
Hơn năm mươi năm trước, có một vị chỉ huy đoàn quân bám trụ chiến trường Khe Sanh ác liệt, đã xác định là không thể trở về. Thế nhưng người chiến tướng vẫn nguyên vẹn sau các trận đánh và trong thời gian về Hà Nội thăm nhà 5 ngày phép, ông đã có thêm người con trai út. Từ chiến trường ông viết thư về dặn vợ, nếu sinh con trai hãy đặt tên là Nam Tiến…
Anh Hoàng Nam Tiến được biết đến là một nhân vật quan trọng trong Tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Anh từng giữ chức vụ Chủ tịch Hội đồng quản trị của FPT Telecom, Chủ tịch FPT Software, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Phát triển khu công nghệ cao Hoà Lạc… Anh hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng trường, Trường đại học FPT…
Cuộc trò chuyện của chúng tôi bắt đầu từ những cuốn sách của ba anh - Thiếu tướng Hoàng Đan, vị chỉ huy chiến trận tài ba trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Ông là một trong những người trực tiếp chỉ huy mũi tiên phong liên tiếp các trận đánh giải phóng Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng và các tỉnh ven biển Nam Bộ vào tháng 3 và tháng 4/1975. Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh tháng 4/1975, ông là một trong những người trực tiếp chỉ huy Quân đoàn 2 tiến vào Sài Gòn.
Trưa ngày 30/4/1975 lịch sử, ông là chỉ huy cấp quân đoàn đầu tiên có mặt ở Dinh Độc Lập…
“Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập” được xuất bản vào năm 2010, đó là lúc tôi sắp đi học ở Mỹ. Đó cũng là lý do để tôi làm cả phần tiếng Anh, vì muốn mang tặng cho bạn bè ở nước ngoài.
Điều đặc biệt của cuốn sách này là có phần giới thiệu của cố Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu – nguyên Bí thư Quân ủy Trung ương. Khi ba tôi làm Phó Tư lệnh thì ông Lê Khả Phiêu là Cục trưởng Cục chính trị của Quân đoàn, nên tôi gọi là chú. Tôi còn nhớ chú Lê Khả Phiêu ngồi viết những dòng cuối cùng của bài giới thiệu ngay trước mặt tôi. Tôi để nguyên bản viết tay đó in đầu cuốn sách.
Cuốn sách bắt đầu từ trận Thượng Đức, tháng 6 năm 1974, sau chiến thắng này, Bộ Tổng tư lệnh đã nhận định là cơ sở quan trọng để quyết tâm tiến hành Chiến dịch Hồ Chí Minh. Ba tôi viết nhiều về giải phóng miền nam, từ mặt trận Quảng Trị, Huế, Đà Nẵng. Những trang viết đầy ắp tư liệu, thực sự cho tôi rất nhiều cảm xúc.
Rất nhiều đoạn thực sự là tư liệu quý giá. Thí dụ những dòng viết trước cửa ngõ Sài Gòn: “Sau khi vượt qua cầu Sài Gòn, cơ bản không còn địch chống cự và cũng như ở Đà Nẵng, nhân dân ra đầy hai bên đường để chào đón và hoan hô bộ đội. Chúng tôi không có ai là người Sài Gòn, chưa ai biết gì các đường phố trong Sài Gòn. Với kinh nghiệm đã vào nhiều thành phố, thị xã, việc đánh vào Dinh Độc Lập cũng không khó khăn gì. Với vài người dân nhiệt tình dẫn đường đi bằng mô-tô phía trước, cứ thế chúng tôi đã đi thẳng vào Dinh Độc Lập”.
Ở đây, nếu nói về chiến lược của quân đội ta chính là ở tầm nhìn của Bộ Chính trị, Bộ Tổng tư lệnh, với các vị lãnh đạo tài ba, thể hiện cốt lõi ở sự “táo bạo, thần tốc” của chiến dịch.
Ba tôi mất khi còn trẻ, 76 tuổi. Không biết vì lý do gì mẹ tôi bắt tôi phải bỏ vào quan tài của ông tất cả thư từ, nhật ký. Tôi lén giấu mẹ cất đi 1 hộp thư, trong đó có hơn 400 lá thư chủ yếu là ba viết cho mẹ trong thời gian xa cách. Tôi suy nghĩ rằng, đó là tài sản quý giá mà nhất định con cháu trong nhà phải đọc, phải biết.
