quốc gia và tổ chức quốc tế theo pháp luật Việt Nam và các điều ước quốc tế mà Việt Nam tham gia và thừa nhận, Trung tâm bảo đảm duy trì hoạt động thường trực 24/7 giờ, sẵn sàng thu nhận kịp thời và xử lý có hiệu quả 100% thông tin liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải trên vùng biển trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam.
Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam có trụ sở chính đóng tại Hà Nội và 4 Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực I, II, III và IV có trụ sở đóng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu.

Nhiều năm đi chốt chặn ở vùng biển này, có quá nhiều đau thương, mất mát mà anh và đồng đội không thể làm hết được vì sự khắc nghiệt của thời tiết, vì phương tiện cứu nạn và sức người có hạn.

Theo kinh nghiệm nhiều năm tìm kiếm cứu nạn, vào mùa cuối năm, vùng biển Côn Đảo, Phú Quý, Phú Quốc… xảy ra nhiều vụ tai nạn so với các vùng biển khác. Để ứng cứu kịp thời người và phương tiện, từ nhiều năm qua, Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải Việt Nam đã điều tàu SAR 413 và 272 khu vực III ở Vũng Tàu luân phiên chốt chặn tại Côn Đảo từ tháng 7 đến tháng 10.

Theo ông Nguyễn Bảo Anh, Giám đốc Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực III, trong năm 2022, Trung tâm đã xử lý hơn 110 vụ việc, điều động 11 chuyến tàu tìm kiếm cứu nạn, cứu và hỗ trợ 344 người gặp tai nạn, sự cố trên biển.

Lực lượng cứu nạn hàng hải hiện nay làm việc trên tinh thần “Coi người bị nạn như chính người thân của mình”.

-- Ông Nguyễn Bảo Anh --

“Hằng năm, để chủ động ứng phó với thời tiết biển khu vực do ảnh hưởng của các cơn bão, áp thấp nhiệt đới, Trung tâm cũng thực hiện bố trí phương tiện trực chốt chặn tại Côn Đảo. Đây là khu vực có nguy cơ cao xảy ra tai nạn, sự cố hàng hải trong mùa mưa bão”, ông Bảo Anh nói và khẳng định, lực lượng cứu nạn hàng hải hiện nay làm việc trên tinh thần “Coi người bị nạn như chính người thân của mình”.

Nhiều năm đi chốt chặn ở vùng biển này, có quá nhiều đau thương, mất mát mà anh và đồng đội không thể làm hết được vì sự khắc nghiệt của thời tiết, vì phương tiện cứu nạn và sức người có hạn. Trong những chuyến cứu nạn, có những chuyến thành công, nhưng có những chuyến mang dư âm buồn đến mất ăn, mất ngủ.

Những chiến sĩ mặc áo da cam chỉ tự biết an ủi, mình đã cố gắng hết sức có thể, thậm chí nhiều lần liều mình đánh đổi tính mạng với sự hung dữ của biển khơi để làm lá chắn cho ngư dân trên biển.

Trong năm 2022, Trung tâm đã xử lý trên 300 vụ việc báo nạn; cứu, hỗ trợ 1.245 người bị nạn trên biển, trong đó có 494 người nước ngoài; cứu, hỗ trợ 49 tàu thuyền các loại.
Giai đoạn 6 tháng đầu năm 2023, Trung tâm đã xử lý 124 vụ việc báo nạn; điều động phương tiện chuyên dụng tìm kiếm cứu nạn trực tiếp tại hiện trường 17 lần; cứu, hỗ trợ 304 người; cứu và hỗ trợ 31 tàu (không có tàu nước ngoài). Liên quan đến tàu hàng và thuyền viên, Trung tâm đã cứu, hỗ trợ 25 thuyền viên cùng 2 tàu.

Cứu nạn thuyền viên trên tàu Vietship 01 mắc cạn tại vùng biển Cửa Việt.

Cứu nạn thuyền viên trên tàu Vietship 01 mắc cạn tại vùng biển Cửa Việt.

Chúng ta đã xác lập uy tín và lòng tin quốc tế về hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển của Việt Nam.

Hằng năm Trung tâm thu nhận và xử lý từ 350-500 vụ việc liên quan đến tai nạn, sự cố hàng hải, cứu và hỗ trợ hàng nghìn lượt người, hàng trăm tàu thuyền trong và ngoài nước gặp nạn trên vùng biển trách nhiệm của Việt Nam, góp phần giảm thiểu thiệt hại do tai nạn, sự cố gây ra trên cả nước, khẳng định chủ quyền lãnh thổ và uy tín của Việt Nam đối với quốc tế.

Trong những năm vừa qua, hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển đã đạt được những kết quả tích cực: Cứu và hỗ trợ tất cả những người bị nạn trên biển, không phân biệt quốc tịch, tôn giáo, điều kiện và hoàn cảnh; là chỗ dựa tinh thần cho người đi biển.

Tiếp cận và triển khai công tác lặn tìm kiếm cứu nạn.

Tiếp cận và triển khai công tác lặn tìm kiếm cứu nạn.

Chúng ta đã xác lập uy tín và lòng tin quốc tế về hệ thống tìm kiếm cứu nạn trên biển của Việt Nam với hiệu quả và độ tin cậy cao, đồng thời góp phần khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc. Đồng thời, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam là quốc gia có biển thực hiện các Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên tham gia hoặc thừa nhận.

Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, Trung tâm đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan đơn vị có liên quan từ Trung ương đến địa phương và các đơn vị tìm kiếm cứu nạn quốc tế, tiếp nhận xử lý các thông tin báo nạn, lập kế hoạch phối hợp tìm kiếm cứu nạn, trình cấp có thẩm quyền và tiến hành điều động lực lượng phương tiện chuyên dụng, tổ chức chỉ huy cứu nạn tại hiện trường bảo đảm nhanh chóng, hiệu quả.

2.

BẢO ĐẢM TỐT VAI TRÒ CỨU NẠN TRÊN VÙNG BIỂN TRÁCH NHIỆM

Từ khi đưa đội tàu chuyên dụng vào hoạt động, Việt Nam đã được Tổ chức hàng hải quốc tế - IMO và các nước trong khu vực công nhận là một trong những quốc gia có hệ thống tìm kiếm cứu nạn hàng hải phát triển nhanh và hoạt động có hiệu quả cao, góp phần xây dựng một môi trường đầu tư an toàn, tin cậy trong lĩnh vực hoạt động kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Trung tâm chủ trì hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên vùng biển trách nhiệm Việt Nam, điều động nguồn lực tham gia phối hợp tìm kiếm, cứu nạn trên các vùng biển giáp ranh, vùng biển do Việt Nam chủ trì, tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ đối với người và phương tiện bị nạn trong đó có tàu thuyền nước ngoài hành trình đến hoặc ngang qua vùng biển trách nhiệm của Việt Nam.

Đối với người, tàu thuyền Việt Nam gặp tai nạn, sự cố trên vùng biển quốc tế, Trung tâm yêu cầu trợ giúp khẩn cấp từ lực lượng tìm kiếm cứu nạn của các quốc gia liên quan, các cơ quan cứu nạn quốc tế và phối hợp trong việc tổ chức tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ đối tượng bị nạn.

Vụ việc cứu nạn lớn nhất có yếu tố nước ngoài và nhiều thách thức nhất trong cuộc đời làm nghề cứu nạn chính là ứng cứu kịp thời 303 người quốc tịch Sri Lanka trôi dạt trên vùng biển quần đảo Trường Sa.

Theo ký ức của những chiến sĩ mặc áo da cam, đầu tháng 11/2022, tàu đánh cá Lady R3, treo cờ Myanmar, chở 303 công dân quốc tịch Sri Lanka từ Myanmar đến Canada, đến vị trí cách mũi Vũng Tàu khoảng 258 hải lý về phía Đông Nam, thuộc khu vực quần đảo Trường Sa của Việt Nam thì gặp sự cố nước tràn vào buồng máy. Lúc 15 giờ 5 phút ngày 7/11/2022, Trung tâm đã phát hiện tàu Helios Leader (quốc tịch Nhật Bản, hô hiệu 7JFI) đang hành trình tại khu vực lân cận và yêu cầu tàu chuyển hướng hành trình khẩn cấp đi cứu nạn tàu Lady R3. Đến 15 giờ 40 phút cùng ngày, tàu Helios Leader đã tiếp cận tàu bị nạn, phát hiện tàu đang thả trôi với rất nhiều người hoảng loạn, dồn về trên boong tàu.

Tàu SAR 412 trong khi chốt chặn tại vùng biển Côn Đảo đã kịp thời tiếp cận cứu ngư dân bị tai biến, nguy kịch tính mạng.

Tàu SAR 412 trong khi chốt chặn tại vùng biển Côn Đảo đã kịp thời tiếp cận cứu ngư dân bị tai biến, nguy kịch tính mạng.

