Mênh mông đồng dứa,
thênh thang cuộc đời
Đối với rất nhiều người, Đồng Giao không chỉ là tên một nông trường, một đơn vị kinh tế mà đã trở thành máu thịt trong tâm thức, gần gũi như một miền ký ức thẳm sâu trong tâm hồn và luôn là niềm tự hào trải dài theo năm tháng. Hầu hết những người ở Đồng Giao hiện nay đều đến từ những địa phương khác, trong đó rất nhiều người có thế hệ cha, ông là các chiến sĩ Điện Biên, cán bộ miền nam tập kết. Họ gắn bó với nhau từ trong gian khó và cùng nhau xây dựng nên Đồng Giao hôm nay với bề dày truyền thống.
Truyền thống của Đồng Giao không chỉ là sự nhường cơm, xẻ áo lúc khó khăn, gian khổ, mà còn là sự gương mẫu của bao thế hệ cán bộ, đảng viên, luôn đi đầu, nhận việc khó về mình. Trong câu chuyện với chúng tôi, nhiều người ở Đồng Giao hôm nay đều dành cho các thế hệ lãnh đạo, đảng viên đi trước sự trân trọng, quý mến.
Truyền thống làm nên sức mạnh
Trong ngôi nhà mới xây rộng rãi, khang trang tại phường Bắc Sơn, thành phố Tam Điệp, cụ Nguyễn Anh Hương năm nay đã 100 năm tuổi đời, 75 năm tuổi Đảng hồi tưởng lại: Thời thực dân Pháp chiếm đóng, nơi đây vốn là đồn điền trồng cà phê của chúng. Sau khi chúng ta tiếp quản, toàn bộ nông trường cũng chỉ có khoảng 40ha cà phê thực dân Pháp để lại, còn lại là đất hoang hóa. Lúc đó ông Nguyễn Viết Thuần, người từng được đào tạo trong trường Canh Nông của Pháp được giao làm Quản đốc, kiêm luôn thầy giáo bình dân học vụ.
Năm 1955, Bộ Nông lâm chính thức ra quyết định thành lập nông trường quốc doanh Đồng Giao, nông trường đầu tiên của miền bắc xã hội chủ nghĩa. Tôi còn nhớ, hồi ấy, sau 50 ngày đêm tích cực chuẩn bị, ngày 26/12/1955 nông trường Đồng Giao đã thực sự có một ngày hội. Đó là một ngày mùa đông đẹp trời, cái lạnh của mùa đông dường như đã bị đẩy lùi bởi không khí nhộn nhịp tưng bừng của anh chị em công nhân nông trường và bao nhiêu anh bộ đội, bao nhiêu bà con từ các làng lân cận kéo về để chứng kiến chiếc máy kéo C80, DT54 từ đất nước Liên Xô xa xôi sang lật lên những miếng đất sần chai của núi đồi Tam Điệp để gieo mầm cho một nông trường xã hội chủ nghĩa, gieo mầm cho một tương lai hứa hẹn sự sinh sôi trù phú của chốn "rừng thiêng nước độc" này.
Sau đó, nông trường liên tiếp được bổ sung lực lượng với 195 đồng chí chiến sĩ Điện Biên và hàng trăm thanh niên ở các huyện Yên Mô, Yên Khánh, Nho Quan, Gia Viễn… Tiếp nữa là hơn 800 đồng chí cán bộ miền nam tập kết.
Truyền thống của Đồng Giao đã được hình thành từ những cán bộ, chiến sĩ cách mạng ngày ấy. Liên tiếp từ thế hệ quản đốc đầu tiên cho đến các lãnh đạo sau này, bên cạnh việc lãnh đạo đưa hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty phát triển, đều rất coi trọng công tác xây dựng Đảng bộ, chi bộ trong sạch, vững mạnh; xây dựng nền nếp văn hóa của Đồng Giao.
Cụ Hương tâm sự: Tôi cho rằng, truyền thống của Đồng Giao rất đáng quý và đó chính là điều làm nên sức mạnh cho Đồng Giao hôm nay. Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trường hay Công ty thời kỳ nào cũng đều nhằm tạo ra cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân, người lao động. Các cán bộ, công nhân Công ty nghỉ hưu như chúng tôi được tổ chức lại thành “Hội truyền thống Đồng Giao”, được Đảng ủy, Ban Giám đốc thường xuyên quan tâm, gặp mặt. “Đến giờ chúng tôi vẫn được Công ty rất quan tâm và thăm hỏi thường xuyên, tạo mọi điều kiện cho con cháu được về Công ty rèn luyện, phấn đấu và trưởng thành. Đó là những ân tình lớn của đất và người Đồng Giao mà tôi luôn tâm niệm “ăn ơn thì phải trả nghĩa Đồng Giao”, Cụ Hương xúc động nói.
"Truyền thống của Đồng Giao rất đáng quý và đó chính là điều làm nên sức mạnh cho Đồng Giao hôm nay. Trải qua nhiều thế hệ lãnh đạo, các hoạt động sản xuất kinh doanh của nông trường hay công ty thời kỳ nào cũng đều nhằm tạo ra cuộc sống đầy đủ về vật chất và tinh thần cho cán bộ, công nhân, người lao động. Các cán bộ, công nhân Công ty nghỉ hưu như chúng tôi được tổ chức lại thành “Hội truyền thống Đồng Giao”, được Đảng ủy, Ban Giám đốc thường xuyên quan tâm, gặp mặt".
- Cụ Nguyễn Anh Hương, cán bộ thời kỳ đầu của nông trường Đồng Giao -
Luôn yên tâm vì có chi bộ, công ty đứng đằng sau
Trên xứ đồi Bãi Sải, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp, chị Nguyễn Thị Thanh, tổ sản xuất Bãi Sải, vừa nhanh nhẹn, thuần thục cắt tỉa dứa, vừa kể, bố tôi vốn là chiến sĩ Điện Biên, sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông cùng nhiều chiến sĩ khác đã trở về xây dựng nông trường Đồng Giao, và nơi đây đã trở thành quê hương thứ hai của ông.
Bản thân chị Thanh cũng đã hơn 20 năm gắn bó với nông trường và cây dứa. Chị tâm sự, làm nông, không phải lúc nào cũng thuận lợi, cũng có lúc giá dứa rớt thê thảm, bán chẳng ai mua, có lúc thời tiết không thuận lợi, mất mùa, giảm năng suất, nhưng điều khiến chúng tôi yên tâm là luôn có chi bộ, có công ty đứng đằng sau. Chẳng hạn nếu giá thị trường cao, công ty sẽ cho phép các hộ bán 20% sản lượng ra thị trường để tăng thu nhập. Ngược lại, nhiều vụ giá thị trường rất thấp, công ty vẫn thu mua toàn bộ dứa cho người dân với giá cao hơn thị trường. Chi bộ, Đảng bộ công ty luôn có nhiều chính sách khuyến khích, hỗ trợ, biểu dương những gia đình có con ngoan, trò giỏi, học hành đỗ đạt, đồng thời Công ty sẵn sàng nhận con em công nhân, nông dân sau khi tốt nghiệp đại học về làm việc.
Làm nông, không phải lúc nào cũng thuận lợi, cũng có lúc giá dứa rớt thê thảm, bán chẳng ai mua, có lúc thời tiết không thuận lợi, mất mùa, giảm năng suất, nhưng điều khiến chúng tôi yên tâm là luôn có Chi bộ, có công ty đứng đằng sau. Chẳng hạn nếu giá thị trường cao, công ty sẽ cho phép các hộ bán 20% sản lượng ra thị trường để tăng thu nhập. Ngược lại, nhiều vụ giá thị trường rất thấp, công ty vẫn thu mua toàn bộ dứa cho người dân với giá cao hơn thị trường.
(Chị Nguyễn Thị Thanh, tổ sản xuất Bãi Sải, xã Quang Sơn, thành phố Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình)
Dẫn chúng tôi đi trên con đường thênh thang mới mở chạy ngang qua những cánh đồng dứa Đồng Giao, Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc DOVECO Đinh Gia Nghĩa cho biết, đường này ngày trước đều là ruộng dứa. Toàn bộ diện tích DOVECO bàn giao để thành phố Tam Điệp có quỹ đất mở rộng không gian, nâng cấp hạ tầng đô thị là hơn 200ha, nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất nhanh gọn, không hề có khiếu kiện, thắc mắc. Đầu tiên là các hộ cán bộ, đảng viên gương mẫu trước. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cũng biết là mọi người cũng tâm tư, vì đất trồng dứa bây giờ là tiền, nhưng truyền thống Đồng Giao là vậy, mọi người sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung.
Toàn bộ diện tích DOVECO bàn giao để thành phố Tam Điệp có quỹ đất mở rộng không gian, nâng cấp hạ tầng đô thị là hơn 200ha, nhưng công tác giải phóng mặt bằng rất nhanh gọn, không hề có khiếu kiện, thắc mắc. Đầu tiên là các hộ cán bộ, đảng viên gương mẫu trước. Đảng ủy, Ban Giám đốc Công ty cũng biết là mọi người cũng tâm tư, vì đất trồng dứa bây giờ là tiền, nhưng truyền thống Đồng Giao là vậy, mọi người sẵn sàng hy sinh quyền lợi riêng vì lợi ích chung.
Bí thư Đảng ủy, Phó Tổng Giám đốc DOVECO Đinh Gia Nghĩa
Đồng Giao hôm nay đã trở thành một vùng chuyên canh nguyên liệu rộng lớn. Dưới nền đất đỏ bazan tươi xốp là mồ hôi, công sức, trí tuệ của biết bao thế hệ công nhân, người lao động, các thế hệ lãnh đạo của nông trường Đồng Giao khi ấy và Công ty CP Thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao ngày nay, đã làm nên ngút ngàn màu xanh của dứa. Những thân dứa khỏe mạnh vươn lên từ đất như khẳng định nghị lực và sức bền bỉ của những con người gắn bó với mảnh đất này. Những cánh đồng dứa mênh mông và những cuộc đời đang thênh thang, rộng mở.
Nội dung: Hà Quốc Việt, Ánh Tuyết, Văn Lúa, Lê Quân
Ảnh: DOVECO, Ánh Tuyết, Văn Lúa, Nguyễn Lựu
Trình bày: Biện Diệu
Trở về bài Tổng quan