Thách thức đầu tiên mà con người phải đối mặt với trí tuệ nhân tạo là tận dụng, phát triển một cách minh bạch, trách nghiệm và có hiệu quả.
Báo Nhân Dân đã có buổi phỏng vấn ông Phùng Việt Thắng, Giám đốc Kinh doanh, Khối khu vực công và doanh nghiệp lớn của tập đoàn Microsoft về phát triển trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm tại Việt Nam, trong đó có kinh nghiệm từ sự cố Bing AI.
PV: Sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo đã tạo ra một cuộc “cách mạng” trong cách thức làm việc và thói quen sinh hoạt của con người. Theo ông, sức mạnh lớn nhất của trí tuệ nhân tạo nằm ở đâu?
Ông Phùng Việt Thắng: Inception (Kẻ đánh cắp giấc mơ) là một bộ phim khoa học viễn tưởng mà tôi khá thích. Trong bộ phim nhân vật chính có khả năng cấy ghép ý tưởng của một người vào trong tiềm thức của người khác.
Đây là một ví dụ cho thấy, nhờ công nghệ con người có thể biến những điều viễn tưởng thành hiện thực trong tương lai.
Trí tuệ nhân tạo không phải là một khái niệm mới. Cách đây 20 – 30 năm chúng ta đã nói tới trí tuệ nhân tạo. Đây là xu hướng tìm những giải pháp về công nghệ để thay thế cho suy nghĩ của con người.
Thực chất, trí tuệ nhân tạo là khả năng của máy tính bắt chước cách suy nghĩ của con người. Thông qua trí tuệ nhân tạo, máy móc có thể phân tích hình ảnh, hiểu lời nói, tương tác theo cách tự nhiên và đưa ra dự đoán bằng cách sử dụng dữ liệu.
Sức mạnh lớn nhất của trí tuệ nhân tạo nằm ở chỗ trao quyền cho mọi cá nhân và tổ chức để đạt được nhiều thành tựu hơn, bằng cách giải quyết các vấn đề phức tạp, nâng cao năng suất, tạo ra cơ hội mới và cải thiện cuộc sống hàng ngày.
Bên cạnh sức mạnh đó, thách thức đầu tiên mà chúng tôi nghĩ tới là làm sao tận dụng trí tuệ nhân tạo một cách có hiệu quả và có trách nghiệm.
Microsoft coi trí tuệ nhân tạo là một công cụ giúp con người đạt được năng suất và tăng trưởng cao hơn - chứ không tạo ra áp lực cho con người trong công việc. Tuy nhiên, để nhận ra tiềm năng này, chúng ta phải rút ngắn khoảng cách về kỹ năng khoa học máy tính cho các cá nhân và tổ chức.
PV: Đã có thời gian làm việc trực tiếp với các công ty công nghệ trong nước, ông đánh giá thế nào về tiềm lực phát triển trí tuệ nhân tạo của Việt Nam?
Ông Phùng Việt Thắng: Theo quan sát của tôi, Việt Nam không đi sau thế giới về mặt công nghệ về mặt nhận thức. Mặt khác, Việt Nam có rất nhiều thuận lợi trong việc phát triển trí tuệ nhân tạo.
Theo báo cáo "Chỉ số sẵn sàng AI của Chính phủ năm 2022" do Oxford Insights (Anh) công bố, Việt Nam xếp hạng 55/181 toàn cầu và xếp thứ 6/10 trong ASEAN về chỉ số sẵn sàng AI.
Trên thực tế, Việt Nam đang có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển AI. Đầu năm 2021, Việt Nam đã ban hành Chiến lược Quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030. Chiến lược đưa ra mục tiêu đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng, đưa AI trở thành lĩnh vực công nghệ quan trọng của Việt Nam trong cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, góp phần phát triển kinh tế - xã hội.
Đây là tiền đề từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI trong khu vực và trên thế giới.
