Lực lượng sản xuất mới trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Tham luận tại Hội thảo khoa học quốc gia “Kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam - Những vấn đề lý luận và thực tiễn” do Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương chủ trì, phối hợp với Bộ Biên tập Tạp chí Cộng sản tổ chức ngày 15/11/2024.

TS Đinh Văn Thụy

Phó Viện trưởng Viện Triết học,
Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh

Nội hàm khái niệm kỷ nguyên mới và yêu cầu đặt ra đối với lực lượng sản xuất

Khái niệm kỷ nguyên dùng để chỉ một thời kỳ trong lịch sử được phân chia dựa trên các điều kiện kinh tế, chính trị, văn hóa, kỹ thuật và các điều kiện khác, ví dụ như kỷ nguyên đồ đá, kỷ nguyên cổ đại ... hay kỷ nguyên công nghiệp, kỷ nguyên thông tin, kỷ nguyên kỹ thuật số...

Khái niệm kỷ nguyên ở trong bài tham luận này không chỉ mang hàm nghĩa về thời gian mà quan trọng hơn mang hàm nghĩa về những đặc điểm kinh tế-xã hội. Khi nói kỷ nguyên mới có nghĩa là kỷ nguyên được đánh dấu bằng những đặc điểm kinh tế-xã hội mới, là một thời kỳ lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Khi nói kỷ nguyên mới có nghĩa là kỷ nguyên được đánh dấu bằng những đặc điểm kinh tế-xã hội mới, là một thời kỳ lịch sử được đánh dấu bởi những đặc điểm quan trọng hoặc sự kiện có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế-xã hội nói chung.

Kỷ nguyên vươn mình hàm ý tạo sự chuyển biến mạnh mẽ theo chiều hướng tích cực dựa trên sự chủ động, tích cực, nỗ lực, quyết tâm của chủ thể thực hiện khát vọng, đạt được những thành tựu to lớn trong các lĩnh vực của đời sống kinh tế-xã hội, vươn tới mục tiêu tốt đẹp, cao cả, đem lại cuộc sống tốt hơn cho dân tộc, cho nhân dân, thậm chí cho toàn nhân loại.

Theo Tổng Bí thư Tô Lâm, kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là kỷ nguyên phát triển, kỷ nguyên giàu mạnh dưới sự lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản, xây dựng thành công nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa, dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh, sánh vai với các cường quốc năm châu. Mọi người dân đều có cuộc sống ấm no, hạnh phúc, được hỗ trợ phát triển, làm giàu; đóng góp ngày càng nhiều cho hòa bình, ổn định, phát triển của thế giới, hạnh phúc của nhân loại và văn minh toàn cầu.

Đích đến của kỷ nguyên vươn mình là dâu giàu, nước mạnh, xã hội xã hội chủ nghĩa, sánh vai với các cường quốc năm châu. Ưu tiên hàng đầu trong kỷ nguyên mới là thực hiện thắng lợi các mục tiêu chiến lược đến năm 2030, Việt Nam trở thành nước đang phát triển, có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao; đến năm 2045 trở thành nước xã hội chủ nghĩa phát triển, có thu nhập cao; khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước; kết hợp chặt chẽ sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại. Thời điểm bắt đầu kỷ nguyên mới là Đại hội XIV của Đảng, từ đây, mọi người dân Việt Nam, hàng trăm triệu người như một, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng tâm hiệp lực, chung sức đồng lòng, tranh thủ tối đa thời cơ, thuận lợi, đẩy lùi nguy cơ, thách thức, đưa đất nước phát triển toàn diện, mạnh mẽ, bứt phá và cất cánh[1].

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng chỉ ra rằng: “Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, trước hết cần có những con người xã hội chủ nghĩa[2], có nghĩa là muốn thực hiện một mục tiêu cao cả, tốt đẹp nào đó, đòi hỏi phải có những con người có đủ phẩm chất, năng lực với số lượng cơ cấu phù hợp, khi đó mới có thể triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể để từng bước đạt được mục tiêu đề ra.

Với tinh thần đó, để thực hiện thắng lợi các mục tiêu trong kỷ nguyên mới đòi hỏi phải có nguồn lực con người với những phẩm chất năng lực mới đáp ứng yêu cầu, nói rộng ra là đòi hỏi phải có lực lượng sản xuất với những đặc điểm mới, tính chất mới. Điều đó có nghĩa là đòi hỏi phải có lực lượng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Khái niệm nội hàm lực lượng sản xuất mới

Theo chủ nghĩa Mác-Lê-nin lực lượng sản xuất bao gồm người lao động và tư liệu sản xuất. Tư liệu sản xuất bao gồm tư liệu lao động (gồm công cụ lao động, phương tiện lao động) và đối tượng lao động. Lực lượng sản xuất là sự kết hợp giữa người lao động với tư liệu sản xuất, trước hết là công cụ sản xuất nhằm tạo ra một sức sản xuất vật chất nhất định.

Nếu người lao động và tư liệu sản xuất chưa kết hợp với nhau thì quá trình sản xuất chưa được tiến hành, chưa thể tạo ra sản phẩm cho xã hội, khi đó người lao động, tư liệu sản xuất tồn tại dưới dạng “lực lượng sản xuất tiềm tàng” chứ chưa phải là lực lượng sản xuất đích thực. Khi người lao động và tư liệu sản xuất tồn tại dưới dạng lực lượng sản xuất tiềm tàng thì sẽ gây ra lãng phí cho xã hội.

Trình độ của lực lượng sản xuất phụ thuộc vào các trình độ của các yếu tố cấu thành như trình độ của công cụ, phương tiện lao động, trình độ khoa học kỹ thuật dược áp dụng vào trong sản xuất, trình độ của người lao động (kinh nghiệm, kỹ năng, tri thức, trình độ tổ chức, quản lý, phân công, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật, cách thức mà con người tiến hành trong quá trình sản xuất) và sự kết hợp giữa các yếu tố đó trong sản xuất vật chất.

Lực lượng sản xuất mới phải là lực lượng sản xuất đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Khi trình độ của lực lượng sản xuất tăng lên thì sẽ làm cho năng suất lao động cũng tăng lên, của cải được tạo ra nhiều hơn, kinh tế-xã hội sẽ phát triển hơn. Do đó, vấn đề nâng cao trình độ lực lượng sản xuất là hết sức quan trọng, là điều kiện, tiền đề để phát triển sản xuất, phát triển kinh tế-xã hội của một quốc gia, dân tộc, có nghĩa là phát triển lực lượng sản xuất là điều kiện, tiền đề để một dân tộc vươn mình, cất cánh.

Lực lượng sản xuất mới phải là lực lượng sản xuất đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, nói một cách khái quát, lực lượng sản xuất mới là lực lượng sản xuất tiến tiến, hiện đại, luôn luôn được nâng cao trình độ, tối ưu hóa nhờ sự áp dụng những thành tựu khoa học công nghệ mới nhất của nhân loại.

Nói một cách cụ thể hơn là tất cả các yếu tố của lực lượng sản xuất phải đạt trình độ tiên tiến, hiện đại, luôn luôn được nâng cao trình độ, cải tiến, tối ưu hóa, đồng thời, cách thức bố trí, kết hợp, sử dụng các yếu tố của lực lượng sản xuất bảo đảm tính khoa học, hợp lý nhằm khai thác tốt nhất, hiệu quả nhất tất cả yếu tố của lực lượng sản xuất để tạo ra chất lượng và hiệu quả cao đáp ứng yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Đối với người lao động, phải hội đủ các yêu cầu về thể lực, tâm lực, trí lực theo yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt)

Đối với người lao động, phải hội đủ các yêu cầu về thể lực, tâm lực, trí lực theo yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên của dân tộc Việt Nam. (Ảnh: Thành Đạt)

