
Miền đất mang biểu tượng
hòa bình
Có một miền đất với nhiều địa danh, dấu mốc sự kiện, câu chuyện đã đi vào suốt dặm dài lịch sử đấu tranh của đất nước, luôn nhắc nhớ chúng ta về tinh thần đại đoàn kết dân tộc và lan tỏa về lòng khoan dung. Miền đất ấy - Quảng Trị, xứng danh là “điểm hẹn” của những nhịp cầu thống nhất non sông, là biểu tượng của khát vọng hòa bình, hướng đến những giá trị tốt đẹp, nhân văn của con người Việt Nam.
NHỮNG ĐIỂM CẦU “THỐNG NHẤT NON SÔNG”

Trong sự nghiệp làm báo, dấu ấn đáng nhớ nhất của tôi là được phối hợp tổ chức sản xuất những cầu truyền hình trực tiếp về đề tài “thống nhất non sông” với các đài truyền hình trên cả nước. Miền đất thiêng Quảng Trị, hơn bất kỳ nơi nào khác, khát vọng thống nhất non sông của dân tộc cháy bỏng suốt những năm dài máu lửa, và có lẽ nơi đây hơn bất kỳ nơi nào, lời kêu gọi của Bác Hồ thật sự thiêng liêng và thôi thúc: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.
Trong một lần tham gia điểm cầu Quảng Trị có hai nhân vật mà một thời tuổi trẻ của họ gắn bó son sắt thủy chung với mảnh đất thiêng này. Ấy là cựu chiến binh (CCB) Nguyễn Xuân Liên ở thành phố Huế, trở lại nơi mình từng công tác, ông mang theo bao ân tình sâu nặng với mảnh đất này: Vợ ông là người con gái của đất Gio Linh “bên nớ” giới tuyến; 3 người con trai của ông sinh ra ở “bên ni” bờ Bắc, đều được ông chọn những địa danh của Vĩnh Linh để đặt tên cho các con của mình, đó là: Nguyễn Xuân Hải (Bến Hải), Nguyễn Xuân Tùng (Cửa Tùng), Nguyễn Xuân Hiền (Hiền Lương).
“Tiếng loa hòa tiếng súng” cũng là vũ khí lợi hại, ngày đó thông qua giọng đọc của nữ phát thanh viên Nguyễn Thị Hồng Nhạn ở Đài Phát thanh Vĩnh Linh, đã có sức lan tỏa rất lớn, không chỉ đem đến cho nhân dân bờ Nam niềm tin vào thắng lợi, mà còn chỉ rõ cho binh lính bên bờ Nam con đường lầm lạc để họ trở về với chính nghĩa, với gia đình. Chị Nguyễn Thị Hồng Nhạn có cô con gái (1959), được đặt tên là Tuyến (giới tuyến).

NHỮNG SỐ 2 ẤN TƯỢNG

Từ bao đời nay, người Quảng Trị đã khá quen thuộc với “cặp đôi” sông núi: Non Mai-Sông Hãn, đó là núi non sông nước, là khí thiêng và là biểu trưng văn hóa của vùng đất Quảng Trị. Đó là những “cặp đôi” luôn xuất hiện trong đời sống xã hội của mảnh đất thiêng này: Hai lần được chọn làm “Kinh đô kháng chiến” (thành Tân Sở vùng Cùa nơi Vua Hàm Nghi ban chiếu Cần Vương - 1885; Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời cộng hòa miền nam Việt Nam - 1973); hai Hiệp định đình chiến gắn với hai dòng sông lịch sử (1954 và 1973 - sông Bến Hải và sông Thạch Hãn); hai chiến dịch lớn của Quân giải phóng (chiến dịch Đường 9 - Khe Sanh; chiến dịch giải phóng Quảng Trị 1972); tỉnh Quảng Trị hai lần được giải phóng (1972 và 1975); Quảng Trị có hai nghĩa trang liệt sĩ cấp quốc gia (nghĩa trang Trường Sơn; nghĩa trang Đường 9); hai đường Quốc lộ đi qua (Quốc lộ 1A và Quốc lộ số 9); hai cửa khẩu quốc tế (Lao Bảo và La Lay); hai lễ hội cách mạng (Lễ hội Thống nhất non sông và Lễ hội Vì Hòa bình)…
Quảng Trị, còn đó những dấu ấn khác biệt với số 2: Nơi một tỉnh chia hai, một huyện chia hai, một xã chia hai, một thôn (làng) chia hai, đến một gia đình cũng chia hai; hai cha con, hai anh em ở hai chiến tuyến. Dẫu vậy, qua năm tháng thời gian, vẫn đọng lại ân tình của những nhịp cầu kết nối, sự hàn gắn và hồi sinh, hướng đến những giá trị tốt đẹp của cuộc sống.