Dưới sự hướng dẫn của Trung tâm, tàu Helios Leader đã tiến hành các biện pháp an toàn cần thiết, đón người bị nạn sang tàu, tiến hành chăm sóc, sơ cứu ban đầu, sau đó đưa toàn bộ 303 người (gồm 264 nam, 19 nữ, 20 trẻ em) về Vũng Tàu. Tại Vũng Tàu, Trung tâm đã phối hợp với các cơ quan liên quan, điều động tàu SAR 413 tiến hành 2 lượt hành trình, hỗ trợ toàn bộ 303 công dân Sri Lanka từ tàu Helios Leader về cảng Vietsovpetro (Vũng Tàu) bàn giao cho các cơ quan chức năng.

Đây là một vụ việc tìm kiếm cứu nạn chưa từng có tiền lệ tại Việt Nam về số lượng người cũng như tính chất vụ việc, đối tượng gặp nạn. Nếu như việc đi biển đối với thuyền viên hay những người đi biển chuyên nghiệp, dưới các quy định nghiêm ngặt của các Công ước quốc tế về an toàn hàng hải, đào tạo huấn luyện thuyền viên, đã được giảm thiểu rủi ro và không còn nguy hiểm lắm thì đã có một nhóm đối tượng đi biển mới là nhóm người gặp nguy hiểm rất cao trên biển. Đây là nhóm người di cư trái phép tạo ra nhiều khó khăn cho quá trình tiếp cận, cứu nạn.

Triển khai các nguyên tắc, nghĩa vụ về tìm kiếm cứu nạn quy định tại các Công ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, Trung tâm đã thực hiện thành công nhiều vụ việc tìm kiếm cứu nạn nhờ việc huy động tàu thuyền quốc tế hành trình lân cận vị trí bị nạn, kịp thời cứu sống nhiều người Việt Nam và nước ngoài gặp nạn trên biển.

Trong đó có các vụ việc: Trung tâm đã cứu nạn 17 thuyền viên Việt Nam gặp nạn do tàu Houei Crystal (quốc tịch Panama, chủ tàu là công ty Nhật Bản) bị chìm, trôi dạt trên phao bè tại vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn giáp ranh giữa Nhật Bản, Cộng hòa Dân chủ nhân dân Triều Tiên và Hàn Quốc; huy động tàu hàng quốc tịch Đan Mạch kịp thời cứu nạn toàn bộ 18 thuyền viên rời tàu Narimoto Maru (Quốc tịch Belize) bị nghiêng, chìm tại vùng biển lân cận đảo Phú Quý năm 2021; tìm kiếm cứu nạn 19 thuyền viên tàu chở gỗ Vandon Ace gặp nạn tại khu vực biển Bà Rịa-Vũng Tàu tháng 2/2022…

Trung tâm đã thực hiện thành công nhiều vụ việc tìm kiếm cứu nạn nhờ việc huy động tàu thuyền quốc tế hành trình lân cận vị trí bị nạn, kịp thời cứu sống nhiều người Việt Nam và nước ngoài gặp nạn trên biển.

Năm 2021, Trung tâm thực hiện chuyến cứu nạn ngư dân thách thức chưa từng có cứu 9 ngư dân trên tàu VIETSHIP 01, neo đậu ở khu vực cảng Cửa Việt thì bị nước lũ cuốn trôi ra biển và mắc cạn ngày 8/10. Trước tình thế nguy cấp còn 8 ngư dân đang cố gắng cầm cự, nhiều ngư dân lão làng tiếp cận vị trí bị nạn đều thất bại. Trong điều kiện thời tiết đặc biệt nguy hiểm, khu vực có địa hình phức tạp, thuyền viên Trần Văn Khôi đã 3 lần xung phong tiếp cận tàu Vietship 01 bằng nhiều phương thức khác nhau giữa những cơn sóng cao 4-6 mét và dòng chảy mạnh, anh đã trực tiếp cứu sống 3 nạn nhân.

Kết quả thực hiện trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm đã được các tổ chức, cơ quan quốc tế ghi nhận và đánh giá cao. Nhân viên cứu nạn Trần Văn Khôi, thuyền viên tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 412 là thuyền viên Việt Nam đầu tiên được Tổ chức hàng hải quốc tế IMO trao giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” trong vụ việc cứu nạn thuyền viên tàu Vietship 01 tại Quảng Trị năm 2020.

Tổ chức hàng hải quốc tế IMO trao giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” trong vụ việc cứu nạn thuyền viên tàu Vietship 01 tại Quảng Trị năm 2020.

Tổ chức hàng hải quốc tế IMO trao giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” trong vụ việc cứu nạn thuyền viên tàu Vietship 01 tại Quảng Trị năm 2020.

Đây là giải thưởng cao nhất và duy nhất cho hành động dũng cảm trong hoạt động cứu nạn trên toàn thế giới năm 2021 và là sự ghi nhận của quốc tế về sự chuyên nghiệp, hiệu quả trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn nằm trong sự phát triển chung của ngành hàng hải Việt Nam trong những năm gần đây.

Thuyền viên Trần Văn Khôi, Thuyền phó II, tàu SAR 412 là cá nhân vinh dự được tôn vinh trong Chương trình Vinh quang Việt Nam 2023 vì sự mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh, không quản ngại khó khăn trong công việc. Thuyền viên Trần Văn Khôi đã thực hiện nhiều nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển có tính chất khó khăn, phức tạp như vụ việc tìm kiếm cứu nạn máy bay SU30-MK2 và CASA-212 ở Vịnh Bắc Bộ năm 2017, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên tàu hàng bị chìm hàng loạt do bão DAMREY năm 2017 tại vùng biển Quy Nhơn, tìm kiếm cứu nạn thuyền viên bị chìm tàu tại cửa Gianh - Quảng Bình, giải cứu thuyền viên mắc kẹt trên tàu VIETSHIP 01 bị chìm tại khu vực biển Cửa Việt, Quảng Trị tháng 10/2020…

Thuyền viên Trần Văn Khôi được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023 vì sự mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh, không quản ngại khó khăn trong công việc.

Thuyền viên Trần Văn Khôi được vinh danh tại chương trình Vinh quang Việt Nam năm 2023 vì sự mưu trí, dũng cảm, sẵn sàng đón nhận sự hy sinh, không quản ngại khó khăn trong công việc.

Với những kết quả đã đạt được của Trung tâm, đã góp phần giảm những thiệt hại, tai nạn về người và tài sản của nhân dân tham gia hoạt động trên biển, được các cấp có thẩm quyền ghi nhận.

Trong 5 năm gần đây, Trung tâm đã phối hợp tổ chức các lớp huấn luyện chuyên ngành về lập kế hoạch tìm kiếm cứu nạn và sử dụng các phần mềm cơ sở dữ liệu cho các cơ quan Cục Hàng hải Việt Nam, Cảnh sát biển Việt Nam, lực lượng Hải quân, Kiểm ngư do chuyên gia của lực lượng phòng vệ biển Hoa Kỳ (US Coast Guard) giảng dạy. Thường xuyên tổ chức công tác diễn tập xử lý thông tin tìm kiếm cứu nạn với các cơ quan cứu nạn quốc tế như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và các quốc gia ASEAN…

Tìm kiếm, đàm phán, tiếp nhận các nguồn viện trợ từ nước ngoài các trang thiết bị, phương tiện tìm kiếm cứu nạn: Năm 2017, Trung tâm tiếp nhận, đưa vào sử dụng Hệ thống lập kế hoạch tìm kiếm cứu nạn tối ưu (SAROPs) do Hoa Kỳ chuyển giao.  Năm 2021, Trung tâm đã phối hợp với Đại sứ quán Nhật Bản tại Việt Nam triển khai Phi dự án “Trang thiết bị chuyên dùng phục vụ hoạt động tìm kiếm cứu nạn hàng hải” sử dụng nguồn ODA không hoàn lại của Chính phủ Nhật Bản với tổng vốn dự kiến hơn 100 tỷ đồng.

3.

NHIỀU THÁCH THỨC ĐẶT RA VỚI NGÀNH CỨU NẠN

Lực lượng, phương tiện quá mỏng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển nói chung và triển khai hoạt động phối hợp quốc tế tại các vùng biển xa, vùng biển quốc tế.

Tổng Giám đốc
Bùi Văn Minh

Coi tính mạng ngư dân như người nhà, nhiều năm làm lá chắn trên biển, là chỗ dựa an toàn cho ngư dân, các chiến sĩ tàu SAR đã trải qua muôn trùng sóng gió và những hoàn cảnh khắc nghiệt, vượt ngưỡng của sức người, sức tàu để ứng cứu người và tàu kịp thời trên biển. Tuy nhiên, có nhiều bài toán được đặt ra với ngành cứu nạn khi nhiệm vụ ngày càng nặng nề hơn.

Theo Tổng Giám đốc Trung tâm Bùi Văn Minh, hiện Trung tâm có 7 tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng tại Hải Phòng, Đà Nẵng, Nha Trang và Vũng Tàu, phụ trách khu vực tìm kiếm cứu nạn rộng lớn với hơn 3.260 km chiều dài bờ biển, vùng biển rộng trên 1 triệu km2.