Một trong những bức thư hay nhất ba tôi viết cho mẹ tôi là trong những ngày ở chiến trường: “Từ một địa điểm cách em đúng ngàn dặm, trong chiến hào, hai bên súng địch ta vẫn nổ, anh viết thư cho em… Vợ chồng nào thì cũng thương cũng nhớ, nhưng anh vẫn cảm thấy vợ chồng mình thương nhau nhớ nhau nhiều nhất. Nhiều người nói khi đã đứng tuổi thì niềm thương nỗi nhớ cũng đứng lại. Anh thì thấy ngược lại. Càng ngày càng thương nhớ em nhiều hơn, có lúc anh thấy như không thể xa em được… Em cũng muốn anh công tác bên em, nhưng em rõ quá rồi, không lẽ chúng ta không giải phóng miền nam, mà giải phóng miền Nam thì không thể ngồi ở Hà Nội hô rồi giải phóng được” . Bức thư đề ngày 5/11/1974, khi ba tôi trực tiếp chỉ huy trận Thương Đức.
Tôi khá bất ngờ khi cuốn “Thư cho em” hiện nay đang được nhiều người tìm đọc, liên tục in thêm đều bán hết. Có lẽ vì bạn đọc ngày nay thấy thú vị về một chuyện tình thời chiến “khi Tổ quốc cần họ biết sống xa nhau”; cũng có thể vì những trang thư hết sức lãng mạn và trong đó, hình ảnh một vị tướng chiến trận hiện lên như một “soái ca”.
Những người lớn tuổi hơn có thể tìm thấy những bài học trong giao tiếp với bạn đời, những nỗ lực thương yêu và bao dung của vợ chồng… Tôi cũng đã viết trong cuốn sách: “Trong lòng tôi, không tình yêu nào có thể đẹp hơn tình yêu của ba mẹ, không sự trìu mến nào có thể nhiều hơn sự trìu mến ba dành cho mẹ và không sự bao dung nào có thể lớn hơn sự bao dung mẹ dành cho ba”.
Ba tôi từng nói: Mỗi một người lính ngã xuống, là một người con, người anh, người em, người cha của gia đình.
Thiếu tướng Hoàng Đan chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thượng tướng Chu Huy Mân tại Quân đoàn 14, năm 1979. Ảnh do gia đình cung cấp
Thiếu tướng Hoàng Đan chụp ảnh lưu niệm với Tổng Bí thư Lê Duẩn và Thượng tướng Chu Huy Mân tại Quân đoàn 14, năm 1979. Ảnh do gia đình cung cấp
Chúng ta có thể ca ngợi sự hy sinh thế này thế kia, nhưng đối với mỗi gia đình, một người nằm xuống đều là nỗi đau và mất mát không thể bù đắp. Vì vậy với mỗi người chỉ huy, không chỉ đánh thắng mà cần phải biết quý trọng sinh mạng của bộ đội…
Trong cuốn “Từ sông Bến Hải đến Dinh Độc Lập”, ba tôi tuy là Đại tá chỉ huy 30 ngàn quân vẫn sẵn sàng ngồi trên xe tăng chiến đấu. Khi thấy Đại tá chỉ huy quân đoàn ngồi trên xe tăng thì bộ đội chẳng sợ gì nữa, ào lên theo. Có một kỷ vật của ba tôi được trưng bày tại Bảo tàng Lịch sử quân sự khiến gia đình tôi rất tự hào. Đó là bộ quần áo ngụy trang, ông mặc trong chiến dịch Thượng Đức khi dẫn quân đi trinh sát.
Với vai trò là một vị chỉ huy, ông có cần làm vậy không? Rõ ràng là không, nhưng ông phải vào tận nơi để nhận định được rõ, dù mình chắc chiến thắng, nhưng phải chiến thắng với sự tổn thất ít nhất. Vì vậy với tôi, khi đã làm lãnh đạo ở một doanh nghiệp rồi tôi vẫn phải cùng anh em, đồng nghiệp trải nghiệm thực tế: vì ba tôi chỉ rõ, để làm một người giỏi cần thông minh và chăm chỉ, nhưng để làm người lãnh đạo cần phải trải nghiệm thực tế.
Lãnh đạo không làm thay nhưng phải làm gương.