Với các yếu tố trên, 2023 được kỳ vọng sẽ là năm bùng nổ công nghệ AI tại Việt Nam.
Tuy có nguồn lực dồi dào để tiếp cận với những công nghệ mới nhưng điều kiện ứng dụng vào thực tế lại là một điểm yếu của Việt Nam.
Mặt khác, Việt Nam thường không nắm bắt được các xu hướng công nghệ từ giai đoạn đầu tiên - khoa học cơ bản. Đây không phải là thế mạnh của Việt Nam.
PV: Từ góc nhìn của một chuyên gia, ông cho rằng Việt Nam nên tự phát triển trí tuệ nhân tạo nội địa hay địa phương hoá trí tuệ nhân tạo quốc tế?
Ông Phùng Việt Thắng: Đây là một câu hỏi khó và có thể có nhiều quan điểm khác nhau. Theo tôi, Việt Nam nên cân bằng giữa việc tự phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo nội địa và địa phương hoá công nghệ trí tuệ nhân tạo quốc tế.
Việc phát triển trí tuệ nhân tạo nội địa có thể giúp Việt Nam tận dụng được tiềm năng của nguồn nhân lực, thị trường và văn hoá đặc thù. Tuy nhiên, việc này cũng đòi hỏi nhiều nguồn lực, thời gian và nỗ lực để đạt được kết quả cao.
Việc địa phương hoá trí tuệ nhân tạo quốc tế có thể giúp Việt Nam học hỏi được những kinh nghiệm, công nghệ và tiêu chuẩn quốc tế. Nhưng ngôn ngữ, văn hoá và chính sách có thể là thách thức.
Vì vậy, tôi nghĩ Việt Nam nên kết hợp cả hai hướng để phát triển công nghệ và giải pháp trí tuệ nhân tạo một cách bền vững và hiệu quả.
Vừa qua, VinBrain vừa chính thức ký kết hợp tác với Microsoft nhằm tận dụng nguồn lực của cả hai bên để đẩy mạnh phát triển tiềm năng và nhân rộng toàn cầu nền tảng ứng dụng AI vào chăm sóc y tế, DrAid™. Đây là lần đầu tiên một startup công nghệ Việt đặt trọng tâm hợp tác HealthTech với Microsoft, đánh dấu bước phát triển đột phá trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo của ngành Y tế Việt Nam.
PV: Khi đưa công nghệ trí tuệ nhân tạo vào Việt Nam, Microsoft có lo lắng về sự cạnh tranh của các sản phẩm nội địa không?
Ông Phùng Việt Thắng: Microsoft không cạnh tranh với các sản phẩm nội địa của Việt Nam mà khuyến khích đối tác cùng phát triển
Khi ra mắt một sản phẩm trí tuệ nhân tạo chúng tôi sẽ luôn kèm theo một bộ công cụ để đối tác có thể tự phát triển và địa phương hóa trên nền tảng của Microsoft.
PV: Trong tháng 2 vừa qua, Microsoft đã giới thiệu công cụ tìm kiếm Bing được tích hợp AI. Việc này tạo ra điều khác biệt gì cho người dùng?
Ông Phùng Việt Thắng: Với Bing AI, chúng tôi đã kết hợp tìm kiếm, trình duyệt web và trò chuyện thành một trải nghiệm hợp nhất.
Người dùng sẽ được trải nghiệm những khả năng: tìm kiếm tốt hơn; nhận được các câu trả lời đầy đủ hơn; có khả năng tổng hợp nội dung.
Bing xem xét các kết quả từ khắp nơi trên web để tìm và tóm tắt câu trả lời mà người dùng đang tìm kiếm.
Đối với các tìm kiếm phức tạp hơn, ví dụ như lập kế hoạch hành trình chuyến đi chi tiết hoặc nghiên cứu xem nên mua loại TV nào, Bing mới sẽ cung cấp tính năng trò chuyện tương tác.
