
Mặt trận Hà Nội với
Chiến dịch Điện Biên Phủ

Đông Xuân 1953-1954, quân và dân Hà Nội đã đẩy mạnh tiến công địch bằng nhiều hình thức, phương pháp khác nhau, gây cho thực dân Pháp nhiều khó khăn và tổn thất, góp phần cùng với các lực lượng giành thắng lợi trong Chiến dịch Điện Biên Phủ.
Sau những thất bại liên tiếp trên chiến trường Đông Dương, đặc biệt là ở Bắc Bộ, nhưng với bản chất ngoan cố, thực dân Pháp tranh thủ viện trợ của Mỹ, mở rộng và đẩy mạnh chiến tranh hòng tìm lối thoát danh dự bằng thắng lợi quân sự.
Vào giữa năm 1953, Tướng Nava được Chính phủ Pháp chỉ định làm Tổng Chỉ huy quân đội Pháp ở Đông Dương. Nava chủ trương “không chấp nhận một sự rút lui nào hết”, đồng thời đề ra kế hoạch với nội dung chính là: Tăng cường lực lượng quân sự, tiếp tục chính sách “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” với quy mô rộng lớn nhằm giành thắng lợi quyết định trong vòng 18 tháng.
Một trong những nội dung quan trọng của kế hoạch Nava là tăng cường “bình định” và phòng ngự ở đồng bằng Bắc Bộ, bằng mọi cách bảo vệ bằng được khu then chốt Hà Nội, Hải Phòng và hệ thống đường bộ, đường sắt nối hai thành phố này, từ đó cải thiện tình hình quân sự ở Bắc Bộ. Trong kế hoạch Nava, Hà Nội được xác định là trọng điểm trong hệ thống phòng ngự của Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ. Tại Hà Nội, Nava bố trí một bộ phận quan trọng lực lượng dự bị cơ động chiến lược tới hàng vạn tên sẵn sàng chi viện, ứng cứu cho các chiến trường[1]. Ngoài ra, Hà Nội còn là trung tâm chỉ huy của địch ở chiến trường Bắc Đông Dương; là “kho người, kho của” rất quan trọng của địch.
Trong kế hoạch Nava, Hà Nội được xác định là trọng điểm trong hệ thống phòng ngự của Pháp ở đồng bằng Bắc Bộ.
Trước yêu cầu đẩy mạnh phong trào kháng chiến, làm thất bại âm mưu, thủ đoạn mới của địch, tháng 4/1953, Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ Hà Nội quyết định: Trên cơ sở tích cực xây dựng và phát triển lực lượng, đẩy mạnh hơn nữa phong trào chống bắt lính, chống thu thuế, chống thất nghiệp… phải chú ý đẩy mạnh các hoạt động phá hoại địch về quân sự. Thực hiện quyết định của hội nghị, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội[2] chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, nhất là các cơ quan tuyên giáo, địch vận, quân báo, tranh thủ các cơ sở hợp pháp trong nội thành phát động công nhân đẩy mạnh các hoạt động đấu tranh với địch.
Do chủ động từ trước nên ta đã nắm được nhiều nghiệp đoàn lớn, nhỏ ở Hà Nội làm cơ sở cho cuộc đấu tranh. Bên cạnh việc xây dựng và nắm các tổ chức công khai, để tranh thủ quần chúng, ta tiếp tục củng cố các tổ chức trung kiên, bí mật như công đoàn, thanh niên, phụ nữ… Trong khi các cơ sở của ta ở nội thành được củng cố và có bước phát triển thì việc gây dựng cơ sở ở ngoại thành vẫn gặp nhiều khó khăn. Để lãnh đạo phong trào được thuận lợi, Thành ủy và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội cho tổ chức hai ban cán sự bắc và nam ngoại thành để gây dựng lại cơ sở từ đầu.

Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà tại Hà Nội, tháng 6/1966 (Ảnh: Trần Nguyên Hợi/Cổng thông tin Tập đoàn Điện lực)
Cán bộ, công nhân viên Nhà máy Điện Yên Phụ diễn tập đánh địch giáp lá cà tại Hà Nội, tháng 6/1966 (Ảnh: Trần Nguyên Hợi/Cổng thông tin Tập đoàn Điện lực)
Dưới sự chỉ đạo của Thành ủy và Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội, phong trào đấu tranh chính trị, kinh tế của nhân dân Hà Nội được phát triển mạnh mẽ, buộc địch phải có nhiều nhượng bộ, như tăng lương cho công nhân thêm 20% và công chức 15%. Ở ngoại thành, ta vận động nông dân làm đơn đòi miễn thuế đảm phụ quốc phòng, không nộp đảm phụ hương dũng, không mua vé xổ số; tố cáo tội ác, tội ăn hối lộ, hà hiếp dân của bọn tay sai, buộc địch phải bỏ tù một số tên tề, mật vụ, chỉ điểm gian ác để trấn an tinh thần nhân dân.
