Đêm 10/3/1975, nhận được tin thành phố Buôn Ma Thuột giải phóng, bà Lan cùng các chị em trong tổ may mặc ôm nhau khóc vì niềm hạnh phúc vỡ òa. Những lá cờ Tổ quốc do chính họ tự tay may đang tung bay khắp nơi trong ngày chiến thắng.

Nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng mỗi khi đến dịp kỷ niệm Chiến thắng Buôn Ma Thuột, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan (sinh năm 1942, quê gốc tỉnh Bình Định) lại trào dâng niềm hạnh phúc, những ký ức đẹp về ngày chiến thắng lịch sử ấy bỗng chốc ùa về…

Tham gia cách mạng từ khi còn trẻ, do biết nhiều về may vá nên năm 1966, bà Lan được cấp trên phân về Tổ may mặc, Ban Kinh tài của huyện H4, tỉnh Đắk Lắk (nay là thị xã Buôn Hồ, huyện Krông Năng, huyện Krông Buk). Bấy giờ, tổ may của bà chỉ có 3 người, 1 tổ trưởng và 2 nhân viên.

Thời gian đầu, nhiệm vụ của bà và các thành viên trong tổ là phụ trách may quần áo, mũ tai bèo, balo, túi đựng gạo… cho các chiến sĩ bộ đội địa phương, bên cạnh công tác hậu cần và tăng gia sản xuất. Nhưng từ năm 1967 trở đi, tổ may của bà nhận thêm nhiệm vụ may cờ Tổ quốc.

“Ngày đó, nguồn nguyên liệu rất khan hiếm. Để có vải may cờ, tôi cùng các chị em trong tổ thường xuyên phải xuống địa bàn, liên hệ với cơ sở của ta trong vùng địch để nhờ mua hộ vải trong dân và đưa đến điểm tập kết. Khi cơ sở báo ra, nếu địa điểm được an toàn, không có lính mai phục thì mọi người trong tổ bí mật đi lấy vải về, có khi, đang đi mà bị lộ thì phải tìm cách rút lui”, bà Lan nhớ lại.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày thức thâu đêm may cờ Tổ quốc phục vụ kháng chiến.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan bồi hồi, xúc động khi nhớ về những ngày thức thâu đêm may cờ Tổ quốc phục vụ kháng chiến.

Quá trình lấy vải là khâu khó nhất, bởi đi đâu cũng có tai mắt của địch, mua nhiều là bị chú ý, xét hỏi, đặc biệt lại là vải màu đỏ và vàng dùng để may cờ. Trong một lần đi lấy vải, bà Lan bị địch tập kích, bắn vào chân để lại thương tật, tuy vậy bà vẫn cố gắng để mang vải về căn cứ.

Bà cho biết, lấy được vải đã là rất khó, song việc bảo vệ cờ, vải cũng không dễ dàng chút nào. Quá trình thực hiện nhiệm vụ may cờ Tổ quốc, bà cùng đồng đội trong tổ may H4 luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, bên ngoài lúc nào cũng cắt cử người canh gác liên tục. Bởi tất cả đều ý thức sâu sắc sứ mệnh của mình, không cho phép xảy ra bất kỳ sự cố nào làm ảnh hưởng đến mục tiêu chung phục vụ kháng chiến.

Mỗi khi có tin báo địch càn quét căn cứ, các thành viên trong tổ phải cất giấu hết đồ đạc bằng cách ngụy trang: đào hố đặt vải và dùng cỏ tranh phủ lên trên, hay giấu vải trong các khe đá ở ngoài suối, nhờ vậy mà bảo đảm được các kho dự trữ vải.

"Có lần địch phát hiện, vào thu mất một đầu máy may, nhưng vải không bị mất. Thà rằng mất máy may mình còn gửi nhờ cơ sở mua mang ra được, nhưng vải là phải giữ, không thể để mất, bởi quá trình lấy vải tràn ngập rủi ro, nguy hiểm" - bà Lan cười khi nhắc lại kỷ niệm năm xưa.

Không chỉ vất vả trong quá trình đi lấy vải may cờ, cuộc sống sinh hoạt hằng ngày của bà cùng đồng đội ở H4 cũng gặp rất nhiều khó khăn, mọi người phải tăng gia sản xuất, tự làm tự ăn, có lúc phải nhịn đói, ăn rau, củ chứ không có gạo ăn thường xuyên.

“Bối cảnh chiến trường bấy giờ rất ác liệt. Địch đánh phá liên tục, máy bay trên cao rải chất độc xuống khiến củ mì, sắn đắng không ăn được. Không có muối, chúng tôi phải đốt cỏ tranh để lấy tro ăn kèm cho có vị mặn…”, bà Lan bồi hồi.

Giữa muôn trùng gian khó ấy, các “chiến binh” của tổ may H4 vẫn giữ tinh thần lạc quan, vui vẻ, vững niềm tin vào cách mạng với quyết tâm cao nhất hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Nhớ lại những ngày tháng 3/1975 khi quân và dân ta tiến công giải phóng Buôn Ma Thuột, bà Lan không khỏi xúc động, tự hào.

Khoảng đầu tháng 2/1975, tổ may của bà nhận lệnh phải may cờ đỏ sao vàng liên tục. “Lúc đó, mọi người chưa nghĩ là có chiến dịch lớn sẽ diễn ra trên địa bàn, cấp trên giao nhiệm vụ xuống thì mình thực hiện thôi. Là người đảng viên, phải chấp hành mệnh lệnh, sự phân công của tổ chức”, bà chia sẻ.

Sau khi trên có lệnh, bà cùng các thành viên tổ may lập tức bắt tay vào công việc. Một “xưởng may đặc biệt” được dựng lên giữa núi rừng với bốn bên vách quây liếp tranh, bên trên phủ vải dù và tăng võng. Chiếc máy may đạp chân được đặt trên bàn may dựng bằng sạp.

Trong không gian chỉ vài mét vuông ấy, ba “chiến binh” của tổ may H4 phối hợp nhịp nhàng, người phụ trách cắt vải đỏ chuẩn kích cỡ 120cm x 80cm, người làm nhiệm vụ cắt ngôi sao vàng 5 cánh chiều ngang 40cm, người phụ trách công đoạn may cờ và ráp sao. Nhịp độ công việc hết sức khẩn trương trước yêu cầu đặt ra của cách mạng.

“Chúng tôi may suốt ngày, đến đêm lại thắp đèn dầu để làm việc, có thời điểm 1 ngày 1 đêm may được cả trăm lá cờ. Làm được bao nhiêu thì lại có người trong đội công tác đến và mang đi”, bà Lan bồi hồi nhớ lại. “Thời gian đó ngủ rất ít, nhưng trong lòng rất vui vì được góp sức cho cách mạng…”

Liên tiếp gần 2 tháng, đêm nào cũng vậy, dưới ánh sáng leo lắt của 3-4 ngọn đèn dầu, các thành viên tổ may H4 vẫn cứ cặm cụi, cần mẫn với công việc của mình, tỉ mỉ trong từng đường may, cố gắng hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ được giao.

“Khoảng thời gian đầy vất vả nhưng vô cùng hạnh phúc. Lúc ấy trong đầu chúng tôi không có suy nghĩ nào khác ngoài việc may được thật nhiều lá cờ Tổ quốc để phục vụ cách mạng”, bà Lan mỉm cười hồi tưởng.

Bà cho biết, thời điểm Chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, mọi người cũng may rất nhiều cờ nên lần này ai cũng thắc mắc, nhưng không ai hình dung là sẽ được may những lá cờ để phục vụ cho trận tiến công giải phóng thành phố Buôn Ma Thuột.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan
...

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho phóng viên Báo Nhân Dân xem những huy hiệu Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác mà bà được Đảng, Nhà nước trao tặng.

Bà Nguyễn Thị Ngọc Lan cho phóng viên Báo Nhân Dân xem những huy hiệu Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác mà bà được Đảng, Nhà nước trao tặng.

