
MIZA - NƠI HỒI SINH CHO GIẤY
TS. Lê Hải Hưng, ĐBK Hà Nội


Có bao giờ khi nhìn vào một chiếc hộp carton cũ, nhàu nát, bạn tự hỏi: "Liệu nó còn có giá trị gì không?", thì ở Miza, câu trả lời là: "Còn, và còn rất nhiều nữa!"
Giữa thời đại tài nguyên thiên nhiên bị khai thác đến cạn kiệt và rác thải tranh chấp chỗ ở với con người, Miza hiện lên như một minh chứng rằng, sản xuất không cần phải hủy hoại.
Theo thông tin, mỗi năm Miza tái chế khoảng 180.000 tấn giấy loại, tái sinh thành 150.000 tấn giấy bao bì mới sạch sẽ, bền chắc, và thân thiện với môi trường. Cứ mỗi cuộn giấy ấy lăn bánh ra khỏi dây chuyền, là thêm một phần rừng được giữ lại, thêm một góc môi trường bớt đi rác thải.
Ba cơ sở, một tâm nguyện xanh

Câu chuyện của Miza không chỉ nằm ở những con số. Miza là một hệ thống có ba cơ sở cùng mang trong mình một sứ mệnh chung, đó là trao cho giấy một cuộc đời thứ hai:
- Công ty TNHH Miza Nghi Sơn nằm trong khu công nghiệp Nghi Sơn (Thanh Hóa), nhà máy lớn nhất, chuyên tái chế giấy loại thành các cuộn giấy công nghiệp chất lượng cao.
- Công ty cổ phần Miza (địa chỉ xã Nguyên Khê, huyện Đông Anh, Hà Nội), quy mô bằng già nửa Nghi Sơn, nhưng cũng chung sứ mệnh tái sử dụng giấy phế thải.
- Công ty TNHH Mipak (địa bàn ở thành phố Chí Linh, Hải Dương, Công ty thành viên của Miza), nơi hoàn thiện quá trình, biến giấy tái sinh từ Nghi Sơn và Nguyên Khê- Đông Anh thành bao bì, túi giấy, túi xách, những sản phẩm thay thế túi nilon, góp phần giảm thiểu ô nhiễm nhựa.
Bể xử lý lắng sơ cấp công suất 4000 m3/ngày đêm
Bể xử lý lắng sơ cấp công suất 4000 m3/ngày đêm
Ba nhà máy, ba trạm trung chuyển của một hành trình tái sinh, hoạt động liên hoàn như một bản hòa ca về kinh tế tuần hoàn của ngành giấy.
Câu chuyện của hai người và một thế hệ kỹ sư giấy

Phía sau hệ thống Miza là rất nhiều nhân sự từng là sinh viên ngành Giấy của Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội, ngôi trường mơ ước của biết bao thế hệ học trò yêu các lĩnh vực kỹ thuật.
Từ những ngày đầu học về kỹ thuật xeo giấy, ép ướt và hồ giấy bằng tinh bột, họ đã ấp ủ một giấc mơ, đó là mang kiến thức mình học phục vụ cho một ngành công nghiệp sạch, bền vững và nhân văn hơn.
Khu vực tiếp liệu dây chuyền tái chế giấy công suất 120.000 tấn/năm
Khu vực tiếp liệu dây chuyền tái chế giấy công suất 120.000 tấn/năm
Giờ đây, họ không chỉ lãnh đạo các nhà máy, mà còn tụ hội được nhiều bạn bè đồng môn, những kỹ sư ngành Giấy từ các thế hệ Bách Khoa để cùng nhau cho giấy một cuộc đời mới. Họ xứng đáng là những học trò tiêu biểu của Đại học Bách Khoa Hà Nội, không chỉ vì thành công, mà vì cách họ dùng kiến thức để tạo ra giá trị cho xã hội. Chính họ đã mang tiếng thơm của Bách Khoa đi muôn nơi, bằng hành động thiết thực và trách nhiệm với môi trường.
Xanh từ trong lõi sản xuất

Miza không chỉ hồi sinh giấy, họ hồi sinh cả cách sản xuất. Ai cũng biết rằng, giấy là một ngành công nghiệp tiêu thụ nhiều năng lượng mà nhiều nhất là nhiên liệu để tạo hàng ngàn tấn hơi nước nóng cho sản xuất mỗi ngày. Không dùng than, không đốt dầu FO, các nhà máy của Miza đã sử dụng 100% biomass, đó là mùn cưa, trấu, vỏ cây, dăm gỗ, là chất thải của các ngành nông nghiệp và rừng để làm nguồn nhiệt sấy giấy. Dưới góc nhìn của chúng tôi, đây là một lựa chọn thông minh và quan trọng hơn là sự tử tế với môi trường, đó là giảm phát thải khí nhà kính, tận dụng phụ phẩm nông nghiệp, giảm phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch.
Không chỉ thế, trên mái nhà máy Miza Nghi Sơn và Hải Dương, hệ thống điện mặt trời hàng ngày âm thầm sản sinh năng lượng từ nắng, không tiếng động, không ô nhiễm, chỉ có ánh sáng và dòng điện sạch.
Trên mái nhà máy Miza Nghi Sơn và Hải Dương, hệ thống điện mặt trời hàng ngày âm thầm sản sinh năng lượng từ nắng.
Trên mái nhà máy Miza Nghi Sơn và Hải Dương, hệ thống điện mặt trời hàng ngày âm thầm sản sinh năng lượng từ nắng.
Giấy không chết, chỉ chờ ngày tái sinh

Tờ giấy cũ, bị vo tròn vứt vào sọt rác, có thể một ngày nào đó lại hóa thân thành bao bì sạch đẹp, nâng niu sản phẩm, đi khắp mọi miền. Và đằng sau nó là một đội ngũ kỹ sư Việt Nam, lặng lẽ nhưng bền bỉ đang cho giấy một cuộc đời thứ hai, và cho chính ngành giấy một tương lai xanh.
Ngày xuất bản: 17/5/2025
Trình bày: Bảo Minh