Quảng Trị, còn đó những dấu ấn khác biệt với số 2: Nơi một tỉnh chia hai, một huyện chia hai, một xã chia hai, một thôn (làng) chia hai, đến một gia đình cũng chia hai; hai cha con, hai anh em ở hai chiến tuyến...
Gia đình bà Hồ Thị Bê ở thành phố Đông Hà, trên bàn thờ có 2 khung ảnh để gần nhau: Anh trai là liệt sĩ Phạm Văn Trử thuộc Trung đoàn 95, là đơn vị chủ lực đầu tiên của tỉnh đội Quảng Trị, bên cạnh là di ảnh người em Phạm Văn Tài, trước 1975 là cảnh sát bờ Nam sông Bến Hải. Sau ngày đất nước thống nhất, bạn bè của ông Phạm Văn Tài đều qua Mỹ theo diện HO, riêng ông Tài cương quyết không đi mà ở lại quê nhà, vì ông căm phẫn chế độ miền nam chèn ép gia đình ông đủ điều khi biết gia đình ông có người đi theo cách mạng.
Gia đình ông Nguyễn Đức Duận ở huyện Hải Lăng cũng là thân phận của một gia đình “hai chiến tuyến”, gian chính giữa ngôi nhà 3 gian truyền thống treo 3 tấm bằng Tổ quốc ghi công của bố và 2 người chú ruột, một danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng của bà nội; 2 gian hai bên là 4 Huân chương Kháng chiến của ông bà nội, của ông thân sinh và chú ruột; nay người thờ phụng hương khói cho những người thân đã khuất trong gia đình là ông Nguyễn Đức Duận, trước đây đi lính Việt Nam Cộng hòa. Ông Duận thổ lộ: “Thân phận của gia đình tôi cũng là thân phận của đất nước, bây giờ đất nước đã hòa bình thống nhất rồi, nên chính sách, tinh thần về hóa giải cởi mở hơn, giúp gia đình tôi vơi đi nỗi đau trong quá khứ”.
TỈNH THỨC VÀ HÓA GIẢI


Sự kiện hơn 1.500 binh sĩ Việt Nam Cộng hòa (VNCH) hạ vũ khí đầu hàng để trở về với cách mạng vào ngày 2/4/1972 trong chiến dịch giải phóng Quảng Trị đã gây tiếng vang và gây chấn động trong quân đội VNCH, cũng như trong lịch sử chiến tranh cách mạng của dân tộc.
Đã hơn 50 năm kể từ sự kiện phản chiến, phần lớn những cựu binh ngày ấy sau khi ra miền bắc học tập và rèn luyện, họ được biên chế vào các đơn vị quân giải phóng để tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau ngày đất nước thống nhất, họ lại góp công sức xây dựng quê hương. CCB Trương Kim Quy, sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng ở huyện Triệu Phong; có cha, anh ruột, chú, bác ruột đều tập kết ra miền bắc; người mẹ ở lại quê hương hoạt động cách mạng, bị địch bắt tù đày. Năm 1971 ông đã bị bắt đi lính, tháng 3/1972 ông được bổ sung vào đơn vị pháo binh đóng quân tại cao điểm 241 và có mặt trong đoàn quân phản chiến. Tháng 5/1973, ông Trương Kim Quy được trở về địa phương; tháng 4/1975, ông được lệnh tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và tiếp quản thành phố Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành nhiệm vụ, ông trở về quê hương làm công tác văn hóa thông tin ở huyện Triệu Phong cho đến khi nghỉ hưu.