“Đêm 10/3/1975, khi nghe tin về chiến thắng Buôn Ma Thuột qua đài phát thanh, tôi và đồng đội ôm nhau khóc trong niềm vui sướng vỡ òa. Hạnh phúc hơn khi biết được những lá cờ mình may đang tung bay khắp nơi trong ngày độc lập. Bao nhiều năm vất vả, gian khó, giờ đã chờ được đến ngày giải phóng”, bà Lan nhớ lại, trong đôi mắt ánh lên nét cười hạnh phúc.

Khoảng 2-3 ngày sau đó, tổ may H4 được lệnh về tiếp quản nhà máy may, các cơ sở may tư nhân tại huyện Krông Buk. Lúc này, vải vóc có nhiều rồi, bà Lan cùng thành viên trong tổ hướng dẫn các cơ sở tiếp tục may cờ phục vụ kháng chiến. “Mình chỉ hướng dẫn cách may, vải họ tự mua. Nhiều gia đình giác ngộ cách mạng họ không lấy tiền. Đến cuối tháng 3, chúng tôi dừng việc may cờ Tổ quốc vì số lượng đã đủ yêu cầu của cấp trên”.

Xe tăng và bộ binh quân giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy (ảnh: TTXVN)

Xe tăng và bộ binh quân giải phóng đánh chiếm sở chỉ huy Sư đoàn 23 ngụy (ảnh: TTXVN)

Nhớ lại quang cảnh thành phố Buôn Ma Thuột những ngày đầu sau giải phóng, bà Lan cho biết, đường phố khi ấy nhìn điêu tàn, nhà cửa sập hàng loạt do tàn phá của bom đạn. Người dân chạy tản mạn cũng nhiều, nhưng đa số đều chọn ở lại quê hương. Được sự chỉ đạo của tỉnh, huyện, bà và đồng đội tập trung một chỗ, không ăn gì hay lấy gì của dân, ai vi phạm sẽ bị xử phạt theo quy định.

Sau gần một năm rưỡi công tác ở huyện, đến tháng 8/1976, bà Lan được cấp trên điều động cho đi học quản lý 6 tháng rồi về làm thương nghiệp ở tỉnh đến khi về hưu. Trở về với địa phương, bà luôn phát huy vai trò gương mẫu, đi đầu của một đảng viên, tham gia nhiệt tình vào hoạt động của cấp ủy, các cấp hội, đoàn thể…

Một góc thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay.

Một góc thành phố Buôn Ma Thuột hôm nay.

50 năm đã trôi qua, thành phố Buôn Ma Thuột đang thay da đổi thịt từng ngày, cuộc sống người dân đầy đủ hơn, đàng hoàng hơn, kinh tế ngày càng phát triển. Người phụ nữ may cờ Tổ quốc cho ngày giải phóng năm nào giờ đây đã ngoài 80 tuổi, có 4 cháu nội ngoại. Vào những dịp kỷ niệm ngày truyền thống, bà thường kể cho con cháu nghe về thời kỳ cách mạng đầy gian khổ mà hào hùng năm xưa, để thế hệ trẻ hiểu hơn về những hy sinh xương máu của cha ông và trân quý giá trị của hòa bình, độc lập hôm nay.

Trong hơn bốn thập kỷ, bà Nguyễn Thị Ngọc Lan vẫn nâng niu, gìn giữ cẩn thận một lá cờ Tổ quốc do chính tay mình may trong ngày giải phóng 10/3/1975, coi đó là kỷ vật quý báu của bản thân và gia đình. Đến năm 2020, đúng vào dịp kỷ niệm 45 năm ngày giải phóng  thành phố Buôn Ma Thuột, bà đã quyết định trao tặng lá cờ cho Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ để được bảo quản tốt hơn và lan tỏa rộng rãi hơn giá trị của kỷ vật này tới công chúng.

Ngày xuất bản: 20/4/2025
Tổ chức sản xuất: TRƯỜNG SƠN - THẢO LÊ
Thực hiện và trình bày: VĂN TOẢN, SƠN BÁCH, PHAN THẠCH
Ảnh: SƠN BÁCH, TTXVN