
Hơn 50 năm trước, có một vị chỉ huy đoàn quân bám trụ chiến trường Khe Sanh, đã xác định là không thể trở về. Thế nhưng người chiến tướng vẫn nguyên vẹn sau các trận đánh và trong thời gian về Hà Nội thăm nhà 5 ngày phép, ông đã có thêm người con trai út. Từ chiến trường ông viết thư về dặn vợ, nếu sinh con trai hãy đặt tên là Nam Tiến…
Anh Hoàng Nam Tiến (ảnh trên) được biết đến là một nhân vật quan trọng trong Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Anh từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT Telecom, Chủ tịch FPT Software, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển khu công nghệ cao Hòa Lạc… Anh là một trong những người đầu tiên gia nhập FPT và hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT…
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những cuốn sách của ba anh - Thiếu tướng Hoàng Đan, vị chỉ huy chiến trận tài ba trong hai cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông là người trực tiếp chỉ huy mũi tiên phong tiến hành liên tiếp các trận đánh giải phóng Trị Thiên, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh miền Đông Nam Bộ vào tháng 3 năm 1975.
Trưa ngày 30 tháng 4 năm 1975 lịch sử, ông là chỉ huy cấp quân đoàn đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập…
TThưa anh, được biết cuốn sách của ba anh Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập, được in lần đầu từ 15 năm trước, nay được tái bản. Anh có thể chia sẻ những cảm xúc, suy nghĩ của mình khi quyết định in cuốn sách đó?

Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập được xuất bản vào năm 2010, đó là lúc tôi sắp đi học ở Mỹ. Đó cũng là lý do để tôi làm cả phần tiếng Anh, vì muốn mang tặng cho bạn bè ở nước ngoài. Điều đặc biệt của cuốn sách này là có phần giới thiệu của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu - nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương. Khi ba tôi làm Tư lệnh thì ông Lê Khả Phiêu là Cục trưởng Cục Chính trị của Quân đoàn, nên tôi gọi chú. Tôi còn nhớ chú Phiêu ngồi viết những chữ cuối cùng của bài giới thiệu ngay trước mặt tôi. Tôi để nguyên bản viết tay đó in đầu cuốn sách. Cuốn sách bắt đầu từ trận Thượng Đức, tháng 6 năm 1974, sau chiến thắng này, Bộ Tổng Tư lệnh đã nhận định là bàn đạp quan trọng cho Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba tôi viết nhiều về giải phóng miền nam, từ Mặt trận Quảng Trị, Thừa Thiên, Huế, Đà Nẵng. Những trang viết đầy ắp tư liệu, thật sự cho tôi rất nhiều cảm xúc.
Anh có thể kể vài chi tiết điển hình?
Rất nhiều đoạn thật sự là tư liệu quý giá, thí dụ những dòng viết trước cửa ngõ Sài Gòn: “Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, cơ bản không còn địch chống cự và cũng như ở Đà Nẵng, nhân dân ra đầy hai bên đường để chào đón và hoan hô bộ đội. Chúng tôi không có ai là người Sài Gòn, chưa ai biết các đường phố trong Sài Gòn. Với kinh nghiệm đã vào nhiều thành phố, thị xã, việc đánh vào Dinh Độc Lập cũng không khó khăn gì. Với vài người dân nhiệt tình dẫn đường đi bằng mô-tô phía trước, cứ thế chúng tôi đã đi thẳng vào Dinh Độc Lập”. Ở đây, nếu nói về chiến thuật đỉnh cao của quân đội ta chính là ở tầm nhìn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng Tư lệnh, với các vị lãnh đạo tài ba, thể hiện cốt lõi ở sự “quyết liệt, thần tốc” của chiến dịch.
Trong cuốn Thư cho em mới xuất bản hơn một năm nay, lại thấy hiện lên một tình yêu sâu sắc, thủy chung trong chiến tranh, trong xa cách. Hình ảnh vị chỉ huy đạp xe một mình trong đêm, vượt cả trăm, cả nghìn cây số, xuyên qua rừng, qua suối đi tìm người yêu, quả thật vô cùng xúc động...
Ba tôi mất khi 76 tuổi. Không biết vì lý do gì mẹ tôi bắt tôi phải bỏ vào quan tài của ông tất cả thư từ, nhật ký. Tôi lén giấu mẹ cất đi 1 hộp thư, trong đó có hơn 400 lá thư chủ yếu là ba viết cho mẹ trong thời gian xa cách. Tôi suy nghĩ rằng, đó là tài sản quý giá mà nhất định con cháu trong nhà phải đọc, phải biết. Một trong những bức thư hay nhất ba viết cho mẹ tôi là ngay đầu chiến dịch: “Từ một địa điểm cách em đúng ngàn dặm, trong chiến hào, hai bên súng địch ta vẫn nổ, anh viết thư cho em… Vợ chồng nào thì cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau nhớ nhau nhiều nhất. Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nỗi nhớ cũng đứng lại. Anh thì thấy ngược lại. Càng ngày càng thương nhớ em nhiều hơn, có lúc anh thấy như không thể xa em được... Em cũng muốn anh công tác bên em, nhưng em rõ quá rồi, không lẽ chúng ta không giải phóng miền nam, mà giải phóng miền nam thì không thể ngồi ở Hà Nội hô rồi giải phóng được”. Bức thư đề ngày 5/11/1974, khi ba tôi chuẩn bị trực tiếp chỉ huy các chiến dịch giải phóng Quảng Trị, Thừa Thiên và Đà Nẵng.
Tôi thấy hình như Thư cho em đang được bán chạy tại các nhà sách?