Để bổ sung quân số ngày càng thiếu hụt cho các mặt trận, nhất là mặt trận Điện Biên Phủ, địch tăng cường các hoạt động bắt lính ngày càng trắng trợn. Trước tình hình đó, ta chủ động vận động quần chúng đấu tranh bằng các hình thức: Không khai, không trình diện và lẩn trốn; phát động phong trào ba trốn trong thanh niên: Trốn tại chỗ, trốn về quê và trốn ra vùng tự do. Cuộc đấu tranh của nhân dân Hà Nội đã làm cho nhiều đợt bắt lính của địch không thu được kết quả như mong muốn. Trong khi đó hàng nghìn thanh niên được ta giác ngộ hoặc được các đoàn thể của ta giúp đỡ đưa ra vùng tự do an toàn.
Song song với công tác chống bắt lính, công tác địch vận cũng được Ban Chỉ huy Mặt trận tập trung chỉ đạo. Ban địch vận phân công từng đồng chí chuyên trách chỉ đạo vận động từng loại binh lính địch như: Ngụy binh trong quân đội liên hiệp Pháp, ngụy binh trong bảo chính đoàn, cảnh binh, lính Âu-Phi. Đối với ngụy binh, ta chủ yếu tuyên truyền vận động họ đòi giải ngũ, không ra trận, bỏ về quê, chạy về với kháng chiến...; với lính Âu-Phi, ta nêu khẩu hiệu “Đòi hòa bình và hồi hương”.
Ta đặc biệt chú ý tận dụng các quan hệ họ hàng, anh em, bạn bè để làm công tác địch vận, đồng thời cũng tận dụng những quần chúng có điều kiện dễ tiếp xúc với địch để vận động binh lính địch. Quần chúng của ta tìm cách khêu gợi tâm lý nhớ nhà, nhớ quê hương, làng xóm trong binh lính địch; tuyên truyền các tin thắng lợi của kháng chiến, thất bại của quân đội liên hiệp Pháp, hướng cho họ suy nghĩ chán ghét chiến tranh xâm lược, căm thù bọn chỉ huy đầu sỏ.
Sau mỗi trận càn của địch ra vùng tự do, Hà Nội là nơi thu hồi quân bại trận trở về, khi mặt trận càng mở rộng binh lính bị thương dồn về các nhà thương Đồn Thủy, Phủ Doãn, Bạch Mai càng nhiều. Ta tranh thủ những tên thoát chết này để tuyên truyền về sự tàn khốc của cuộc chiến, về sức mạnh của kháng chiến, thế thất bại không thể tránh khỏi của quân xâm lược, từ đó đã đánh mạnh vào tâm lý ham sống sợ chết của quân địch, khiến cho hàng ngũ của chúng ngày càng hoang mang, rệu rã.
Phong trào chống bắt lính cùng với phong trào vận động binh lính địch bỏ ngũ, rã ngũ, trở về với kháng chiến làm cho âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của địch bị thất bại một bước.
Trong hàng ngũ địch, nhiều cuộc đấu tranh có tính chất phản chiến đã nổ ra như cáo ốm không ra trận, không đi càn; phản đối hành động dã man của chỉ huy trong những cuộc càn quét, đòi tăng lương, khi bị bắt buộc phải ra trận thì tìm cách đào ngũ. Sau trận càn Yên Vỹ, hơn 200 tên thuộc Tiểu đoàn lính dù số 2 ngụy đã phản đối ra trận, bị địch gọt trọc đầu giam trong thành Hà Nội. Sau trận càn bắc sông Luộc, hơn 1.000 ngụy binh đóng ở Nhà máy gạch Hưng Ký phá rào ra ngoài, vây phá các bốt cảnh binh để phản đối chỉ huy.
Phong trào chống bắt lính cùng với phong trào vận động binh lính địch bỏ ngũ, rã ngũ, trở về với kháng chiến làm cho âm mưu “dùng người Việt đánh người Việt” của địch bị thất bại một bước. Kế hoạch bắt lính, xây dựng một đội quân ngụy mạnh của Nava cơ bản bị phá sản. Bên cạnh đó những cuộc rải truyền đơn, treo cờ cách mạng và báo chí ở vùng tự do đưa vào nội thành tuyên truyền loan tin chiến thắng của ta, thiệt hại của địch đã góp phần giữ vững lòng tin của quần chúng vào cuộc kháng chiến, tin vào sự tất thắng của cách mạng, đồng thời động viên quần chúng nhân dân tiếp tục đấu tranh mạnh mẽ.

Quyết tử quân thề kiên quyết sống chết giữ vững Thủ đô, 12/1946. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Quyết tử quân thề kiên quyết sống chết giữ vững Thủ đô, 12/1946. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Đông Xuân 1953-1954, Kế hoạch Nava bộc lộ nhiều yếu điểm nghiêm trọng. Chiến tranh du kích ở đồng bằng Bắc Bộ tiếp tục phát triển mạnh mẽ khiến địch phải tăng quân đối phó khắp nơi.
Mâu thuẫn giữa tập trung quân để xây dựng lực lượng cơ động mạnh với việc “bình định” giữ đất, giữ dân thêm gay gắt, thực dân Pháp ngày càng lúng túng bị động. Trước tình hình đó, Trung ương Đảng quyết định đập tan Kế hoạch Nava, đánh bại âm mưu mở rộng chiến tranh của thực dân Pháp bằng Kế hoạch tác chiến Đông Xuân 1953-1954; chủ động mở một loạt chiến dịch đánh địch ở Tây Bắc, Thượng Lào, Trung Lào, Hạ Lào, Tây Nguyên, nhằm phá vỡ khối cơ động chiến lược của Nava, đồng thời tập trung toàn lực cho trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ.
Tranh thủ thuận lợi, quân và dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh về mọi mặt, đưa phong trào tiến lên kịp thời phối hợp với các chiến trường. Các phong trào chống thuế của tiểu thương, thợ thủ công, đòi tăng lương trong công nhân không ngừng phát triển. Trong giới phụ nữ, lợi dụng sự mị dân của chính quyền bù nhìn, ta lập ra Hội phụ nữ Bắc Hà, lôi cuốn được đông đảo chị em thuộc nhiều tầng lớp trong xã hội tham gia; Hội đã có nhiều hoạt động để bảo vệ quyền lợi cho bà mẹ và trẻ em, vận động vệ sinh phòng bệnh, đòi chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Đông Dương…
Tranh thủ thuận lợi, quân và dân Hà Nội đẩy mạnh đấu tranh về mọi mặt, đưa phong trào tiến lên kịp thời phối hợp với các chiến trường.
Trên mặt trận văn hóa-giáo dục, trong Hội nghị giáo dục toàn quốc tháng 2 năm 1954 do chính quyền bù nhìn tổ chức ở Hà Nội, ta đòi dùng tiếng Việt trong trường đại học, đòi dạy lịch sử Việt Nam trong trường phổ thông, đòi bỏ chương trình học quân sự, tăng học bổng cho học sinh. Ngày 10/3/1954, nhân ngày kỷ niệm khởi nghĩa Hai Bà Trưng, phụ nữ và thanh niên Hà Nội tổ chức nói chuyện ở Nhà hát lớn đã công khai kiến nghị “chống trụy lạc hóa thanh niên” được đông đảo nhân dân ủng hộ.
Địch lập các “Ủy ban động viên” ở nội, ngoại thành và “Tòa án quân sự” nhằm truy tố những người trốn lính và uy hiếp phong trào đấu tranh của nhân dân. Nhưng phong trào đấu tranh chống bắt lính vẫn lan rộng trong các ngành, các giới cả nội và ngoại thành. Học sinh, sinh viên các trường tiếp tục đấu tranh chống “quân sự hóa học đường”, tẩy chay kỳ thi vào các trường sĩ quan. Ở các trường đại học, nơi địch khống chế sinh viên tương đối chặt, ta vận động tổng hội sinh viên đưa ra khẩu hiệu “xin miễn động viên sinh viên cho tới khi tốt nghiệp” nhằm trì hoãn việc bắt sinh viên đi học sĩ quan của địch. Thanh niên đang độ tuổi quân dịch trốn ra vùng tự do ngày một đông, mỗi khi địch vây ráp, anh em chạy đến đâu cũng được đồng bào che chở, giúp đỡ.
Đầu tháng 3/1954, trong khi tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị ta bao vây và chuẩn bị tiến công, được sự chỉ đạo của Thành ủy, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm, góp phần làm gián đoạn cầu hàng không tiếp tế, chi viện của địch cho Điện Biên Phủ. Sân bay Gia Lâm là một sân bay lớn của Pháp ở Đông Dương, nằm ngay ngoại vi Hà Nội[3]. Từ sân bay này, mỗi ngày có hơn 100 lần chiếc máy bay cất cánh đi bắn phá hậu phương của ta và chuyên chở khoảng 400 tấn vũ khí, đạn dược, thực phẩm, thuốc men cho binh lính địch ở các mặt trận, đặc biệt là Điện Biên Phủ. Sân bay được bảo vệ hết sức nghiêm ngặt, bên ngoài là hệ thống đồn bốt, hàng rào thép gai, bãi mìn dày đặc; bên trong sân bay lực lượng bảo vệ lên tới 2.000 tên, gồm một Trung đoàn lính Âu-Phi, lính người Việt và một đội mật thám.

Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm 3 rạng sáng 4-3-1954. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Các chiến sĩ tổ mũi nhọn đánh sân bay Gia Lâm đêm 3 rạng sáng 4-3-1954. (Ảnh: Bảo tàng lịch sử quốc gia)
Sau một thời gian bí mật tiến hành công tác chuẩn bị, nghiên cứu kỹ tình hình, Ban Chỉ huy Mặt trận quyết định sử dụng 16 đồng chí, trong đó có 3 đồng chí du kích địa phương do đồng chí Vũ Văn Sự chỉ huy, tập kích sân bay vào đêm ngày 3 rạng sáng ngày 4/3/1954. Kết quả ta tiêu diệt 16 tên địch, phá hủy 18 máy bay gồm: 5 chiếc B26, 10 chiếc Đacôta, 3 chiếc chở hành khách; đốt phá một nhà sửa chữa máy bay, một kho xăng, hoạt động của sân bay trong nhiều ngày tiếp theo bị đình trệ. Trận đánh sân bay Gia Lâm là một trận đánh dùng lực lượng nhỏ, tinh nhuệ, với lối đánh táo bạo, bất ngờ, đạt hiệu suất chiến đấu cao.
Qua trận đánh cho thấy Lực lượng vũ trang Hà Nội có sự trưởng thành rõ rệt về nghệ thuật tập kích căn cứ địch trong điều kiện được bố phòng cẩn mật, bị địch kìm kẹp, khủng bố ác liệt; nếu có quyết tâm cao, chỉ huy chặt chẽ, kế hoạch chiến đấu tỉ mỉ, chu đáo, ta vẫn có thể đánh gây tổn thất lớn cho chúng. Cùng với trận đánh vào sân bay Gia Lâm, các trận tập kích vào căn cứ không quân Đồ Sơn đêm 31/1/1954 và sân bay Cát Bi đêm 7/3/1954 của quân và dân Hải Phòng đã gây nhiều khó khăn cho địch trong việc tiếp tế, ứng cứu tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ.
Tiếp tục chia lửa với Mặt trận Điện Biên Phủ, chiều ngày 4/4/1954, quân và dân huyện Gia Lâm lại đánh thắng một trận vang dội trên Đường 5, lật nhào một đoàn tàu 13 toa chở quân lương, quân trang và vũ khí của địch từ Hải phòng lên Hà Nội; cuối tháng 4/1954, giữa lúc tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ đang bị bao vây tiêu diệt, công nhân Sở binh lương Hà Nội đốt kho làm cháy hàng nghìn chiếc dù, gây cho địch nhiều khó khăn trong việc tiếp tế cho Điện Biên Phủ. Ngoài ra, cơ sở của ta trong đoàn xe tải ở Đấu Xảo chỉ đạo anh em lái xe phá hủy hàng trăm xe rồi trốn về với kháng chiến.
Để phối hợp với chiến trường chính, Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội chỉ đạo các đơn vị đẩy mạnh các hoạt động phá hoại, mục tiêu nhằm vào những nơi tập trung đông sĩ quan, binh lính; các kho vũ khí, xăng dầu, quân trang quân dụng, trại lính, những chuyến tàu chở quân của địch. Ban Chỉ huy Mặt trận đã thành lập một ban chuyên trách giúp Thành ủy Hà Nội về công tác phá hoại, trong đó lấy lực lượng bộ đội làm nòng cốt.
Ngoài ra còn dựa vào công đoàn, lấy lực lượng công nhân trẻ, thợ chuyên môn có tay nghề cao, những người làm phu, bồi bếp cho địch..., để tổ chức thành 4 tiểu tổ làm công tác phá hoại ở nội thành và 3 tiểu tổ hoạt động ở ngoại thành và vùng ven, đồng thời lập 2 tổ làm nhiệm vụ cất giấu vũ khí và 1 tiểu tổ làm nhiệm vụ liên lạc bí mật. Nhờ đó công tác phá hoại được phát triển mạnh mẽ, như: Công nhân Nhà máy xe lửa Gia Lâm sản xuất cờ lê, tuốc nơ vít cho du kích Đường 5 phá đường sắt của địch; công nhân lò bánh mì trong thành Hà Nội đánh hỏng máy nướng bánh làm ảnh hưởng tới việc tiếp tế bánh mỳ cho lính Pháp ở các mặt trận. Hoạt động phá hoại đã gây rất nhiều khó khăn cho địch.

Tháng 3/1954, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Thành ủy Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm, căn cứ hậu cần bằng đường hàng không lớn nhất của thực dân Pháp ở miền bắc Đông Dương. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Tháng 3/1954, phối hợp với chiến dịch Điện Biên Phủ, Thành ủy Hà Nội quyết định đánh sân bay Gia Lâm, căn cứ hậu cần bằng đường hàng không lớn nhất của thực dân Pháp ở miền bắc Đông Dương. (Ảnh: baochinhphu.vn)
Trong khi chiến sự ở Điện Biên Phủ diễn ra ác liệt, địch thất bại liên tiếp, tại Hà Nội ta tập trung lực lượng đẩy mạnh công tác địch vận, tuyên truyền tin chiến thắng của ta, gây phong trào phản đối ra trận, đào ngũ trốn về quê trong hàng ngũ binh lính địch. Để công tác địch vận được hiệu quả, ta tán phát hàng vạn giấy thông hành, truyền đơn kêu gọi binh lính địch đào ngũ trở về nhà. Nội dung tuyên truyền chủ yếu tập trung vào việc giải thích chính sách của ta đối với binh sĩ địch; nói rõ cho họ biết về nhà sẽ được cách mạng khoan hồng, được hưởng quyền lợi về ruộng đất.
Đối với sĩ quan địch cung cấp tin tức cho ta hoặc tổ chức phản chiến tập thể sẽ được khoan hồng. Ban địch vận đã có nhiều sáng kiến trong công tác tuyên truyền, như chụp truyền đơn vào phim rồi chuyển cho các cơ sở của ta ở nội thành in lại thành ảnh, sáng kiến đó không những bảo đảm bí mật hơn trong việc vận chuyển tài liệu, mà còn nhanh chóng đáp ứng nhu cầu về số lượng truyền đơn ngày càng nhiều. Hình thức của truyền đơn cũng rất phong phú, phía sau những tờ truyền đơn được in ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh, cờ đỏ sao vàng, còn được ghi thêm dòng chữ “dùng thay giấy thông hành” được binh lính địch rất tin tưởng tìm kiếm. Nhiều tên coi đó như bùa hộ mệnh để khi có điều kiện thì trốn về với ta, hoặc đề phòng nếu bị bắt thì lấy đó làm bằng chứng đã có liên lạc với ta từ trước. Ngoài tuyên truyền bằng truyền đơn, ta còn rất coi trọng hình thức tuyên truyền miệng, gặp những tên ở mặt trận về, ta khêu gợi họ kể về sự tàn khốc của mặt trận, về những thiệt hại, đau đớn của chúng, khiến cho những tên chưa đi cũng mất hết tinh thần.
Nhiều tên tự thương để được ở lại Hà Nội hoặc trốn về với gia đình, nhiều đơn vị địch vừa đi càn ở đồng bằng về thoái thác tập thể, lấy cớ “không được nghỉ ngơi không đi”. Có đơn vị đã ở Điện Biên Phủ nay lại bị điều lên tuyên bố “đã đi Điện Biên Phủ rồi, dành cho đơn vị khác, không đi nữa”. Tiểu đoàn nhảy dù số 5, Tiểu đoàn dù số 7 không muốn tham chiến ở Điện Biên Phủ, binh lính đóng ở sân bay Bạch Mai trong 5 ngày có tới 1.200 tên đào ngũ… Công tác địch vận ở Hà Nội thời gian này thực sự có tác dụng kìm hãm lực lượng địch ở hậu phương, gây nhiều khó khăn cho chúng trong việc ứng cứu, chi viện cho mặt trận Điện Biên Phủ.
Để kịp thời cung cấp tin tức cho Trung ương Đảng, Bộ Tổng Tư lệnh và Thành ủy lãnh đạo kháng chiến, công tác điều tra nắm tình hình địch được Ban Chỉ huy Mặt trận Hà Nội rất coi trọng. Ban Quân báo Mặt trận được tăng cường lực lượng, nêu cao trách nhiệm và đẩy mạnh hoạt động. Một mặt dựa vào khả năng nắm tình hình địch của quần chúng nhân dân, mặt khác các đội viên tìm cách gây cơ sở trong các cơ quan quân sự, trong doanh trại, công xưởng của địch; ngay trong các cơ quan đầu não cơ mật của địch như Sở mật thám, Bộ Tham mưu ngụy, ta cũng tạo được nhân mối.
Do đó cơ sở quân báo của ta hết sức rộng rãi: Có người là sĩ quan trong cơ quan tham mưu chuyên cung cấp tình hình tác chiến của địch, có người là cảnh binh biết trước các đợt bắt lính của chúng đã chủ động báo cho ta để kịp thời đối phó, có chị tiểu thương qua việc thầu rau cung cấp cho doanh trại địch nắm được quân số biến động của chúng cũng cung cấp cho ta, trong văn phòng quân y của địch, ta cũng có cơ sở nắm được số thương vong của chúng sau mỗi trận đánh… Do đó, nhiều tin tức quan trọng, nhất là những tin về điều động quân số, vũ khí đạn dược, lương thực cho Điện Biên Phủ, quân báo của ta ở mặt trận đều nắm được và báo cáo lên cấp trên kịp thời.
"Mặt trận Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”."
Ngày 7/5/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ toàn thắng, tin chiến thắng nhanh chóng được báo về Sở Chỉ huy Mặt trận Hà Nội (lúc này ở Khoái Châu, Hưng Yên). Trong niềm vui khôn xiết, tin chiến thắng nhanh chóng được lan truyền khắp cơ quan và khu căn cứ, nhân dân địa phương được tin cùng đến chung vui với bộ đội, cả Hà Nội xôn xao tin chiến thắng.
Phối hợp với Điện Biên Phủ, ở đồng bằng Bắc Bộ các đơn vị bộ đội địa phương và dân quân du kích dồn dập uy hiếp mạnh các thành phố, thị xã lớn. Trên tuyến đường Hà Nội, Hải Phòng, quân và dân ta đánh mìn liên tục làm nhiều vị trí đồn, bốt của địch bị nhổ, nhiều xã ven đường tuy vẫn còn tề nhưng thực chất do ta nắm. Thấy không thể căng quân trấn giữ khắp nơi, địch rút bỏ 4 tỉnh Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam, co cụm lại bảo vệ Hà Nội và trục đường huyết mạch nối với Hải Phòng.
Từ đây phong trào chống bắt lính, vận động binh lính địch đào ngũ phát triển với một khí thế mới. Các cơ quan của Mặt trận Hà Nội cùng các cơ sở, các đoàn thể tích cực vận động nhân dân đấu tranh với địch làm cho hàng ngũ của chúng tan rã từng mảng lớn. Đến tháng 6 năm 1954 riêng ngành công vận đã tiếp nhận và đưa ra vùng giải phóng hơn 100 lính dù và hơn 400 lính ngụy. Theo thống kê của địch trong thời gian này hơn 19.000 sĩ quan và binh lính địch đào, bỏ ngũ, chưa kể hàng nghìn tên trong bảo chính đoàn và địa phương quân tan rã tại chỗ hoặc trở về với nhân dân.
Như vậy, cuộc đấu tranh của quân và dân Hà Nội trên các mặt trận chính trị, kinh tế, quân sự, địch vận, văn hóa trong Đông Xuân 1953-1954 không những làm thất bại ý đồ bảo vệ khu vực then chốt Hà Nội của địch, mà còn làm phá sản âm mưu “lấy chiến tranh nuôi chiến tranh, dùng người Việt đánh người Việt” của thực dân Pháp; không cho địch rảnh tay ứng cứu, chi viện cho chiến trường Điện Biên Phủ. Mặt trận Hà Nội đã góp phần quan trọng cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ ngày 7/5/1954 “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Nội dung: Thiếu tướng Nguyễn Hồng Thái
Trình bày: NGỌC DIỆP
(Bài đăng tại Hội thảo Khoa học “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Giá trị lịch sử và hiện thực (07/5/1954 - 07/5/2019)”.