HỒN XƯA VÓC MỚI

Được mệnh danh là xứ sở của mây tre, Phú Vinh đến nay đã lưu truyền trọn vẹn tinh hoa của một làng nghề vào trong từng sản phẩm đan lát thủ công. Bằng tình yêu, bằng đam mê cùng sức sáng tạo, những nghệ nhân ngày nay không chỉ nối tiếp mạch nguồn nghệ thuật đan lát truyền thống, mà còn thổi làn gió mới cho sản phẩm mộc mạc, tạo nên những tác phẩm nghệ thuật độc đáo được đón nhận khắp nơi.

Không phải ngẫu nhiên làng Phú Vinh (Chương Mỹ, Hà Nội) có tên ban đầu là Phú Hoa Trang (tức Trời phú cho dân có bàn tay lụa), bởi người dân nơi đây có bàn tay khéo léo, điệu nghệ, rất giỏi đan lát mây tre. Dạo một vòng quanh làng, ta bắt gặp muôn hình vạn dạng những sản phẩm mây tre đan, từ chiếc lọ cao vài mét, chiếc lồng bàn đan bằng sợi mây mảnh như sợi chỉ, đến đôi bông tai nhỏ xinh xắn, và cả những bức chân dung lãnh tụ sinh động... Chỉ vậy thôi đã đủ thấy sự tài hoa, óc sáng tạo và sức sống của một làng nghề với gần 60 sản phẩm được công nhận OCOP.

“Để làm ra một sản phẩm đẹp, có sức cạnh tranh, ngoài đôi bàn tay khéo léo, ta cần có trí tuệ để sáng tạo, phải trao gửi tình cảm vào chính sản phẩm ta làm. Tuyệt đối không được dễ dãi”, từ một góc nhỏ trong xưởng mây tre đan Việt Quang, nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh tay vẫn thoăn thoắt đan mà miệng không quên dặn dò những người thợ cùng làm.

Việt Quang là một trong những xưởng mây tre đan lâu năm nhất trong làng với 6-7 thế hệ nối nhau làm nghề. Theo ông Tĩnh, chăm chút từng chi tiết nhỏ, cẩn thận, tỉ mỉ từng đường đan mối móc để cho ra những sản phẩm tinh xảo, chất lượng cao, đó là cách mây tre đan Việt Quang chinh phục thị trường và giành được gần 20 chứng nhận OCOP 4 sao.

Gia đình ông không chạy theo xu hướng phát triển sản phẩm hàng loạt, sử dụng các trang thiết bị máy móc hiện đại mà vẫn giữ nguyên cách làm thủ công, “gia truyền”, bởi theo ông, sự tinh tế của từng sợi mây, sợi nan được chuốt bằng tay sẽ khiến sản phẩm có độ “nuột” hơn. Đồng thời, ông không ngừng cải tiến mẫu mã sản phẩm mang phong cách hiện đại, đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đang ngồi đan bên cạnh, nghệ nhân Nguyễn Phương Quang – con trai ông Nguyễn Văn Tĩnh bổ sung thêm: “Chúng tôi kết hợp phương pháp truyền thống với kiến thức khoa học hiện đại trong thiết kế để tạo ra những sản phẩm với nét đặc trưng riêng, hướng tới du khách và xuất khẩu”.

Được làm thủ công từ đôi bàn tay khéo léo, được chăm chút bằng trái tim yêu nghề say nghề, mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đều mang trên mình dấu ấn của cá nhân người nghệ nhân, dấu ấn của quê hương và cả hơi thở của thời đại. Từ cái nơm cái vó, cái mủng cái giỏ xưa kia, vẫn bằng kỹ thuật đan lát được truyền từ đời này qua đời khác nhưng nhờ sự sáng tạo của các nghệ nhân, bình hoa, lót cốc, cái khay, chiếc ghế với nhiều hoa văn đẹp mắt đã ra đời phục vụ nhu cầu của người dân. Kết quả lao động sáng tạo ấy đã giúp nhiều gia đình, nhiều thế hệ người làng trụ được với nghề truyền thống.

Chia sẻ về điều này, nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh – Giám đốc Công ty mây tre đan Mây Việt cho biết: “Ra đời đúng thời điểm dịch Covid-19, xuất khẩu khó khăn, chúng tôi tập trung sản xuất những sản phẩm thân thiện với môi trường, đòi hỏi giá trị thẩm mỹ và sự sáng tạo cao nên dù khó khăn dịch bệnh, chúng tôi vẫn trụ được với nghề”.