Đối với người lao động, phải hội đủ các yêu cầu về thể lực, tâm lực, trí lực theo yêu cầu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn lên của dân tộc Việt Nam. Thể lực phải mạnh khỏe, đủ sức lực hoàn thành mọi chức trách, nhiệm vụ được giao, kể cả những nhiệm vụ đột xuất do thực tiễn đặt ra, để không được bỏ lỡ bất cứ cơ hội phát triển nào, nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của nền sản xuất, nền kinh tế trong kỷ nguyên mới. Tâm lực phải trong sáng, nhân văn, cao cả, luôn hướng tới giá trị chân - thiện - mỹ; với động cơ đúng đắn, khát vọng vươn lên, khát vọng mãnh liệt trong làm giàu chính đáng cho bản thân và cộng đồng, tinh thần cống hiến cho nhân dân, dân tộc luôn cháy bỏng; kiên trì, kiên quyết, nỗ lực hết sức mình để hoàn thành chức trách nhiệm vụ được giao.

Trí lực, tri thức phải phù hợp với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nền kinh tế số, xã hội số, trí tuệ nhân tạo (AI), người lao động có khả năng nhận thức, tiếp nhận trí thức mới và thích nghi với sự phát triển như vũ bão của khoa học-công nghệ...

Đối với tư liệu lao động, cũng phải đáp ứng yêu cầu, mục tiêu của kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam. Tư liệu lao động bao gồm công cụ lao động (còn gọi là công cụ sản xuất), phương tiện lao động (còn gọi là phương tiện sản xuất). Trình độ công cụ, phương tiện lao động phải được nâng cao thường xuyên bằng việc cải tiến kỹ thuật, đồng thời, công cụ, phương tiện lao động phải được áp dụng khoa học - công nghệ mới nhất vào để đảm bảo rằng, công cụ, phương tiện lao động luôn tiên tiến, hiện đại phù hợp với sự phát triển của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, của nền sản xuất số, kinh tế số, của trí tuệ nhân tạo...

Trí lực, tri thức phải phù hợp với quá trình toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế.

Đối với đối tượng lao động, phải được khai thác một cách hiệu quả hơn. Đối tượng lao động có thể chia làm hai loại: đối tượng lao động tự nhiên và đối tượng lao động nhân tạo. Đối tượng lao động tự nhiên thì có sẵn trong tự nhiên, ví dụ hầm mỏ là đối tượng lao động của công nhân khai mỏ. Đối tượng lao động nhân tạo thì không có sẵn trong tự nhiên, đối tượng lao động nhân tạo là kết quả của ít nhất một quá trình lao động sản xuất, thí dụ như vải vóc (đối tượng lao động của công nhân may mặc) không có sẵn trong tự nhiên, được tạo ra thông qua quá trình lao động trước đó của những người dệt vải.

Đối lượng lao động tự nhiên phải được khai thác một cách tiết kiệm, tránh lãng phí, khai thác bảo đảm phát triển bền vững, tuyệt đối không được tàn phá môi trường sinh thái; đối với đối tượng lao động nhân tạo, phải áp dụng khoa học công nghệ để tạo ra ngày càng đa dạng, phong phú hơn với hàm lượng tri thức ngày càng nhiều hơn, như nguyên liệu, vật liệu mới (vật liệu na nô,... ) để đáp ứng quá trình sản xuất tiên tiến, hiện đại trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam.

Để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới đáp ứng kỷ nguyên mới cần phải đánh giá một cách khách quan, chân thực thực trạng lực lượng sản xuất hiện có của Việt Nam, trên cơ sở đó mới đề ra giải pháp phù hợp.

Thực trạng lực lượng sản xuất ở Việt Nam hiện nay

Trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, lực lượng sản xuất nước ta có sự phát triển đáng kể, thể hiện ở chỗ trình độ, chất lượng nguồn nhân lực tăng lên, công cụ, phương tiện sản xuất ngày càng hiện đại hơn,... nhờ đó, nền sản xuất chuyển biến tích cực dẫn tới kinh tế-xã hội phát triển, đất nước đạt được nhiều thành tựu quan trọng.

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, lực lượng sản xuất nước ta cũng còn những một số hạn chế, thể hiện ở tất cả các yếu tố cấu thành lực lượng sản xuất.

Công nhân nhà máy luyện đồng Lào Cai làm việc trong môi trường độc hại và lò nung với nhiệt độ rất cao. (Ảnh: Thành Đạt)

Công nhân nhà máy luyện đồng Lào Cai làm việc trong môi trường độc hại và lò nung với nhiệt độ rất cao. (Ảnh: Thành Đạt)

Về yếu tố quan trọng nhất trong lực lượng sản xuất là người lao động thì trình độ chưa cao, cơ cấu chưa hợp lý, nguồn nhân lực chất lượng cao còn thiếu như Đảng ta đa thừa nhận: “cơ cấu nguồn nhân lực mất cân đối, chất lượng nguồn nhân lực còn thấp”[3], “Đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội”[4].

Về tư liệu lao động thì vẫn còn lạc hậu, chưa bắt kịp với sự phát triển của thế giới. “Đa số các doanh nghiệp Việt Nam vẫn đang sử dụng công nghệ cũ, lạc hậu so với mức trung bình của thế giới, khả năng đổi mới công nghệ hạn chế, năng lực nghiên cứu ứng dụng từ các trường đại học, trung tâm nghiên cứu ra khu vực doanh nghiệp còn ở mức thấp”[5], “Năng lực và trình độ công nghệ của nền kinh tế nhìn chung còn thấp.

Công nghiệp vẫn chủ yếu gia công, lắp ráp, giá trị gia tăng không cao; công nghiệp hỗ trợ phát triển chậm, tỉ lệ nội địa hoá thấp, hiệu quả tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu còn hạn chế”[6], “công nghiệp hóa, hiện đại hóa còn chậm, chưa tạo được chuyển biến căn bản; năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế chưa cao”[7]. “Tình trạng nhập khẩu công nghệ lạc hậu, máy móc, thiết bị, nguyên, nhiên, vật liệu không đạt chuẩn về môi trường chậm được khắc phục”[8].

Những hạn chế của lực lượng sản xuất đã làm cho năng suất lao động của Việt còn thấp so với các nước trong khu vực.

Về đối tượng lao động, đặc biệt là đối tượng lao động tự nhiên thì được khai thác, sử dụng chưa hiệu quả, ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái “Quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường,... còn lỏng lẻo. Chất lượng công tác quy hoạch, đánh giá, định giá tài nguyên còn hạn chế. Xu hướng chạy theo lợi nhuận và lợi ích trước mắt trong khai thác tài nguyên chậm được khắc phục...

Chất lượng môi trường một số nơi tiếp tục xuống cấp”[9], vẫn còn tình trạng để xảy ra một số sự cố môi trường gây hậu quả nghiêm trọng, là ảnh hưởng xấu đến đối tượng lao động tự nhiên.

Những hạn chế của lực lượng sản xuất đã làm cho năng suất lao động của Việt còn thấp so với các nước trong khu vực, “Tính theo PPP 2017, năng suất lao động của Việt Nam năm 2020 đạt 18,4 nghìn USD, chỉ bằng 11,3% mức năng suất của Singapore; 23% của Hàn Quốc; 24,4% của Nhật Bản; 33,1% của Malaysia; 59,1% của Thái Lan; 60,3% của Trung Quốc; 77% của Indonesia và bằng 86,5% năng suất lao động của Philippines”[10].

Vấn đề xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới phù hợp với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là vấn đề thời sự có tính cấp bách.

Năng suất lao động là một trong những tiêu chí để đánh giá trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, năng suất lao động của nước ta còn thấp so với các nước trong khu vực châu Á, chứng tỏ trình độ của lực lượng sản xuất còn thấp, với trình độ lực lượng sản xuất thấp như vậy thì không phù hợp trong kỷ nguyên mới, không đáp ứng được kỷ nguyên vươn lên của dân tộc Việt Nam.

Do đó, vấn đề xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới phù hợp với kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là vấn đề thời sự có tính cấp bách.

Một số giải pháp nhằm xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới đáp ứng yêu cầu kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam

Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, bảo đảm sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân nhằm huy động mọi nguồn lực trong nhân dân để xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới.

Việc xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam là nhằm thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, đem lại ấm no, tự do, hạnh phúc cho nhân dân, do đó, xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới trong kỷ nguyên mới là sự nghiệp của toàn thể nhân dân Việt Nam do Đảng Cộng sản lãnh đạo.

Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng để quá trình xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới đi đúng hướng. Có thể khẳng định, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện tiên quyết cho sự thành công trong xây dựng, phát triển lực lượng sản xuất mới

Quảng cảnh Hội nghị lần thứ mười khóa XIII.

Quảng cảnh Hội nghị lần thứ mười khóa XIII.

Hai là, phát huy vai trò của Nhà nước trong việc xây dựng quan hệ sản xuất phù hợp để thúc đẩy lực lượng sản xuất mới phát triển

Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất có quan hệ mật thiết, không tách rời nhau, nếu quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất thì sẽ thúc đẩy lực lượng sản xuất phát triển và ngược lại. Quan hệ sản xuất bao gồm ba mặt: quan hệ sở hữu (chế độ sở hữu), quan hệ tổ chức, quản lý (chế độ tổ chức, quản lý) và quan hệ phân phối (chế độ phân phối).

Khung khổ pháp lý của chế độ sở hữu, chế độ tổ chức, quản lý và chế độ phân phối do Nhà nước thiết lập nên Nhà nước có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình quan hệ sản xuất. Từ đó, có thể khẳng định, phát huy vai trò của Nhà nước trong quá trình xây dựng lực lượng sản xuất là đòi hỏi tất yếu khách quan.

Để phát huy vai trò của Nhà nước đòi hỏi Nhà nước phải hết sức coi trọng việc xây dựng hệ thống quy định pháp luật để hình thành chế độ sở hữu, chế độ tổ chức, quản lý và chế độ phân phối phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất mới.

Lực lượng sản xuất luôn luôn vận động phát triển, nếu quan hệ sản xuất thay đổi không kịp, sẽ không còn phù hợp với lực lượng sản xuất, khi đó quan hệ sản xuất sẽ cản trở sự phát triển của lực lượng sản xuất, từ đó đòi hỏi Nhà nước phải phản ứng hết sức nhanh nhạy trước sự thay đổi của lực lượng sản xuất để điều chỉnh kịp thời chế độ sở hữu, chế độ tổ chức, quản lý và chế độ phân phối.

Để làm được điều đó đòi hỏi Nhà nước phải số hóa quản lý để tinh gọn và chất lượng, bởi vì có tinh gọn, chất lượng mới nhanh nhạy, kịp thời trong điều chỉnh, định hình và thiết lập quan hệ sản xuất mới.

Đồng thời, Nhà nước phải phát huy vai trò trong việc quản lý để chống lãng phí lực lượng sản xuất, để bảo đảm rằng mọi yếu tố của lực lượng sản xuất của Việt Nam đều được đưa vào quá trình sản xuất. Phải khắc phục ngay tình trạng các dự án bỏ dở, các khu đất vàng bỏ hoang, các dự án chậm tiến độ để chống lãng phí lực lượng sản xuất, đồng thời phải khắc phục tình trạng chất lượng thấp của các công trình nhà nước như Tổng Bí thư Tô Lâm đã chỉ ra.

Phải áp dụng ngay trí tuệ nhân tạo (AI), hệ sinh thái Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi - khối (Blockchain).... để phát triển công cụ, phương tiện sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Ba là, tăng cường áp dụng tri thức khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào quá trình sản xuất nhằm chế tạo công cụ phương tiện tiên tiến, hiện đại.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đòi hỏi phải phát triển nhanh và bền vững. Để phát triển nhanh và bền vững tất yếu phải xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất tiên tiến, hiện đại, trong đó đặc biệt là công cụ, phương tiện sản xuất. Chỉ có áp dụng tri thức khoa học mới có thể chế tạo các công cụ, phương tiện tiên tiến, hiện đại, khi đó mới có thể làm cho nền sản phát triển với năng suất lao động tăng cao.

Các phát minh khoa học tạo nên các cuộc cách mạng công nghiệp trong lịch sử nhân loại đã minh chứng cho điều đó. Các nước phát triển trên thế giới đều là những nước áp dụng khoa học một cách mạnh mẽ vào quá trình chế tạo công cụ, phương tiện sản xuất hiện đại. Do đó, tăng cường áp dụng khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ vào quá trình chế tạo công cụ, phương tiện sản xuất là một giải pháp quan trọng nhằm hình thành lực lượng sản xuất mới trong kỷ nguyên mới.

Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam đòi hỏi phải phát triển nhanh và bền vững.

Phát minh khoa học với tư cách là tri thức mới nếu không được vật chất hóa, tức áp dụng vào công cụ, phương tiện sản xuất thì chưa thể hiện được vai trò trong việc nâng cao trình độ của lực lượng sản xuất, chỉ khi được vật chất hóa trong công cụ, phương tiện sản xuất, khi đó phát minh khoa học mới thực sự làm cho trình độ lực lượng sản xuất được nâng lên.

Phải áp dụng ngay trí tuệ nhân tạo (AI), hệ sinh thái Internet kết nối vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), dữ liệu lớn (Big Data), công nghệ chuỗi - khối (Blockchain).... để phát triển công cụ, phương tiện sản xuất tiên tiến, hiện đại.

Ngày nay khoa học phát triển nhanh như vũ bão, điều này đòi hỏi phải có cơ chế, nguồn lực để bảo đảm luôn luôn áp dụng thành tựu khoa học - kỹ thuật, khoa học - công nghệ mới nhất trong chế tạo công cụ, phương tiện sản xuất.

Bốn là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao sử dụng thành thạo tư liệu sản xuất hàm chứa nhiều tri thức về kỹ thuật và công nghệ mới

Trong lực lượng sản xuất, người lao động là yếu tố quan trọng nhất, bởi nếu không có người lao động thì tư liệu sản xuất dù tiên tiến, hiện đại đến mức độ nào vẫn không thể tiến hành lao động sản xuất được, với ý nghĩa đó, người lao động là nhân tố hàng đầu của lực lượng sản xuất như V.I. Lê-nin khẳng định: “Lực lượng sản xuất hàng đầu của toàn thể nhân loại là công nhân, là người lao động”[11].

Để xây dựng và phát triển lực lượng sản xuất mới trong kỷ nguyên mới đòi hỏi:

i) Nâng cao trí lực người lao động, đó là làm cho người lao động có nền tảng tri thức tốt, đặc biệt là tri thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật cao như trí tuệ nhân tạo, hệ sinh thái internet kết nối vạn vật, điện toán đám mây, dữ liệu lớn,... để hình thành người lao động trong nền sản xuất số, kinh tế số; người lao động phải điều khiển, vận hành được công cụ, phương tiện, máy móc, thiết bị hàm chứa nhiều tri thức khoa học một cách thàn thạo; có năng lực thích nghi với sự thay đổi phát triển nhanh chóng của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; có kỹ năng phối hợp, kỹ năng làm việc nhóm để nâng cao hiệu quả, chất lượng, năng suất lao động; có trình độ ngoại ngữ để hợp tác quốc tế trong nhằm nâng cao trình độ trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế;...;

Hoạt động nghiên cứu thực hành của giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: QUỐC TOẢN)

Hoạt động nghiên cứu thực hành của giảng viên, sinh viên Đại học Quốc gia Hà Nội. (Ảnh: QUỐC TOẢN)

ii) Bồi dưỡng tâm lực, đó là nâng cao phẩm chất đạo đức, nâng cao tinh thần dân tộc, khơi dậy ý chí, khát vọng phát triển, tinh thần cống hiến,... của người lao động để hình thành nguồn nhân lực chất lượng cao tham gia lao động, sản xuất với động cơ đúng đắn....;

iii) Rèn luyện thể lực, đó là rèn luyện sức khỏe dẻo dai để có thể nâng cao cường độ, hiệu suất lao động trong bối cảnh mới.

Muốn nâng cao chất lượng người lao động đòi hỏi phải nâng cao chất lượng của giáo dục đào tạo, tạo điều kiện cho tất cả người dân Việt Nam có cơ hội học tập, hướng tới miễn học phí cho các cấp học từ phổ thông trung học trở xuống như ý kiến chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm[12].

Trình bày: Ngọc Diệp
Ảnh: Báo Nhân Dân