Trong đội ngũ phản chiến ấy có 2 anh em ruột là CCB Trương Thanh và Trương Nghệ đều cùng lính Trung đoàn 56, họ có cha và vợ chồng chú ruột tập kết ra miền bắc. Khi lớn lên đến tuổi học hành, 3 người con trai được cha mẹ đặt tên là Thanh, Nghệ, Tịnh (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh bây giờ); sau khi chuyển ra Nghệ An học tập, rèn luyện, họ đã được biên chế vào Tỉnh đội Quảng Trị, nay đều là những CCB.
Đối với CCB Lê Quang Gọn, ông luôn tâm niệm: “Hóa giải chính là quá trình tỉnh thức để mang lại sự chuyển hóa trong nhận thức của mình. Từ sau ngày phản chiến, tôi được biên chế vào Tiểu đoàn 8 thuộc Tỉnh đội Quảng Trị, rồi tham gia chiến dịch giải phóng Huế, Đà Nẵng. Sau ngày đất nước thống nhất, trong niềm vui hòa bình và đoàn tụ để xây dựng quê hương, tôi được tham gia 7 kỳ là đại biểu HĐND liên tiếp ở xã Tân Liên, huyện Hướng Hóa anh hùng”.
Nếu không có sự kiện phản chiến của quân đội Việt Nam cộng hòa vào tháng 4/1972, chắc rằng sẽ không có họ hôm nay, nhất là những người con của họ. Chị Phạm Thị Kiều Tiên, con gái đầu của ông Phạm Văn Đính, Trung đoàn trưởng Trung đoàn 56 Việt Nam Cộng hòa, người đã dẫn cả trung đoàn đầu hàng cách mạng, sau hơn 50 năm khi lần đầu tiên đặt chân lên điểm cao 241 năm xưa, bồi hồi xúc động: “Khi đặt chân đến mảnh đất lịch sử này, tôi rất tự hào về ba tôi, khi ở chiến trường ông luôn biết tìm chọn cho mình một lối đi để trở về với cách mạng, được phục vụ cách mạng và được cách mạng bố trí công việc cho ba tôi là gia đình tôi mãn nguyện lắm rồi”.
Anh Nguyễn Văn Sinh, là giáo viên dạy ngữ văn cấp 3 ở tỉnh Bình Phước, có người cha từng là lính thuộc Trung đoàn 56. Anh nhớ mãi hình ảnh cha mình sau ngày giải phóng miền nam, sau lưng đeo ba-lô, đội mũ cối từ Nghệ An vào miền nam, từ đó mẹ và 6 anh chị em được đoàn tụ gia đình, đó là ngày hạnh phúc nhất kể từ sau cuộc chiến chấm dứt. Trong chuyến trở lại thăm điểm cao 241, anh đã thốt lên rằng: “Tôi rất biết ơn ông Phạm Văn Đính đã có một quyết định đúng đắn, nếu không thì tôi nay là đứa con mồ côi từ lâu rồi, cũng nhờ vậy mà nay tôi có người cha để phụng dưỡng”.
Quá khứ đã khép lại, từ miền đất thiêng Quảng Trị, trong những sự kiện và câu chuyện của những người trong cuộc, họ thấm nỗi đau chiến tranh, hiểu hơn về giá trị của độc lập, tự do mà lan tỏa tinh thần về lòng khoan dung, nhân ái; để Quảng Trị luôn xứng danh là miền đất mang biểu tượng hòa bình trong dòng chảy của lịch sử dân tộc.
Nội dung: Trần Đăng Mậu
Trình bày: Thùy Lâm