Nhưng các tàu tìm kiếm, cứu nạn chuyên dụng hiện tại được trang bị chỉ hoạt động được ở mức sóng cấp 8 trở xuống, các tàu đều đã cũ, trên 15 tuổi, vùng giới hạn hoạt động trong khoảng 250-350 hải lý, do vậy, đối với các vụ việc tìm kiếm, cứu nạn tại các khu vực biển xa hoặc trong điều kiện bão, áp thấp nhiệt đới, gió mùa mạnh còn hạn chế về năng lực thực hiện nhiệm vụ. Lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải là một trong những lực lượng tham gia hoạt động trực tiếp tại khu vực biển quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa trong khi khả năng về phương tiện, trang thiết bị tìm kiếm, cứu nạn còn rất hạn chế.

Nhân viên cứu nạn Trần Văn Khôi, thuyền viên tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 412 là thuyền viên Việt Nam đầu tiên được Tổ chức hàng hải quốc tế IMO trao giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” trong vụ việc cứu nạn thuyền viên tàu Vietship 01 tại Quảng Trị năm 2020.

Nhân viên cứu nạn Trần Văn Khôi, thuyền viên tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng SAR 412 là thuyền viên Việt Nam đầu tiên được Tổ chức hàng hải quốc tế IMO trao giải thưởng “Hành động dũng cảm đặc biệt trên biển” trong vụ việc cứu nạn thuyền viên tàu Vietship 01 tại Quảng Trị năm 2020.

Đây là đơn vị chuyên nghiệp duy nhất thực hiện nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên biển, còn các lực lượng khác như Cảnh sát biển, Hải quân, Kiểm ngư, Biên phòng là lực lượng chấp pháp trên biển, được giao nhiệm vụ phối hợp trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn. Mặc dù vậy, trong thực hiện nhiệm vụ chủ trì phối hợp, đặc biệt là chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn quốc tế, Trung tâm gặp nhiều khó khăn.

Về nhân lực, Tổng Giám đốc Bùi Văn Minh thừa nhận, lực lượng tham gia hoạt động tìm kiếm cứu nạn tại hiện trường ít, chưa đủ sức đảm nhiệm một số nhiệm vụ như: Tìm kiếm cứu nạn dài ngày trên biển, xử lý các tình huống đặc biệt, khó khăn tại hiện trường. Trình độ ngoại ngữ, khả năng giao tiếp, tiếp nhận các thông tin, ra mệnh lệnh, thông báo các thông tin hiện trường phục vụ cho việc chỉ huy hiện trường (OSC) còn thấp; thiếu nhận lực chất lượng cao, có khả năng cập nhật công nghệ, kỹ thuật mới ứng dụng trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

“Lực lượng, phương tiện quá mỏng ảnh hưởng đến hiệu quả công tác tìm kiếm, cứu nạn trên biển nói chung và triển khai hoạt động phối hợp quốc tế tại các vùng biển xa, vùng biển quốc tế”, Tổng Giám đốc Bùi Văn Minh bày tỏ.

Một yếu tố khách quan mà cũng là thách thức với cả ngành cứu nạn thế giới chính là tình trạng biến đổi khí hậu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên vượt xa dự báo của con người

Một yếu tố khách quan mà cũng là thách thức với cả ngành cứu nạn thế giới chính là tình trạng biến đổi khí hậu với sự khắc nghiệt của thiên nhiên vượt xa dự báo của con người làm cho công tác tìm kiếm cứu nạn càng trở nên khó khăn, nguy hiểm và phức tạp, đặc biệt là sự gia tăng của các đợt gió mùa mạnh tương đương cấp bão trên vùng biển nước ta.

Trong hoạt động tìm kiếm cứu nạn ở vùng biển giáp ranh, ngành cứu nạn Việt Nam cũng vướng mắc nhiều về vấn đề pháp lý trong triển khai cứu nạn. Hiện nay, dựa theo các nguyên tắc về phân vùng tìm kiếm cứu nạn trong hệ thống tìm kiếm cứu nạn toàn cầu, Tổ chức hàng hải quốc tế (IMO) đã khuyến cáo các quốc gia phân định các khu vực tìm kiếm cứu nạn của mình để làm rõ trách nhiệm.

Các ranh giới này được xác định dựa trên các đường phân định ranh giới tìm kiếm cứu nạn trên biển đã được các quốc gia Đông Nam Á thỏa thuận, các đường phân định ranh giới tìm kiếm cứu nạn trên biển do các quốc gia đơn phương tự công bố (tại Hội thảo IMO khu vực Thái Bình Dương về tìm kiếm cứu nạn hàng hải và GMDSS tổ chức vào tháng 4/1997), trong đó có một số vùng chồng lấn về trách nhiệm giữa các quốc gia. Chính vì vậy, các ranh giới này được IMO chỉ ra với tính chất khuyến cáo và không phải là cơ sở pháp lý chung để các quốc gia trong khu vực Biển Đông căn cứ thực hiện.