Anh Hoàng Nam Tiến
Ba tôi cũng từng viết trong cuốn sách “Những điều đọng lại sau hai cuộc chiến tranh” về những phẩm chất người lãnh đạo cần có: phải có tài năng lãnh đạo, phải hiểu về triết học, lịch sử, phải đọc nhiều sách, và hơn hết, là trải nghiệm thực tế. Và ba tôi nhấn mạnh: Thao trường đổ mồ hôi thì chiến trường bớt đổ máu. Khi tôi làm lãnh đạo ở Telecom hay Software cũng vậy, mọi việc từ sản xuất, bán hàng, nắm vững yêu cầu khách hàng, hiểu được tâm lý anh em, đều phải lăn xả vào cùng làm. Lãnh đạo không làm thay nhưng phải làm gương. Và như bạn nói đấy, mặt trận nào thì cũng cần có những người xung kích.
Đã là một doanh nghiệp thì đương nhiên đầu tiên là làm ăn lương thiện, kiếm được tiền, xây dựng văn hoá doanh nghiệp. Nhưng có những doanh nghiệp phải đặt cho mình một sứ mệnh, nói khiêm tốn hơn là một nhiệm vụ. Bác Hồ từng mong mỏi thế hệ trẻ sẽ đưa đất nước sánh vai các cường quốc năm châu… Đến bây giờ, có thể nói chúng ta đã làm được rất nhiều điều trong mong mỏi của Bác Hồ khi hàng vạn bạn trẻ với trí tuệ của mình đã bước ra thế giới.
Chúng ta phải làm thuê thật giỏi để học làm chủ.
Anh Hoàng Nam Tiến
Khi tôi nhận nhiệm vụ ở FPT Software, phải thừa nhận chúng tôi là người làm thuê cho nhiều tập đoàn hàng đầu thế giới. Thí dụ như Samsung cũng từ một công ty làm thuê cho Apple, giờ đã trở thành Tập đoàn hàng đầu thế gới.
Điều tôi muốn nói là, chúng ta phải làm thuê thật giỏi để học làm chủ. Khách hàng chính là ông thầy khắt khe nhất, khó tính nhất với chúng ta. Tôi lấy thí dụ như Trung Quốc, những năm 80, 90 của thế kỷ trước, họ là công xưởng của cả thế giới, thế mà bây giờ nhiều sản phẩm công nghệ, trí tuệ nhân tạo của họ đang dẫn đầu thế giới, không cần copy, nhái của ai nữa. Chúng tôi cũng đặt ra những nhiệm vụ đó…
FPT có nhiều sản phẩm về AI - Trí tuệ nhân tạo, tôi xin chia sẻ hai sản phẩm tiêu biểu: FPT AI Agent và FPT AI Mentor . AI Agent được xây dựng dựa trên công nghệ AI tạo sinh kết hợp với tri thức doanh nghiệp, hứa hẹn mang lại bước nhảy vọt về hiệu suất vận hành, kiến tạo trải nghiệm khách hàng vượt trội và thúc đẩy sáng tạo không giới hạn cho mọi doanh nghiệp. Hiện sản phẩm đã được ứng dụng vào các công ty tài chính và ngân hàng, đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
AI Mentor là trợ lý ảo đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc nâng cao năng lực nhân sự toàn diện cho mọi lĩnh vực với hệ thống Câu hỏi và các bản tin đa dạng, sinh động và được tạo sinh bởi AI. FPT AI Mentor được ứng dụng vào việc đào tạo hàng chục nghìn dược sĩ tại Nhà thuốc Long Châu với chương trình đào tạo cá thể hóa cho từng nhân sự. Chúng tôi vẫn đang hướng đến những sản phẩm có thể cho người dùng trên toàn cầu.
Tôi kể một câu chuyện riêng của mình: Có một ngày tôi hỏi ba: ba có biết trong thời gian chiến tranh, dưới quyền ba có bao nhiêu bộ đội hy sinh không, ba tôi bảo không biết chính xác nhưng chắc có khoảng 3 chục nghìn.
Ngay lúc ấy, tôi đã suy nghĩ là chúng tôi sẽ quyết tâm đưa 30 nghìn bạn trẻ bước ra thế giới bằng tuổi trẻ và trí tuệ. Lúc đó chỉ có 5000 quân, và bây giờ, chúng tôi đã có hơn 30 nghìn bạn trẻ…
Ngày xuất bản: 4/2025
Thực hiện: HỒNG MINH
Trình bày: NGỌC DIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT
