Từ những cánh rừng vùng Tam Đảo mờ sương, chắt lọc tinh tuý từ bụi cây, ngọn cỏ, từ những bông hoa thơm đẫm hương vị núi rừng, Công ty CP Ong Tam Đảo đã gây dựng được những dòng sản phẩm vô cùng chất lượng được chứng nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 4 sao và đang dần vươn tầm thế giới.

Sản phẩm OCOP phải là sản phẩm mang tiêu chuẩn cao nhất

Tam Đảo được thiên nhiên ưu ái ban tặng cảnh sắc tuyệt vời, là nơi nuôi dưỡng những cánh rừng bạt ngàn với nhiều loại cây, loài hoa quý hiếm, thuận lợi cho nghề nuôi ong lấy mật phát triển.

Vùng đất Tam Đảo còn là nơi vun trồng ra nhiều loại thảo dược quý như nghệ, gừng, sả, quất… vốn được ca tụng trong làm đẹp cũng như hỗ trợ điều trị các bệnh về đường hô hấp, đau dạ dày, tá tràng…

Chính vì lẽ đó, nhiều năm nay, nuôi ong đã trở thành một trong những nghề truyền thống của người dân Tam Đảo. Chắt chiu tinh tuý từ đất trời cỏ cây, cộng với bàn tay và khối óc con người, những sản phẩm mật ong từ núi rừng Tam Đảo luôn có chất lượng vượt trội so với những sản phẩm cùng loại trên thị trường.

Được gọi vui là “nữ hoàng ong” của vùng đất Vĩnh Phúc, bà Lê Thị Nga, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Ong Tam Đảo (Honeco) chia sẻ, ngay từ khi vẫn còn là giáo viên, gắn với nghề nuôi ong của gia đình chồng như một nghề tay trái, bà đã đem lòng yêu sản phẩm mật ong thảo thơm của quê nhà. Đến khi bước sang tuổi 31, bà quyết định từ bỏ công việc một nhà giáo sinh hóa, dồn hết tâm huyết và kinh nghiệm của một người đã dành nhiều năm giảng dạy cùng chồng bắt tay gây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh chế biến mật ong với cái tên Công ty TNHH Ong Tam Đảo (Honeco).

Ban đầu, quy mô công ty khá nhỏ, chỉ khoảng 100 - 200 đàn ong nội, các sản phẩm chủ yếu là dòng mật ong nguyên chất đơn thuần được khai thác tại địa phương, đóng chai đơn giản.

Quy mô nhỏ nhưng không có nghĩa là manh mún, ngay từ đầu, bà đã xác định thương hiệu Honeco nhất định phải là lời khẳng định cho sản phẩm chất lượng cao, chính vì đó, từ khâu nuôi ong đến chế biến, sản xuất đều phải đạt chuẩn.

Chính vì lẽ đó, Honeco đã đẩy mạnh xây dựng tiêu chuẩn chất lượng cho sản phẩm của mình. Đó phải là các tiêu chuẩn cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường khó tính.

Trước đây Honeco chưa có được con đường rõ ràng và đã xây dựng 2-3 tiêu chuẩn. Nhưng những năm sau này, Honeco xác định là chỉ xây dựng 1 - 2 tiêu chuẩn cao nhất để có thể sẵn sàng xuất khẩu sang bất cứ nước nào. Đồng thời, người tiêu dùng nội địa cũng được sử dụng sản phẩm chất lượng cao nhất, tiêu chuẩn cao nhất của hàng xuất khẩu.

Hiện Honeco đang kiểm soát theo 2 tiêu chuẩn, thứ nhất là tiêu chuẩn quốc tế FSSC 22.000 và tiêu chuẩn GMP. Đó là tiêu chuẩn mà Honeco đã nỗ lực có được để xuất khẩu ra quốc tế với sản phẩm có chất lượng ổn định nhất. Khi sản phẩm có chất lượng, việc được gắn sao OCOP cũng dễ dàng hơn.

Đặc biệt, năm 2024, Honeco được Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ cấp chứng nhận FDA. Chứng nhận FDA là một loại chứng chỉ đặc biệt quan trọng khi các cá nhân tổ chức muốn vận chuyển hàng, hoặc lưu hành sản phẩm thành công sang Hoa Kỳ.

Việc được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP đã giúp sản phẩm đi xa hơn, vào được các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước.
Bà Lê Thị Nga

Với những nỗ lực như vây, trong suốt gần 20 năm phát triển, Honeco đã khẳng định được thương hiệu trên thị trường nội địa và vươn ra thị trường quốc tế; vinh dự nhận được nhiều phần thưởng cao quý như: Giải bạc chất lượng quốc gia; cúp vàng thương hiệu an toàn vì sức khỏe cộng đồng; cúp vàng sản phẩm dịch vụ chất lượng cao ASEAN; huy chương vàng thực phẩm chất lượng an toàn vì sức khỏe cộng đồng; hàng Việt Nam chất lượng cao phù hợp tiêu chuẩn… Đặc biệt, năm 2019, Công ty có 13 sản phẩm tiêu biểu đạt OCOP 4 sao của tỉnh Vĩnh Phúc.

“Việc được chứng nhận sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và sản phẩm OCOP đã giúp sản phẩm đi xa hơn, vào được các chuỗi siêu thị lớn trên cả nước” – bà Lê Thị Nga cho biết.

Duy trì chất lượng bằng việc xây dựng chuỗi liên kết

Dù mật ong là sản phẩm quý, song nghề nuôi ong là nghề du mục, gần như di chuyển quanh năm, mỗi một nơi có thể chỉ nán lại khoảng từ 1-1,5 tháng cho một nguồn hoa nên việc quản lý các trang trại cũng là điều rất là khó khăn. 

Để có được dòng sản phẩm chất lượng, nhiều năm nay Honeco đặc biệt coi trọng việc xây dựng chuỗi giá trị dành cho các trang trại, đặc biệt là các trang trại ở vùng sâu vùng xa như Điện Biên , Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái… Đây là khu vực người nông dân còn gặp nhiều khó khăn.

Bà Lê Thị Nga chia sẻ, để có được nguồn nguyên liệu chất lượng thì Honeco đặc biệt chú trọng chuỗi liên kết. Để người nông dân yên tâm tạo nguồn nguyên liệu ổn định cho doanh nghiệp thì Honeco chú trọng ký các hợp đồng bao tiêu sản phẩm cho họ. Thứ hai là thường xuyên tập huấn và xây dựng quy trình chăn nuôi để sản phẩm có chất lượng đạt tiêu chuẩn. Thứ ba là với các trang trại và những người khó khăn tài chính thì sẽ cung cấp tài chính cho họ để họ cung cấp nguyên liệu cho mình. Thứ tư là định hướng cho họ khai thác nguồn nguyên liệu nào giá trị nhất. Trên thị trường, mật ong Việt Nam khá nhiều và chủ yếu đến từ lá như cao su, keo. Nhưng có những nguồn mật ong chất lượng mà sản lượng không nhiều thì Honeco cũng hướng cho trang trại và sẵn sàng trả giá cao để họ có thêm nguồn thu nhập. Đồng thời công ty có được nguồn nguyên liệu chất lượng để sản xuất ra các sản phẩm đạt chuẩn.

Hiện nay, Honeco liên kết với 50 trang trại nuôi ong. Mỗi trang trại nuôi ong liên kết với Honeco tối thiểu phải có 300 đàn ong, luôn ưu tiên cho các hộ nuôi ong vùng sâu, vùng xa. Còn đối với người nuôi ong chuyên nghiệp có bề dày hợp tác với công ty phải có từ 700 – 1000 đàn, thậm chí lên đến 1.500 đàn để có nguồn nguyên liệu cho công ty với chất lượng ổn định, được kiểm soát từ khâu chăn nuôi. Hằng năm, ngay từ đầu năm, Honeco đã tổ chức các buổi tập huấn để định hướng cho các trang trại dựa trên những đơn hàng, kế hoạch kinh doanh của công ty định hướng cho các trang trại nên lấy nguồn mật gì để cung cấp cho công ty. 

Có được mật ong đạt chuẩn, Honeco lại tìm cách kết hợp với các thực phẩm cao cấp khác để cho ra mắt thị trường những sản phẩm tiện dụng nhất. Rồi mật ong quất gừng, mật ong nghệ, mật ong sữa ong chúa, mật ong đông trùng hạ thảo… được đóng chai hoặc đóng gói hiện đại ra đời, được chào đón tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch, siêu thị CoopMart… trên cả nước.

Có được mật ong đạt chuẩn, Honeco lại tìm cách kết hợp với các thực phẩm cao cấp khác để cho ra mắt thị trường những sản phẩm tiện dụng nhất.

Câu chuyện kết hợp thảo dược cũng là một câu chuyện dài với nhiều cảm xúc. Theo đó, sản phẩm đầu tiên bà Lê Thị Nga nghiên cứu là mật ong chanh leo, bắt đầu từ việc chăm con. Khi con trai ba tuổi, cháu hay bị ho, bà pha mật ong vào nước, cháu nhất định không uống nhưng khi thêm chanh leo vào cùng mật ong thì cháu uống háo hức. Từ đó bà vỡ ra một quy luật: Sản xuất Mật ong không thể đứng yên, cần cộng hưởng thảo dược tự nhiên để hút vị giác mỗi người. Mật ong chanh leo được làm ra từ tấm lòng một người mẹ khi đó và cho đến nay vẫn là sản phẩm chủ lực của công ty, xuất khẩu Singapore cũng như phân phối rộng khắp tại chuỗi siêu thị Hao Mart (Singapore).   

Sao OCOP “chắp cánh” cho sản phẩm “xuất ngoại”

Không chỉ sở hữu các sản phẩm OCOP 3,4 sao được người tiêu dùng nội địa ưa chuộng mà thời gian qua, Honeco đã xuất khẩu được một lượng nhất định sản phẩm sang các thị trường khó tính bằng chính thương hiệu của mình. Đây là điều mà rất nhiều các doanh nghiệp lớn mong muốn.