Thí dụ: Tôi dùng Bing để lên lịch trình cho một chuyến du lịch bằng đường bộ. Bing sẽ trả lời cho tôi: Đi những con đường nào, điểm tham quan thú vị nào, nơi nghỉ dưỡng nào,… với các liên kết để đặt chỗ.
Nếu tôi chỉ đi 3 ngày Bing sẽ chỉ gợi ý cho tôi 10 điểm thăm quan nhưng tôi đi 10 ngày Binh sẽ gợi ý cho tôi 30 điểm tham quan.Khi người dùng cần nhiều hơn một câu trả lời Bing AI có thể là một nguồn cảm hứng. Bing AI có thể giúp người dùng viết email, chuẩn bị cho cuộc phỏng vấn xin việc, tạo các câu hỏi đố vui cho một buổi tiệc tối.
Điều này giúp người dùng có thể tinh chỉnh việc tìm kiếm cho đến khi nhận được câu trả lời hoàn chỉnh bằng cách hỏi thêm.
Bing không chỉ đưa ra các thông tin thu thập được mà còn tổng hợp, cá nhân hóa các gợi ý cho người dùng.
Bing AI cũng trích dẫn nguồn, do đó người dùng hoàn toàn có thể thấy các liên kết đến nội dung web tham chiếu.
PV: Tuy nhiên một số người dùng cũng phản hồi rằng chất lượng thông tin mà Bing Ai đưa ra không chính xác. Hiện Microsoft đã lên kế hoạch khắc phục vấn đề này như thế nào?
Ông Phùng Việt Thắng: Tôi nghĩ công nghệ nào thì cũng cần có một quá trình để hoàn thiện công nghệ. Bing AI cũng không nằm ngoài quy luật đó. Đặc biệt khi sử dụng trí tuệ nhân tạo, việc chúng ta phải làm là đào tạo.
Khi một công nghệ mới ra đời, kỳ vọng của người dùng thường rất là cao.
Chúng tôi tin rằng đây là một việc bình thường khi một công cụ mới ra đời. Chính trải nghiệm của người dùng sẽ giúp chúng tôi hoàn thiện sản phẩm.
Bởi quá trình thu thập dữ liệu và đào tạo là một tiến trình không ngừng nghỉ chứ không chỉ là một kế hoạch.
PV: Việt Nam giữ vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển trí tuệ nhân tạo của Microsoft, thưa ông?
Ông Phùng Việt Thắng: Chúng tôi triển khai trí tuệ nhân tạo để giúp mọi cá nhân và tổ chức có thể làm việc hiệu quả hơn, từ đó tiếp tục giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của xã hội.
Cách tiếp cận trí tuệ nhân tạo của chúng tôi dựa trên ba nguyên tắc: Đổi mới có ý nghĩa, trao quyền cho mọi cá nhân, tổ chức và có trách nhiệm.
Khi đầu tư phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo, mục tiêu của Microsoft là giải phóng con người khỏi các tác vụ đơn giản để theo đuổi những công việc có tính sáng tạo hơn, tư duy đổi mới hơn.
Microsoft cam kết phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo có trách nhiệm ngay từ khâu thiết kế. Chúng tôi giúp khách hàng triển khai trí tuệ nhân tạo một cách minh bạch, có trách nhiệm, chia sẻ kiến thức và xây dựng quan hệ dựa trên sự tin cậy.
Trí tuệ nhân tạo là một xu hướng không mới nhưng khả năng áp dụng vào thời điểm này là vô cùng lớn, nhất là những nước như Việt Nam - khi chúng ta muốn phát triển nền kinh tế trí thức. Tôi tin rằng, trí tuệ nhân tạo là xu hướng công nghệ đột phá trong thời đại này. Việt Nam cần phải bắt kịp và tận dụng xu hướng này bằng các chính sách và sự khuyến khích cụ thể.