Tôi khá bất ngờ khi cuốn Thư cho em hiện nay đang được nhiều người tìm đọc, liên tục in thêm đều bán hết. Có lẽ vì bạn đọc ngày nay thấy thú vị về một chuyện tình thời chiến “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”; cũng có thể vì những trang thư hết sức lãng mạn và trong đó, hình ảnh một vị tướng chiến trận hiện lên như một “soái ca”. Những người lớn tuổi hơn có thể tìm thấy những bài học trong giao tiếp với bạn đời, những nỗ lực thương yêu và bao dung của vợ chồng… Tôi cũng đã viết trong cuốn sách: “Trong lòng tôi, không tình yêu nào có thể đẹp hơn tình yêu của ba mẹ, không sự trìu mến nào có thể nhiều hơn sự trìu mến ba dành cho mẹ và không sự bao dung nào có thể lớn hơn sự bao dung mẹ dành cho ba”.
Trong các cuốn sách, ba anh có để lại điều gì tiếc nuối sau cuộc chiến?
Cái này ba tôi nói ngoài cuốn sách. Mỗi một người lính ngã xuống, là một người con, người anh, người em, có thể là một người bố của gia đình. Chúng ta có thể ca ngợi sự hy sinh thế này thế kia, nhưng đối với mỗi gia đình, một người nằm xuống đều là nỗi đau và mất mát không thể bù đắp. Vì vậy với mỗi người chỉ huy, đó là sự day dứt suốt đời…
Thiếu tướng Hoàng Đan chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thượng tướng Chu Huy Mân tại Quân đoàn 14, năm 1979. Ảnh do gia đình cung cấp
Thiếu tướng Hoàng Đan chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thượng tướng Chu Huy Mân tại Quân đoàn 14, năm 1979. Ảnh do gia đình cung cấp
Như anh chia sẻ, ba anh từng nói là “ba đi đánh nhau để các con không phải đi đánh nhau nữa”, nhưng có thể nói trên một mặt trận khác, thì bây giờ anh cũng đang tiếp bước ba anh và như mọi người đều biết thì anh đã thành công trên mặt trận của mình. Có phải chính là bắt đầu bằng tinh thần của ba anh, một người chỉ huy luôn phải xông pha ra mũi nhọn cho sự phát triển của đất nước ngày hôm nay?
Trong cuốn Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập, ba tôi tuy là Đại tá chỉ huy 30 nghìn quân vẫn sẵn sàng ngồi trên xe tăng chiến đấu. Khi thấy Đại tá chỉ huy quân đoàn ngồi trên xe tăng thì bộ đội chẳng sợ gì nữa, ào lên theo. Có một kỷ vật của ba tôi được trưng bày tại Bảo tàng khiến gia đình tôi rất tự hào. Đó là bộ quần áo ngụy trang, ông mặc trong trận Thượng Đức khi dẫn quân đi trinh sát. Với vai trò là một vị chỉ huy, ông có cần làm vậy không? Rõ ràng là không, nhưng ông phải vào tận nơi để nhận định được rõ, dù mình chắc chiến thắng, nhưng phải chiến thắng với sự tổn thất ít nhất.
Vì vậy với tôi, khi đã làm lãnh đạo ở một tập đoàn rồi tôi vẫn phải đi học: Vì ba tôi chỉ rõ, để làm một người giỏi cần thông minh và chăm chỉ, nhưng để làm người lãnh đạo cần phải trải nghiệm thực tế. Ba tôi cũng từng viết trong cuốn sách Những điều đọng lại sau hai cuộc chiến tranh về những phẩm chất người lãnh đạo cần có: Phải hiểu về triết học, lịch sử, phải đọc nhiều sách và hơn hết, là trải nghiệm thực tế. Khi tôi làm lãnh đạo ở Telecom hay Software cũng vậy, mọi việc từ sản xuất đến nắm bắt tâm lý khách hàng, đều phải lăn xả vào. Mình không làm thay nhân viên được nhưng mình làm gương được. Và như bạn nói đấy, mặt trận nào thì cũng cần có những người xung kích.
Cùng các đồng chí Lê Trọng Tấn, Phó tổng Tham mưu trưởng kiêm Tư lệnh Quân đoàn 1; Lê Quang Hòa, Chính ủy Quân đoàn (người đứng thứ ba và thứ tư từ phải sang) chụp ảnh lưu niệm (người đứng thứ nhất, từ trái sang là Phó tư lệnh Quân đoàn 1 Thiếu tướng Hoàng Đan).
Vậy là đã tròn nửa thế kỷ kể từ khi ba anh chỉ huy đoàn quân tiến vào Dinh Độc Lập, mở ra kỷ nguyên thống nhất đất nước. Bây giờ, đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới, là người con của một vị tướng tài ba dũng cảm, anh có suy nghĩ gì?
Cách đây gần chục năm tôi đã có câu trả lời này. Có một ngày tôi hỏi ba: Ba có biết trong thời gian chiến tranh, dưới quyền ba có bao nhiêu bộ đội hy sinh không, ba tôi bảo không biết chính xác nhưng chắc có khoảng 30 nghìn. Ngay lúc ấy, tôi đã suy nghĩ là chúng tôi sẽ quyết tâm đưa 30 nghìn bạn trẻ bước ra thế giới. Lúc đó chỉ có 5.000 người và bây giờ, chúng tôi đã có hơn 30 nghìn bạn trẻ…
Vâng, một con số xúcđộng. Xin cảm ơn anh về cuộc trò chuyện!
Nội dung: HỒNG MINH
Ảnh: Nhân Dân và do gia đình cung cấp
Trình bày: Phi Nguyên