Chia sẻ về điều này, bà Lê Thị Nga trăn trở, xuất khẩu bằng thương hiệu là điều không hề dễ dàng và Honeco đã mất rất nhiều năm để tìm hướng đi cho mình trong bối cảnh mật ong nói chung hiện nay vẫn chủ yếu xuất khẩu nguyên liệu.

Phải nói rằng xuất khẩu đã khó, song xuất khẩu bằng chính thương hiệu Việt lại là việc khó hơn rất nhiều lần. Ngành mật ong Việt Nam có sản lượng Top đầu thế giới nhưng chủ yếu xuất khẩu bằng nguyên liệu và chưa có thương hiệu. Đó là câu chuyện khá đau lòng với nghề nuôi ong Việt Nam.

Phải nói rằng xuất khẩu đã khó, song xuất khẩu bằng chính thương hiệu Việt lại là việc khó hơn rất nhiều lần.

Vậy làm thế nào để có thể xuất khẩu bằng chính thương hiệu của mình? Để mật ong với thương hiệu Việt Nam được định danh trên bản đồ mật ong thế giới? Đây là câu hỏi của rất nhiều doanh nghiệp sản xuất mật ong Việt Nam. Trên chặng đường đó thì Honeco cũng phải loay hoay và tìm ra nhiều giải pháp để xuất khẩu sản phẩm bằng chính thương hiệu.

“Theo đó, Honeco có lợi thế do đã xây dựng được các tiêu chuẩn đáp ứng các thị trường khó tính. Đồng thời, Honeco đang có một dải sản phẩm OCOP rất chất lượng. Câu chuyện của các sản phẩm OCOP chính là câu chuyện đằng sau các sản phẩm, là những câu chuyện thật, có cảm xúc. Khi kể câu chuyện đó thì người tiêu dùng mới có cảm xúc và quan tâm đến sản phẩm của mình” – bà Lê Thị Nga khẳng định.

Honeco đang có một dải sản phẩm OCOP rất chất lượng. Câu chuyện của các sản phẩm OCOP chính là câu chuyện đằng sau các sản phẩm, là những câu chu.yện thật, có cảm xúc. Khi kể câu chuyện đó thì người tiêu dùng mới có cảm xúc và quan tâm đến sản phẩm của mình.

LêThị Nga

Nghĩ là làm, năm 2019, Mật ong Tam Đảo Honeco có đơn hàng xuất khẩu đi Mỹ đầu tiên và sau đó là rất nhiều thị trường khác. Trong bối cảnh đa số mật ong Việt Nam xuất khẩu vẫn ở dưới dạng nguyên liệu thô thì những sản phẩm mật ong chế biến của Honeco mang thương hiệu Việt Nam đang từng bước được ghi nhận tại một số quốc gia như Đức, Singapore, Hàn Quốc, Dubai… Đó là một điều đáng được ghi nhận sau rất nhiều nỗ lực. Hiện nay, sản lượng xuất khẩu của Honeco chiếm từ 20-30% sản lượng của nhà máy.

Hiện nay Honeco đang tập trung vào các sản phẩm như Tacumin, mật ong gừng nghệ, mật ong chanh leo, mật ong đông trùng hạ thảo, sữa ong chúa… Honeco cho rằng, kiên định với chất lượng sản phẩm chính là con đường bền vững. Do đó, Honeco đang xây dựng 400 quy trình cho kiểm soát chất lượng để khi tăng sản lượng và quy mô thì có thể đáp ứng được các thị trường khó tính.

Chất lượng Mật ong Honeco đã đi đúng quy trình chiến lược của mình: Làm sáng thương hiệu mật ong Việt Nam chất lượng vàng trên bản đồ thế giới

Thời gian tới, Honeco đặt mục tiêu xuất khẩu 70% sản phẩm ra quốc tế đồng thời hình thành tour Trải nghiệm nghề nuôi ong Việt Nam, “con đường Thảo dược mật ong” dành cho du khách quốc tế trên cung đường khám phá Việt Nam. Mới đây, Hiệp hội Xúc tiến đầu tư và Thương mại Quốc tế ASEAN - Côn Minh Trung Quốc đã ký hợp tác chiến lược toàn diện với Honeco để phân phối sản phẩm Mật Ong trên toàn thị trường Trung Quốc và châu Á. Từ đó, khẳng định chất lượng Mật ong Honeco đã đi đúng quy trình chiến lược của mình: Làm sáng thương hiệu mật ong Việt Nam chất lượng vàng trên bản đồ thế giới.

Ngày xuất bản: 18/7/2024
Tổ chức thực hiện: XUÂN BÁCH
Thực hiện phỏng vấn: HÀ ANH
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: Honeco, Hà Anh, Cổng Thông tin UBND tỉnh Vĩnh Phúc