Không ngừng nghiên cứu và sáng tạo, vợ chồng anh Hạnh chị Hân đã xe duyên thành công cho gốm và mây, tạo nên sức sống mới và gia tăng giá trị cho các sản phẩm mây tre đan truyền thống. “Tôi muốn kết hợp sản phẩm của hai làng nghề truyền thống là sứ và mây lại để tạo ra cái mới, để sản phẩm mây tre đan được nâng tầm”, chị Nguyễn Thị Hân – vợ nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh chia sẻ. Nhờ sự sáng tạo đó, có lúc gia đình chị đã nhận được đơn đặt hàng 4 container sản phẩm gốm quấn mây xuất khẩu sang thị trường Mỹ. Hai vợ chồng cùng với các thợ thủ công trong cơ sở đã phải làm cả ngày lẫn đêm mới kịp giao hàng đúng thời gian.

Không chỉ giới hạn trong những vật dụng hay đồ trang trí, các nghệ nhân ở ngôi làng hơn 400 tuổi này còn có thể miêu tả thành công thần thái của con người qua những  bức chân dung bằng mây. Đó cũng là sản phẩm tiêu biểu làm nên thương hiệu “người đan tranh lãnh tụ” của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Khập khiễng chân thấp chân cao bước vào từ một gian phòng kế bên, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung tỏ ra khá linh hoạt so với cái tuổi đã độ thất thập cổ lai hy. Đoán rằng bức chân dung Bác Hồ khá to được treo trang trọng trên tường khiến chúng tôi thích thú, ông Trung mau mắn kể: “Tôi năm nay hơn 70 rồi. Cũng gần trọn một đời vuốt mây đan tranh lãnh tụ rồi.

Trong một gian phòng rộng chừng 25m2 với đại đa số đồ dùng tự tay đan, từ chiếc bàn trà, đến ghế ngồi chung quanh, từ cái chao đèn đầy nghệ thuật, đến chiếc giỏ ủ ấm trà xinh xinh, nghệ nhân Nguyễn Văn Trung chậm rãi kể về nghề đan tranh lãnh tụ: Việc vuốt mây đan tranh chưa bao giờ là công việc dễ. Dùng sợi mây, nan tre, để đan tranh đã khó, nhưng còn khó hơn nhiều, khi dùng nó để tả chân dung một con người. Chau chuốt từng sợi mây, sợi tre mảnh mai, sử dụng kết hợp tới 15-16 lối đan mới tạo nên được một tác phẩm. Không những vậy, chỉ với 2 màu đen-trắng, nghệ nhân đan mây phải nghiên cứu, tính toán, đan làm sao cho toát lên cái hồn của nhân vật. “Nếu đẹp mà không giống thì cũng bỏ đi, nếu giống mà lại không có hồn thì cũng vô ích”, ông Trung nhấn mạnh.

Qua sự tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng, các nghệ nhân tài hoa xứ mây đã thổi hơi thở của thời đại mới vào những sản phẩm tưởng chừng xưa cũ.

Sáng tác bằng tâm huyết, lòng say nghề và “đôi bàn tay lụa”, những bức chân dung Bác Hồ do ông Trung tạo ra được khách hàng gần xa đánh giá cao, trong đó có bức ông bán được với giá 80 triệu đồng. Ngoài Bác Hồ, ông Trung cũng đan chân dung rất nhiều lãnh tụ và các nhà lãnh đạo cấp cao khác theo yêu cầu làm quà của các đơn vị ngoại giao, các cơ quan, tổ chức hay cá nhân, hoặc đơn giản chỉ là đan tranh để tham gia triển lãm giới thiệu về làng nghề của mình. Hàng trăm bức chân dung bằng mây tre đan ấy đã tạo nên thương hiệu riêng của người nghệ nhân làng Phú Vinh.

Qua sự tìm tòi, học hỏi và sáng tạo không ngừng, các nghệ nhân tài hoa xứ mây đã thổi hơi thở của thời đại mới vào những sản phẩm tưởng chừng xưa cũ và quen thuộc, giúp mây tre đan Phú Vinh tiếp tục khẳng định vị trí và giá trị riêng của mình.

Nhiều sản phẩm mây tre đan độc đáo của vợ chồng anh Hạnh chị Hân đoạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Nhiều sản phẩm mây tre đan độc đáo của vợ chồng anh Hạnh chị Hân đoạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Sản phẩm túi xách ứng dụng được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng tại làng mây tre Phú Vinh.

Sản phẩm túi xách ứng dụng được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng tại làng mây tre Phú Vinh.

Item 1 of 2

Nhiều sản phẩm mây tre đan độc đáo của vợ chồng anh Hạnh chị Hân đoạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Nhiều sản phẩm mây tre đan độc đáo của vợ chồng anh Hạnh chị Hân đoạt chứng nhận OCOP 4 sao.

Sản phẩm túi xách ứng dụng được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng tại làng mây tre Phú Vinh.

Sản phẩm túi xách ứng dụng được nhiều khách hàng nước ngoài ưa chuộng tại làng mây tre Phú Vinh.

Không gian trưng bày ấn tượng của vợ chồng anh Hạnh chị Hân.

Không gian trưng bày ấn tượng của vợ chồng anh Hạnh chị Hân.

Phòng trưng bày sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Phòng trưng bày sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Item 1 of 3

Không gian trưng bày ấn tượng của vợ chồng anh Hạnh chị Hân.

Không gian trưng bày ấn tượng của vợ chồng anh Hạnh chị Hân.

Phòng trưng bày sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Phòng trưng bày sản phẩm của nghệ nhân Nguyễn Văn Trung.

Trên mảnh đất trăm nghề Hà Nội, Phú Vinh là một trong những làng còn nhiều gia đình vẫn bám trụ được với nghề nhất. Hiện nay, hầu như nhà nào cũng vẫn có người đang sống bằng nghề đan lát, có gia đình vài thế hệ liền theo nghề, hoặc các anh chị em đều làm nghề; cũng có những người dù đã học và làm nghề khác, cứ cầm sợi mây lên là đan thành giỏ thành khay; từ các cháu thiếu nhi đến các cụ già trong làng, hễ rảnh rỗi là đem mây ra đan,… Nếu nói rằng, người dân Phú Vinh bám trụ được với nghề nhờ tài hoa, sáng tạo và tình yêu nghề, thì chính mảnh đất này đang reo cho họ những hạt mầm ấy.

Trở lại câu chuyện về hai cha con nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh và Nguyễn Phương Quang, tính đến nay gia đình ông đã là đời thứ 7 theo nghề mây tre đan, đặc biệt nhà ông có 3 thế hệ liên tiếp đều là nghệ nhân. Ông Tĩnh chia sẻ: “Từ năm 6-7 tuổi, tôi đã tiếp xúc với nghề. Khi ấy cha sai làm những việc lặt vặt, dần dần tự học hỏi thêm rồi thành nghề lúc nào không rõ”.

Nghệ nhân Tĩnh chính là con trai của cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu. Cụ được dân trong vùng nhắc đến là người có đôi bàn tay khéo léo đến kỳ lạ. Cụ cũng là nghệ nhân đầu tiên đan thành công ảnh chân dung Bác Hồ bằng chất liệu mây tre truyền thống.

Nhớ về bố mình, ông Tĩnh khẽ mỉm cười kể lại chuyện xưa: “Còn nhớ, có lần tôi được theo bố tôi lên Hà Nội đan tặng đồng chí Phạm Văn Đồng bình hoa và cây gậy ba-toong bằng mây. Khi thấy mọi người trân trọng và ca ngợi sản phẩm và tài năng của bố, tôi thầm ước lớn lên được mọi người trân trọng và biết đến như vậy. ” Ký ức đó như chất xúc tác đưa ông Tĩnh đến và gắn bó với nghề đan lát.

Tương tự như cha mình, sinh ra từ cái nôi của nghề truyền thống mây tre đan nên ngay từ nhỏ, anh Quang đã được thừa hưởng sự khéo léo, niềm đam mê với nghề đan lát.

"Ai sinh ra trong làng cũng tự biết đan mây"

-- Nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh --

Anh Quang kể rằng: “Một lần ngồi xem bố và anh trai đan những chiếc giỏ xinh xắn, tôi đã chăm chú theo dõi và bắt chước từ bước đơn giản nhất. Không ngờ chỉ sau một thời gian ngắn, tôi đã có thể đan thành thạo và làm ra những sản phẩm của riêng mình”… “Ban đầu, tôi cũng chưa xác định sẽ theo nghề đâu. Nhưng như thể ‘duyên phận’ vậy, thỉnh thoảng trong đầu lóe lên ý tưởng về sản phẩm mới, tôi lại mày mò nghiên cứu, rồi cặm cụi đan đan xâu xâu… và thành nghệ nhân lúc nào không hay”, anh Quang nhoẻn miệng cười tâm sự.

Với 39 năm tuổi đời nhưng nghệ nhân Nguyễn Phương Quang đã có tới 29 năm tuổi nghề. Anh theo nghề thực như một thứ bản năng thôi thúc từ sâu thẳm trong tâm thức.

Ai sinh ra trong làng cũng tự biết đan mây, có người dù đã là bác sĩ, kỹ sư chẳng theo nghề ngày nào, về đến quê vẫn có thể đan giỏ đan khay như thường”, giọng nói đầy nhấn nhá, ông Tĩnh khẳng định.

Ngoài gia đình nghệ nhân Tĩnh-Quang có nhiều thế hệ cùng làm nghề đan lát, trong làng còn nhiều gia đình khác tương tự như vậy, và nghệ nhân Nguyễn Văn Trung là một thí dụ.

Ông là đời thứ 8 trong gia đình theo nghề truyền thống này. Ông kể, ngày bé tuy gia đình làm nghề đan lát, nhưng ông không được cha chỉ dạy tỉ mỉ, chủ yếu là thích thì quan sát và làm theo, làm sai thì làm lại, nhìn mọi người chung quanh làm, cứ thế dần dần tự học rồi thành nghề.

Với ông Trung, nghề không chỉ ngấm vào máu như một đam mê, đan lát theo ông như một thứ bản năng, mà chính nghề giúp ông vượt qua bất hạnh của cuộc đời. Năm 16 tuổi, chân ông Trung bị co rút sau cơn bạo bệnh, khiến việc đi lại hết sức khó khăn, cuộc đời phía trước vì thế cũng trở nên trắc trở hơn.

Nhờ nghề đan lát truyền thống cùng nỗ lực không ngừng học hỏi của bản thân, ông Trung không những có thể tạo dựng cho mình một cuộc sống bình thường, no đủ như bao người khác, thậm chí còn tạo nên một tên tuổi riêng trong làng mây tre đan - nghệ nhân chuyên đan tranh lãnh tụ. Đối với ông mà nói, vuốt tre đan mây chính là hơi thở, là nguồn sống của ông.

Nghề đan lát giúp nghệ nhân Nguyễn Văn Trung VƯỢT QUA BẤT HẠNH của cuộc đời. Vuốt tre đan mây chính là hơi thở, là NGUỒN SỐNG của ông.

Mạch nguồn đam mê và sáng tạo chạy dọc làng nghề, chảy từ đời này sang đời khác, những người con Phú Vinh ai cũng biết làm mây tre đan, những thế hệ thanh niên của làng đều quá quen thuộc với việc sáng đi học, ngoài giờ đến lớp lại cầm sợi mây xâu hàng, các cụ già trong làng có thể vừa xem ti-vi vừa đan giỏ,... Nếu nói đó là gene thì cũng không sai. Nhưng thực tế, với cả những người từ làng khác đến, niềm đam mê đan lát cứ thẩm thấu vào họ một cách tự nhiên, càng ngấm càng sâu. Chị Nguyễn Thị Hân, vợ nghệ nhân Hoàng Văn Hạnh - Giám đốc công ty mây tre đan Mây Việt là một người như vậy.

Đem lòng yêu mến người con trai “xứ mây”, chị Hân về làm dâu làng Phú Vinh. Ngày ngày, được sử dụng đồ dùng bằng mây, được ngắm nhìn các cô các bác uốn mây đan lát, được nghe các cụ các ông kể chuyện làng chuyện nghề, không biết tự bao giờ, chị Hân thấy yêu vô cùng nghề “gia truyền” quê chồng.

Như để chứng minh tình yêu vợ dành cho công việc đan lát, anh Hạnh kể: “Có đêm tôi thức giấc giữa khuya, quay sang không thấy vợ đâu liền chạy xuống nhà xem. Hóa ra cô ấy đang ngồi đan đan cái gì đó”, khẽ liếc mắt nhìn sang vợ và cười lớn, anh tiếp lời: “Lúc đó chắc cô ấy nghĩ ra ý tưởng gì mới nên xuống làm ngay, mặc kệ cả chồng”.

Quả thật, nhìn bàn tay chị Hân thoăn thoắt đan mây, ngắm những tác phẩm nghệ thuật bằng mây bày khắp gian phòng do chị sáng tác, không ai nghĩ rằng chị không phải người gốc làng mây. Tuy không sinh ra và lớn lên ở đất Phú Vinh, nhưng giờ đây chị chính là người con của làng nghề Phú Vinh. Mùi của mây của tre đã hòa cùng mùi da thịt, chảy trong huyết quản chị là đam mê đan lát và lấp lánh trên tay chị là tinh hoa của làng nghề. Phải chăng, đất Phú Vinh ai ở đều nên duyên với nghề đan lát.

Ngày nay, trên mỗi sản phẩm mây tre đan Phú Vinh đều là kết tinh của nghệ thuật đan lát truyền thống cùng hơi thở thời đại mới, là dấu ấn của những đôi bàn tay khéo léo cùng sức sáng tạo không ngừng của các nghệ nhân. Xuyên suốt trong đó là sự say nghề, yêu nghề và khát khao truyền nghề giữ nghề. Tất cả đã tạo nên sức sống mãnh liệt của làng nghề Phú Vinh – một vùng quê “hồn xưa vóc mới".

Mây tre đan Phú Vinh: Nối dài dòng chảy văn hóa làng nghề

Ngày xuất bản: 9/ 11/2023
Tổ chức thực hiện: HỒNG MINH-XUÂN BÁCH
Nội dung: SONG THU-NGỌC BÍCH
Trình bày: BÍCH DIỆP
Ảnh: HÀ NAM