Cứu kịp thời ngư dân Quảng Trị bị tai nạn.

Cứu kịp thời ngư dân Quảng Trị bị tai nạn.

Từ năm 2007, sau khi Việt Nam chính thức là thành viên Công ước quốc tế về tìm kiếm cứu nạn trên biển - SAR79, thực hiện Quyết định số 06/2009/QĐ-TTg ngày 15/1/2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước quốc tế về tìm kiếm và cứu nạn hàng hải năm 1979 (Công ước SAR 79), Bộ Giao thông vận tải được giao chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan triển khai việc đàm phán, phân vùng trách nhiệm tìm kiếm cứu nạn trên biển. Phương án đàm phán đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua.

Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực Biển Đông.

Việt Nam cũng gặp nhiều khó khăn trong ký kết các Hiệp định, Thỏa thuận song phương và đa phương với các quốc gia trong khu vực Biển Đông. Các Hiệp định hàng hải, Quy tắc ứng xử trên Biển Đông và Hiệp định ASEAN về Tạo thuận lợi cho việc tìm kiếm tàu biển bị nạn và cấp cứu người bị nạn đều có những điều khoản quy định về hoạt động tìm kiếm cứu nạn.

Tuy nhiên, những quy định này đều là các vấn đề chung, chưa được cụ thể hóa bằng các thỏa thuận cụ thể giữa các quốc gia riêng đối với hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Triển khai thực hiện Quyết định số 06/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ nêu trên, các đoàn đàm phán do Bộ Giao thông vận tải chủ trì đã tiến hành đàm phán với các quốc gia để ký kết thỏa thuận song phương. Đến thời điểm hiện tại, Việt Nam mới chỉ ký kết được Thỏa thuận song phương về tìm kiếm cứu nạn trên biển với Philippines.

Đối với các quốc gia khác, việc tiến hành đàm phán hết sức khó khăn, phức tạp. Do đó, hoạt động phối hợp tìm kiếm cứu nạn trên biển đối với các vụ việc có yếu tố nước ngoài gặp nhiều khó khăn.

4.

NÂNG TẦM QUY MÔ LỰC LƯỢNG CỨU NẠN HÀNG HẢI ĐỂ BẢO ĐẢM AN TOÀN TRÊN BIỂN

Ngày 18/7 vừa qua, Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng đã có chuyến thị sát, động viên lực lượng tìm kiếm cứu nạn trong chuyến thăm và kiểm tra nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn của tàu SAR 413 lúc tàu đang trực chốt tại Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Lặng lẽ ngồi trên con tàu cứu nạn sau nhiều chuyến vượt biển đầy hiểm nguy trở về, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã lắng nghe những tâm tư của người lính cứu nạn.

Ông đánh giá: “Lực lượng cứu nạn hàng hải là những chiến sĩ thầm lặng. Nhân dân sẽ luôn ghi nhận những tình cảm, sự quan tâm, giúp đỡ của lực lượng cứu nạn dành cho các nạn nhân”.

Cũng tại buổi làm việc này, Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam Lê Đỗ Mười đánh giá: "Công tác chủ trì phối hợp tìm kiếm cứu nạn của Trung tâm thời gian qua đã khẳng định nhiệm vụ, khẳng định vị trí của công tác tìm kiếm cứu nạn của chúng ta, thật sự trở thành điểm tựa không chỉ cho tàu biển mà còn là điểm tựa cho ngư dân, bảo đảm ngư dân yên tâm bám biển".

 [H1]

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thăm hỏi, động viên các chiến sĩ tàu SAR 413 đang chốt chặn tại vùng biển Côn Đảo.

Bộ trưởng Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng thăm hỏi, động viên các chiến sĩ tàu SAR 413 đang chốt chặn tại vùng biển Côn Đảo.

Chuyến thăm của Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đã trở thành nguồn động viên lớn cho thuyền viên tàu SAR 413 nói riêng, cũng như toàn thể lực lượng tìm kiếm cứu nạn hàng hải của toàn Trung tâm nói chung. Đặc biệt, địa điểm của chuyến thăm là tại vùng biển Côn Đảo - nơi vị trí tàu SAR 413 đang thực hiện nhiệm vụ chốt chặn, xa cách với đất liền, đối diện với nhiều khó khăn, thiếu thốn và sóng gió.

Thấu hiểu với những chiến sĩ mặc áo da cam ngày đêm đối mặt với sự khác nghiệt của thời tiết để ứng cứu ngư dân kịp thời, Bộ trưởng Giao thông vận tải tâm sự, ông hiểu lực lượng cứu nạn hàng hải phải thường xuyên hoạt động trong môi trường rủi ro, xa gia đình. Bộ trưởng động viên lực lượng cứu nạn luôn gắn bó với những chuyến tàu vất vả nhưng thân thương và vẻ vang, cũng như nỗ lực cùng ngành giao thông vận tải tiếp tục đóng góp cho đất nước.

“Chúng tôi chia sẻ và cảm ơn các đồng chí vì hoạt động cứu nạn trên biển vất vả, làm việc trong môi trường khó khăn, thiếu thốn, khắc nghiệt, nhiều nguy cơ và tính rủi ro rất cao. Gia đình cũng chịu áp lực lo lắng cho tính mạng của các đồng chí. Thay mặt cho lãnh đạo Bộ trưởng Giao thông vận tải, tôi cảm ơn các đồng chí đã hy sinh những việc riêng tư của bản thân để cống hiến, đóng góp cho đất nước, cho ngành, cho nhân dân và không phải ai cũng trụ được”, Bộ trưởng xúc động nói.

Các anh là chiến sĩ thầm lặng, nỗ lực đóng góp cống hiến, ở đâu có tin cứu nạn là có mặt.
Đồng chí Nguyễn Văn Thắng
Bộ trưởng Giao thông vận tải

“Các anh là chiến sĩ thầm lặng, nỗ lực đóng góp cống hiến, ở đâu có tin cứu nạn là có mặt. Tôi cũng biểu dương các đồng chí có nhiều đóng góp cụ thể, thực hiện nhiều chuyến tìm kiếm cứu nạn thành công, cứu được nhiều người trong tình cảnh nguy cấp trên biển, gồm cả người Việt Nam và người nước ngoài. Người ta mãi mãi ghi nhận tình cảm, quan tâm chăm sóc giúp đỡ của anh em dành cho các nạn nhân và gia đình”, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng động viên.

Theo Tổng Giám đốc Bùi Văn Minh, để thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ được giao trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển trong giai đoạn tới, Trung tâm đề xuất Cục Hàng hải Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải cho phép nghiên cứu xây dựng, triển khai đề án phát triển Trung tâm 2030-2045 phù hợp theo các mục tiêu, lộ trình của Đề án Phát triển, nâng cao năng lực ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 được phê duyệt theo Quyết định số 535/QĐ-TTg ngày 20/5/2023 của Thủ tướng Chính phủ.

Do lực lượng, phương tiện mỏng, nên việc thực hiện nhiệm vụ còn hạn chế về năng lực và tính chủ động trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, tại các khu vực biển xa, đặc biệt khu vực quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và khu vực biển Tây Nam Bộ, Tổng Giám đốc Bùi Văn Minh mong muốn Bộ Giao thông vận tải, Chính phủ cho phép đầu tư, đóng mới tàu tìm kiếm cứu nạn chuyên dụng có chiều dài 62m, chịu được gió cấp 9, cấp 10.

Cứu hộ thành công thuyền viên nước ngoại bị nạn trên biển.

Cứu hộ thành công thuyền viên nước ngoại bị nạn trên biển.

“Những tàu mới, hiện đại, có đầy đủ thiết bị cứu nạn chuyên dụng có thể hoạt động được trong điều kiện thời tiết xấu, đi biển được hành trình dài 3.000 hải lý với thời gian 2-3 tuần trên biển, có khả năng chịu sóng lớn để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong những chuyến đi cứu nạn dài ngày”, ông Minh chia sẻ.

Trước vùng biển Côn Đảo, Phú Quốc có nhiều nguy cơ gây ra tai nạn hàng hải vào mùa mưa bão, Trung tâm cũng mong muốn sớm được thành lập Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực V tại Phú Quốc-Kiên Giang nhằm bảo đảm an toàn cho hoạt động hàng hải tại vùng biển phía Tây Nam của Tổ quốc và Trung tâm Phối hợp tìm kiếm, cứu nạn hàng hải khu vực Bắc Trung Bộ.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cứu nạn ở vùng biển chồng lấn, Trung tâm rất cần các cơ chế, chính sách để tăng cường công tác hợp tác với các quốc gia ASEAN và quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển, tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước phát triển về công tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, phương tiện chuyên dụng nhằm nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam trong tình hình mới.

Để thực hiện tốt hơn nhiệm vụ cứu nạn ở vùng biển chồng lấn, Trung tâm rất cần các cơ chế, chính sách để tăng cường công tác hợp tác với các quốc gia ASEAN và quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Để thực hiện nhiệm vụ cứu nạn trên biển tốt nhất, Trung tâm mong muốn được tăng cường công tác hợp tác với các quốc gia ASEAN và quốc tế trong lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn trên biển, tìm kiếm sự hỗ trợ của các nước phát triển về công tác đào tạo nguồn nhân lực, đầu tư các trang thiết bị tìm kiếm cứu nạn, phương tiện chuyên dụng nhằm nâng cao năng lực tìm kiếm cứu nạn của Việt Nam trong tình hình mới.

Để nâng cao hơn nữa chất lượng nhân lực cứu nạn, Trung tâm luôn mong đội ngũ tìm kiếm cứu nạn ngày càng được đào tạo trình độ cao hơn, sẵn sàng thực hiện các nhiệm vụ có tính chất phức tạp, khó khăn khi có yêu cầu.

Nắm bắt tâm tư của anh em cứu nạn, Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cho biết, trong bối cảnh còn nhiều hạn chế, Bộ trưởng mong anh em tiếp tục nỗ lực, cố gắng gắn bó với ngành giao thông vận tải, với những chuyến tàu vất vả nhưng thân thương và vẻ vang vì dân, vì nước. Trong thời gian tới, Bộ Giao thông vận tải sẽ tiếp tục bố trí nguồn vốn để đóng mới các tàu tìm kiếm cứu nạn có tầm hoạt động xa hơn, chịu được sóng gió, đáp ứng hiệu quả nhu cầu hoạt động cứu nạn trong tình hình mới.

Bộ trưởng cũng đề nghị các anh em báo cáo khó khăn trong công tác để cấp có thẩm quyền xem xét quyết định. Bộ trưởng cũng giao các cơ quan, đơn vị liên quan xử lý những khó khăn, vướng mắc của Trung tâm, đặc biệt cần có những chính sách đãi ngộ, những chế độ xứng đáng dành cho lực lượng cứu nạn.

Với việc được nâng tầm Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cả về quy mô tàu cứu nạn với nhân lực tinh nhuệ hơn, tầm vóc của lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa ra biển khơi, tiếp tục là điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, thực hiện được nhiệm vụ cứu nạn quốc tế.

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng cũng gửi lời chúc các đồng chí tìm kiếm cứu nạn hoàn thành nhiệm vụ được giao, xứng đáng với niềm tin, kỳ vọng của lãnh đạo Cục Hàng hải Việt Nam, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải.

Với việc được nâng tầm Trung tâm Tìm kiếm cứu nạn hàng hải Việt Nam cả về quy mô tàu cứu nạn có sức chịu đựng sóng gió lớn, thực hiện hành trình dài ngày trên biển với nhân lực tinh nhuệ hơn, tầm vóc của lực lượng cứu nạn hàng hải Việt Nam sẽ vươn xa hơn nữa ra biển khơi, tiếp tục là điểm tựa cho ngư dân yên tâm vươn khơi bám biển, thực hiện được nhiệm vụ cứu nạn quốc tế.

Tổng Giám đốc Bùi Văn Minh tin tưởng sự đoàn kết, kỷ luật sẽ tạo ra sức mạnh để lực lượng sẵn sàng đối mặt với hiểm nguy, sóng gió trong hành trình bảo đảm an toàn tính mạng người dân trên biển.

Kết quả hoạt động tìm kiếm cứu nạn trên biển trong giai đoạn 2018 đến 31/10/2023:

Năm

2018

2019

2020

2021

2022

10/31/23

 Tổng 

Tổng số vụ báo nạn

576

522

577

373

300

240

2588

Tổng số lần xử lý báo nạn thật

466

412

356

275

241

212

1962

Tổng số người được cứu, hỗ trợ

1051

1098

756

568

1245

704

5422

Số người Việt Nam

1025

1054

734

536

751

685

4785

Số người nước ngoài

26

44

22

32

494

19

637

Tổng số tàu được cứu, hỗ trợ

86

99

58

37

49

46

375

Tàu vận tải biển

46

46

63

61

51

31

298

Tàu cá

396

351

281

201

179

160

1568

Loại khác

24

15

12

13

11

21

96

Cộng

466

412

356

275

241

212

1962

Ngày xuất bản: 17/11/2023
Tổ chức thực hiện: KIM PHƯƠNG BÌNH
Nội dung: THẢO LÊ - THIÊN LAM
Trình bày: NGỌC DIỆP