
Trong trái tim mỗi người dân Việt, vùng đất nơi đầu sóng ngọn gió ngoài biển khơi không chỉ là biểu tượng của chủ quyền quốc gia mà còn là minh chứng cho tinh thần bất khuất, ý chí kiên cường của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử, báo chí cách mạng Việt Nam đã và đang đóng vai trò như ngọn lửa thắp sáng tình yêu nước, khơi dậy lòng tự hào dân tộc và lan tỏa ý thức trách nhiệm bảo vệ chủ quyền biển đảo đến mọi tầng lớp nhân dân.
Ra với biển đảo để thêm yêu Tổ quốc mình
Năm 2025, trong số các đoàn công tác ra thăm và làm việc tại quần đảo Trường Sa, với những người làm báo, đoàn công tác số 25 mang ý nghĩa đặc biệt nhất. Bởi đây là lần đầu tiên có tới 100 lãnh đạo, phóng viên các cơ quan báo chí trên cả nước cùng tham gia một hải trình ý nghĩa do Hội Nhà báo Việt Nam và Bộ Tư lệnh Hải quân phối hợp tổ chức, hướng tới kỷ niệm 100 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam. Nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó Trưởng ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam, chia sẻ: “Khi báo chí cùng đồng hành trên một chuyến tàu, cùng trải nghiệm cuộc sống của những người lính đảo, chắc chắn sẽ có nhiều ý tưởng thú vị, giúp cho công tác tuyên truyền về biển đảo nhiều sáng tạo hơn”.
Lãnh đạo đoàn công tác thăm một gia đình ở đảo Đá Tây A.
Lãnh đạo đoàn công tác thăm một gia đình ở đảo Đá Tây A.
Thành viên đoàn công tác dù lần đầu hay đã từng năm đến sáu lần đi Trường Sa cũng đều có chung cảm xúc hồi hộp, háo hức. Với nhà báo Nguyễn Thành Châu (Báo Nhân Dân), từ lúc nhận thông tin được tham gia chuyến đi, nhiều đêm liền, anh hầu như không ngủ. Khi mới 24 tuổi, anh được tham gia chiến dịch CQ 88 (tên đầy đủ là Chiến dịch Chủ quyền 1988, gồm một chuỗi các hoạt động quân sự trên Biển Đông do Quân chủng Hải quân nhân dân Việt Nam tiến hành từ năm 1978 đến năm 1988 nhằm thiết lập quyền kiểm soát đối với các thực thể địa lý tại quần đảo Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông). Sự kiện lịch sử bi hùng diễn ra vào sáng 14/3/1988, anh cách đảo Gạc Ma không xa. 37 năm trôi qua, giờ anh mới được quay trở lại “chiến trường xưa”. Ký ức ngày tháng cũ trào lên như sóng biển trong trái tim người cựu chiến binh.

“Viết cho con gái” là bài thơ được nhà báo Trần Anh Tú, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Thông tin và Truyền thông sáng tác khi tận mắt chứng kiến những người lính cứng cỏi ứa nước mắt khi nhắc đến bố mẹ, gia đình, rưng rưng khi kể về những đồng đội chưa biết mặt đã ngã xuống hàng chục năm về trước. Bài thơ như lời nhắn nhủ tới những người trẻ Việt Nam hãy sống xứng đáng với những hy sinh, mất mát, thiệt thòi của những người lính đang làm nhiệm vụ trên những hòn đảo xa, hãy đóng góp dù chỉ một phần nhỏ bé cho đất nước nói chung hay Trường Sa nói riêng.
Trở về sau chuyến đi đáng nhớ, dù vẫn còn thấm mệt do bị say sóng, nhà báo Gia Bảo, Phó Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ không khỏi bồi hồi: “Tôi nhớ mãi gương mặt sạm nắng, cương nghị của những chiến sĩ trên đảo chìm Đá Thị, Cô Lin, Len Đao... Phải rất bản lĩnh, kiên cường và đầy nhiệt huyết, mới có thể vượt qua sự khắc nghiệt của thiên nhiên, sự thiếu thốn vật chất, để bám biển bám đảo. Các bạn ấy chính là biểu tượng của tuổi trẻ, sẵn sàng gác lại giấc mơ của đời mình, hy sinh cả thanh xuân cho Tổ quốc”.
Lan tỏa ý thức trách nhiệm
Trong quá trình hình thành và phát triển của báo chí cách mạng Việt Nam, chủ đề biển đảo luôn được các cơ quan báo chí dành sự quan tâm đặc biệt. Câu chuyện của hai nhà báo đầu tiên được ra Trường Sa ngay sau khi vùng đất này hoàn toàn giải phóng là Nguyễn Khắc Xuể và Nguyễn Thắng, phóng viên Báo Quân đội nhân dân, vẫn được nhiều người làm báo nhắc đến.
Nhà báo Thành Châu (Báo Nhân Dân) thăm vườn rau tại đảo Đá Thị.
Nhà báo Thành Châu (Báo Nhân Dân) thăm vườn rau tại đảo Đá Thị.
Cá nhân tôi, cứ ám ảnh mãi với chi tiết bộ đội Trường Sa không sợ thiếu rau, thiếu gạo, thiếu thịt mà chỉ sợ nhất Trường Sa thiếu bóng cờ, trong loạt ký sự 16 kỳ “Sóng gió trên những đảo tiền tiêu” của hai tác giả Nguyễn Thắng và Hà Đình Cẩn đăng tải trên báo Quân đội nhân dân năm 1976. Và mỗi khi ngước nhìn lên lá Quốc kỳ, tôi bỗng thấy lồng ngực mình dường như nghẹn lại...
Những năm gần đây, tình hình Biển Đông có nhiều diễn biến phức tạp, các đối tượng chống phá thường lợi dụng vấn đề chủ quyền để kích động, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Báo chí đã kịp thời đưa tin chính xác, minh bạch về quan điểm, lập trường của Đảng và Nhà nước, khẳng định chủ quyền không thể chối cãi của Việt Nam đối với Hoàng Sa và Trường Sa. Các bài viết phân tích sâu sắc, dựa trên những bằng chứng lịch sử như châu bản triều Nguyễn, bản đồ cổ, hay các văn bản pháp lý quốc tế,… đã góp phần củng cố niềm tin của nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền bằng các giải pháp hòa bình, đúng luật pháp quốc tế.
Thực tiễn cho thấy công tác tuyên truyền về biển đảo không chỉ là nhiệm vụ chính trị của báo chí mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của những người cầm bút, qua đó góp phần khơi lên ngọn lửa của lòng yêu nước. Nhà báo Trần Anh Tú bày tỏ: “Báo chí, truyền thông đã tăng cường nhận thức của công chúng về vấn đề biển đảo, biến nhận thức thành hành động”. Đáng mừng là hiện nay, nhiều cơ quan báo chí đã tăng cường ứng dụng công nghệ số, không ngừng đổi mới về hình thức, nâng cao chất lượng nội dung nói chung và về chủ đề biển đảo nói riêng để đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng của độc giả, nhất là giới trẻ. Tuy nhiên, để công tác tuyên truyền về biển đảo tiếp tục phát huy hiệu quả, cần có những định hướng rõ ràng và cách làm sáng tạo hơn.

Theo nhà báo Trần Anh Tú, báo chí cần có nhiều bài viết sâu sắc, mang tính lý luận về việc bảo vệ chủ quyền biển đảo dựa trên các cứ liệu lịch sử, kiến thức về công pháp quốc tế. Mặt khác cần tăng cường các bài viết bằng tiếng nước ngoài để đến được với đông đảo bạn bè quốc tế. Cơ quan chức năng cũng nên xem xét việc mời thêm nhiều đoàn nhà báo nước ngoài đến thăm các đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam hoặc xây dựng các phim tài liệu, phóng sự về chủ đề liên quan phát sóng trên các phương tiện truyền thông lớn ở nước ngoài như CNN, Netflix… Qua truyền thông, chúng ta có thể nêu bật tính chính nghĩa của Việt Nam, tranh thủ sự ủng hộ của các nước đối với việc bảo vệ chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông.
Tham gia đoàn công tác số 25 năm 2025, nhiều nhà báo đề xuất cần tiếp tục tạo điều kiện để lãnh đạo cũng như phóng viên các cơ quan báo chí được trực tiếp trải nghiệm và tác nghiệp tại Hoàng Sa và Trường Sa, từ đó giúp các báo chí xây dựng, hoạch định công tác tuyên truyền về chủ quyền biển đảo thiết thực, sâu sắc, đạt hiệu quả ngày càng cao. Về phía báo chí, cần chú trọng đẩy mạnh đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, từ bài viết, phóng sự truyền hình, đến các sản phẩm đa phương tiện như video, infographic, hay các chiến dịch trên mạng xã hội, sẽ giúp thông điệp về biển đảo đến gần hơn với nhiều đối tượng độc giả, nhất là trong bối cảnh của thời đại số hóa, từ đó kêu gọi sự chung sức, phát huy tinh thần trách nhiệm của cả cộng đồng góp phần bảo vệ vững chắc chủ quyền biển đảo, xây dựng một Việt Nam mạnh mẽ, giàu đẹp từ biển.
Với một số nhà báo, đây là lần đầu tiên được ra Trường Sa, cảm xúc thật xúc động. Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Mai Đức Thông chia sẻ: "Khi bắt đầu lên canô tiến dần vào phía đảo, tôi vui mừng khôn xiết, ai ai trong đoàn cũng vẫy tay: 'Đảo này là của ta, đảo này là của ta'".
Với một số nhà báo, đây là lần đầu tiên được ra Trường Sa, cảm xúc thật xúc động. Tổng Biên tập Báo Tuyên Quang Mai Đức Thông chia sẻ: "Khi bắt đầu lên canô tiến dần vào phía đảo, tôi vui mừng khôn xiết, ai ai trong đoàn cũng vẫy tay: 'Đảo này là của ta, đảo này là của ta'".
Dẫn đầu Đoàn công tác số 25 tiến vào đảo Đá Thị là nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Dẫn đầu Đoàn công tác số 25 tiến vào đảo Đá Thị là nhà báo Lê Quốc Minh, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Biên tập Báo Nhân Dân, Phó trưởng Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam.
Hình ảnh người lính trẻ rắn rỏi, kiên cường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hình ảnh người lính trẻ rắn rỏi, kiên cường bảo vệ chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Hành trình tiếp theo của Đoàn công tác số 25 là đảo Sinh Tồn, tại đây 100 nhà báo cùng các đại biểu lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ bên cột mốc đảo Sinh Tồn.
Hành trình tiếp theo của Đoàn công tác số 25 là đảo Sinh Tồn, tại đây 100 nhà báo cùng các đại biểu lưu lại khoảnh khắc đáng nhớ bên cột mốc đảo Sinh Tồn.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa.
Lễ tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên quần đảo Trường Sa.
E-Magazine | Nhandan.vn
Nội dung: PHONG ĐIỆP
Ảnh: THÀNH ĐẠT
Trình bày: Vân Thanh